Vừa qua, Hội đồng Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ kiểm tra lại chính sách phân loại các nghiên cứu "mật" có kể từ thời Chiến tranh Lạnh, và dành nhiều sự chú ý đến những vấn đề liên quan tới Trung Quốc.

Còn cộng đồng học thuật Hoa Kỳ đang hướng tới một nỗ lực để thuyết phục các nhà hoạch định chính sách công khai các nghiên cứu cơ bản do chính phủ tài trợ - và không đóng dấu phân loại "mật" - mang lại lợi ích lớn lao cho quốc gia, vượt xa mọi mối đe dọa đối với an ninh quốc gia so với việc phân loại và có thể không chia sẻ một số phát hiện khoa học.
Các phi hành gia Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản hợp tác tại Trạm Vũ trụ quốc tế. Ảnh: Washingtonpost

Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) đã đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia (NASEM) tổ chức hội thảo về các yếu tố ảnh hưởng đến việc phân loại nghiên cứu do liên bang tài trợ. Dự kiến hội thảo này sẽ ​​được lên lịch vào mùa thu, và ​​sẽ xem xét lại chính sách có từ thời Chiến tranh Lạnh, để lấy tính cởi mở làm tiêu chuẩn vàng, và rằng mọi phân loại nghiên cứu cơ bản nên được giữ ở mức tối thiểu.

“Mở là tiên đề đối với các nhà khoa học. Nhưng giá trị của mở lại không được giải thích một cách thuyết phục với cộng đồng bên ngoài giới khoa học, ”John Mester, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Nghiên cứu các trường đại học, một tập đoàn điều hành một số phòng thí nghiệm và cơ sở nghiên cứu của chính phủ, cho biết.

Nhưng một số nhà quản lý khoa học lại cảnh báo rằng nỗ lực này cần được quản lý cẩn thận để ngăn chặn (những yêu cầu mở này) phản tác dụng. Họ lưu ý rằng việc Trung Quốc tích cực theo đuổi các công nghệ mới nổi đã khiến nhiều giới quản lý phải kêu gọi cảnh giác với các nghiên cứu cơ bản về một số công nghệ nhạy cảm, chẳng hạn như điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và các kỹ thuật y sinh có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí sinh học. Một dự luật đổi mới lớn đang được lưỡng viện Hoa Kỳ thảo luận, có thể là giải pháp cho những hạn chế như vậy đối với hợp tác khoa học và xuất bản mở.

Richard Meserve, nguyên lãnh đạo Viện Khoa học Carnegie và đồng chủ tịch hội nghị bàn tròn về khoa học, công nghệ và an ninh của NASEM, một diễn đàn dành cho các nhà lãnh đạo học thuật, chính phủ và ngành, cho biết: “Tôi nghĩ chúng ta cần tiếp cận vấn đề này với một số lo ngại. Các chính quyền trước đây đã quyết định rằng họ không muốn mở chiếc hộp (phân loại) này ra. Nhưng thực tế là NSF đã yêu cầu [NASEM thực hiện hội thảo này] – cho thấy rằng ai đó trong chính phủ nghĩ rằng cần xem xét vấn đề này”.

Các nhà quản lý của NSF hy vọng hội thảo NASEM sẽ đánh giá xem liệu có nên điều chỉnh mở hệ thống chia sẻ kết quả nghiên cứu đã được định hình, phân loại từ lâu trong lịch sử để đáp ứng yêu cầu hiện tại hay không. Rebecca Keizer, trưởng bộ phận bảo mật nghiên cứu của NSF cho biết: “(cuộc thảo luận tới đây) sẽ giúp chúng tôi phân tích về vị trí hiện tại và trao đổi với cộng đồng về các cách để duy trì tính mở hay bảo mật”.

Trong bốn thập kỷ qua, đạt được sự cân bằng đó đồng nghĩa với việc phân loại tối thiểu các nghiên cứu cơ bản. Năm 1982, trong bối cảnh lo ngại Liên Xô lợi dụng “nghe ngóng” các nghiên cứu do Hoa Kỳ tài trợ để xây dựng quân đội của mình, một hội đồng của NASEM do Dale Corson đứng đầu đã kết luận rằng nghiên cứu cơ bản nên “không bị hạn chế… ở mức tối đa”. Báo cáo của Corson đã mở đường cho một tuyên bố chính sách năm 1985 của Tổng thống Ronald Reagan, được gọi là Chỉ thị Quyết định An ninh Quốc gia 189 (NSDD-189), đã thiết lập một chính sách thường được mô tả là “dựng những bức tường xung quanh một tập hợp công nghệ rất hẹp”.

Vào những năm 2000, ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice cho biết, “việc trao đổi tự do các ý tưởng [thúc đẩy] sự đổi mới, thịnh vượng và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ,” chỉ vài tuần sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 làm dấy lên lo ngại về nhiều vụ tấn công vũ khí sinh học hoặc phóng xạ.

Nhưng phân loại ở mức tối thiểu không có nghĩa là không có. Vào năm 2008, Tổng thống George W. Bush đã đưa ra một cảnh báo với giới khoa học khi tạo ra một loại thông tin mới được kiểm soát nhưng chưa được phân loại, được gọi là CUI. Kể từ đó, nó đã được áp dụng cho nhiều loại thông tin do chính phủ liên bang thu thập - bao gồm hồ sơ sinh viên, y tế và thuế, cũng như dữ liệu điều tra dân số - nhưng không áp dụng cho các kết quả của nghiên cứu cơ bản. Đến thời của Tổng thống Barack Obama vẫn giữ cơ chế CUI, mặc dù một lệnh hành pháp năm 2010 (13556) nói rằng phân loại vẫn nên là phương tiện chính để hạn chế nghiên cứu cơ bản.

Vào năm 2019, NSF đã yêu cầu Jason, một cơ quan độc lập tư vấn cho Chính phủ Hoa Kỳ trả lời, liệu chỉ thị Reagan có cần được thảo luận và cập nhật mới hay không. Chỉ thị Reagan không xác định những gì nên được phân loại. Trong khi đó, danh sách CUI đã phát triển trong những năm qua bao gồm hơn 100 danh mục. Nhưng “có sự nhầm lẫn” chính xác loại thông tin nào thuộc một số loại CUI, báo cáo Jason lưu ý, báo cáo đã khuyên không nên sử dụng CUI như một công cụ để hạn chế nghiên cứu cơ bản.

Các nhà khoa học theo dõi vấn đề này cho rằng việc thiếu một định nghĩa rõ ràng đã tạo ra một vùng xám giữa nghiên cứu được phân loại và chưa được phân loại. “Chúng ta có cần bảo vệ nhiều thứ hơn không?” Wendy Streitz, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Chính phủ, chuyên theo dõi các chính sách liên bang ảnh hưởng đến các trường đại học nghiên cứu của quốc gia, đã nói với hội nghị bàn tròn về an ninh NASEM trong tuần này. Keizer hy vọng hội thảo NASEM sắp tới sẽ tiến một bước để trả lời câu hỏi đó. NSF vẫn chưa quyết định có yêu cầu NASEM thực hiện một nghiên cứu toàn diện hay không, Keizer cho biết thêm.

Tobin Smith, phó chủ tịch phụ trách chính sách khoa học tại Hiệp hội 65 thành viên của các trường đại học Hoa Kỳ, hy vọng những người tham gia hội thảo sẽ giải thích được “tại sao mở lại rất cần thiết đối với sự đổi mới và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Ông nói, việc xuất bản kết quả không chỉ thúc đẩy tiến bộ trong khoa học Hoa Kỳ mà còn đóng vai trò là “hệ thống cảnh báo sớm” để thực hiện những khám phá khoa học quan trọng ở những nơi khác trên thế giới.

Kết quả của những thảo luận đó cần được phổ biến ra ngoài cộng đồng khoa học, Streitz nói. Và lưỡng viện, là nơi rất cần hiểu vấn đề này.