Thế giới năm 2020 là một hình thái đa cực đầy biến động và khó dự đoán. VUCA, được sử dụng từ 1987 là tóm tắt ngắn gọn thực trạng này.

Trung tâm Chăm sóc khách hàng - nơi tiếp nhận thông tin và hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ trực tuyến của ngành điện. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN
Trung tâm Chăm sóc khách hàng - nơi tiếp nhận thông tin và hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ trực tuyến của ngành điện. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Volatility: Biến động, bản chất, tốc độ, lực lượng thúc đẩy thay đổi rất đa dạng.

Uncertainty: Không chắc chắn, khả năng dự đoán giảm sút, những bất ngờ có thể xuất hiện, nhận thức và hiểu biết về các sự kiện và các vấn đề không theo kịp diễn biến.

Complexity: Phức tạp, nhiều lực lượng đan xen, liên kết trong một vấn đề. Chuỗi nguyên nhân và hệ quả khó xác định.

Ambiguity: Mơ hồ, thực tế không rõ ràng, có thể lý giải bằng nhiều cách khác nhau.

Giá dầu thô biến động ra sao, toàn cầu hóa sẽ tiếp tục thế nào, người máy, trí thông minh nhân tạo thay thế lao động giản đơn ở quy mô và tốc độ nào…nhiều dự báo đã được đưa ra với khoảng cách khác nhau với diễn biến thực tế.

Điều đó đòi hỏi phải thay đổi phương thức dự báo, làm rõ những hệ quả của diễn biến và sự kiện, những tương tác phức hợp của các nhân tố khác nhau.

Đại dịch Covid-19 và giãn cách xã hội đã tạo điều kiện cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ hơn, nhanh hơn và sâu sắc hơn, thúc đẩy những thay đổi sâu rộng trong toàn bộ xã hội và nền kinh tế bằng chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử xuyên biên giới, vừa tránh được lây lan của đại dịch, tránh bị nhiễm bệnh, giảm bớt đi lại bằng phương tiện công cộng, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế. Chuyển đổi số đã trở thành yêu cầu bắt buộc để hợp tác và hội nhập quốc tế, là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, không thể thoái thác. Làm việc từ xa, học qua mạng, bán hàng và thanh toán qua mạng, giao hàng tận nhà và khám bệnh qua mạng, ngân hàng điện tử, ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh… đã phát triển nhanh chóng, chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tác động đến từng doanh nghiệp, từng gia đình và mỗi một cá nhân. Thế giới đã và sẽ tiếp tục thay đổi với cấp số nhân, không chờ đợi ai. Kinh nghiệm thành công của ngày hôm qua không còn là bảo đảm cho thành công của ngày hôm nay và của ngày mai, chúng ta phải luôn cập nhật tiến bộ khoa học - công nghệ, diễn biến thị trường để có quyết định thích hợp.

Đại dịch đã làm thế giới thay đổi và sẽ không quay lại mô hình trước đây.

Các bước để thực hiện chuyển đổi số.
Các bước để thực hiện chuyển đổi số.

Ngày 3/6/2020, Chính phủ đã phê duyệt và ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (749QĐ/TTg) với ba trụ cột chính gồm: xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Đây là kim chỉ nam cho các định hướng phát triển, thực hiện trong thời gian tới.

Đối với kinh tế số phải đạt mục tiêu chiếm 20% trong tổng số GDP năm 2025, năng suất lao động hằng năm phải tăng tối thiểu 7%, tỷ trọng kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực tối thiểu phải đạt 10%, Việt Nam phải đứng trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, thuộc nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI), thuộc nhóm 35 quốc gia dẫn đầu về chỉ số đổi mới, sáng tạo (GII), thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an ninh mạng; xã hội số đạt mục tiêu mỗi người dân có điện thoại thông minh, cáp quang đến 100% xã, phường, tỷ lệ tối thiểu 50% người dân có tài khoản thanh toán điện tử...

Chương trình xác định tám lĩnh vực ưu tiên cho chuyển đổi số như: y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải và logistics.

Thành phố Hồ Chí Minh có nỗ lực lớn chuyển đổi số trong các Khu Công Nghiệp tập trung trong khi khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn về nhận thức, nguồn nhân lực. Rõ ràng các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ gặp khó khăn về tiền vốn, năng lực quản trị để theo kịp tốc độ thay đổi, liên kết, hợp tác là theo chuỗi giá trị là chìa khóa để chuyển đổi số.

Việt Nam hiện nay có khoảng 780.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 95% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, 5 triệu hộ gia đình kinh doanh và khoảng 5 triệu hộ nông dân, việc chuyển đổi số đòi hỏi phải tập huấn cho chủ doanh nghiệp hay hộ gia đình kinh doanh, hộ nông dân, hướng dẫn kết nối và cải cách quản trị để chuyển sang kinh tế số. Hơn bao giờ hết các doanh nghiệp cần tái cơ cấu, liên kết với các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, với ngân hàng, viện nghiên cứu, trường đại học để chuyển đổi số. Hộ gia đình kinh doanh, hộ nông dân cũng cần kết nối theo chuỗi giá trị để áp dụng kinh tế số, giảm chi phí kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các hộ nông dân liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để canh tác trên cánh đồng mẫu lớn, xây dựng thương hiệu, đăng ký nguồn gốc địa lý... bằng chuyển đối số. Doanh nghiệp phải thay đổi quy trình bán hàng và hợp tác, thu thập dữ liệu khách hàng không chỉ gồm thông tin liên lạc như email, số điện thoại, địa chỉ mà còn bao gồm hành vi, sở thích, thói quen mua sắm... Thông tin cần được thu thập trong thời gian dài thông qua chuỗi hoạt động của doanh nghiệp như tiếp cận (marketing), tìm hiểu nhu cầu (telesale), hỗ trợ (chăm sóc khách hàng), chốt đơn (sale), hậu mãi (sau bán hàng)...để có thể chuyển đổi số.Kinh nghiệm cho thấy lãnh đạo doanh nghiệp phải tạo được sự đồng thuận của tập thể công nhân, viên chức, chuyển đổi cách quản trị cũ sang mô hình mới. Toàn bộ quy trình từ quản lý công việc, quản lý quy trình, quản lý nhân sự, quản lý kinh doanh, quản lý tài chính, quản lý văn hóa hầu hết các doanh nghiệp cần được giải quyết chung trên một nền tảng số hóa. Quá trình này đòi hỏi phải tái cơ cấu và cải cách quá trình quản lý của doanh nghiệp.

Y tế là ngành cần ưu tiên chuyển đổi số sớm nhất.
Y tế là ngành cần ưu tiên chuyển đổi số sớm nhất.

Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận chuyển đổi số cho Tập đoàn Minh Phú, đơn vị xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam cho thấy khả năng vận dụng chuyển đổi số trong nông lâm thủy sản.

Ngành nông nghiệp đã vận dụng nhiều giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực. Trong trồng trọt, công nghệ IoT, BigData bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số như phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy suất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực…

Với chăn nuôi, công nghệ IoT, blockchain, công nghệ sinh học cũng được áp dụng ở một số trang trại chăn nuôi có quy mô thích hợp. Thí dụ như trong chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số rất có hiệu quả, với vai trò tiên phong của các tập đoàn lớn như Tập đoàn TH, Công ty Vinamilk.

Trong công nghiệp cũng vậy, các doanh nghiệp đang tích cực cơ cấu lại quá trình cung ứng vật tư, sản xuất, tiêu thụ để từng bước chuyển đổi, không cần “đao to búa lớn” bằng cách hợp tác với các công ty chuyên nghiệp, các viện, trường .

Chúc Việt Nam đón Xuân Tân Sửu với tinh thần Sáng tạo, Đổi mới, Chuyển đổi số đạt nhiều thành công.