Cách nào để Việt Nam có thể vượt qua những mầm bệnh nguy hiểm có nguồn gốc từ động vật trong tương lai? Câu hỏi đó đặt ra ngày càng bức thiết khi đại dịch COVID-19 còn chưa lui thì sốt xuất huyết, căn bệnh lây truyền do virus dengue gây ra qua muỗi đốt, đang có xu hướng bùng phát ở Việt Nam.
Có lẽ, COVID-9 đã trở thành một trường hợp điển hình của những căn bệnh truyền từ động vật sang người. Không ai biết chính xác nó xuất phát từ đâu nhưng rõ ràng là khi đã vượt được qua hàng rào loài, những con virus như SARS-CoV-2 đủ khả năng trở thành những mầm bệnh nguy hiểm và cướp đi rất nhiều sinh mạng. Sự xuất hiện của SARS-CoV-2, tiếp sau cúm gà vào năm 2005, cho chúng ta thấy sự nguy hiểm thường trực của những căn bệnh có nguồn gốc từ động vật, dù là động vật hoang dã hay gia cầm, vật nuôi.
Nghiên cứu ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Nguồn: TTXVN
Theo nhận định của các chuyên gia y tế công cộng quốc tế, tới hơn 70% vi sinh vật chứa mầm bệnh từ động vật có thể gây bệnh trên người ở các cấp độ khác nhau, từ ốm một vài ngày đến đe dọa tính mạng, trong đó ước tính 60% các vi sinh vật lây truyền từ động vật có xương sống – bao gồm gia súc và gia cầm. Điều này còn được thúc đẩy bởi những yếu tố liên quan đến đời sống hiện đại, như môi trường sống ngày một mở rộng; các phương tiện di chuyển ngày một hiện đại, có thể rút ngắn thời gian di chuyển và không ngừng gia tăng về khoảng cách địa lý; biến đổi khí hậu dẫn đến nhiều sự kiện thời tiết cực đoan hơn. Mặt khác, các khoảng không gian đệm giữa khu vực sống của con người và thế giới tự nhiên, nơi các loài vật có thể sống yên bình, ngày một bị thu hẹp. Điều này cho thấy nguy cơ phá vỡ trật tự cơ bản “người nào giang sơn ấy”, vốn dĩ đã tồn tại hàng nghìn năm trên Trái đất, giữa người và thế giới loài vật, qua đó có thể vô tình “kích hoạt” những ổ virus, vi khuẩn có tiềm năng gây bệnh.
Tất cả những điều đó đã góp phần tạo điều kiện dẫn đến sự xuất hiện của các bệnh mới nổi hoặc tái nổi ở Việt Nam, một quốc gia nhiệt đới gió mùa và thuộc một trong những khu vực đa dạng sinh học bậc nhất thế giới. Năm 2015, nhóm các nhà nghiên cứu ở Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam, Quỹ Wellcome Trust, ĐH Edinburgh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, ĐH Y Hà Nội… đã nhận định “Việt Nam là tâm điểm xuất hiện dịch bệnh trong thập kỷ qua, và các tiếp xúc giữa người với động vật có thể tạo điều kiện cho khả năng lây lan mầm bệnh từ động vật sang người”.
Trong bối cảnh đó, điều gì có thể giúp chúng ta có thể vượt qua những nguy cơ mầm bệnh và tránh được các dịch bệnh nguy hiểm? Dường như đó là một vấn đề mở mà một ngành không thể tự giải quyết.
Điểm mặt các mầm bệnh
Trước khi chuẩn bị cho những kịch bản ứng phó cho những tình huống mới có thể xảy ra, người ta thường bắt đầu từ việc kiểm tra hiện trạng và kiểm kê những nguy cơ tiềm năng. Đó là lý do nhóm các nhà nghiên cứu ở Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Tổ chức FAO tại Việt Nam, Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam, ĐH Cần Thơ, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch… tham gia thực hiện một cuộc kiểm kê nguy cơ bệnh dịch ngay trong năm 2020, khi đại dịch mới bắt đầu bùng phát tại Việt Nam.
Theo công bố trên tạp chí One Health “Zoonotic pathogens and diseases detected in Vietnam, 2020 -2021” (Các mầm bệnh và các bệnh có nguồn gốc từ động vật dò được ở Việt Nam, 2020 - 2021), các nhà nghiên cứu cho biết, trong bối cảnh đại dịch mới xuất hiện, việc di chuyển và trao đổi gặp nhiều khó khăn. Vì vậy trong khoảng thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 2/2021, họ đã thực hiện một cuộc khảo sát online để thu tập dữ liệu, với các cuộc phỏng vấn sâu các bác sĩ, nhà nghiên cứu tại các bệnh viện, viện nghiên cứu y sinh, phòng thí nghiệm liên quan đến bệnh lây truyền từ động vật cũng như các trường, viện liên quan đến thú y, trung tâm bảo vệ động vật hoang dã, công ty sản xuất thực phẩm từ động vật có các phòng thí nghiệm có năng lực chẩn đoán bệnh. Song song với đó họ cũng kiểm tra và xem xét các y văn về những mầm bệnh hoặc bệnh dịch trong quá khứ của Việt Nam, chủ yếu thông qua các công bố về bệnh dịch của Việt Nam trong vòng 10 năm từ 2010 đến năm 2020.
Họ nhận thấy rằng, hiện tại ở Việt Nam có năm loại bệnh đang được chú ý ở mức cao là cúm gia cầm độc lực cao, bệnh dại, bệnh bạch cầu khuẩn, bệnh than và liên cầu khuẩn, đều là những bệnh đã xuất hiện ở Việt Nam trong nhiều năm. Trong số này, cúm gia cầm động lực cao là nguyên nhân dẫn đến trường hợp lây nhiễm virus H5N1 của 127 người từ năm 2003 đến năm 2014, trong đó 63 người tử vong. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý là không phát hiện thêm trường hợp nào kể từ năm 2015, dẫu cho vẫn thường xuyên phát hiện các virus chứa phân nhóm H5 trong những con gia cầm được nuôi ở các trang trại. Theo một báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), bệnh cúm gia cầm độc lực cao đã xảy ra ở 84 làng xã trong 28 tỉnh thành và buộc phải tiêu hủy 255.209 con gà ngay trong năm 2020. Nguyên nhân dẫn đến các đợt dich này là các virus chứa các chủng cúm gà như H5N1 và H5N6.
Điều đáng ngạc nhiên là bệnh dại sau nhiều năm vẫn tồn tại. trung bình từ năm 2012 đến năm 2016 có 88 ca nhiễm ở người trong số 398.545 người bị chó cắn, khoảng 76 trường hợp tử vong. Ở những năm 2017 đến 2021, số người bị chó cắn cao hơn với 510.913 người nhưng may mắn là số tử vong thấp hơn. Số người bị chó cắn rải rác ở niềm Bắc, miền Nam và cao nguyên. Kể từ năm 2017 đến 2021, 227 trong số 2.068 con chó ở 35 tỉnh thành đã được phát hiện dương tính với bệnh dại (10,98%) thông qua xét nghiệm.
Tuy nhiên, những điểm mới mà họ phát hiện và tổng hợp được còn đáng chú ý hơn nhiều. Đó là danh sách 75 bệnh lây truyền từ động vật được phát hiện ở Việt Nam trong thập kỷ qua, bao gồm 22 loại vi khuẩn, 2 vi khuẩn sốt mò, 4 loài nấm, 38 ký sinh trùng và 9 virus từ động vật. Trên một số tiêu chí sàng lọc như thước đo về gánh nặng bệnh tật, tần suất bệnh tật xuất hiện..., họ đã tìm ra được 24 bệnh truyền nhiễm, trong đó có sốt xuất huyết kèm theo suy thận do virus Hanta, bệnh giun xoắn, bệnh lao, viêm não Nhật Bản… cũng như nhóm các bệnh với nguyên nhân là các loại nấm, vi khuẩn như vi trùng gây bệnh tiêu hóa, đường ruột Salmonella, E. coli hay các loại bệnh do giun sán mới xuất hiện ở động vật… Đó đều là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh cho nhiều người ở các độ tuổi khác nhau và xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Cách nào để phòng ngừa?
Việc nhận diện được các mầm bệnh có thể đem lại những bằng chứng cho các nhà quản lý và chuyên môn lên kế hoạch phòng ngừa trong tương lai trên cả người và động vật, thậm chí là ngay trong hiện tại bởi rất nhiều mầm bệnh trong số này đang được âm thầm “ủ bệnh” ở rất nhiều trang trại hoặc vật nuôi trong khắp các tỉnh thành Việt Nam.
Tuy nhiên, việc chuẩn bị các giải pháp ngăn ngừa và các công cụ kiểm soát là một việc vô cùng khó. TS. Gijs Klous (Viện Nghiên cứu Khoa học sức khỏe Julius, trường Đại học Y Utrecht, Hà Lan) nhận xét là về cơ bản, việc lan truyền mầm bệnh từ động vật sang người thường qua đường hô hấp, miệng, mắt hay tiếp xúc vật lý và càng tiếp xúc gần với động vật thì người ta càng có nhiều nguy cơ bị lây truyền bệnh. Điểm đáng nguy nhất hiện nay là cho đến nay, chúng ta chưa có hiểu biết đầy đủ về vai trò của dạng tiếp xúc và cường độ tiếp xúc giữa gia súc vật nuôi – con người với sự lan truyền bệnh dịch.
Với nguy cơ 24 bệnh lây từ động vật được các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế phát hiện ra, Việt Nam có thể ngăn ngừa được hữu hiệu? Thật khó ngay một lúc trả lời câu hỏi này nhưng tình thế không hoàn toàn vô vọng. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Khoa học và phát triển, TS. BS Phạm Đức Phúc, đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu Y tế công cộng và Hệ sinh thái (CENPHER), cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất hiện tại là “Một sức khỏe” (One Health) – một cách tiếp cận có sự phối hợp xuyên ngành để đạt được sức khỏe tối ưu cho cả ba nhân tố con người, động vật và môi trường. Anh cho rằng, do các mối nguy gây bệnh cho con người đều nằm cả trong hệ sinh thái, con người có thể trực tiếp phơi nhiễm với chúng hoặc lây nhiễm thông qua các trung gian, các chuỗi thức ăn từ môi trường. “Do vậy, nên xem xét tất cả mọi nhân tố trong một mối quan hệ thống nhất, có ảnh hưởng qua lại lẫn nhau về không gian, thời gian và cuối cùng liên hệ đến con người”.
Như vậy, Một sức khỏe được coi là một cách tiếp cận quan trọng để có thể tích hợp nhiều cách phương pháp truyền thống và hiện đại, trong và ngoài ngành y để phát hiện mầm bệnh, trong đó có cả các phương pháp giải trình tự gene thế hệ mới, phân tích phát sinh loài để xác định đặc điểm của quần thể mầm bệnh... Tuy nhiên, điểm quan trọng cho một cách tiếp cận đa ngành như thế này là sự phối hợp một cách đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Bộ KH&CN. Sẽ không thể có những kịch bản dự báo đủ tốt nếu không có số liệu và sự giám sát về môi trường, động vật cũng như các nghiên cứu sâu sắc về bản chất bệnh tật, phương thức lây truyền cũng như các loại vaccine hữu hiệu hay thuốc điều trị mới. Trong một cuộc trao đổi về các công nghệ làm vaccine với Khoa học và phát triển, TS. Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) cho biết, ông kỳ vọng vào những công nghệ sản xuất vaccine mới, ví dụ như công nghệ mRNA, “tuy không thể áp dụng ngay cho Việt Nam nhân đại dịch COVID nhưng rất có giá trị và ý nghĩa cho việc ngăn ngừa và phòng chống các dịch bệnh tương lai”.
Nhưng có lẽ, ngoài nỗ lực của các bên liên quan trong việc làm tốt nhiệm vụ của mình thì các nhà chuyên môn cũng kỳ vọng vào sự kiên trì của chính phủ. Trong “The Vietnam Initiative on Zoonotic Infections (VIZIONS): A Strategic Approach to Studying Emerging Zoonotic Infectious Diseases” (Sáng kiến các bệnh lây truyền từ động vật VIZIONS: cách tiếp cận mang tính chiến lược để nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm từ động vật mới nổi) trên EcoHealth, các nhà nghiên cứu cho rằng, dẫu sự hợp tác giữa các viện nghiên cứu khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước là yếu tố quan trọng trong những nỗ lực chống dịch trong nhiều năm qua nhưng hơn hết họ vẫn cần một sự đầu tư bền bỉ và lâu dài từ chính phủ. Nguyên nhân là do mặc dù mầm bệnh vẫn tồn tại một cách âm ỉ trong tự nhiên và các trang trại nuôi trồng nhưng các đợt dịch bùng phát, ví dụ như cúm gà, sốt xuất huyết, giun sán, bệnh than… lại xảy ra không thường xuyên. Nếu chính phủ và các cơ quan quản lý chỉ thực sự quan tâm và rót kinh phí vào thời điểm bùng phát dịch bệnh, tiêu hủy gia súc gia cầm, tập huấn y tế… thì có lẽ khó có thể đủ thời gian và nguồn lực để phản ứng kịp thời. Việc các nhà nghiên cứu ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có được phản ứng kịp thời trong việc nuôi cấy và phân lập virus SARS-CoV-2 hay đủ kinh nghiệm, kiến thức để đưa ra các khuyến cáo y tế hay việc IVAC đã sẵn sàng cho vaccine cúm gà là sự hội tụ của nhiều năm “lao tâm khổ tứ”. Rõ ràng, việc rót những nguồn lực cả vật chất và con người để phục vụ nghiên cứu cho những đơn vị quan trọng sẽ là một khoản đầu tư sớm để sẵn sàng có được “lãi” ở tương lai – những cách thức ứng phó hiệu quả và thực ra không tốn kém quá nhiều nếu đầu tư kịp thời.
Lấy mẫu kiểm tra bệnh cúm gà độc lực cao ở các trang trại gia cầm.
Nguồn: Báo chính phủ
Theo các chuyên gia, một số tác nhân có tiềm năng gây bệnh dịch đã có một khoảng thời gian dài âm thầm lan truyền trong giữa động vật sống trong tự nhiên hoặc được nuôi trong các trang trại. Khi gặp một số điều kiện thuận lợi, có thể các vi sinh vật mang mầm bệnh sẽ lây lan sang vật chủ mới là con người có tiếp xúc gần với động vật. Nếu sau đó, các mầm bệnh này có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người thì dẫn có thể dẫn đến một dịch lớn.
Bên cạnh đó, một số mầm bệnh mới nổi có thể tiến hóa để thích nghi lưu hành giữa người với người. Khi đó, nó có nguy cơ dẫn đến dịch bệnh hoặc các chu kỳ lây truyền đặc hữu trên người. Các chuyên gia nhận xét, nguy cơ xảy ra các sự kiện lây truyền từ động vật sang người và khả năng mầm bệnh thích nghi trên người phụ thuộc vào con người thông qua hành vi tiếp xúc, khả năng phòng ngừa, khả năng hoạt động của hệ miễn dịch cùng với các yếu tố môi trường sinh thái và sự tiến hóa của mầm bệnh.
Tuy nguy hiểm như vậy nhưng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, những cuộc điều tra quy mô lớn về các ca lây nhiễm từ động vật đang gặp nhiều thách thức. Trước hết, việc giám sát bệnh phụ thuộc vào hiểu biết dịch tễ của người thực hiện cũng như sự sẵn sàng của các công cụ y tế hỗ trợ. Mặt khác, việc kiểm kê các mầm bệnh tồn tại trên những loài động vật có nhiều nguy cơ mầm bệnh như động vật có xương sống cũng như động vật có vú lại không đầy đủ nên hiếm khi có thể thực hiện được việc xác định trước những mầm bệnh có khả năng gây bệnh cho người. Cuối cùng, hiện tại, bất chấp những tiến bộ về y học, sinh học…, người ta vẫn chưa rõ về cơ chế, và các yếu tố cho phép mầm bệnh vượt qua hàng rào loài để tạo ra sự lây truyền bệnh dịch. |