Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã thông báo một kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trị giá 325 tỉ USD.
Nếu được Quốc hội thông qua, nó có thể sẽ đem lại một kỷ lục về đầu tư cho R&D phi quân sự lớn nhất từ trước đến nay ở quốc gia này.
Các nhà nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Sandia dùng một mô phỏng máy tính để dự đoán tính chất của hợp kim platinum-vàng. Nguồn: Sandia Labs.
Khi thông báo về kế hoạch của mình, ông Biden cho biết khoản đầu tư cho khoa học và đổi mới sáng tạo được ngắm đích vào những khu vực, nơi Mỹ đang bị Trung Quốc và những quốc gia khác lấn át, như các chất bán dẫn, pin. Ông Biden nói, ông muốn thúc đẩy sáng tạo của Mỹ trên thị trường toàn cầu như công nghệ pin điện, công nghệ sinh học, chip máy tính, năng lượng sạch, nơi sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc.
Trong đề xuất này, Mỹ có thể đầu tư 35 tỉ USD cho các công nghệ sạch, trong đó một phần để mở Cơ quan quản lý các dự án nghiên cứu tiên tiến – khí hậu mới ngoài Bộ Năng lượng; đầu tư 50 tỉ USD cho sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn; dành 40 tỉ USD để nâng cấp các phòng thí nhiệm đang lão hóa; một khoản 50 tỉ USD cho Quỹ Khoa học Mỹ, một phần trong đó sẽ được dùng để tạo ra một hội đồng công nghệ tập trung vào các lĩnh vực như bán dẫn, máy tính tiên tiến, công nghệ truyền thông tiên tiến, công nghệ năng lượng tiên tiến và công nghệ sinh học; 174 triệu USD để thay đổi bộ mặt thị trường xe điện Mỹ; 15 tỉ USD cho các dự án ưu tiên về R&D trong khí hậu như lưu trữ năng lượng, bắt và lưu trữ carbon, công nghệ hạt nhân tiên tiến, công nghệ tách chiết đất hiếm, điện gió nổi ngoài khơi, các sản phẩm nhiên liệu sinh học….
Các nhà nghiên cứu đánh giá cao việc này bởi họ cho rằng việc tập trung vào hỗ trợ công nghệ xanh có ý nghĩa. “Tôi tin rằng dường như để Mỹ và phần còn lại của thế giới sẽ giảm phát thải carbon thông qua các giải pháp công nghệ hơn là việc sử dụng những ‘cây đũa thần’ như thuế carbon tax,” David Besanko, một giáo sư kinh tế tại trường Đại học Northwestern, nhận xét.
“Bơm tiền” cho nghiên cứu để gia tăng cạnh tranh
Trong bài diễn văn, ông Biden nói về sự suy giảm đầu tư cho nghiên cứu ở Mỹ trong 25 năm qua, từ 2% GDP đến 7/10 của 1% GDP như hiện nay. Theo tổ chức OECD, đầu tư cho R&D của chính phủ Mỹ kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008 đã tăng chậm hơn so với trung bình của nhiều quốc gia phát triển khác: Mỹ tăng 5% thì trung bình các quốc gia OECD gần 15% (Đức dưới thời Angela Merkel tăng hơn 50%).
Tuy nhiên ông cũng nói về việc đầu tư vào khoa học của Mỹ đã làm thay đổi thế giới. “Thúc đẩy những kẻ tiên phong để mang lợi ích lớn về đất nước. Khi NASA tạo ra hệ điều khiển bay số hóa của Apollo, nó dẫn đến các công nghệ mà ngày nay giúp chúng ta lái xe và bay trên máy bay. Các bộ vi xử lý máy tính cho phép chúng ta thấy và trò chuyện với người khác, ngay cả khi chúng ta ở cách nhau hàng dãy núi và đại dương – hát “Chúc mừng sinh nhật” và thấy được bước đi đầu tiên của đứa cháu, thoải mái bên nhau khi cần thiết”, ông cho biết thêm.
Kêu gọi các thành viên Đảng Cộng hòa ủng hộ kế hoạch, ông nhắc đến sự trỗi dậy của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh với Mỹ và cho rằng Mỹ không thể thua cuộc. Để làm được điều này, ông muốn tạo ra những môi trường để tăng cường sự hợp tác cho ngành công nghiệp và giới nghiên cứu. Đó là 50 tỉ USD cho nghiên cứu và sản xuất bán dẫn, 14 tỉ USD cho Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia để cho phép viện này “đem các nhà nghiên cứu, cơ quan chính phủ và doanh nghiệp cùng làm việc để tạo ra các công nghệ tiên tiến và các năng lực tới hạn cho sức cạnh tranh tương lai”.
Tổng thống muốn 20 tỷ USD cho Quỹ Tái sinh Cộng đồng (Community Revitalisation Fund) với mục đích phát triển “ít nhất mười trung tâm đổi mới sáng tạo vùng” và 31 tỷ USD trong các chương trình cho phép các doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận tín dụng, vốn đầu tư mạo hiểm và các khoản đầu tư cho R&D khác.
Như trên đã nói là ông Biden muốn dành 174 tỉ USD để chuyển đổi thị trường ô tô điện Mỹ, trong đó kế hoạch của ông là “sẽ cho phép các nhà sản xuất ô tô thúc đẩy chuỗi cung ứng trong nước từ những nguyên liệu thô đến phụ tùng, trang bị lại các nhà máy để tăng cường khả năng cạnh tranh trên toàn cầu và hỗ trợ công nhân Mỹ sản xuất pin và [xe điện]”.
Thị phần bán xe điện cắm xạc của Mỹ chỉ bằng một phần ba so với quy mô thị trường Trung Quốc nên sẽ có các khoản giảm giá cho người mua và thuế ưu đãi cho ô tô điện do Mỹ sản xuất, các chương trình tài trợ cho chính quyền bang và địa phương cũng như khu vực tư nhân để xây dựng mạng lưới quốc gia gồm 500.000 nơi sạc điện cho ô tô điện vào năm 2030.
Đề xuất này cũng nhằm mục tiêu thay thế 50.000 xe chạy dầu diesel và điện khí hóa ít nhất 20% đội xe buýt trường học của quốc gia, đồng thời chuyển đổi đội xe phục vụ các cơ quan của chính phủ thành xe chạy bằng điện và hydro.
Hướng đến “các khu vực chưa được đầu tư”
Biden đề xuất trực tiếp đầu tư cho nghiên cứu ở các cộng đồng nông thôn, cộng đồng da màu, bao gồm việc thành lập một phòng thí nghiệm quốc gia về khí hậu học có liên kết với một trường đại học từng có thời điểm là dành riêng cho người da đen. Việc tập trung vào sự đa dạng của các cộng đồng trong kế hoạch này là bằng chứng thực tế đầu tiên về lời hứa của Biden: đưa khoa học vào khắc phục bất bình đẳng trong lòng xã hội Mỹ. Nó cũng trùng hợp với nỗ lực của EU và Anh khi bắt đầu nhìn nhận một cách cẩn trọng về vai trò của khoa học trong việc “chữa lành” hoặc làm gia tăng những phân chia xã hội.
“Một đặc điểm nổi bật của Kế hoạch việc làm cho người Mỹ là nỗ lực nhằm đa dạng hóa đối tượng tham gia và đối tượng được hưởng lợi ích từ các khoản đầu tư cho khoa học, giáo dục và nghiên cứu của đất nước chúng ta”, Rachel Cleetus, giám đốc chính sách tại Liên minh các nhà khoa học cùng mối quan tâm, cho biết. “Những khoản đầu tư dài hạn và cần thiết này có thể giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng đã tồn tại trong thời gian dài và sự phân biệt đối xử trong tiếp cận nguồn tài trợ khoa học”.
Về chi tiết, Tổng thống Biden kêu gọi dành 40 tỉ USD cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm khắp đất nước, bao gồm hệ thống phòng ốc, năng lực máy tính, các mạng lưới thông tin, internet, điện… Một nửa số kinh phí đó – vốn được phân bổ thông qua các cơ quan quản lý R&D của liên bang – vốn có thể góp phần làm đảo ngược tình hình của các trường chuyên phục vụ cộng đồng thiểu số, trong đó có hơn 100 trường đại học và cao đẳng từng có thời kỳ chỉ dành cho người da đen.
Theo một báo cáo tóm tắt của Nhà trắng, “những bất bình đẳng tồn tại dai dẳng trong khả năng tiếp cận những đồng đô la R&D và tiếp cận những nghề nghiệp trong các ngành công nghiệp mang tính đổi mới sáng tạo đã làm cho nền kinh tế Mỹ không đạt được đầy đủ tiềm năng của mình”. Một nửa nghề nghiệp trong các lĩnh vực tăng trưởng cao, lương cao ở Mỹ chỉ tập trung vào 41 địa phương.
Do đó, khoảng 30 tỷ USD trong kế hoạch của Biden là “nguồn tài trợ bổ sung cho R&D thúc đẩy đổi mới và tạo việc làm, bao gồm cả ở các vùng nông thôn”.
Nguồn: sciencebusiness.net