Một số trường, đặc biệt là những trường ở miền núi, đã nỗ lực thúc đẩy xóa mù lập trình cho học sinh ngay cả khi chưa có nhiệm vụ chính thức và chưa được cấp ngân sách nhà nước.

Trong năm học 2022-2023 tới đây, sẽ có chuyên đề Khoa học máy tính ở môn Tin học của khối lớp 10. Tuy có vẻ rất cấp tiến nhưng do chuyên đề này chỉ mang tính tự chọn nên nguy cơ không được nhiều nơi và nhiều học sinh chọn học rất cao vì muôn vàn lý do. Trong khi, chuyên đề Khoa học máy tính bao gồm một phần dạy lập trình robot với mục tiêu xóa mù lập trình (Coding Literacy) cho học sinh phổ thông, một tiêu chuẩn quan trọng của công dân thời đại số. Quy định chuyên đề Khoa học máy tính là không bắt buộc đối với tất cả học sinh không có gì sai nhưng cần có những giải pháp xóa mù lập trình cho những học sinh không chọn học chuyên đề này.

Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương, việc xóa mù lập trình cho học sinh không quá khó nếu như được hiệu trưởng và nhà trường quan tâm. Trong bài viết dưới đây, tôi muốn kể về một số trường học đã cố gắng thúc đẩy xóa mù lập trình cho học sinh ngay cả khi chưa có nhiệm vụ chính thức và chưa được cấp ngân sách của nhà nước.

Các học sinh trong câu lạc bộ robot của Trường THPT Bình Gia, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, say mê lắp ráp robot VEX IQ do Quỹ “Ươm mầm tài năng” mua tặng bằng ngôn ngữ lập trình Python, tháng 12/2021. Ảnh: BG

Từ vùng trung du…

Cuối năm 2021 có hai sự kiện đáng kể về công nghệ ở tỉnh Phú Thọ. Sự kiện thứ nhất là việc công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát đã đạt công suất thiết kế gần 1 triệu quả trứng gà mỗi ngày nhờ có công nghệ và quy trình sản xuất được tự động hóa rất cao, hạn chế tối đa sự can thiệp của con người. Sự kiện thứ hai là có 4 đội thi đấu robot của các trường trung học đoạt giải cao ở Vòng Chung kết Quốc gia của Cuộc thi Sáng tạo Robotics 2021 do Trung ương Đoàn tổ chức, gồm 2 giải Nhất và 2 giải Nhì.

Có được thành tích như năm qua là do Phú Thọ tiếp cận vào tháng 3/2017 giáo dục STEM từ khá sớm: cách đây 5 năm, tỉnh đã đăng cai tổ chức cuộc thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc. Sự kiện này tạo ra một cú hích lớn trong việc thúc đẩy giáo dục STEM trong toàn tỉnh nhưng các cán bộ quản lý giáo dục và cựu học sinh ở đây vẫn chưa cảm thấy hài lòng vì qua tìm hiểu ở các hội thảo, họ nhận thấy không ít địa phương đã tổ chức thành công các cuộc thi lập trình robot. Năm 2020, công ty TNHH Đầu tư và Phát triển giáo dục Hùng Vương, doanh nghiệp do một cựu học sinh của Phú Thọ làm tổng giám đốc, quyết định tặng luôn 100 hộp robot trị giá khoảng 200 triệu đồng cho 20 trường THPT và 13 Phòng Giáo dục và Đào tạo của tỉnh, trong đó có hai trường THPT và THCS của huyện Lâm Thao vừa đoạt giải Nhất tại Cuộc thi Sáng tạo Robotics kể trên là Trường THPT Long Châu Sa và THCS Lâm Thao.

Học sinh THPT Chất lượng cao Văn Lang, tỉnh Phú Thọ, lắp ráp robot VEX IQ, một trang bị rất hiện đại của Mỹ mà nhà trường đã chủ động mua để trang bị cho phòng lab STEM.
Ảnh: VL

Trong khi khối trường công lập thử sức với các robot do cựu học sinh tài trợ thì ở khối trường dân lập có THPT Chất lượng cao Văn Lang, vừa mới tuyển sinh khóa đầu năm 2021, đã chủ động đầu tư nhiều cho giáo dục STEM theo hướng công nghệ cao. Hiện nay phòng lab STEM của trường do ba giáo viên phụ trách, rộng hơn 100 m2, được trang bị máy in 3D, máy cắt laser CNC, 20 hộp robot và máy thông minh do Học viện Kidscode STEM sản xuất. Đặc biệt ấn tượng là phòng lab STEM này còn được trang bị hai bộ robot VEX rất đắt tiền của Mỹ mà sinh viên nhiều trường đại học cũng chưa có để học lập trình. Ngay trong năm 2021, năm đầu tiên thành lập, ngoài việc đội tuyển gồm sáu học sinh vừa giành giải Nhì trong cuộc thi robotics kể trên, 100% học sinh của trường đã được xóa mù lập trình. Có thể nói, với cách đầu tư bài bản như vậy, việc đội tuyển robot của trường đạt thành tích tốt là điều không gây ngạc nhiên. Cũng không ai ngạc nhiên khi trong năm 2022, các học sinh ham mê lập trình trong đội tuyển sẽ được học ngôn ngữ lập trình Python, một ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất hiện nay ở các trường đại học của Mỹ và thế giới.

Học sinh huyện Lâm Thao say mê học lập trình. Ảnh: LT

Hồi đầu năm 2021, trong một cuộc hội thảo, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ sau khi xem xong video thi đấu robot của học sinh tiểu học và THCS của TP Lào Cai, đã thẳng thắn kết luận “tạm thời thua Lào Cai” và khích lệ các trường trong tỉnh cần học hỏi để làm tốt hơn nữa. Theo kế hoạch chỉ đạo của Sở, tháng 3/2022 sẽ có cuộc thi robot đầu tiên giữa các trường THCS và THPT trong toàn tỉnh Phú Thọ, một sự kiện quan trọng thể hiện quyết tâm đổi mới và chuẩn bị sẵn sàng để đón Chương trình Giáo dục phổ thông với những chuyên đề mới, bao gồm chuyên đề Khoa học máy tính.

...đến miền núi

Tích cực học hỏi các trường ở huyện Bảo Thắng và TP Lào Cai - những địa phương có thành tích tốt về giáo dục STEM của tỉnh, trong năm 2021 vừa qua, huyện Si Ma Cai (một trong số 62 huyện nghèo nhất của cả nước) đã có 8 trường hình thành được câu lạc bộ robot. Chỉ với 2 hộp robot do Liên minh STEM trao tặng cho mỗi trường, huyện Si Ma Cai đã sẵn sàng tổ chức giải thi lập trình robot đầu tiên giữa các trường tiểu học và THCS. Lẽ ra giải đã được tổ chức từ hồi tháng 5/2021 nhưng do Covid nên bị hoãn tính đến nay đã ba lần.

Gần 30 học sinh trong câu lạc bộ STEM Trường THPT Long Châu Sa, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, tham gia học chuyên đề lập trình robot sau khi được một cựu học sinh mua tặng 6 hộp robot vào cuối năm 2020. Ảnh: LCS

Trong năm 2022, Liên minh STEM sẽ tặng thêm 40 robot giáo dục nữa cho Si Ma Cai, như vậy 100% các trường tiểu học và THCS nơi đây đều có thể tổ chức dạy lập trình robot với mục tiêu xóa mù lập trình cho giáo viên và học sinh.

Cũng tương tự Si Ma Cai, nếu như không bị Covid gây trở ngại thì tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức xong cuộc thi robot giữa 30 trường THPT trong tỉnh hôm 14/12/2021. Có thể nói sự nhiệt tình và chuyên nghiệp của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đã khiến cho các cựu học sinh không do dự khi quyết định tài trợ hơn 100 hộp robot cho tất cả 30 trường THPT của tỉnh. Sở đã mời nhóm chuyên gia STEM của Ths Hoàng Vân Đông (ĐH Điện lực và Học viện Kidscode STEM) tập huấn lập trình robot nhiều đợt cho các giáo viên theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Đến nay, các trường THPT trong toàn tỉnh đã có các nhóm học sinh sẵn sàng cho cuộc thi robot được đổi lịch sang đầu năm 2022.

Đội tuyển robotics của trường THPT Long Châu Sa, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, thi đấu xuất sắc và đoạt danh hiệu Vô địch Vòng Chung kết Quốc gia của Cuộc thi Sáng tạo Robotics 2021 được tổ chức online vào ngày ngày 25/12. Ảnh: LCS

Đặc biệt, tại Vòng Chung kết Quốc gia của Cuộc thi Sáng tạo Robotics 2021, Trường THPT Bình Gia của huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, đã cử hai đội đại diện tham dự và đều giành giải Ba, một kết quả rất khích lệ cho một huyện hẻo lánh và khó khăn, cũng nằm trong số 62 huyện nghèo nhất của cả nước giống như huyện Si Ma Cai. Do được các cựu học sinh tặng 12 hộp robot nên Trường THPT Bình Gia đã chủ động thành lập câu lạc bộ robot với 20 học sinh và 100% học sinh của trường được học lập trình thông qua các tiết học ở phòng thực hành máy tính trong giờ học CNTT. Trường THPT Bình Gia còn dùng quỹ “Ươm mầm tài năng” do các nhà hảo tâm và cựu học sinh tài trợ để sắm một bộ robot VEX.

Có thể nói, nhờ năng lực của ban giám hiệu nên câu lạc bộ robot và phòng lab robot của Trường THPT Bình Gia hiện nay được trang bị tốt hơn hẳn đa số các trường THPT ở các thành phố lớn mà nhà nước chưa phải chi ngân sách và việc xóa mù lập trình cho học sinh cũng không phải là nhiệm vụ chính trường được giao. Cần nhấn mạnh là nếu hiệu trưởng và ban giám hiệu mà thờ ơ với STEM thì các cựu học sinh cũng không ai muốn giúp.

Cuối cùng, tôi muốn nói thêm là 100% các trường THPT của tỉnh Cao Bằng cũng đã được các cựu học sinh tặng mỗi trường 2 hộp robot như ở Lạng Sơn.

Học trò huyện Si Ma Cai háo hức lắp ráp robot trong Ngày hội STEM Si Ma Cai lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 1/2021. Ảnh: SMC

Trong giải đấu robot do Trung ương Đoàn tổ chức năm qua, Trường THPT Chuyên Cao Bằng, nơi được gia đình một cựu học sinh tặng 10 hộp robot, đã đoạt giải Nhì. Nhà trường cũng tổ chức thành công cuộc thi lập trình robot từ cuối năm học 2020-2021. Vừa qua, trường lại được chương trình STEAM FOR VIETNAM và Đại học VinUni tặng một bộ robot VEX; một số giáo viên và học sinh của trường đã bắt đầu học ngôn ngữ lập trình Python để lập trình cho robot VEX.

Từ kinh nghiệm phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Lào Cai, trong tháng 1/2022, Liên minh STEM bắt đầu thực hiện kế hoạch “Hỗ trợ phát triển Giáo dục STEM thúc đẩy chuyển đổi số cho các trường THPT Hà Giang”. Một nhà hảo tâm không muốn nêu tên đã nhờ Liên minh STEM mua hộ 180 hộp robot của Học viện Kidscode STEM để tặng cho tất cả 36 trường THPT của Hà Giang, mỗi trường 5 hộp, vừa đủ ở mức tối thiểu để dạy chuyên đề Khoa học máy tính theo quy định Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Theo đánh giá của cá nhân tôi và các chuyên gia STEM, với trang bị tối thiểu này, Hà Giang có thể tổ chức thành công việc xóa mù lập trình cho 100% học sinh và giáo viên ngay trong năm 2022.

Việc xóa mù lập trình là một thách thức lớn trong giáo dục khi thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số do chính phủ đặt ra, nhưng thực tế cho thấy việc này cũng đã có nhiều nơi làm được mặc dù chưa có ngân sách nhà nước và chưa phải là nhiệm vụ chính được giao. Những nơi khó khăn nhất mà vẫn làm tốt xứng đáng được gọi là “vùng cao” về xóa mù lập trình.