Chương trình quốc gia India Stack không chỉ giải quyết các thách thức lớn mà Chính phủ Ấn Độ gặp phải, đồng thời mở ra cơ hội phát triển của hệ sinh thái kỹ thuật số. Quá trình xây dựng và phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số ở Ấn Độ gợi mở nhiều kinh nghiệm mà các nước đang phát triển như Việt Nam có thể học hỏi.
Đầu năm 2016, Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft đã tới thăm Bengaluru (Ấn Độ). Ông đề nghị được giới thiệu về Aadhaar - chương trình nhận dạng kỹ thuật số sinh trắc học của quốc gia này, vốn nổi tiếng là có quy mô lớn nhất thế giới, với dữ liệu của hơn 1 tỷ công dân. Không chỉ Aadhaar, Bill Gates đã được giới thiệu về India Stack, chương trình quốc gia được mở rộng trên cơ sở của Aadhaar, nhằm tạo ra sự đột phá trong hệ sinh thái kỹ thuật số của Ấn Độ. Nhà tỷ phú hàng đầu thế giới đã thực sự ấn tượng, ông ca ngợi India Stack sẽ là ngọn hải đăng sáng chói của công nghệ để thúc đẩy sự thay đổi, một “sự đột phá” và “có rất ít quốc gia có thể tự hào về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tinh vi như vậy”.
Điều này hoàn toàn chính xác khi mà chỉ một năm sau, India Stack đã trở thành chủ đề nóng nhất trong fintech và là thứ không thể không nhắc đến trong bất kỳ cuộc thảo luận nào về nhận dạng, dữ liệu, sinh trắc học hoặc dịch vụ công.
Thách thức với hệ thống dịch vụ lỗi thời
Ấn Độ hiện là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, với trên 1,3 tỷ người, trong đó 65% dân số sống ở khu vực nông thôn, hầu như không tiếp xúc với các dịch vụ công nghệ, ngân hàng,… Điều này tạo ra thách thức không nhỏ đối với chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, thực phẩm cho toàn bộ công dân của mình. Có thể nói rằng, vấn đề lớn nhất đối với Ấn Độ là tính bao trùm, khi các chính sách từ trước đến giờ gần như chưa bao giờ có thể bao phủ hoàn toàn người dân thuộc mọi thành phần, khu vực và vùng miền khác nhau.
Ngoài ra, hệ thống dịch vụ công của Ấn Độ còn khá lỗi thời. Ví dụ, nếu một người muốn gia hạn giấy phép lái xe, anh ta buộc phải đến chính xác văn phòng quản lý cơ giới mà anh ta đã đến đăng ký bằng lái lúc đầu để gia hạn. Không có lựa chọn nào khác, bất kể anh ta có đang ở xa văn phòng cũ đến đâu. Nguyên nhân là do tương tự như hệ thống hộ khẩu tại Việt Nam, các dịch vụ công của Ấn Độ dựa vào hệ thống danh tính công dân gắn với vị trí cố định. Và vấn đề là hệ thống thông tin này được lưu trữ cục bộ tại từng cơ quan địa phương, gây khó khăn cho việc truy xuất và sử dụng thông tin đó ở các cơ quan, địa phương khác. Vấn đề về tính bao trùm và cát cứ thông tin đã khiến hệ thống dịch vụ công của Ấn Độ gây ra nhiều lãng phí, cả thời gian và tiền bạc, cũng như nảy sinh các vấn đề gian lận và tham nhũng.
Chính phủ Ấn Độ hiểu rằng cần phải thay đổi cách thức hoạt động của toàn bộ hệ thống cung cấp dịch vụ công, hướng đến một hệ thống mới có tính di động, kiểm soát mức độ và nội dung truy cập, có thể chia sẻ và kiểm chứng được khi cần thiết. Giải pháp duy nhất là tích hợp kỹ thuật số và điều này đã dẫn đến sự ra đời của Aadhaar- chương trình nhận dạng kỹ thuật số sinh trắc học, vào năm 2009. Hệ thống xác thực danh tính Aadhaar bao gồm các thông tin cơ bản như tên, địa chỉ, ngày sinh, giới tính, ảnh chân dung và dữ liệu sinh trắc học - dấu vân tay và/hoặc quét mống mắt của mỗi công dân. Mỗi công dân khi đăng ký danh tính thông qua hệ thống Aadhaar sẽ được cung cấp một ID kỹ thuật số duy nhất và vĩnh viễn, gồm 12 chữ số. ID duy nhất này giúp mọi người dễ dàng xác nhận dân dạng mà không cần mang theo tài liệu chứng minh - chỉ cần nhớ 12 chữ số ID và quét vân tay.
Ngày nay, thuế, tài khoản ngân hàng. quỹ hưu trí, học bổng học tập, bảo hiểm nông nghiệp, trợ cấp gas và thực phẩm, giấy phép lái xe, chương trình hỗ trợ tài chính và kết nối điện thoại di động được liên kết với Aadhaar, giúp chính phủ có cái nhìn minh bạch, duy nhất về nhu cầu của người tiêu dùng và cũng giúp xử lý các vấn đề xung quanh hoạt động rửa tiền, tham nhũng và khủng bố. Điều này đảm bảo rằng khi 100USD rời khỏi túi tiền của chính phủ, nó chắc chắn sẽ đến chính xác và nằm đầy đủ trong túi tiền của người thụ hưởng.
Hệ sinh thái kỹ thuật số
Tuy nhiên, Aadhaar chỉ mới là bước đầu tiên trong chiến lược hướng tới một hệ sinh thái kỹ thuật số, kinh tế phi tiền mặt của Ấn Độ. Với nền tảng là Aadhaar, Ấn Độ đã xây dựng chương trình India Stack vào năm 2012, đây là Chương trình Ứng dụng mở (API) lớn nhất thế giới với 4 lớp công nghệ riêng biệt: Lớp Phi hiện diện với công cụ Aadhaar đảm bảo rằng mọi cá nhân có thể cung cấp định danh ở bất kỳ nơi đâu và địa điểm nào cho những người được cho phép – Lớp Phi giấy tờ với công cụ eKYC, eSign và Digital Locker cung cấp các giải pháp nhằm xác minh, xác thực, lưu trữ và truy xuất thông tin – Lớp Phi tiền mặt với các công cụ như UPI (giao diện thanh toán hợp nhất) cho phép thực hiện các giao dịch chuyển tiền trực tiếp lập tức và an toàn mà không cần nhập các thông tin chi tiết – Lớp Đồng ý cho phép người dùng kiểm soát việc chia sẻ dữ liệu cá nhân tới các bên liên quan.
Với cấu trúc “ngăn xếp” như vậy, India Stack đã tạo ra sự thay đổi đáng kể trong cách chính phủ, doanh nghiệp và người dân tương tác với nhau. Mở tài khoản ngân hàng có thể thực hiện ngay lập tức thông qua Aadhaar với quy trình xác minh eKYC. Phê duyệt khoản vay cũng có thể được hoàn thành trực tuyến khi khách hàng cung cấp sự đồng ý để ngân hàng truy cập vào các thông tin, tài liệu cần thiết thông qua Lớp đồng ý và công cụ Digital Locker. Điều này cũng tương tự đối với các bệnh viện, du lịch và khách sạn,… Ngoài ra, các khoản vay, giải ngân, thuế, trợ cấp,… sẽ đến trực tiếp người thụ hưởng thông qua công cụ UPI. Điều này đặc biệt hữu ích đối với những người sống ở nông thôn, vốn vẫn chưa được kết nối với internet, không biết chữ và không sở hữu điện thoại thông minh.
Quan trọng hơn, với bản chất là API, India Stack tạo cơ hội cho các công ty, start-up tận dụng tiềm năng của chương trình để xây dựng các ứng dụng, mô hình kinh doanh mới. Các startup như AuthBridge, AadhaarAPI, FRS Labs,… cung cấp các giải pháp nhận diện tính danh tập trung vào Aadhaar và eKYC. DirectVerify, Checkwala,… cung cấp xác thực tài liệu về nhân viên trong doanh nghiệp,… Trong khi đó, dựa vao UPI, các công ty như CapitalFloat, RangDe, EzCred,… cung cấp các giải pháp cho vay ngang hàng, nhắm nhiều đến đối tượng nông thôn – những người thường gặp khó khăn trong tiếp cận các khoản vay chính thức.
India Stack đã tạo ra bước đột phá trong việc phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số và khởi nghiệp tại Ấn Độ. Câu chuyện thành công của India Stack khẳng định rằng chính phủ cần là bên tiên phong cho sự thay đổi, đồng thời ở trung tâm của sự thay đổi, trước khi hô hào doanh nghiệp và người dân. Đây sẽ là một kinh nghiệm quý giá đối với những quốc gia như Việt Nam, vốn đang hướng tới hệ thống dịch vụ công ngày càng hoàn thiện và một hệ sinh thái khởi nghiệp kỹ thuật số.