Mới đây, 3 cuốn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đều bị Hội đồng Thẩm định sách giáo khoa do Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức đánh giá là “không đạt”. Đây là bộ sách giáo khoa được sử dụng từ 40 năm nay và ở thời điểm hiện tại đang có hơn 920 nghìn học sinh ở gần 50 tỉnh/thành phố theo học.


Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục.
Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục.

Sự kiện sách giáo khoa Công nghệ giáo dục bị loại dẫn đến vô số ý kiến trên báo chí và mạng xã hội.

Điểm chung của các luồng ý kiến, cả tương đồng và trái ngược, là đều chưa đưa ra được những lý lẽ, bằng chứng thuyết phục mà thường xuất phát từ trải nghiệm, hiểu biết phiến diện của cá nhân. Đến lúc này, người ta mới nhận ra sự thiếu vắng của một nghiên cứu toàn diện về nội hàm cũng giá trị thực tiễn của Công nghệ giáo dục.

Không phải chưa từng có ai nghiên cứu về Công nghệ giáo dục. Theo GS Hồ Ngọc Đại, “có rất nhiều người nghiên cứu về công nghệ giáo dục, nhưng chủ yếu là để vận dụng vào thực tiễn”.

Thời gian gần đây, khi tranh luận nổ ra, có 2 đánh giá thường được viện dẫn để khẳng định giá trị của bộ sách nhưng lại chưa đủ sức thuyết phục. Trong đó, một là khảo sát thực hiện năm 2015 bởi Trung tâm Công nghệ giáo dục do chính GS Hồ Ngọc Đại đứng đầu nên khó có thể coi là khảo sát độc lập; và một là nhiệm vụ cấp bộ thực hiện năm 2017 nhưng với số mẫu nhỏ, chưa mang tính thực chứng toàn diện với cả người học và người dạy.

Ít được nghiên cứu - đó là tình trạng chung của nền giáo dục Việt Nam chứ không chỉ riêng đối với một cải cách nổi bật như Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.

Thống kê cho thấy, trong vòng 30 năm qua, chỉ có khoảng hơn 200 bài nghiên cứu về giáo dục Việt Nam được công bố trên các tạp chí quốc tế ISI Web of Science. “Gọi là 30 năm cho tròn, chứ thực ra bài đầu tiên được công bố vào năm 1991. Đó là con số quá ít ỏi, so với các nước lân cận”, theo TS Phạm Hiệp, người đang thực hiện một nghiên cứu về năng lực khoa học giáo dục Việt Nam trên các tạp chí quốc tế.

“Nhìn sang các nước bên cạnh như Malaysia hay Indonesia, con số khác rất nhiều, lên đến hàng nghìn. Các nước này trước khi tiến hành một đổi mới giáo dục nào đó đều có nền tảng vững chắc là các nghiên cứu. Chẳng hạn, khi Malaysia đặt ra mục tiêu trở thành điểm đến mới của sinh viên quốc tế, thì một nhóm các nhà nghiên cứu giáo dục của họ được giao nghiên cứu toàn bộ các vấn đề về giáo dục quốc tế, và tìm hiểu thế giới đã nghiên cứu những gì rồi,” TS Hiệp so sánh. “Ở Indonesia, sau một thời gian có những nỗ lực của các các nhân, đơn vị đơn lẻ trong việc ‘thực tiễn hóa’ toán học, chính phủ nước này đã có những cải cách cơ bản trong việc làm mới chương trình sách giáo khoa môn toán, trong đó các bài toán được lấy từ những tình huống thực tế. Để làm được điều này, chính phủ Indonesia đã dành nhiều công sức nghiên cứu vấn đề toán thực (realistic mathematics).”

Việc hiếm công bố quốc tế trong lĩnh vực giáo dục cũng nằm trong xu hướng chung của nghiên cứu KHXH&NV. Dữ liệu NVSS (Network of Vietnamese Social Sciences - Mạng lưới các nhà nghiên cứu KHXH Việt Nam) do AI Social Data Lab (thuộc Văn phòng Vuong & Associates) phát triển - ghi nhận, tính từ 1/1/2008 đến hết 30/11/2018, có 1.070 tác giả Việt Nam, hợp tác với 1.344 tác giả nước ngoài, công bố 1.937 bài nghiên cứu trên các ấn phẩm quốc tế được Scopus chỉ mục (bao gồm tạp chí, sách và kỷ yếu hội nghị). Như vậy, tổng sản lượng công bố toàn ngành KHXH&NV trong vòng 11 năm chỉ tương đương tổng sản lượng công bố của một chuyên ngành trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên trong vòng 2-3 năm.

Theo thống kê sơ bộ, giáo dục đứng thứ 7 trong số 10 lĩnh vực KHXH&NV có công bố quốc tế thời gian qua, TS Hiệp cho biết.

“Chúng ta có một hệ thống các trường sư phạm và trường nào cũng có đơn vị nghiên cứu giáo dục. Chúng ta cũng có Viện Khoa học giáo dục. Chúng ta có hết, bởi vậy không thể nói nền giáo dục của chúng ta không có nền tảng về nghiên cứu. Nhưng rõ ràng là có khoảng cách nhất định giữa giới nghiên cứu trong nước và thế giới, thể hiện qua con số kết quả nghiên cứu trong vòng 30 năm qua hết sức khiêm tốn.”

Đặc biệt, trong các công bố quốc tế về giáo dục của Việt Nam, số bài liên quan đến giáo dục phổ thông chỉ chiếm khoảng 10%. “Nói về một ngành ‘chạm’ đến hơn 20 triệu con người, cả học sinh lẫn giáo viên, nhưng những nghiên cứu nền tảng được đăng trên tạp chí quốc tế, tạm coi là có chất lượng, chỉ có hơn 20 bài, là con số quá nhỏ”.

Theo TS. Hiệp, tình trạng thiếu các nghiên cứu về giáo dục ở Việt Nam cần được thay đổi, nhất là trong bối cảnh nước ta vừa trải qua giai đoạn bùng nổ chưa từng có tiền lệ về số người ở độ tuổi đi học, dẫn đến đòi hỏi đổi mới giáo dục rất mạnh mẽ từ các phía - xã hội, phụ huynh, người học, người dạy, nhà quản lý… Và nếu giáo dục được nghiên cứu “tử tế” thì biết đâu những tranh cãi, như vụ việc xung quanh bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục, sẽ bớt “um xùm” theo cách khá lãng phí thời gian của tất cả các bên tham gia?