Đại học Paris-Saclay đã giành được thứ hạng cao trên bảng xếp hạng quốc tế, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu đây có phải là một mô hình thành công hay không.

Cao nguyên Saclay trong nhiều thập kỷ qua vốn là nơi tập trung đông đúc các phòng nghiên cứu công và tư. Ảnh: AltiClic/EPA Paris-Saclay
Cao nguyên Saclay trong nhiều thập kỷ qua vốn là nơi tập trung đông đúc các phòng nghiên cứu công và tư. Ảnh: AltiClic/EPA Paris-Saclay

Trải qua một thập kỷ thai nghén, Đại học Paris-Saclay, chính thức thành lập vào năm nay, đã trở thành một trong những trường đại học nghiên cứu lớn nhất châu Âu. Gã khổng lồ này – thành quả từ tầm nhìn 10 năm trước của cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy – đã hợp nhất 14 viện nghiên cứu. Với 5,3 tỷ euro (6,3 tỷ USD) do nhà nước tài trợ, ngôi trường này được kỳ vọng sẽ trở thành một trường đại học khoa học hàng đầu, chiếm giữ thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế – điều mà Pháp từ lâu vẫn chưa thể làm được.

Bất chấp những khó khăn và tranh cãi xoay quanh mô hình này, dự án hiện đã đạt được ít nhất một mục tiêu đề ra: vào tháng tám, Đại học Paris-Saclay đứng thứ mười bốn trong bảng xếp hạng top 20 trường đại học hàng đầu thế giới của Đại học Giao thông Thượng Hải. Lần đầu tiên có một trường đại học của Pháp xuất hiện trong danh sách này, và đặc biệt nó còn giành được thứ hạng cao khi xét đến lĩnh vực toán học.

Thúc đẩy nghiên cứu liên ngành

Các nhà lãnh đạo giờ đây đã hạ thấp mục tiêu về thứ hạng. Nhiều người trong cộng đồng nghiên cứu cũng không còn xem đó là một ước mơ phải thực hiện bằng mọi giá – các nhà phê bình cho rằng chúng đã làm sai lệch đi mục tiêu của những trường đại học, cũng như không thể nắm bắt được các giá trị cốt lõi của viện nghiên cứu. “Thứ hạng là kết quả của chiến lược mà chúng ta đã đề ra, chứ không phải là hồi kết cho chính nó”, Sylvie Retailleau, Hiệu trưởng trường Đại học Paris-Saclay, cho biết.

Thay vào đó, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục đại học Pháp Frédérique Vidal, trọng tâm ở đây là thúc đẩy giáo dục đại học và hoạt động nghiên cứu của nước Pháp trên toàn cầu. Một số nhà nghiên cứu cho rằng Saclay đang đi đúng hướng trên hành trình đạt được các mục tiêu còn lại của mình. David Price, trưởng bộ phận chiến lược nghiên cứu tại Đại học Cao đẳng London (UCL), cho biết: “Khối lượng tới hạn (Critical Mass) – thời điểm mà một cơ sở đang phát triển có thể tự duy trì và không còn cần đầu tư bổ sung để tiếp tục hoạt động – là một yếu tố quan trọng, và Đại học Paris-Saclay đã đạt đến điểm đó. Dù biết vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu nó có thành công hay không, nhưng tôi biết chắc rằng nó sẽ thành công”.


Ngôi trường tọa lạc xung quanh cao nguyên Saclay, vốn là nơi tập trung của một số phòng thí nghiệm lớn. Các nhà quản lý mong muốn có thể thúc đẩy một trung tâm đổi mới sáng tạo tương tự như Thung lũng Silicon ở California, và biết đâu một ngày nào đó nơi đây sẽ tạo ra một phiên bản Google của nước Pháp.


Saclay có kết cấu khá phức tạp. Nỗ lực thuyết phục 20 cơ sở nghiên cứu – bao gồm các trường đại học lớn và các cơ sở giáo dục đại học tiên tiến – sáp nhập thành một khối duy nhất đã thất bại. Thay vào đó, những cơ sở này sáp nhập và chia thành hai khối, và giờ đây chúng ta có Đại học Paris-Saclay và Học viện Bách khoa Paris - với năm trường cao đẳng kỹ thuật. “Tôi rất tiếc vì vụ sáp nhập đã không xảy ra, nhưng tôi vẫn vui vì chúng ta vẫn có phương án khác để tiếp tục thực hiện mục tiêu của mình”, Retailleau nói.

Kết quả là một công viên khoa học (science park) và một ngôi trường đại học cung cấp các chương trình đào tạo ở nhiều cấp độ đã ra đời. Nó có hơn 300 phòng thí nghiệm và thiết bị nghiên cứu tiên tiến, chẳng hạn như máy gia tốc synchrotron SOLEIL. Khoảng 100 công ty và 6 tổ chức nghiên cứu công của Pháp, bao gồm cả cơ quan nghiên cứu quốc gia CNRS, đều có mặt ở đó. Sự kết hợp này – giữa trường đại học với các cơ sở nghiên cứu quốc gia – sẽ mang lại những tác động lớn, Price cho biết. Số nghiên cứu diễn ra tại công viên khoa học chiếm khoảng 15% nghiên cứu công và tư của Pháp. Có khoảng 30.000 người đang làm việc và học tập tại Saclay, con số này dự kiến sẽ tăng lên thành 80.000 vào năm 2030.

Điều này cho thấy “các trường đại học, viện nghiên cứu và trường kỹ thuật có thể phối hợp cùng nhau một cách hiệu quả”, Antoine Petit, giám đốc điều hành của CNRS, nhận định. “Chúng ta đã thúc đẩy sự phối hợp liên ngành giữa các ngành khoa học tự nhiên, và chúng ta có thể làm điều tương tự đối với các ngành khoa học xã hội và nhân văn”.

Phòng thí nghiệm khổng lồ

Công viên khoa học có những phòng thí nghiệm lớn trải dài trên nhiều lĩnh vực, hỗ trợ cho các nghiên cứu cơ bản. “Chúng tạo ra một nguồn năng lượng, kích thích các nhà khoa học hăng say làm việc và trao đổi với nhau. Có khoảng 10% các nhà nghiên cứu và nhân viên của CNRS hiện đang làm việc tại Saclay” – Petit cho biết. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu vẫn đặt ra câu hỏi: liệu quy mô lớn có phải là chìa khóa để tạo ra những nghiên cứu khoa học chất lượng?

Đầu năm nay, phòng thí nghiệm Vật lý mang tên Irène-Joliot Curie ra đời – là kết quả của sự hợp nhất năm phòng thí nghiệm lớn. Tại đây, các nhà khoa học nghiên cứu bảy lĩnh vực vật lý, từ vũ trụ học đến vật lý môi trường. Louis Fayard, giám đốc nghiên cứu vật lý hạt của phòng thí nghiệm, và trước đây cũng là người đứng đầu một trong những phòng thí nghiệm được sáp nhập – Phòng thí nghiệm Máy gia tốc tuyến tính (LAL) ở Orsay (Pháp) – đã phản đối động thái này, ông cho rằng việc hợp nhất chẳng mang lại nhiều lợi ích về mặt khoa học, nếu không muốn nói là có thể ảnh hưởng tiêu cực đến họ.

Mặc dù Fayard thừa nhận rằng đại dịch coronavirus là một trong những lý do chính khiến phòng thí nghiệm lâm vào cảnh khó khăn vào giai đoạn đầu, nhưng bên cạnh đó, ông nhận thấy phòng thí nghiệm không có dự án khoa học tổng thể. “Tôi e là các nhà khoa học ở đây sẽ phải làm việc chăm chỉ để không rơi vào cảnh ‘xôi hỏng bỏng không’ – quá lớn để đạt được hiệu quả (như trường hợp của Phòng thí nghiệm Máy gia tốc tuyến tính sau khi sáp nhập), nhưng lại không đủ lớn để tự mình đầu tư vào những cơ sở hạ tầng nghiên cứu chính”.

Nhưng Oliver Brüning, một nhà vật lý hạt tại CERN, phòng thí nghiệm vật lý hạt của châu Âu gần Geneva, Thụy Sĩ, người đã dành thời gian làm việc tại LAL, lại cho rằng phòng thí nghiệm mới có sức nặng và tầm ảnh hưởng lớn hơn so với LAL trước đây – khi hoạt động riêng lẻ.

Phòng thí nghiệm lớn thứ hai của Saclay, Viện Sinh học Tích hợp Tế bào (I2BC), bao gồm năm lĩnh vực: sinh học cấu trúc, tế bào và bộ gene. Hơn 700 người thuộc những cơ quan nghiên cứu quốc gia và các trường đại học đều làm việc tại đó. Giám đốc Frédéric Boccard cho biết còn quá sớm để đánh giá liệu Paris-Saclay có phải là mô hình nghiên cứu thành công hay không. “Nhưng nó đầy hứa hẹn”. Boccard cho biết thêm rằng việc sở hữu một lượng lớn thiết bị công nghệ đồng nghĩa với việc phòng thí nghiệm sẽ thu hút được những cộng tác viên từ khắp nước Pháp và nhiều quốc gia khác, bao gồm cả Đức, Mỹ và Nga.

Giờ đây, một thách thức mà ngôi trường này cần phải đối mặt đó là phải duy trì được các khoản đầu tư và cải thiện điều kiện giao thông, chính vì vậy các nhà quản lý đã lên kế hoạch hoàn thành một tuyến tàu điện ngầm trị giá 2,9 tỷ euro từ sân bay Orly vào năm 2027. Những người ở đây có đủ tài năng và năng lực quản lý để thành công, Claude Chappert, giám đốc nghiên cứu của CNRS và là một trong những người lên kế hoạch xây dựng Paris-Saclay cho biết. “Điều mà tôi lo lắng là ngôi trường này sẽ không có đủ tiền để duy trì đà phát triển”.