Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới hình thành thị trường kinh doanh tín chỉ cácbon trong nước, hội nhập với thị trường quốc tế.

Vấn đề này được các nhà quản lý, hoạch định chính sách nêu tại sự kiện “Những ngày khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ASEAN-EU STI Days 2016” diễn ra tại Hà Nội từ ngày 10-12/5/2016.

Cần đầu tư nhiều trước khi “gặt hái”

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, thời gian qua để nâng cao năng lực, trình độ KH&CN nước nhà, Việt Nam đã tích cực hợp tác với các đối tác nước ngoài - trong đó có ASEAN và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, kết quả vẫn còn nhiều hạn chế.

Tiến sỹ Konstantinos Glinos phát biểu tại ASEAN-EU STI Days 2016 chiều 10/5.Ảnh: AT
Tiến sỹ Konstantinos Glinos phát biểu tại ASEAN-EU STI Days 2016 chiều 10/5.Ảnh: AT

Gợi ý cho Việt Nam, ông Andree Dan - Chủ tịch Diễn đàn hợp tác KH&CN quốc tế thuộc Uỷ ban Đổi mới sáng tạo và nghiên cứu châu Âu - cho rằng: “Để hợp tác hiệu quả hơn với các đối tác châu Âu, trước hết Việt Nam cần ưu tiên đầu tư nghiên cứu đổi mới sáng tạo ở mức độ quốc tế, đồng thời tận dụng mọi cơ hội (như từ Cơ quan Phát triển Thụy Điển) để nâng cao năng lực quốc gia. Các bạn cũng cần thiết lập nhiều mối quan hệ với trường đại học, các viện nghiên cứu trên thế giới. Hiện rất nhiều đại diện của các trường đại học quốc tế có mặt tại Việt Nam. Các bạn cũng cần tổ chức nhiều cuộc đối thoại về các lĩnh vực mình quan tâm. Ủy ban Đổi mới sáng tạo và nghiên cứu châu Âu có thể giúp các bạn tìm đối tác tại châu Âu” - ông Andree Dan nói.

Hiện rào cản lớn trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và châu Âu nói riêng, ASEAN và châu Âu nói chung, theo ông Pierrick Fillon-Ashida - quan chức cấp cao về hợp tác quốc tế chuyên trách khu vực châu Á của Ủy ban châu Âu - là tìm được lĩnh vực hợp tác mà cả hai đều là “người chiến thắng”. Ông cho biết thêm: “Tìm đủ nguồn vốn cho các công trình nghiên cứu về đổi mới, sáng tạo là một vấn đề nan giải. Các bạn cần đầu tư nhiều cho lĩnh vực này trước khi có thể gặt hái được thành quả”.

Đồng quan điểm với ông Adree Dan, ông Pierick Fillon-Ashida cho rằng: “Việt Nam cần tham gia tích cực vào các chương trình hợp tác châu Âu như Horizon 2020. Ngoài ra, chúng tôi có thể tham gia các chương trình phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo mà Chính phủ Việt Nam đưa ra. Các bạn hiện có rất nhiều chương trình khoa học có triển vọng tốt như Most, Nafosted… và chúng tôi muốn khuyến khích các bạn mở rộng các chương trình này cho đối tác châu Âu”.

Nhiều triển vọng hợp tác về đổi mới sáng tạo

Các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong nhiều năm qua đã tích cực hợp tác với đối tác châu Âu trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo. Rất nhiều dự án hợp tác trong khuôn khổ các chương trình khung về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của EU - điển hình như dự án SEA-EU-NET - đã là minh chứng cho điều đó.
Chương trình khung lần thứ bảy (FP7) và Horizon 2020 đã thu hút được trên 200 tổ chức nghiên cứu của Đông Nam Á tham gia các dự án nghiên cứu chung nhằm giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu như bảo vệ môi trường, sức khỏe, an toàn và an ninh lương thực, quản lý nguồn nước, ICT…

Mặc dù vậy, theo nhận định của Thứ trưởng Trần Việt Thanh, “vẫn còn nhiều tiềm năng nghiên cứu cần được khai phá”. Bên cạnh đó, “đổi mới sáng tạo cũng là một lĩnh vực rất có triển vọng hợp tác trong thời gian tới”.

Ông Konstantinos Glinos - Trưởng ban Chiến lược hợp tác quốc tế, Tổng cục Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo, Ủy ban châu Âu - cho biết: “EU cam kết hỗ trợ tối đa nỗ lực tăng cường hợp tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo giữa ASEAN và EU. Tôi hy vọng thông qua hợp tác giữa ASEAN và EU, năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong khu vực ASEAN sẽ được nâng cao, tạo ra sức mạnh cạnh tranh về khoa học, đổi mới sáng tạo cũng như tính hấp dẫn của khu vực đối với các nhà đầu tư”.