Mặc dù đã xuất hiện nhiều thành tố nhưng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước vẫn chủ yếu là các khối đứng cạnh nhau. Ý kiến đó được nhấn mạnh trong hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Australia-Việt Nam” ngày 9/10 tại Bộ KH&CN.
Cần cả một hệ sinh thái để phát triển
Với tốc độ tăng trưởng có thể lên tới ba chữ số, một số công ty startup đang dần chiếm lĩnh vị trí nổi bật trong nền kinh tế như Google, Facebook, Alibaba hay Grab. Bất kì địa phương hay quốc gia nào đều khao khát tạo ra các “kì lân” vượt trội. Mặc dù sự đổi mới sáng tạo để tạo ra các công ty trên mang tính cá thể hóa “độc nhất vô nhị”, nhưng vẫn có cách thức để nuôi dưỡng càng nhiều ý tưởng tiềm năng như vậy thông qua Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo.
Mỗi khu vực địa lý dù quy mô có thể lớn nhỏ khác nhau như quốc gia, tỉnh, thành phố, hay một khu vực tập trung, đều có thể là một hệ sinh thái nếu tập hợp đủ các nguồn lực. Những nguồn lực ấy có thể tạm phân thành hai loại: vốn con người - bao gồm tất cả kiến thức, kỹ năng, công nghệ, thuật toán, nhân lực, mạng lưới quan hệ, văn hóa, tham vọng, khát khao đổi mới sáng tạo; và vốn cấu trúc - bao gồm các doanh nghiệp, công ty đa quốc gia, quỹ đầu tư, chính phủ, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức hỗ trợ, tổ chức trung gian, chương trình, và cơ sở hạ tầng. Ý tưởng cốt lõi ở đây là khi hội tụ đầy đủ nhân tố sẽ tạo ra sự đổi mới sáng tạo.
Hệ sinh thái cho phép các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận thông tin, nguồn lực, cơ hội để phát triển và mở rộng quy mô. Đồng thời, sự dồi dào về các dòng chảy trên sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hơn cho các quỹ, tập đoàn hoặc chính phủ nhằm kết nối ý tưởng phù hợp với việc kinh doanh hoặc danh mục đầu tư của họ. Khi các startup trong hệ sinh thái trưởng thành, họ sẽ quay ngược lại tạo thêm các cơ hội bổ sung và vốn cho những doanh nghiệp mới. Ngạn ngữ châu Phi đã nói “Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”, điều này cũng đúng khi nói rằng “Cần cả một hệ sinh thái để mở rộng quy mô của hoạt động đổi mới sáng tạo”.
Hệ sinh thái ở Việt Nam: Đầy mà chưa đủ
Ở Việt Nam, có thể khẳng định đã có đầy đủ các thành phần của một hệ sinh thái. Có những thành tố mới xuất hiện trong 10 năm trở lại đây và đang tăng về số lượng như không gian làm việc chung (CoWorking Space); xưởng thí nghiệm chế tác (Fab Lab); tổ chức thúc đẩy kinh doanh (Accelarator); vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp (Business Incubator); trung tâm ươm tạo công nghệ (Technology Incubator); quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture Capital); nhà đầu tư thiên thần (Angel); doanh nghiệp Startup; chương trình hỗ trợ khởi nghiệp như Dự án FIRST, Đề án 844, chương trình IPP, Dự án BIPP…
Bên cạnh đó, có những thành tố khác đã tồn tại lâu đời, bao gồm trường đại học, viện nghiên cứu; doanh nghiệp khoa học và công nghệ; các tổ chức nghiên cứu và phát triển sản phẩm; trung tâm/văn phòng chuyển giao công nghệ; …
“Nhưng tất cả mới đang là các khối đứng cạnh nhau, chúng ta chưa tạo được sự kết nối giữa các mắt xích”, ông Trần Vũ Tuấn Phan, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ KH&CN, thuộc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (VISTI), Bộ KH&CN, nhấn mạnh trong hội thảo ngày 9/10. Theo lý thuyết, các thành tố trong hệ sinh thái tương tác với nhau bởi đặc trưng là các dòng dịch chuyển dữ liệu và tri thức, nhưng thực tế sự liên kết này ở Việt Nam còn rất hạn chế và rời rạc.
Điển hình như liên kết trường đại học – doanh nghiệp. Mặc dù rõ ràng sự hợp tác này là điều cần thiết và mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, nhưng trên thực tế lại luôn là nỗi đau đầu của cả doanh nghiệp và nhà trường bởi sự lệch pha không chỉ trong hoạt động đào tạo dẫn đến thiếu nhân lực, phải đào tạo lại; mà còn vì có rất ít sự quan tâm trong việc hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giữa hai bên. Về phía các doanh nghiệp, tỷ lệ đầu tư thường xuyên cho các cơ sở đào tạo đại học là không nhiều.
Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ và cần cả một hệ sinh thái để mở rộng quy mô của một hoạt động đổi mới sáng tạo, theo Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế (IDIA), 2015
Tổng hợp khảo sát năm 2017 cho thấy chỉ có 4% doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở đào tạo đại học trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; 29% doanh nghiệp tham gia hội thảo, tọa đàm, giảng dạy ở các cơ sở đào tạo. Hầu hết mối liên kết nhà trường và doanh nghiệp đều xuất phát từ nhu cầu trước mắt, kế hoạch ngắn hạn của doanh nghiệp chứ không xuất phát từ tầm nhìn dài hạn (78% so với 22%). Mức độ hợp tác chủ yếu là ở “sự hiểu biết phát triển ban đầu” (214/493 trường đại học mà các doanh nghiệp ghi là “có sự hợp tác với”), hoặc “hợp tác ngắn hạn” (174/493 trường). Chỉ có 58 và 47 trường đại học đang lần lượt được coi là “đối tác lâu dài” và “đối tác chiến lược” của các doanh nghiệp.
Khoảng trống liên kết giữa trường đại học với doanh nghiệp chỉ là một trong nhiều điểm cần khắc phục trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Nhiều mô hình truyền thống của thế giới như doanh nghiệp spin-off (được thành lập dựa trên kết quả nghiên cứu từ trường đại học), vườn ươm công nghệ, mô hình Fab Lab khi áp dụng vào Việt Nam đều chưa thành công vì đặc trưng trình độ phát triển và văn hóa trong nước.
Chất lượng của các thành tố cũng là điều cần xem xét. Ở Việt Nam hiện có khoảng 24 trung tâm ươm tạo nhưng chỉ có một nửa là hoạt động hiệu quả, theo nghĩa “có chạy, có dòng tiền lưu động và tự chủ được để tồn tại”.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa những thành tố mới như tổ chức thúc đẩy kinh doanh với startup và giữa startup với các nhà đầu tư có lẽ trôi chảy hơn, bằng chứng ở việc số lượng startup, cuộc thi khởi nghiệp, pitching, các cuộc kết nối đầu tư 1-1 và số vốn gọi được ngày càng tăng trong 3 năm trở lại.
Sự kết nối không đồng đều giữa các thành tố khiến hệ sinh thái được so sánh “giống như một cơ thể đã có đủ mặt mũi chân tay, nhưng dòng máu nuôi sống nó vẫn chưa chảy được mượt mà và đó chính là điều cần khắc phục”.
Mỗi khu vực nên có một trung tâm đổi mới sáng tạo
Các nguồn lực hiện đang rời rạc và tự vận động theo lợi ích riêng lẻ. Điều này dẫn đến nhu cầu cần có sự điều phối, xâu chuỗi, hiệp lực để các bên cùng hướng về và nhằm đạt một mục tiêu chung, đồng thời đảm bảo dòng chảy thông tin, nguồn lực và cơ hội được tự do luân chuyển.
Một trong những cách thức đáng cân nhắc để đạt được điều đó là mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo (Innovation Center), theo đề xuất của VISTI. Mô hình này giống như một guồng máy cái làm động lực cho đổi mới sáng tạo, là sự phát triển cao hơn, tập hợp được những dịch vụ ưu thế của những mô hình riêng lẻ đang tồn tại như vườn ươn, không gian làm việc chung, viện nghiên cứu, phòng hợp tác, tài sản trí tuệ …
Trong nước đã bắt đầu xuất hiện những thực thể này, điển hình như Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ KH&ĐT) mới được Thủ tướng phê duyệt thành lập ngày 2/10, Dự án Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thống nhất ở các miền (Bộ KH&CN). “Chính quyền một số nơi như TP.HCM, Hà Nội, … cũng mong muốn lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo của mình, đây là những tín hiệu đáng mừng cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của các địa phương. Vấn đề là làm sao để các dự án này liên kết hoặc không dẫm chân lên nhau ở cùng một nơi, bởi chúng có những cái lõi gần giống nhau”, ông Trần Vũ Tuấn Phan nhận xét.
TP.Hồ Chí Minh hiện là nơi tiên phong về phát triển hệ sinh thái và là nơi ươm tạo gần 50% số startup trong nước. Mặc dù đã có khoảng 34 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, không gian làm việc chung đang hoạt động, đặc biệt mô hình Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (Sihub) trong bốn năm qua đã thực hiện tốt vai trò xây dựng và kiến tạo, kết nối các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố, nhưng theo lãnh đạo Sở KH&CN thì “thành phố vẫn chưa có một đầu mối đảm nhận chuyên trách về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong khi các hoạt động khởi nghiệp vẫn còn manh mún và phân tán ở nhiều tổ chức đơn vị khác nhau”.
Với xu thế phát triển tương lai, TP.HCM cho rằng cần “nâng tầm” mô hình Sihub để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp tập trung với quy mô lớn hơn, cung cấp không gian hoạt động và làm việc không chỉ cho các startup, mà còn cho các thành phần khác của hệ sinh thái. Do vậy, trong tháng 7/2019 vừa qua, HĐND thành phố đã thông qua quyết định về dự án ‘Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM’, dự kiến khởi công vào nửa đầu năm 2020, với diện tích sàn khoảng 20.000 m2 tại quận 3 với chi phí dự kiến trên 300 tỷ theo hình thức hợp tác công tư. Hiện thành phố đã có quyết định bố trí ngân sách và đang tiếp tục tham vấn ý kiến các bên để hoàn thiện kế hoạch.