Triển khai các dự án nghiên cứu chung và học hỏi những lĩnh vực thế mạnh của nhau sẽ là cách thức hiệu quả để Việt Nam và Cuba thúc đẩy mối quan hệ hợp tác về KH&CN trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tại tọa đàm.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tại tọa đàm.

Đó là vấn đề được Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ KH&CN và Môi trường Cuba Elba Rosa Pérez Montoya thảo luận trong tọa đàm cấp Bộ trưởng mới diễn ra vào ngày 26/6/2019. Trong quá khứ, Việt Nam và Cuba đã triển khai nhiều hoạt động trao đổi, đào tạo trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, đặc biệt là hoạt động liên quan đến công nghệ sinh học, lĩnh vực thế mạnh của Cuba.

Trong buổi tọa đàm, bà Elba Rosa Pérez Montoya đã nhận xét: “Chúng tôi coi việc hợp tác với Bộ KH&CN Việt Nam là quan hệ hợp tác chiến lược. Và thật may mắn là chúng tôi đã tìm thấy ở Việt Nam sự chân thành, cơ sở quan trọng để góp phần duy trì tính minh bạch trong trao đổi công việc giữa hai cơ quan chính phủ”. Do đó, bà mong muốn “tiếp tục duy trì, phát triển hơn nữa việc hợp tác với Bộ KH&CN Việt Nam để có thể đi đến một số kết quả cụ thể, mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia”.

Một Cuba mới muốn nâng cao vai trò của khoa học

Thái độ cởi mở và cầu thị của đoàn cán bộ lãnh đạo Bộ KH&CN và Môi trường Cuba trong buổi tọa đàm với Bộ KH&CN Việt Nam cho thấy phần nào hình ảnh của một Cuba không ngừng mở rộng các mối quan hệ hợp tác và sẵn sàng kết nối để thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu qua nhiều kênh khác nhau, không chỉ với những quốc gia thuộc khối chủ nghĩa xã hội trước đây mà còn nhiều quốc gia khác ở châu Âu, châu Á…

So với nhiều quốc gia khác, chính sách phát triển KH&CN của Cuba mang nhiều nét rất đặc biệt, một trong số đó là họ có tinh thần tự lực rất cao. Bài học kinh nghiệm từ việc phải chèo chống trước lệnh cấm vận của Mỹ những năm 1960 và đặc biệt từ những năm 1990, khi đất nước rơi vào khủng hoảng do Liên bang Xô viết tan rã, mất đi nguồn hỗ trợ quý báu về nhiều mặt khiến Cuba phải xác định đúng những định hướng đầu tư cho, đặc biệt phát triển công nghệ sinh học và ứng dụng của nó trong y tế, nông nghiệp. Trong buổi làm việc với TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tại thủ đô Havana vào cuối tháng 3/2018, TS. Angelina Díaz García, Giám đốc Trung tâm Công nghệ ứng dụng và phát triển hạt nhân (Ủy ban Năng lượng hạt nhân và công nghệ tiên tiến Cuba), đã cho biết: “Cuba bị cấm vận nên nhiều thứ [chúng tôi] tự phải làm. Tuy tự lực nhưng chủ trương của Nhà nước Cuba là phải làm ra những sản phẩm có chất lượng cao và đạt tầm quốc tế”. Nhờ vậy, Cuba đã đạt được nhiều thành tựu trong y tế và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận có nền y học tiến bộ với hệ thống y tế tốt nhất thế giới…

Bộ trưởng Bộ KH&CN và Môi trường Cuba Elba Rosa Pérez Montoya tại tọa đàm.
Bộ trưởng Bộ KH&CN và Môi trường Cuba Elba Rosa Pérez Montoya tại tọa đàm.

Những diễn biến mới về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của thế giới khiến Cuba tiếp tục có những điều chỉnh mới về chính sách phát triển. Bộ trưởng Elba Rosa Pérez Montoya cho biết, Cuba cần cập nhật các chính sách, mở rộng sự phát triển của những lĩnh vực khác để tăng cường năng lực sản xuất và bắt kịp với các xu hướng chung trên thế giới. “Chúng tôi đã trình Hội đồng Bộ trưởng Cuba 13 chính sách khuyến khích hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo”, bà nói. Những chính sách mới về KH&CN cũng phản ánh xu thế rộng mở và liên kết giữa nhiều lĩnh vực liên quan, đưa KH&CN trở thành nòng cốt trong nhiều hoạt động quan trọng của đất nước, đó là khuyến khích thành lập và phát triển các doanh nghiệp, đầu tư vào các khu công nghệ cao; nâng cao vai trò của sở hữu trí tuệ; hoàn thiện hệ thống KH&CN và đổi mới sáng tạo; hoàn thiện và đổi mới bộ máy quản lý KH&CN; chú trọng việc xây dựng tiêu chuẩn đo lường chất lượng; đầu tư nghiên cứu sản phẩm biến đổi gene và khuôn khổ quy định về sản phẩm biến đổi gene; tăng cường hợp tác giữa viện trường và doanh nghiệp để thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Việc triển khai các chính sách này được Cuba kỳ vọng sẽ đưa họ tới những thành công mới về nhiều mặt. “Chúng tôi cũng đặt ra các chỉ số để đạt tới, các chỉ số này đều nằm trong chương trình phát triển tổng thể kinh tế xã hội Cuba đến năm 2030, gắn với mục tiêu phát triển bền vững của Cuba”, Bộ trưởng Elba Rosa Pérez Montoya nói.

Vào đầu năm 2019, trên trang granma.cu, bà cũng bày tỏ mong muốn “tăng cường hơn vai trò của khoa học trong xã hội Cuba, cải thiện các phương pháp đánh giá tác động thật sự của khoa học với phát triển kinh tế và tăng trưởng GDP, đồng thời đưa khoa học trở thành một nguồn lực có thể tạo ra nhiều hàng hóa có khả năng cạnh tranh ở thị trường quốc tế và thay thế hàng hóa nhập khẩu”. Đó cũng là ước mơ của cố lãnh đạo Fidel Castro, khi ông phát biểu tại lễ khai trương Trung tâm Y sinh quốc gia ở Santiago de Cuba vào tháng 2/1993: “Một ngày nào đó, khoa học và những sản phẩm của khoa học sẽ chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu nền kinh tế quốc gia… Chúng ta phải phát triển sản phẩm trí tuệ của con người. Chính điều đó định vị vị trí của chúng ta trên bản đồ thế giới”.

Các nhà nghiên cứu vaccine của Trung tâm Miễn dịch học phân tử Havana (Cuba) làm việc với đồng nghiệp ở trường Đại học Western Michigan (Mỹ).
Các nhà nghiên cứu vaccine của Trung tâm Miễn dịch học phân tử Havana (Cuba) làm việc với đồng nghiệp ở trường Đại học Western Michigan (Mỹ).

Sự ủng hộ của chính phủ cũng đem lại thuận lợi cho khoa học phát triển. “Hằng tháng, chúng tôi đều có thể báo cáo trực tiếp với Chủ tịch nước về công việc”, Bộ trưởng Elba Rosa Pérez Montoya cho biết. Chủ tịch nước Cuba đã giao nhiệm vụ cho ngành KH&CN là tập trung vào 11 lĩnh vực như năng lượng, lương thực thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghiệp y dược, du lịch, công nghệ nano, xây dựng… và phát triển các lĩnh vực này trên nền tảng tự động hóa, AI, công nghệ thông tin.

Giống như Việt Nam hiện nay, Cuba đang muốn gia tăng số lượng các doanh nghiệp công nghệ và các khu công nghệ cao. Bộ trưởng Elba Rosa Pérez Montoya nhấn mạnh: “Mục tiêu ưu tiên thứ nhất của chúng tôi là làm thế nào để đưa công nghệ vào thực tiễn sản xuất”. Để làm được điều này, Cuba cần thiết lập các khu công nghệ cao để có thể thực hiện được nhiều nội dung mong muốn như tạo điều kiện phát triển công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, hỗ trợ họ sản xuất và kinh doanh sản phẩm. Do mới bắt đầu trình và ban hành chính sách này nên hiện nay, Cuba vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp công nghệ hay các khu công nghệ cao như Hòa Lạc và TPHCM của Việt Nam. Tất cả mới bắt đầu ở vạch xuất phát và bà Montoya cho biết, sẽ có nhiều cơ sở nghiên cứu và chuyển giao được thành lập: thành lập trung tâm đầu tiên nghiên cứu và sản xuất sản phẩm bằng công nghệ nano; khai trương 3 nhà máy, trong đó có nhà máy liên doanh về công nghệ sinh học; tháng 11 tới khai trương khu công nghệ cao đầu tiên của Cuba.

Mở rộng hợp tác với Việt Nam thông qua các dự án nghiên cứu

Nhìn nhận lại con đường phát triển KH&CN của Cuba, đặc biệt trong việc thực hiện các chính sách phát triển mới, có thể thấy một điều thú vị: những chính sách Cuba đang triển khai để thiết lập đường hướng phát triển KH&CN cũng là cách làm mà Việt Nam đang áp dụng. Từ trong quá khứ cho tới nay, cả Việt Nam và Cuba đều có nhiều đặc điểm tương đồng, bởi vậy theo quan điểm của bà Elba Rosa Pérez Montoya, những bài học kinh nghiệm của Việt Nam có thể sẽ giúp Cuba có thêm căn cứ để ban hành chính sách về KH&CN. “Chúng tôi rất mong các bạn có thể chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm phát triển và quản lý các khu công nghệ cao”, bà Montoya bày tỏ.

Với những kết nối trong quá khứ, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Cuba về nhiều mặt. Tuy nhiên, trước những phát triển của Cuba trong nhiều lĩnh vực, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận định, việc hợp tác giữa hai bên hiện nay sẽ không chỉ dừng lại ở việc Việt Nam hỗ trợ Cuba mà có rất nhiều vấn đề Việt Nam cũng có thể học hỏi Cuba. Việc trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau sẽ là cơ hội để hai bên cùng phát triển. Ông điểm những thế mạnh của hai bên: Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, điện tử viễn thông, ứng dụng năng lượng nguyên tử... còn Cuba lại có thế mạnh về y tế, công nghệ sinh học... Do vậy, tiềm năng hợp tác giữa hai nước rất lớn và trải rộng trên nhiều lĩnh vực và việc tập trung xây dựng các dự án hợp tác trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học, nông nghiệp, công nghệ thông tin... là cơ hội để khai thác thế mạnh về công nghệ của hai nước. Những dự án hợp tác trong thời gian tới sẽ được định hình trên nền tảng này.

Hiện tại, Việt Nam và Cuba đã triển khai một số dự án về vaccine, trong đó có dự án về sản xuất vaccine ho gà vô bào do Công ty TNHH vaccine Pasteur Đà Lạt phối hợp với Viện Nghiên cứu Finlay (Mỹ) và Trung tâm Công nghệ sinh học và công nghệ gene (Bio Cuba Pharma) thực hiện. Kết quả ban đầu của dự án cho thấy, hai bên có thể tiếp tục hợp tác nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm, tiến tới sản xuất trên quy mô công nghiệp. Một dự án khác được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá cao là dự án khôi phục và vận hành máy chiếu xạ giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và Viện Nghiên cứu Công nghệ thực phẩm Havana.

Về chính sách KH&CN, Học viện Khoa học Công nghệ và ĐMST (Bộ KH&CN) và Bộ KHCN và Môi trường Cuba cùng thực hiện đề án nghiên cứu về chính sách KH&CN và ĐMST của hai quốc gia trong bối cảnh mới nhằm “đưa ra những bài học chính sách cho Cuba, đồng thời giúp Việt Nam tìm hiểu trường hợp thành công về chính sách của Cuba trong một số lĩnh vực như công nghệ sinh học, y tế”, theo ông Trần Ngọc Ca (Học viện KH, CN và ĐMST). Bên cạnh đó, để hỗ trợ Cuba trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) và Cơ quan sở hữu Công nghiệp Cuba đã kí kết bản thỏa thuận hợp tác giữa hai bên trong năm 2018-2019 về chia sẻ kinh nghiệm xây dựng các chính sách về sở hữu trí tuệ (SHTT), kinh nghiệm về chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực cho cán bộ cơ quan SHTT, đặc biệt là chú trọng vào những kinh nghiệm thực hành đối với sáng chế về dược phẩm, y tế - các lĩnh vực thế mạnh của Cuba.

Trước những tác động mà các dự án hợp tác này cũng như mở rộng cơ hội có thêm những dự án như vậy trong tương lai, Bộ trưởng Elba Rosa Pérez Montoya hi vọng hai bên sẽ duy trì việc tổ chức tọa đàm cấp Bộ trưởng hai năm một lần để thảo luận và trao đổi các nhiệm vụ. Vào tháng 9/2019, Cuba sẽ chốt danh mục các lĩnh vực hợp tác ưu tiên để chuẩn bị cho cuộc họp vào tháng 11 tới với Việt Nam tại Havana.

Hiện Cuba có hơn 86.400 nhà nghiên cứu và nhân viên kỹ thuật hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, 53% số này là phụ nữ. Trên toàn quốc gia có 220 cơ sở nghiên cứu KH&CN với sự tham gia của 16.000 tiến sỹ. Vào ngày 27/12/2018, TS. José Ramón Saborido, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học, đã loan báo về việc mở một chương trình đào tạo tiến sỹ cấp quốc gia nhằm gia tăng số lượng các nhà nghiên cứu trẻ bởi hiện nay độ tuổi trung bình của các tiến sỹ Cuba là xấp xỉ 40.