Khi coi năng lượng tái tạo là một phần trong chiến lược sử dụng năng lượng của mình, các công ty cần dựa trên những tiến bộ về công nghệ và chính sách năng lượng của chính phủ để có cách quản lý nguồn năng lượng hỗn hợp một cách hiệu quả.

Google đã mua được 536 MW điện từ 4 trang trại điện gió ở Oklahoma, Iowa và South Dakota, đáp ứng 100% nhu cầu điện năng của công ty. Nguồn: Google
Google đã mua được 536 MW điện từ 4 trang trại điện gió ở Oklahoma, Iowa và South Dakota, đáp ứng 100% nhu cầu điện năng của công ty. Nguồn: Google

Hiện tại, có hai yếu tố thúc đẩy các công ty ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, đó là sự gia hạn thuế của chính phủ đối với các nơi sử dụng nguồn năng lượng này và những tiến bộ trong công nghệ. Tuy nhiên, mặc dù ngày càng dễ tiếp cận nguồn tài nguyên tái tạo song nhiều tổ chức vẫn không biết nên bắt đầu từ đâu và khi sử dụng nó thì cần làm như thế nào cho hiệu quả. Do còn hoang mang như vậy nên nhiều nơi đã bỏ lỡ cơ hội tích hợp năng lượng tái tạo với năng lượng truyền thống trong sử dụng để tăng tính bền vững và giảm thiểu chi phí năng lượng của mình.

Dù rất khó kết hợp giữa việc quản lý năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo nhưng nhiều công ty đã làm được điều đó và đầu tư thành công vào các nguồn tài nguyên tái tạo, ví dụ như vào năm 2017, Google đã mua được 536 MW điện từ 4 trang trại điện gió ở Oklahoma, Iowa và South Dakota, đáp ứng 100% nhu cầu điện năng của công ty. Dĩ nhiên, bằng chính các thuật toán AI của mình, họ đã có các giải pháp phân phối điện năng tối ưu và hiệu quả hơn. Với bài học từ gã khổng lồ công nghệ, để đảm bảo năng lượng tái tạo là một phần của chiến lược sử dụng hiệu quả năng lượng, các tổ chức nên thiết lập một khung quản lý năng lượng vững chắc.

Dưới đây là một số lời khuyên có thể giúp cho hành trình quản lý năng lượng trở nên dễ dàng hơn với những quan sát từ nước Anh.

Dữ liệu chính xác về tình trạng sử dụng năng lượng

Chúng ta hãy nhìn vào trường hợp của nước Anh, nơi các tòa nhà thương mại chiếm tới 14% mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc nhưng lại để lãng phí thường xuyên 30 đến 50% số năng lượng đó. Để tránh lặp lại tình trạng này, chúng ta cần phải có dữ liệu chính xác để nắm bắt và phân tích hiện trạng, nếu không sẽ có thể không bao giờ tiết kiệm được điện năng. Bằng cách tiến hành kiểm tra việc quản lý năng lượng và thiết lập những tiêu chuẩn đánh giá tình trạng sử dụng, các doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về số năng lượng tiêu thụ của mình, loại bỏ được trường hợp sử dụng một cách lãng phí, đồng thời tái cơ cấu các hợp đồng dịch vụ để giảm thiểu chi phí. Trên cơ sở đó, họ có thể thiết lập được một lộ trình rõ ràng nhằm tiết kiệm năng lượng và hướng tới sử dụng năng lượng một cách bền vững hơn.

Trong quá trình “xốc” lại quy trình quản lý năng lượng, chúng ta có thể tiến hành một số cuộc kiểm tra về cách sử dụng năng lượng, có thể bao gồm việc xem xét toàn diện, từ bộ ghi dữ liệu nhiệt thông minh đến lịch sử hóa đơn dịch vụ. Nghe thì có vẻ đơn giản và thừa thãi nhưng đây thường là bước đầu tiên trên hành trình này và cũng là bước có tính quyết định nhất. Khi một công ty hiểu cần phải có sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng trong quản lý năng lượng, họ mới có thể bắt đầu tích hợp năng lượng tái tạo vào lộ trình phát triển của mình.

Hiểu các nguyên tắc và quy định

Một điểm quan trọng cần lưu ý đối với các công ty là nên biết rõ tất cả các phương án phân phối năng lượng, nguồn năng lượng có sẵn và cũng như cập nhật các xu hướng về năng lượng trước khi ký kết một hợp đồng.

Ví dụ, thị trường cung cấp năng lượng Anh có đặc điểm là không do chính phủ quản lý và bị #Big Six, nhà cung cấp của 90% tất cả các ngôi nhà ở Anh, chi phối. Tuy nhiên, với sự phát triển của năng lượng tái tạo, cũng bắt đầu có những nhà cung cấp nhỏ hơn, “độc lập” chuyên trong mảng năng lượng tái tạo. Những nhà cung cấp này chia thành hai nhóm, một nhóm là nhà cung cấp năng lượng xanh, chuyên cung cấp 100% năng lượng tái tạo thông qua việc kết hợp nhiều nguồn năng lượng khác nhau; nhóm thứ hai là những nhà cung cấp biểu giá xanh (green tariff), bù lại việc sử dụng các năng lượng không tái tạo hoặc qua các hình thức tín dụng khác để đạt được mức 100% năng lượng tái tạo cho khách hàng.

Tuy nhiên, nếu không có sự tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích từ chính phủ, chúng ta có thể sẽ khó tìm được một đối tác đáng tin cậy, và việc thay đổi quy định nhà nước có thể khiến việc quản lý và triển khai áp dụng các chính sách năng lượng tái tạo trở nên khó khăn hơn.

Hiểu các lựa chọn

Mặc dù giá thành giảm đáng kể khi mua với số lượng lớn, năng lượng tái tạo khiến các cấu trúc tỷ lệ bán lẻ trở nên phức tạp đáng kể, thứ sẽ ảnh hưởng đến chi phí và những lợi ích của bất kỳ hệ thống cơ sở nào.

Phổ biến trong nhiều năm ở nhiều quốc gia nhưng cơ chế thanh toán bù trừ điện năng không được hỗ trợ rộng rãi ở Anh. Mặt khác, Anh đã sử dụng chương trình giá bán điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng thứ cấp được cung cấp vào hoặc bán cho lưới điện (Feed-in-Tariff FiTs) để chi trả cho các dự án tái tạo quy mô nhỏ có công suất nhỏ hơn 5 MW. Bắt đầu từ năm 2010, những nơi lắp đặt đã có thể áp dụng chương trình FiT và sau đó sẽ nhận được số tiền chi trả cho cả lượng điện mà họ tạo ra cũng như lượng điện dư thừa được cung cấp vào lưới điện. Tỷ lệ sẽ được áp dụng tùy thuộc vào quy mô của hệ thống, công nghệ tái tạo được sử dụng, thời điểm mà hệ thống được lắp đặt và hiệu quả năng lượng của địa điểm.

Tận dụng ưu thế về vị trí

Các tổ chức cần phải tính đến các thị trường năng lượng trong phạm vi mà họ hoạt động cũng như các nguồn lực sẵn có. Một công ty ở miền Nam nước Anh sẽ có thị trường năng lượng mặt trời đa dạng hơn so với một công ty ở các vùng khác và một công ty ở khu vực ven biển sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ việc tiếp cận với cả nguồn năng lượng gió ngoài khơi lẫn trên đất liền.

Năm 2017, Anh đã tạo ra 50% năng lượng tái tạo từ các nguồn năng lượng gió trên đất liền và ngoài khơi. So với các địa điểm nắng nhất ở châu Âu thì Anh nhận được ít bức xạ mặt trời hơn, nhưng nơi đây có đủ tiềm năng năng lượng mặt trời, các công ty đang tích cực đa dạng hóa mức tiêu thụ năng lượng của họ thông qua việc lắp đặt các tấm pin mặt trời. Chẳng hạn Amazon đang có kế hoạch lắp đặt các tấm pin mặt trời 20 megawatts trên khắp các trung tâm phân phối ở Anh, qua đó giúp họ đạt cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo trên khắp cơ sở hạ tầng, và hoàn thành mục tiêu lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời ở 50 trung tâm phân phối trên toàn thế giới vào năm 2020. Khi các công ty đầu tư vào năng lượng có sẵn, nó giúp họ có những bước tiến rõ rệt trên hành trình quản lý năng lượng của mình.

Cải tiến cơ sở hạ tầng để phù hợp với cách quản lý mới

Cải tạo bên ngoài tòa nhà sao cho mặt tiền và mái nhà có thể tiết kiệm năng lượng hơn, là một biện pháp quan trọng trong việc cải tiến các công trình sẵn có. Kết hợp với hệ thống quản lý năng lượng thông minh, việc cải tạo có thể cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng mà vẫn đảm bảo sự thoải mái bên trong. Ví dụ dự án BREASAER của EU đã đưa ra phương án nhằm giải quyết vấn đề này. Gonzalo Pinto Quijano, một kiến ​​trúc sư chuyên về các tòa nhà bền vững tại Acciona, đồng thời cũng là người tham gia hỗ trợ cho dự án BRESAER, kể đã giúp thiết kế và thử nghiệm một mắt lưới kết cấu nhẹ nhằm thúc đẩy hiệu suất năng lượng, giúp cho mặt tiền của tòa nhà được mát mẻ.

Một cuộc thăm dò của các chuyên gia tài chính cho thấy, một phần ba trong số công ty được hỏi rơi vào tình trạng không biết bắt đầu chiến lược mới như thế nào và chỉ có 12% là tự tin vào khả năng quản lý của mình, một quá trình kiểm soát được chi phí năng lượng, lượng tiêu thụ, quy trình thu thập dữ liệu giá cả của công ty họ.