Quãng thời gian học trực tuyến vừa qua như một phép thử cho thấy khả năng thích ứng của ngành giáo dục, đồng thời cũng chỉ ra những điểm yếu cần khắc phục nếu muốn hướng đến quá trình chuyển đổi số.

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, để dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, cần phải có sự đầu tư tổng thể và đồng bộ từ nhiều phía nhằm tạo ra một hệ sinh thái học tập toàn diện.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ.

Chị có nhận xét như thế nào về bức tranh dạy học trực tuyến ở Việt Nam trong một năm qua, kể từ khi dịch bệnh bùng phát?

Để nhận xét về tình hình dạy trực tuyến ở Việt Nam, chúng ta có ba thời điểm quan trọng để so sánh: thứ nhất là thời điểm trước khi giãn cách xảy ra – tức là trước tháng 3/2020, thứ hai là khoảng thời gian giãn cách từ tháng 3 đến tháng 5/2020, và thời điểm thứ ba là làn sóng dịch đầu năm 2021 vừa qua.

Trước tháng 3/2020, ngành giáo dục và đào tạo đã triển khai cuộc vận động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học, kéo dài đến hơn 10 năm nhưng gần như chỉ thay đổi rất ít ở diện rộng của toàn ngành. Cuộc vận động lúc này mới tập trung vào những trường, những giáo viên chủ động, những người nhận ra được sức mạnh của CNTT khi ứng dụng vào công việc của mình. Công nghệ lúc ấy chủ yếu đóng vai trò là công cụ phục vụ, giúp việc dạy học trên lớp được tốt hơn.

Với thời điểm giãn cách xã hội đầu tiên xảy ra vào năm 2020, sau khi phối hợp với UNESCO, UNICEF, một số tổ chức trong và ngoài nước để tiến hành các khảo sát, chúng tôi nhận thấy Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trong một thời gian ngắn có thể khởi động được việc dạy học trực tuyến trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là trên phạm vi hàng triệu giáo viên. Các số liệu thu được cho thấy hầu như tất cả địa phương, trường học đều giúp cho giáo viên của họ ứng dụng được các nền tảng trực tuyến vào việc dạy học, từ Microsoft Teams, Zoom, Zalo, Facebook,... hoặc những ứng dụng của VNPT, Viettel.

Học trực tuyến đặt ra những thách thức không nhỏ đối với thầy và trò giữa mùa đại dịch Covid-19.

Thế nhưng, dạy học trực tuyến không chỉ dừng lại ở kỹ năng sử dụng một ứng dụng trực tuyến nào đó vào trong dạy học, mà nó còn đòi hỏi ta phải xây dựng được chương trình, nội dung bài giảng sao cho thực sự phù hợp với công nghệ dạy học đó?

Sức mạnh của dạy học trực tuyến nằm ở hai khái niệm mà các nhà giáo dục học luôn quan tâm, đó là chương trình hóa và phân hóa. Chương trình hóa là một chương trình được phân nhánh, rẽ nhánh để giúp người học tự chủ hơn, họ không cần phải quá phụ thuộc vào sự dẫn dắt của người thầy. Phân hóa tức là các bài học sẽ được viết lại phù hợp với trình độ, năng lực của người học. Phân hóa sẽ dẫn đến cá thể hóa. Và đấy mới là sức mạnh của công nghệ. Nói cách khác, với sự hỗ trợ của công nghệ thì người học có thể tiếp cận được với hai khái niệm đó.

Vừa rồi, chính phủ tuyên bố phải tiến hành chuyển đổi số trong giáo dục và trong các lĩnh vực khác. Các nhà giáo dục kỳ vọng rằng việc chuyển đổi đó sẽ đặt trọng tâm là kỹ năng số cho cả giáo viên và học sinh, đồng thời xây dựng được hệ sinh thái học tập mà nội dung của nó bao gồm cả hai yếu tố chương trình hóa và phân hóa. Điều này đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn, mà người giáo viên với sức của mình thì không thể làm được. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ngắn thì Việt Nam chưa thể có sự đầu tư phù hợp được.

Bẵng đi một quãng thời gian, đến thời điểm làn sóng dịch thứ ba lại kéo đến, chúng ta phải tái khởi động việc dạy học trực tuyến. Trong suốt thời gian qua chúng ta vẫn chưa có sự đầu tư nào đáng kể, thành ra là thời điểm này rốt cục cũng không có gì khác so với thời điểm trước. Chỉ có một sự khác biệt duy nhất, là sự khác về tâm lý, tức là các giáo viên giờ đây đã có kỹ năng để triển khai bài học trực tuyến một cách dễ dàng hơn, thoải mái hơn, nhưng nội dung ruột bên trong của bài giảng thì vẫn là cả một vấn đề.

Trong đợt bùng phát dịch thứ ba, nhiều phụ huynh than phiền nhiều hơn rằng việc học không hiệu quả, thậm chí đơn cử là sự kiện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã quyết định dừng việc dạy online với lớp 1, 2 vì không hiệu quả. Theo chị vì sao lại như vậy?

So với đợt học trực tuyến trước hầu như phụ huynh than phiền vì gặp khó khăn về công cụ, đường truyền thì lần này phụ huynh đã hướng sự kỳ vọng của mình đến chất lượng. Trước đây chúng ta hầu như không có dạy học trực tuyến, giờ chúng ta đã có thể ứng dụng được rồi, thì qua một hai đợt học phụ huynh sẽ mong muốn việc học được thực hiện với chất lượng tốt hơn.

Nhưng chất lượng chưa tốt không phải là lỗi của giáo viên, bởi người giáo viên không thể tự quyết định được điều đó. Tất nhiên là một giáo viên giỏi cả chuyên môn và công nghệ thì có thể viết lại bài học phù hợp hơn với hình thức trực tuyến, nhưng hầu hết giáo viên bình thường sẽ không có đủ năng lực để làm điều đó trong quãng thời ngắn, mặt khác họ không có đủ công cụ lẫn thời gian, vẫn đang phải nỗ lực thích ứng để thực hiện chương trình đến mướt mồ hôi, làm sao họ có thể viết một phần mềm dạy học ngay lập tức được? Việc viết phần mềm dạy học, thay đổi nội dung dạy học theo hướng cá thể hóa đòi hỏi một sự đầu tư đầy đủ và toàn diện.
Bên cạnh vấn đề chất lượng giảng dạy, nhiều phụ huynh còn cho rằng việc sắp xếp thời gian, các hoạt động học trên lớp… đều không hợp lý trong bối cảnh dạy học trực tuyến, chị nghĩ sao về điều này?

Nhiều phụ huynh phản ánh rằng họ không hiểu vì sao các trường vẫn dạy theo phong cách y hệt như khi học trên trường đơn cử như môn học thể dục vẫn bê nguyên si. Tôi cảm thấy các trường đó, giáo viên đó quá chủ quan khi ‘bê’ nguyên hoạt động học như khi còn học trực tiếp trên lớp sang học trực tuyến. Dù nội dung của chương trình yêu cầu cần phải hoàn thành như vậy, ta cũng cần linh hoạt tự hỏi rằng “Mục tiêu của chương trình là gì?”. Mục tiêu của chương trình là sức khỏe của các em, vậy thì phải thay đổi phương pháp sao cho phù hợp với thực tế. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh nam chống đẩy 20 cái, hoặc tập yoga, nhảy dancesport, rồi ghi hình gửi cho mình.

Điều mà tôi muốn nói đến là sự chủ động để tìm ra những hoạt động dạy học tương đương thay vì cứng nhắc với những hoạt động cũ. Hiện nay, phần lớn giáo viên còn rất cứng nhắc khi dạy học trực tuyến.

Về thời gian cũng thế, học 3-4 tiếng liên tục đối với trẻ con là một cực hình. Sau làn sóng Covid-19 thứ nhất, rất nhiều trường đã giảm giờ học xuống, chỉ còn học trong một buổi hoặc 3 tiết một ngày (tương đương 1 tiếng rưỡi). Và đó cũng chính là những cách ứng xử của nhà quản lý và người thực thi nhằm hạn chế những mặt tiêu cực, phát huy những mặt tích cực theo đúng nghĩa của dạy học trực tuyến. Nhà trường buộc phải thay đổi, bởi những lo lắng của phụ huynh là thực tế.

Hiện tại, chúng ta đang làm khá ổn trong việc ‘liệu cơm gắp mắm’, đối phó với các tình hình có thể xảy ra. Nhưng chuyển đổi số là một điều tất yếu, sắp tới đây dạy học online lẫn offline sẽ diễn ra đồng thời, và dạy học online sẽ là phương thức để thực hiện mục tiêu giáo dục.



CẦN PHẢI ĐẦU TƯ ĐỒNG BỘ

Những thay đổi kể trên dù sao vẫn chỉ là thay đổi mang tính thời điểm, theo chị trong tương lai làm thế nào để dạy học trực tuyến thực sự trở thành một giải pháp của giáo dục nhắm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực cho xã hội thay vì chỉ là một giải pháp ứng phó mang tính tạm thời?

Hiện tại, chúng ta đang làm khá ổn trong việc ‘liệu cơm gắp mắm’, đối phó với các tình hình có thể xảy ra. Nhưng chuyển đổi số là một điều tất yếu, sắp tới đây dạy học online lẫn offline sẽ diễn ra đồng thời, và dạy học online sẽ là phương thức để thực hiện mục tiêu giáo dục.

Khi đấy chắc chắn chúng ta phải đầu tư về công nghệ, hạ tầng, nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là sự đầu tư về nội dung bên trong của giáo dục. Thứ nhất, có thể kể đến đầu tư về chương trình, về nội dung số cho việc giáo dục, đây là hai thứ mà hiện nay chúng ta chưa có. Thứ hai, chúng ta phải đầu tư về kỹ năng nghề nghiệp cho người dạy và cả người học, hay còn gọi là kỹ năng số. Kỹ năng số ở đây là khả năng sử dụng, khai thác những thiết bị công nghệ đã được chuẩn hóa.

Tóm lại, tôi cho rằng cần phải đầu tư vào hai việc: đầu tư nội dung số và đầu tư nguồn nhân lực số, các kỹ năng số cho người dạy.

Theo chị, cần lưu ý điều gì trong quá trình đầu tư chuẩn hóa nội dung số?

Chúng ta cần xác định rằng việc học trực tuyến phải giải phóng sức lao động cho con người, và phải tạo cho con người những cơ hội mà việc dạy học trực tiếp không có được – mà cá thể hóa là một ví dụ điển hình. Nếu như ta huấn luyện được máy, nó sẽ sản xuất ra tư liệu học tập, từ đó giảm thiểu rất nhiều công sức của người biên tập nội dung. Các phần mềm hiện nay cũng có thể sản xuất được các nội dung dạy học hấp dẫn và phong phú. Sự phát triển của công nghệ là cơ sở khiến tôi tin rằng chúng ta có thể số hóa hầu hết các nội dung giáo dục.

Từ đó dẫn đến lưu ý đầu tiên, đó là chúng ta phải giữ tâm thế tích cực, tin tưởng rằng số hóa có thể làm được tất cả nội dung cho giáo dục, vì vậy không nên ‘chống trả’ hay có cảm giác tiêu cực trước việc đó. Số hóa sẽ giải phóng cực kỳ nhiều sức lao động và tạo ra rất nhiều cơ hội bình đẳng cho mọi người.

Điểm cần lưu ý thứ hai rất quan trọng, đấy là phải cực kỳ cẩn trọng trong quá trình số hóa. Trên thực tế, quãng thời gian Covid-19 vừa rồi, những nội dung đẩy lên online như một ‘nồi lẩu’ thập cẩm. Lý do thứ nhất là vì những nội dung này không được trau chuốt, nhưng bên cạnh đó còn vì nhận thức của người sản xuất nội dung, họ xem nhẹ tính bản quyền, sở hữu trí tuệ, tính chính xác về mặt khoa học, tính chuẩn mực về mặt sư phạm. Điều này đòi hỏi con người trong kỷ nguyên số phải có một năng lực quan trọng, đó là phải tôn trọng những yếu tố kể trên và thực thi theo một cách nghiêm túc.

Đó là hai điểm quan trọng mà ta cần lưu ý, và điều này đòi hỏi chúng ta phải đầu tư, nhưng là đầu tư lớn chứ không phải đầu tư nhỏ lẻ. Chúng ta vẫn còn thói quen đầu tư nhỏ lẻ và không đồng bộ. Theo kinh nghiệm của tôi, chúng ta có thể thu hút nhiều bên cùng tham gia để tạo ra một hệ sinh thái đa dạng và đầy đủ.

Cảm ơn chị!