“Kiên cường” là từ thường được dùng để chỉ đất nước, con người và cả nền kinh tế Việt Nam. Điều này lại càng được thể hiện rõ nét qua khủng hoảng Covid-19. Cùng với việc giải quyết thành công nguy cơ bùng phát dịch, Việt Nam vẫn ghi nhận GDP sáu tháng đầu năm 2020 tăng trưởng 1,8%, trong khi hầu hết các nơi khác đều sụt giảm.
Theo nhận định của World Bank (WB), sở dĩ có kỳ tích trên là nhờ hai động lực tăng trưởng chính – nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa – bất chấp khó khăn, đã không ngừng được mở rộng trong hai quý đầu năm. Từ tháng Giêng đến giữa tháng Tư, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng đều đặn, trung bình 13%/tháng, trước khi nhu cầu tại các thị trường lớn nhất như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc sụt giảm vì giãn cách xã hội. Từ giữa tháng Tư đến cuối tháng Sáu, kinh tế Việt Nam bắt đầu phục hồi, sản xuất tăng trưởng tới 30% trong điều kiện xuất khẩu giảm. WB dự báo: GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ tăng trưởng khoảng 2,8 – 3% và trở lại mức trước khủng hoảng (6,8%) vào năm 2021.
Tất nhiên, triển vọng này còn tùy thuộc vào sự tích cực của Chính phủ trong việc áp dụng các biện pháp tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn, cùng khả năng của nền kinh tế để tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch thương mại & đầu tư toàn cầu trong trung hạn, nhất là khi Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như EVFTA và CPTPP.
Trong số những biện pháp tức thời, cần sớm nới lỏng hạn chế đi lại, bởi du lịch hiện đang đóng góp tới 10% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam. Tính đến cuối tháng Chín, về cơ bản Việt Nam đã dập xong ổ dịch mới tại thành phố du lịch Đà Nẵng, không ghi nhận thêm ca lẫy nhiễm cộng đồng mới nào trong 27 ngày, và do đó tác động kinh tế cũng không quá nghiêm trọng. Khu vực tư nhân phi chính thức ở Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, … vốn có tiềm năng rất lớn, được dự báo sẽ nhanh chóng phục hồi một khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng (so với khu vực chính thức cần được giải cứu, hỗ trợ).
Tiếp theo là cần áp dụng các biện pháp tài khóa như thúc đẩy giải ngân cho những chương trình đầu tư công (bằng vốn ODA, xã hội hóa, …) đã được phê duyệt, bên cạnh sự hỗ trợ mang tính chiến lược thông qua các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quốc gia. Giữa tháng Tám, Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT) đã tổ chức lễ công bố ra mắt nền tảng chuỗi khối (blockchain) akaChain, nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình hoạt động nhờ ứng dụng thủ tục điện tử, kết hợp với chính sách chấm điểm tín dụng và trải nghiệm khách hàng thân thiết. Ngoài ra, đối với một quốc gia có cơ cấu dân số tương đối trẻ, hoạt động dạy/học trực tuyến hay hướng dẫn thực hành y tế từ xa (telemedicine), ... lại chính là những cơ hội mới được thúc đẩy bởi Covid-19.
Tuy nhiên, báo cáo của WB cũng khuyến cáo một số rủi ro trong ngắn và trung hạn mà Việt Nam phải đối mặt.
Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam đang quá hướng ngoại, phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng xuất khẩu, FDI và kiều hồi. Mặc dù đã tích lũy được một vùng đệm tương đối an toàn trong 05 năm qua (khi Việt Nam lần đầu đạt dữ trự ngoại hối 80 tỷ USD), nhưng cơ cấu công nghiệp của Việt Nam vẫn đang lấy xuất khẩu làm trọng tâm gắn liền với đầu vào nhập khẩu. Vì thế, tăng trưởng xuất khẩu chậm hoặc không tăng thường kéo theo cắt giảm nhập khẩu để không làm ảnh hưởng nghiêm trọng cán cân thương mại, thành thử Việt Nam liên tục đạt thặng dư thương mại trong các tháng của năm 2020. Nghịch lý từ sự thiếu liên kết ngược này có thể sẽ kìm hãm triển vọng tăng trưởng nhanh và bền vững trong dài hạn.
Thứ hai là sức ép khi Việt Nam rất cần tiền để chi tiêu cho các chương trình tài khóa ngắn hạn mà không làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ công – vốn đã lên tới gần 60%, sau được điều chỉnh giảm xuống dưới 55% GDP (theo cách tính mới). Nhưng tỷ lệ nợ công cao, trên thực tế sẽ tạo ra áp lực giúp đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) – đang diễn ra hết sức chậm chạp, và mang lại lợi ích đáng kể về sau.
Thứ ba, mặc dù những biện pháp nới lỏng tiền tệ là cần thiết, song chúng cũng rất dễ làm suy giảm chất lượng của các khoản vay và làm gia tăng lượng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Trong lâu dài, hoạt động quản lý rủi ro sẽ là liều thuốc thử kiểm chứng tính hiệu quả của thiết chế chính phủ.
Nhìn chung, những cải cách mà Việt Nam đang thực hiện để đạt mục tiêu thoát bẫy thu nhập trung bình, bao gồm tái cấu hệ thống trúc ngân hàng và khối DNNN, xây dựng bộ máy công quyền liêm chính, hiệu quả và tăng cường trách nhiệm giải trình, … sẽ không cần phải điều chỉnh nhiều. Nhưng trong một nền kinh tế có độ mở vào loại nhất thế giới (quy mô ngoại thương lớn hơn 2 lần GDP) và ở thời điểm cả thế giới đang bị Covid-19 tàn phá nặng nề, triển vọng phục hồi trong ngắn hạn cần được tiếp sức thêm bởi quyết tâm chính trị nhằm đảm bảo: những cải cách về mặt cấu trúc sẽ tiếp tục kiến tạo động lực tăng trưởng bền vững dài hạn.
Sau cùng, dẫu đã có đôi chút may mắn nhờ xu hướng dịch chuyển thương mại & đầu tư toàn cầu trong ngắn hạn, cũng như trong công tác kiểm soát dịch, thì những chính sách mà Việt Nam đã và đang áp dụng tính đến thời điểm này đều tỏ ra rất hiệu quả; và chúng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trên hành trình đưa đất nước đến với phồn vinh, thịnh vượng.
Phương Hiền
Theo East Asian Forum
Tác giả Suiwah Leung là Phó giáo sư danh dự ngành kinh tế tại Trường Chính sách công Crawford thuộc Đai học Quốc gia Úc (ANU).