Đầu tuần, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam VTV thông tin sẽ ngừng phát sóng tất cả các chương trình Shark Tank liên quan đến chủ tịch công ty Asanzo Lê Văn Tam. Asanzo – một thương hiệu Việt đang rất mạnh, bị phanh phui việc “hồn Chi-na, da hàng Việt”, và đang đứng trên bờ vực của tất cả nguy hiểm.
Không chỉ vì việc xé tem “Made in China” và khai rằng làm tại Việt Nam, mà công ty này còn liên quan đến cáo buộc lập công ty ma, và kiểu gì cũng sẽ bị phát hiện thêm nhiều tội, và lỗi nữa khi mà cơ quan chức năng ra sức “bới lông tìm vết”.
Nhưng rõ ràng, Asanzo gặp vấn đề lớn nhất, là sử dụng câu chuyện “hàng Việt Nam chất lượng cao”, “tự hào hàng Việt”, “đưa công nghệ Việt ra thế giới”, hay đánh vào chủ nghĩa dân túy của người tiêu dùng để bán hàng. Và cái cảm xúc của xã hội thời Facebook này, đủ sức để dìm chết một doanh nghiệp, như đã từng làm với Khaisilk trước đây.
Chuyện làm ăn, thì có thị trường quyết định. Chuyện pháp lý, thì có cơ quan kiểm soát quyết định. Phần còn lại, là những doanh nghiệp khác, hay lớn hơn, là cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, học được gì từ câu chuyện này?
Thứ đầu tiên, có lẽ, là định nghĩa “made in Vietnam”. Asanzo có phải là “made in Vietnam” hay không? Đó là một câu hỏi lớn cần được các cơ quan có trách nhiệm giải đáp một cách thấu đáo. Chẳng hạn, trước đây, khi mặc nhiên xem việc lắp ráp – với 100% linh kiện nhập khẩu – để tạo ra điện thoại Samsung tại Việt Nam, thì đại diện Bộ Công thương khẳng định đó là “made in Vietnam”. “Trong các luật đầu tư, luật doanh nghiệp, các tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam, sản xuất lắp ráp cũng như dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam, bởi người Việt thì được gọi là hàng Việt Nam. Theo đó, Samsung hay bất luận doanh nghiệp FDI nào, hợp tác xã hay công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập hợp pháp ở Việt Nam, sản xuất ở Việt Nam thì là hàng Việt Nam”, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, nói.
Nói vậy, Asanzo là “made in Vietnam” đâu có gì sai?
Samsung cũng ghi trên sản phẩm điện thoại của họ, là “made in Vietnam”. Cũng như điện thoại iPhone của Apple cũng ghi là “made in China”. Với những thương hiệu lớn này, phần sản xuất nên được giao cho những nơi có giá nhân công rẻ, chính sách thuế ưu đãi để tạo việc làm và đặc biệt là các vấn đề liên quan đến môi trường, chế độ đãi ngộ… đều đạt hiệu quả cao. Quan trọng nhất, việc nghiên cứu phát triển, tiếp thị và thương hiệu, tức là những phần có giá trị gia tăng cao nhất, đều thuộc về doanh nghiệp của họ, ở chính quốc gia của họ.
Nói vậy, thì Asanzo sở hữu bao nhiêu bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp trong những sản phẩm mà họ đặt hàng Trung Quốc sản xuất? Hay họ chỉ đơn giản là tạo ra cái thương hiệu và làm phân phối giỏi?
Nhưng có vẻ, lập luận này của Bộ Công thương, là không ổn mấy. Vì những hiệp định thương mại tự do, liên quan đến vấn đề thuế quan, xuất xứ hàng hóa, lại quy định rất cụ thể “bao nhiêu phần trăm sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu trong nước, bao nhiêu phần trăm nhập khẩu nguyên vật liệu, bao nhiêu công đoạn được thực hiện…” tùy theo từng loại sản phẩm khác nhau. Chẳng hạn, điều luật “yarn forward” (tạm dịch: từ sợi trở đi) quy định rất rõ là sản phẩm dệt may nếu muốn ghi là “made in Vietnam” thì sản phẩm phải đi từ sợi, dệt tại Việt Nam, may tại Việt Nam…
Một ví dụ cụ thể của trường hợp này, cũng đang ầm ĩ trong giới doanh nhân mấy ngày gần đây, là việc Công ty tôm Minh Phú Cà Mau bị hải quan Mỹ tuýt còi. Lý do? Họ nhập tôm từ Ấn Độ về Việt Nam, gia công thêm chút, xong đóng dấu “made in Vietnam” vô rồi xuất sang Mỹ. Vì sao vậy? Vì tôm Ấn Độ đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, nên mới “ké” lớp vỏ Việt.
Vậy tiếp theo “chương trình” thương mại Mỹ - Trung, bao nhiêu đồ từ Trung Quốc sẽ “đi ké” lớp vỏ “made in Vietnam” để vào Mỹ? Và bao nhiêu là đủ để Mỹ từ chối luôn cái lợi thế duy nhất còn lại trong xuất khẩu là “made in Vietnam”?
Đó không còn là chuyện của một ông Asanzo làm ăn gian dối nữa. Mà là chuyện của tất cả chúng ta.