Tại Đức, nếu Hiệp hội Max Planck là đầu tàu nghiên cứu cơ bản thì Hội Fraunhofer là nơi lan tỏa và thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và phát triển các dịch vụ khoa học khắp châu Âu.

Viện Thiết kế các hệ thống cơ khí Fraunhofer (IEM) tại Paderborn, Đức, nơi tập trung vào lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật hệ thống, các giải pháp thực tại số và chuyển đổi số. Nguồn: gosee.us
Viện Thiết kế các hệ thống cơ khí Fraunhofer (IEM) tại Paderborn, Đức, nơi tập trung vào lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật hệ thống, các giải pháp thực tại số và chuyển đổi số. Nguồn: gosee.us

Được thành lập từ năm 1949, đến nay sau hơn 70 năm, Fraunhofer- Gesellschaft (FhG) đã trở thành một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận lớn nhất châu Âu. Trên trang web của mình, Fraunhofer tự hào cho biết, hiện tổ chức này điều hành 74 viện nghiên cứu và tổ chức khác với khoảng 28.000 thành viên là các nhà khoa học và kỹ sư chất lượng cao. Mỗi năm Fraunhofer nhận được một khoản ngân sách đầu tư 2,8 tỉ euro, trong đó 2,3 tỉ được rót vào các hợp tác nghiên cứu và 70% số đó được phân bổ từ những hợp tác với ngành công nghiệp và các dự án nghiên cứu công; 30 % còn lại từ chính phủ và chính quyền bang theo hình thức đầu tư cơ bản với tỷ lệ 9:1. Chính việc đầu tư một cách linh hoạt và có định hướng như vậy cho phép Fraunhofer đủ khả năng hoạt động để tìm ra giải pháp cho các vấn đề có tiềm năng trở thành vấn đề quan trọng của ngành công nghiệp cũng như xã hội trong một tương lai không xa. Đó là lý do vì sao mà tổ chức này đã chọn tên nhà nghiên cứu, nhà phát minh và doanh nhân Đức Joseph von Fraunhofer (1787–1826) làm tên gọi của mình.

Có một sứ mệnh rõ ràng như vậy, Fraunhofer trở thành đầu mối quan trọng kết nối lĩnh vực công và giới công nghiệp trong những lĩnh vực quan trọng của đất nước như y tế, an ninh, truyền thông, năng lượng và môi trường. Để tạo điều kiện tốt nhất cho Fraunhofer hoạt động, về mặt quản trị, Chính phủ Đức đã để tổ chức này được hưởng quyền tự chủ cao trong quản lý, điều hành. Trong suốt quá trình hoạt động của mình, không khi nào Fraunhofer của chính phủ can thiệp trong việc ra quyết định lựa chọn các dự án nghiên cứu. Mặt khác, việc đánh giá hiệu quả hoạt động của họ cũng dựa trên cơ sở đóng góp chung vào nền kinh tế Đức chứ không dựa vào từng dự án một. Về thực chất, chính phủ vẫn nắm một mức thẩm quyền nhất định trong vấn đề lựa chọn chủ tịch Fraunhofer nhưng vẫn ở mức độ thấp hơn với những viện quan trọng của những quốc gia khác, vì chủ yếu vẫn dựa vào sự bầu chọn của các thành viên hội đồng từ ngành công nghiệp và khoa học.

Mô hình phát triển theo cách này của Fraunhofer đã được hình thành một cách rõ nét từ năm 1973. Việc chính phủ chỉ chấp nhận cấp 1/3 ngân sách R&D cho họ, chủ yếu cho nghiên cứu ban đầu, là muốn Fraunhofer phải năng động để có thể đi tìm nguồn tài trợ cho 2/3 kinh phí còn lại từ ngành công nghiệp, châu Âu hoặc chính các khoản đầu tư khác của chính phủ theo phương thức cạnh tranh. Đó chính là một tiêu chí hết sức nghiêm ngặt trong đánh giá hiệu quả của các viện R&D của Chính phủ Đức. Trên thực tế thì bản thân Fraunhofer đã khuyến khích các viện nghiên cứu trong mạng lưới của mình mở rộng hợp tác với ngành công nghiệp thông qua việc cung cấp kinh phí đầu tư ban đầu cho những ai có thể thu hút được những nguồn đầu tư từ bên ngoài. Do đó, mối liên hệ giữa Fraunhofer, giữa các viện “con” của họ với giới học thuật và giới công nghiệp đều rất bền chặt. Cả hội đồng quản trị của Fraunhofer và hội đồng chuyên gia tư vấn của mỗi viện nghiên cứu trong mạng lưới quản lý của Fraunhofer cũng đều bao gồm các thành viên của hai thế giới tưởng chừng cách biệt này.

Viện Thiết kế các hệ thống cơ khí Fraunhofer (IEM) tại Paderborn, Đức, nơi tập trung vào lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật hệ thống, các giải pháp thực tại số và chuyển đổi số. Nguồn: gosee.us
Viện Thiết kế các hệ thống cơ khí Fraunhofer (IEM) tại Paderborn, Đức, nơi tập trung vào lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật hệ thống, các giải pháp thực tại số và chuyển đổi số. Nguồn: gosee.us

Vậy điều gì làm nên sự gắn kết bền chặt đó? Điều cốt lõi nhất của việc hình thành sự tương tác giữa ngành công nghiệp và giới học thuật chính là việc cùng thực hiện các dự án nghiên cứu chung về công nghệ. Nó đảm bảo cho việc các dự án nghiên cứu ở Fraunhofer tương thích với những nhu cầu của giới công nghiệp. Có một chi tiết rất quan trọng về sự gắn kết với ngành công nghiệp của Fraunhofer, đó là một nửa các hợp tác nghiên cứu của họ đến từ các công ty lớn. Tuy nhiên, để đảm bảo một hệ sinh thái đa dạng của ngành công nghiệp Đức và tận dụng sự năng động của “phần còn lại”, họ nhận một nửa kinh phí đầu tư từ các doanh nghiêp vừa và nhỏ. Các công ty hình thành từ nền tảng công nghệ là kết quả nghiên cứu của các viện trường chỉ chiếm phần nhỏ, mặc dù số lượng các công ty này ở Đức không nhỏ.

Đi sâu vào tìm hiểu hoạt động hợp tác đầu tư với ngành công nghiệp và giới học thuật của Fraunhofer mới bật ra nhiều điều thú vị. Các kênh kết nối “không chính thức” thực ra đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác. Ở đây, phương thức tương tác “không chính thức” chính là sự linh hoạt của các nhà nghiên cứu Fraunhofer với ngành công nghiệp. Được khuyến khích triển khai với dụng ý tạo sự gắn kết liền mạch một cách rõ ràng, khoảng 60% các nhà nghiên cứu của Fraunhofer sẽ có thời gian làm việc hưởng lương của viện trong khoảng thời gian cố định là từ ba đến năm năm. Sau đó, họ sẽ phải tìm kiếm các công việc trong ngành công nghiệp. Công việc của Fraunhofer lúc này sẽ là quản lý cơ sở dữ liệu các “cựu nghiên cứu viên” của mình. Rất nhiều người trong số họ vẫn giữ mối quan hệ bền chặt với Fraunhofer và đem lại hợp tác giữa Fraunhofer với các công ty mà họ đang làm việc. Để tạo điều kiện cho các “cựu thành viên” ở các viện “con” có được mối quan hệ tốt với những công ty địa phương, Fraunhofer thực hiện ý tưởng bố trí các viện theo sự phát triển công nghiệp và trường đại học ở từng vùng địa lý, ví dụ Viện Nghiên cứu Các hệ tích hợp và Công nghệ thiết bị Fraunhofer (IISB) được thành lập vào năm 1985, tập trung vào nghiên cứu và phát triển ứng dụng trong lĩnh vực vi điện tử và điện tử nano, điện tử công suất và cơ điện tử. Nó được xây dựng tại Erlangen, trong khuôn viên trường Đại học Erlangen, nơi có liên kết với Fraunhofer về lĩnh vực Thiết bị điện tử và phòng thí nghiệm R&D của công ty Siemens. Tương tự, Viện Nghiên cứu Kỹ thuật sản xuất và tự động hóa Fraunhofer (IPA) thành lập năm 1959 triển khai nghiên cứu về các vấn đề tổ chức và công nghệ trong môi trường sản xuất của các ngành công nghiệp tiên tiến, trong đó có tự động hóa. Viện nghiên cứu này đặt cạnh trường Đại học Stuttgart và các bộ phận R&D của những công ty hàng đầu ngành ô tô Đức…

Những ví dụ tiêu biểu này còn phản ánh một quyết tâm của Fraunhofer, đó là giữ vai trò trung gian giữa các trường đại học và viện nghiên cứu. Phần lớn các viện “con” của họ đều được đặt vào vị trí thuộc khuôn viên một trường đại học công nghệ và giám đốc của những viện nghiên cứu đó cũng đều là những giáo sư, nhiều người trong số họ là giáo sư của trường còn một số khác thuộc ngành công nghiệp (trong trường hợp này, sau khi trở thành giám đốc của một viện “con”, họ có thể được bổ nhiệm vào chức danh giáo sư trường đại học). Các sinh viên của trường cũng có thể gắn kết với các viện nghiên cứu đặc biệt này với tư cách nghiên cứu viên hoặc trợ lý, và hoàn toàn có thể tiếp tục theo học bằng thạc sĩ, tiến sĩ với viện trong vai trò các trợ lý nghiên cứu. Sau khi hoàn thành những chương trình học như vậy, họ cũng sẽ được phép tiếp tục công việc mình theo đuổi tại viện trong vòng ba đến năm năm rồi rời viện để làm việc trong ngành công nghiệp.

Khi mọi việc vẫn đang diễn ra một cách thuận lợi nhưng Fraunhofer còn tính đến nước đi xa hơn. Gần đây, Fraunhofer đã cố gắng sử dụng phần kinh phí “để dành” của mình để đầu tư vào các nghiên cứu phục vụ cho những mục tiêu dài hạn và những mục đích mang tính chiến lược cho tương lai mà không bị phụ thuộc vào giới công nghiệp. Một phần của việc tiến hành nghiên cứu theo dạng này là vì họ muốn duy trì năng lực khoa học và thu hút được các nhà nghiên cứu giỏi. Tuy nhiên tất cả mới bắt đầu và những việc mới được tiến hành này còn ở quy mô nhỏ. Họ cũng gặp một số khó khăn nhất định khi triển khai hướng này vì phần lớn những nghiên cứu cơ bản đều do tổ chức Max Plank thực hiện, mặt khác nó phản ánh sự phân công lao động giữa các tổ chức nghiên cứu công nghệ và các tổ chức nghiên cứu cơ bản đã hình thành một cách rõ ràng ở Đức.

Cũng phải nói thêm rằng, mạng lưới kiến thức hiện tại đã trở nên toàn cầu hóa hơn, Fraunhofer đã có những chi nhánh của mình đặt tại nhiều quốc gia tiên tiến về công nghệ như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc để có thể “chộp” lấy những đơn vị xuất sắc ở nước ngoài như các công ty, trường đại học, tổ chức nghiên cứu công nghệ.