Nhằm hạn chế những rủi ro trong hợp tác nghiên cứu với Trung Quốc, ngày 14/7, Đức đã công bố “Chiến lược mới với Trung Quốc” với những nội dung có tính thỏa hiệp một cách tương đối mà vẫn phù hợp với cách tiếp cận chung của EU. Tuy nhiên, giới quan sát chưa rõ chi tiết về cách thức thực hiện chính sách mới của Đức ra sao.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chiến lược mới về Trung Quốc của Đức đã vạch ra kế hoạch rút lại sự hỗ trợ của liên bang đối với các dự án nghiên cứu có nguy cơ “chảy máu chất xám” sang Trung Quốc, cũng như sẽ giúp các học giả Đức nhận thức rõ hơn về các rủi ro an ninh khi hợp tác. Chiến lược mới về Trung Quốc là kết quả của nhiều tháng tranh luận giữa các cơ quan trong Chính phủ Đức. Bản chiến lược cuối cùng là một tài liệu có tính “thỏa hiệp” một cách tương đối, nhằm mục đích “giảm rủi ro” trong liên kết với Trung Quốc mà không quá khác biệt - vẫn có cách tiếp cận phù hợp với cách tiếp cận chung do Ủy ban châu Âu đề ra vào đầu năm nay. Kế hoạch của Ủy ban châu Âu gồm có chính sách mới - có thể mang lại tiềm năng quan trọng cho khoa học và đổi mới sáng tạo, đồng thời một lần nữa cảnh báo các mối quan hệ khoa học với Trung Quốc đã trở nên mất cân bằng (trước đó Ủy ban châu Âu đã lo ngại về vấn đề này).

Giới quan sát cho rằng, có thể nội dung quan trọng nhất là ban hành các “điều khoản để các dự án [nghiên cứu] với Trung Quốc tiềm ẩn khả năng bị chảy máu chất xám sẽ không được hỗ trợ hoặc chỉ được hỗ trợ khi hội tụ đủ điều kiện phù hợp.” Rebecca Arcesati, một chuyên gia về khoa học và đổi mới sáng tạo ở Trung Quốc tại Viện Mercator chuyên Nghiên cứu Trung Quốc cho biết: “Việc hạn chế tài trợ của liên bang với lý do bị đánh cắp tri thức rất quan trọng, nhưng cần phải định nghĩa một cách rõ ràng”.

Bà bình luận thêm, không rõ liệu “sự chảy máu tri thức” chỉ áp dụng cho nghiên cứu có tiềm năng quân sự hoặc có thể sử dụng để giám sát hay không, hay liệu phạm vi sẽ đi xa hơn và bao gồm cả các rủi ro đối với khả năng cạnh tranh kinh tế của Đức. Dù bằng cách nào, có vẻ như chính sách mới sẽ chỉ ảnh hưởng đến nghiên cứu được liên bang tài trợ, chứ không phải vì tất cả các công trình học thuật.

Vẫn đang chờ hướng dẫn chi tiết

Một phát ngôn viên của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang [BMBF] cho biết họ đang xem xét các quy trình nội bộ để giải quyết các nghiên cứu đáng lo ngại, quy trình này cũng sẽ bàn bạc đến các cuộc thảo luận hiện nay về việc thế nào là “đánh cắp tri thức". “Nhưng khi các cuộc thảo luận đang diễn ra, “chúng tôi không thể cung cấp thêm thông tin chi tiết”, người phát ngôn nói.

Bên cạnh dự định sẽ hạn chế tài trợ của liên bang đối với các dự án có dấu hiệu “đánh cắp tri thức”, “Chiến lược với Trung Quốc” của Đức cũng đề cập đến những yếu tố khác gọi là “sự phiến diện bất công trong mối quan hệ nghiên cứu”. “Chính phủ Trung Quốc đang cản trở việc tiếp cận (nghiên cứu) về khu vực dân sự, truyền thông, các tổ chức nghiên cứu và các cơ quan chính phủ ở mức độ lớn hơn bao giờ hết,” bản “Chiến lược với Trung Quốc” ghi. Đồng thời bản chiến lược cũng nói rõ rằng việc thực hiện các nghiên cứu của Đức ở Trung Quốc đang ngày càng bị cản trở bởi “các biện pháp kiểm duyệt và hành chính”.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi chiến lược này của Đức là “phản tác dụng” và nói rằng nó mang hơi hướng “chủ nghĩa bảo hộ”.

Chính phủ Đức cũng muốn Trung Quốc giảm bớt khó khăn khi giới nghiên cứu “tiếp cận các tổ chức nghiên cứu lớn của Trung Quốc”. Khi được yêu cầu làm rõ hơn vấn đề khó tiếp cận nghiên cứu này, một phát ngôn viên của BMBF cho biết, trong những năm gần đây, Trung Quốc tỏ ra “không mấy quan tâm” đến việc tham gia vào các cơ sở hạ tầng nghiên cứu mới do châu Âu dẫn đầu, đặc biệt là những cơ sở có trụ sở tại Đức. Đồng thời, Trung Quốc đang lên kế hoạch cho một số cơ sở nghiên cứu lớn có thể cạnh tranh trực tiếp với các cơ sở của Đức và châu Âu.

Chiến lược này cũng cảnh báo, Trung Quốc thậm chí đang biến nhiều hợp tác với Đức trong nghiên cứu cơ bản để phục vụ cho ngành công nghiệp quốc phòng.

Chiến lược này là biểu hiện đỉnh điểm sau nhiều năm gia tăng lo ngại về hợp tác nghiên cứu của Đức với Trung Quốc. Vào năm 2020, Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học ở Đức đã đưa ra hướng dẫn mới về cách đối phó với Trung Quốc khi các rào cản pháp lý và kiểm duyệt trong nghiên cứu ngày càng gia tăng. Trước đó, một loạt các cuộc điều tra và báo cáo trên truyền thông cũng đã cho thấy, các học giả Đức đã tự do hợp tác về các công nghệ lưỡng dụng, đôi khi với các tổ chức nghiên cứu có liên kết quân sự của Trung Quốc. Và các nhà quản lý Đức ngày càng lo ngại, lý do hợp tác nghiên cứu là một cách mà Bắc Kinh thu thập bí quyết công nghệ của Đức.

Thực ra, ngay cả trước khi công bố chiến lược, một số học giả ở Đức đã bắt đầu ngại hợp tác nghiên cứu với Trung Quốc. Một số nhà nghiên cứu đã bị trì hoãn nghiên cứu do luật mới của Trung Quốc về bảo vệ dữ liệu và an ninh quốc gia, và một số do gánh nặng hành chính mới được bổ sung. Và một số người nói rằng họ ngày càng khó chịu vì bị theo dõi khi làm việc ở Trung Quốc. Trong khi đó, ngược lại, ở Đức – cũng như ở hầu hết các quốc gia EU khác – lại vẫn rất cởi mở trong việc cấp tài trợ nghiên cứu miễn là đóng góp tri thức cho khoa học cơ bản.
Đồng thời, giới quan sát cũng cho rằng luật kiểm soát xuất khẩu của EU đã lỗi thời và thiếu hướng dẫn kỹ lưỡng trong các lĩnh vực nhạy cảm như trí tuệ nhân tạo và công nghệ lượng tử. Tuy nhiên, chiến lược mới của Đức cam kết điều chỉnh danh sách kiểm soát xuất khẩu “trong bối cảnh phát triển công nghệ mới, ví dụ: trong lĩnh vực công nghệ giám sát và an ninh mạng”.

Xu hướng của các nước khác


Trước khi Đức đưa ra bản Chiến lược này, vào ngày 13/7, Anh đã công bố một báo cáo quan trọng về ảnh hưởng của Trung Quốc tại Anh, đặc biệt tập trung vào sự thâm nhập của nước này vào các trường đại học và lĩnh vực công nghệ. “Các tổ chức học thuật của Anh cung cấp nền tảng tri thức phong phú để Trung Quốc đạt được cả ảnh hưởng chính trị và lợi thế kinh tế,” báo cáo viết. Hơn 100.000 sinh viên Trung Quốc ở Anh mang lại cho Trung Quốc tri thức về kinh tế đáng kể.

Ở chiều ngược lại, Ủy ban châu Âu (đang cố gắng thúc đẩy mạng lưới nghiên cứu để thu hẹp khoảng trống trong hiểu biết của châu Âu về một trong những đối trọng lớn nhất của mình. Vào năm ngoái, dự án nghiên cứu “Ứng phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy” nằm trong chương trình nghiên cứu Horizon Europe với số tiền tài trợ 4 triệu Euro để xây dựng nên một mạng lưới chuyên gia được kỳ vọng sẽ bù đắp cho mảng nghiên cứu về Trung Quốc còn yếu, thậm chí bị lãng quên trong nhiều năm.