Việt Nam và Vương quốc Anh bắt đầu có một số hoạt động trao đổi và hợp tác nghiên cứu khoa học dưới sự bảo trợ chính thức của hai chính phủ từ cách đây 11 năm - vào năm 2011.

Bài viết này xin chia sẻ một số góc nhìn sơ lược và định tính của cá nhân tôi về mối hợp tác còn non trẻ nhưng rất tiềm năng này, với tư cách là một người theo dõi chương trình từ phía Vương quốc Anh trong gần tám năm qua.

Từ góc độ chính phủ, hợp tác về khoa học và công nghệ không phải là một “ý tưởng bất ngờ” mà nảy sinh trong bối cảnh phát triển quan hệ chính trị, ngoại giao song phương nói chung và sự chín muồi trong điều kiện hạ tầng/nhân lực khoa học ở mỗi nước. Việt Nam và Vương quốc Anh thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong năm 2010, trong đó ghi nhận giáo dục, khoa học và công nghệ là một trong các trụ cột hợp tác.

Bên lề một Hội thảo về hợp tác KHCN giữa Anh và Việt Nam năm 2018, các đại biểu tham quan một số hình ảnh hoạt động của Chương trình Newton Việt Nam.

Vượt qua sự khác biệt

Vào năm 2014, khi Quỹ Newton của Chính phủ Anh vào Việt Nam, đổi mới sáng tạo không còn là một khái niệm xa lạ trong cộng đồng khoa học và hoạt động quản lý; tiêu chuẩn và đánh giá nghiên cứu của Việt Nam đã có những bước đầu tiên tiếp cận thông lệ quốc tế, đội ngũ trí thức được đào tạo ở nước ngoài trở về. Cùng với đó, sự quan tâm và áp lực xã hội đòi hỏi những đóng góp nhiều hơn của ngành khoa học công nghệ đối với sự phát triển đất nước.

Trung bình mỗi năm, phía Anh đã đóng góp gần ba triệu bảng Anh cho chỉ riêng chương trình Newton Việt Nam, dẫn đến tổng cộng hàng trăm suất tài trợ để thúc đẩy hợp tác giữa hơn 100 cơ quan nghiên cứu của Việt Nam với hàng chục tổ chức của Anh. Hơn nữa, nguồn lực từ Quỹ Newton và một quỹ khác là Quỹ GCRF (Quỹ thách thức nghiên cứu toàn cầu) đi vào nhiều lĩnh vực đòi hỏi nguồn đầu tư lớn và đem lại lợi ích cho các nhóm yếu thế như y tế, y tế dự phòng (đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm) và phục hồi môi trường. Nổi bật là dự án sử dụng công nghệ vệ tinh của Anh để cải thiện khả năng dự báo sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết.

Những con số thống kê số lượng đề tài, số lượng bài báo công bố, lượt đào tạo, trao đổi, giá trị kinh phí giải ngân của một chương trình dự án hợp tác thường dễ đo đếm và gây ấn tượng. Tuy nhiên, nó không thực sự quan trọng bằng độ bền vững của một mối quan hệ hợp tác, dù ở cấp cơ quan quản lý hay tổ chức khoa học. Theo góc nhìn của tôi, thành công trong một mối quan hệ hợp tác là hai bên sẵn sàng ngồi lại thảo luận, lắng nghe và hiểu được cách thức làm việc của nhau, mối quan tâm thực sự của mỗi bên, cách cùng nhau vượt qua sự khác biệt, tìm thấy những điều khả thi và sự tin tưởng để tiếp tục đồng hành với nhau trong tương lai. Từ đó mới có thể tạo ra những chương trình hay dự án có ý nghĩa lâu dài.

Chẳng hạn, khi lần đầu tiên các đối tác phía Anh cùng kêu gọi đề xuất với chương trình Nghị định thư của Bộ Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực y tế, chúng tôi nhận thấy cơ chế đặt hàng và xác định nhiệm vụ của phía Việt Nam vốn rất đặc thù và đòi hỏi rất nhiều thời gian. Đến lần thứ hai, hai bên đã thống nhất khởi động vòng tài trợ sớm hơn chín tháng so với thời gian biểu của lần thứ nhất để các đề tài có thể bắt đầu đúng lịch. Hay trong một chương trình khác, do không có cơ chế tổ chức một hội đồng “hỗn hợp” gồm các chuyên gia đến từ Anh và Việt Nam, phía Anh đã chủ động tìm kiếm một chuyên gia độc lập người Việt để tham gia hội đồng đánh giá chung với các chuyên gia của Anh. Bản thân các nhà khoa học Việt Nam trong rất nhiều trường hợp cũng điều chỉnh và thỏa hiệp với những ý tưởng của nhóm nghiên cứu Anh sao cho dung hòa được mong muốn có sản phẩm ứng dụng cụ thể của cơ quan quản lý khoa học ở Việt Nam và yêu cầu có những kết quả mang tính lý thuyết hơn từ phía Anh.

Trong gần tám năm làm chương trình Newton Việt Nam, tôi đã có dịp tiếp xúc và làm việc cùng nhiều cơ quan nhà nước để tìm hiểu thực chất bức tranh khoa học công nghệ của Việt Nam và tìm kiếm cơ hội hợp tác và đồng tài trợ. Thực tế là không phải lúc nào hai bên cũng có thể dễ dàng vượt qua sự khác biệt để đi đến cùng với nhau. Bên cạnh những tương đồng về cơ chế và sự ưu tiên, hai bên còn cần có sự nhiệt tình, thẳng thắn và rõ ràng trong quy trình làm việc. Tôi nhận thấy “cửa ngõ” để hợp tác quốc tế thông qua cơ chế đồng tài trợ rất hẹp, có thể nói chỉ tập trung ở một số rất ít đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ như Quỹ NAFOSTED và chương trình Nghị định thư (thuộc quản lý của Vụ Hợp tác Quốc tế). Các đối tác Anh đã có ba lần đồng kêu gọi đề xuất với chương trình Nghị định thư của Bộ Khoa học và Công nghệ và hai lần đồng kêu gọi với Quỹ NAFOSTED. Trong khi làm việc với Quỹ NAFOSTED nhanh chóng hơn do gần với thông lệ quốc tế hơn thì làm việc với chương trình Nghị định thư có thể huy động nguồn kinh phí nhiều hơn và hỗ trợ những đề tài dễ có khả năng tác động thực tế hơn. Nếu Bộ Khoa học và Công nghệ có phương án kết hợp được ưu điểm của hai cơ chế này thì phía Anh vô cùng hoan nghênh.

Học hỏi từ nhau

Một mối quan hệ hợp tác trở nên có ý nghĩa khi mỗi bên học hỏi được từ bên còn lại để trở nên tốt hơn. Hiện nay, nguồn lực tài trợ cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đang được dồn đáng kể cho các chương trình nghiên cứu hơn là các chương trình bồi dưỡng và phát triển nhân tài – yếu tố thiết yếu để một nền khoa học công nghệ lớn mạnh. Hơn nữa, các cơ chế của nhà nước dành cho những hoạt động đào tạo như vậy vẫn còn rất sơ khai. Đây là điều tôi nghĩ phía Việt Nam có thể học hỏi từ các chương trình hợp tác với Vương Quốc Anh. Chương trình Newton tự hào đã đưa hàng chục nhà khoa học trong các viện nghiên cứu và trường đại học sang Anh đào tạo về tư duy kinh doanh và kỹ năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Chúng tôi cũng đã làm việc với Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo để xây dựng một chương trình đào tạo kỹ năng nghề nghiệp phổ quát cho các nhà khoa học thuộc mọi lĩnh vực (ví dụ kỹ năng viết đề xuất nghiên cứu, kỹ năng viết bài báo, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng quản lý dự án, v.v.). Chương trình Newton hi vọng đây sẽ là những chất xúc tác ban đầu và nguồn tham khảo đáng tin cậy để các cơ quan quản lý của Việt Nam xem xét nội địa hóa.

Mặt khác, phía Anh mong muốn được học hỏi từ phía Việt Nam về các lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên, đặc biệt khi Quỹ Newton là trình hợp tác quốc tế đầu tiên về khoa học và đổi mới sáng tạo của Vương quốc Anh với các nước thu nhập trung bình và thông qua cơ chế ODA và đồng tài trợ. Tuy nhiên, khi so sánh Việt Nam với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á trong quá trình hợp tác với chương trình Newton, tôi nhận thấy cơ quan quản lý của Việt Nam còn dựa vào chủ đề đề xuất của phía Anh thay vì chủ động đưa ra những yêu cầu hợp tác mới mẻ của riêng mình để khai thác thế mạnh của Vương quốc Anh và tìm cách nội địa hóa những xu hướng mới của thế giới trong nhiều lĩnh vực. Việc này khiến chúng ta dễ rơi vào một số chủ đề thông thường, “an toàn” ở cả đề bài và đề tài cuối và không dễ tạo ra sự chú ý sau này.

Việc định hướng tài trợ cho các dự án khoa học công nghệ phục vụ phát triển, với tôi, đó là việc xác định đúng vấn đề ưu tiên, quan trọng; thực hiện nghiên cứu có chất lượng; và đưa kết quả đến đúng người sử dụng. Ở mức độ ứng dụng kết quả nghiên cứu, đặc biệt với những đề tài có khuyến nghị chính sách, tôi nhận thấy có sự khác biệt giữa các Viện Nghiên cứu và các Trường Đại học. Các Viện Nghiên cứu/Trường Đại học chuyên ngành nằm dưới một Bộ chủ quản nào đó (ví dụ Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường) tự thân có nhiều kết nối với các cơ quan nhà nước khác, có nhiều dữ liệu hơn, hiểu nội tình ngành hơn, có “chức năng nhiệm vụ” chính thức liên quan và có thể ứng dụng kết quả nghiên cứu ngay trong chính công việc hàng ngày của họ. Trong khi đó, các Trường Đại học sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều để tăng cường sự hiện diện và thuyết phục các cơ quan nhà nước lắng nghe họ, và có thể cần đến sự hỗ trợ của cơ quan tài trợ nghiên cứu để làm được điều này.

Thực tế cho thấy sự đổi mới sáng tạo cần đến từ chính cách thức vận hành nền khoa học. Trong Bản lộ trình Nghiên cứu và Phát triển (R&D roadmap) được công bố năm 2020, chính phủ Anh đã dành những trang đầu tiên để thẳng thắn và công khai nhìn nhận những điểm yếu trong hệ thống nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của mình, để cải thiện. Vào thời điểm tôi viết bài này, Chính phủ Anh đang thiết kế một Quỹ hợp tác quốc tế mới về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trên cơ sở kế thừa 3 chương trình trước đây, trong đó có Quỹ Newton và Quỹ GCRF. Tôi hi vọng rằng Việt Nam và Vương quốc Anh sẽ cùng tìm ra những cơ hội và phương thức mới để tiếp tục hợp tác hiệu quả trong tương lai.

Dù đã tập trung vào những vấn đề thực tế, chương trình Newton cũng không tránh khỏi nan đề khi phải dung hòa những nghiên cứu hàn lâm có thể phải cần nhiều giai đoạn, nhiều năm và các điều kiện bên ngoài để đi đến ứng dụng trong thực tế và khung thời gian giới hạn của một chương trình phát triển (5-7 năm). Điều này chỉ tái xác nhận tính bất định của quá trình theo đuổi tri thức dù ở bất kì đâu, mà ta phải kiên nhẫn chờ đợi kết quả.

* Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả và không đại diện cho bất kì tổ chức nào.