Tháng chín năm ngoái, một nhóm các nhà đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã trải qua hai tuần học hỏi tại Thụy Sĩ thông qua chương trình trao đổi doanh nhân toàn cầu của Swiss EP.

Tuy ngắn ngủi nhưng các cuộc thảo luận, quan sát và gặp gỡ đã để lại ấn tượng sâu sắc đến mức các thành viên tham gia quyết định viết một blog chia sẻ về những điều cần nghiêm túc cân nhắc cho Việt Nam.

Đại diện của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đến từ Albania, Bosnia-Herzegovina, Kosovo, Macedonia, Peru, Serbia và Việt Nam chia sẻ về những kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở quốc gia mình trong tuần lễ Peer Exchange Meetup 2022 tại Zurich. Ảnh: Swiss EP
Đại diện của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đến từ Albania, Bosnia-Herzegovina, Kosovo, Macedonia, Peru, Serbia và Việt Nam chia sẻ về những kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở quốc gia mình trong tuần lễ Peer Exchange Meetup 2022 tại Zurich. Ảnh: Swiss EP

Vai trò chủ động của chính quyền địa phương


Trong nhiều năm, Thụy Sĩ duy trì vị trí dẫn đầu trong các bảng xếp hạng quốc tế về đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, chi tiêu ngân sách R&D của Chính phủ Liên bang rất thấp so với các nước châu Âu khác và hầu như không bỏ tiền cho R&D của khu vực tư nhân.

Để làm điều này, Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ áp dụng bảy nguyên tắc nghiêm ngặt: không đưa ra chính sách đổi mới sáng tạo áp đặt từ trên xuống hoặc chính sách phát triển cụm ngành ưu tiên mà đi theo nhu cầu từ thị trường (bottom-up); trọng tâm ngành khoa học là không tài trợ trực tiếp cho các công ty mà sử dụng hình thức đối ứng (matching fund) giữa các công ty với chính quyền địa phương; duy trì tính trung lập về công nghệ, hay nói cách khác không có chính sách ưu đãi riêng cho các ngành công nghiệp; cho phép mức độ tự chủ lớn của các tác nhân trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; đưa ra những khoản tài trợ chung hết sức hào phóng; kích thích cạnh tranh nội bộ để đạt được năng lực cạnh tranh quốc tế; và thủ tục pháp lý cùng các công cụ điều chỉnh đơn giản.

Từ góc nhìn của Thụy Sĩ, đây là cách tiếp cận từ dưới lên, nơi Chính phủ Liên bang cung cấp rất ít nguồn lực và các tác nhân ở địa phương sẽ là nhà đầu tư chủ yếu. Ví dụ, Chính phủ Liên bang đã chi 4 triệu CHF cho sáu công viên đổi mới sáng tạo của Thụy Sĩ, trong khi chỉ riêng công viên ở Biel đã nhận được 20 triệu CHF từ chính quyền bang để xây tòa nhà của mình.

Từ góc nhìn của Việt Nam, Thụy Sĩ đang sử dụng cả hai cách tiếp cận từ trên xuống và từ dưới lên để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ví dụ, Chính phủ Liên bang (trung ương) cho phép chính quyền bang (địa phương) tự chủ về những việc cần làm và những ngành công nghiệp cần tập trung, trong khi vẫn đưa ra các khoản tài trợ chung hào phóng cho những nỗ lực thực hiện đổi mới sáng tạo ở địa phương.

Thụy Sĩ rất tích cực trong việc thúc đẩy tạo ra các công ty khởi nghiệp (startup), một trong những động lực chính của quá trình đổi mới sáng tạo. Chính quyền cung cấp các hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho startup. Điều đáng ngạc nhiên là không có nhiều startup đến từ trường đại học, tuy nhiên điều này đang thay đổi nhờ các khoản tài trợ lớn của khu vực công cho các nghiên cứu cơ bản. Mặc dù khó có được bằng chứng cụ thể nhưng người ta tin rằng có một mối liên hệ khá tốt giữa các trường đại học và ngành công nghiệp nhờ cơ chế tài trợ đối ứng. Một nghiên cứu chỉ nhận được tiền của Chính phủ khi nó gọi được tài trợ đối ứng từ các doanh nghiệp.

Vì đổi mới sáng tạo đòi hỏi tầm nhìn dài hạn nên các chính phủ cần có vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ liên tục này. Chính phủ, đặc biệt là chính quyền địa phương, không chỉ là người khởi xướng mà còn nên là một bên liên quan chính. Ví dụ, công viên đổi mới sáng tạo SIPBB vẫn có 5% cổ phần do chính quyền địa phương nắm giữ.


Việc tách biệt giữa “khởi nghiệp” và “đổi mới sáng tạo” giúp các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp thấy rõ về những gì họ nên làm để hỗ trợ các doanh nhân và/hoặc thúc đẩy đổi mới sáng tạo.Nếu một hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ tập trung vào các doanh nhân (yếu tố con người) thì một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo sẽ tập trung vào các đầu ra (sản phẩm, dịch vụ và quy trình). Nói cách khác, “khởi nghiệp” là về tư duy và “đổi mới sáng tạo” là về các bộ công cụ.


Khi mới thành lập năm 2012, SIPBB chỉ có 150.000 CHF, trong đó nhà đầu tư cá nhân đóng góp 8%. Các cổ đông còn lại là Chính quyền bang Bern, Chính quyền thành phố Biel và Đại học Khoa học Ứng dụng Bern. Vì công viên đổi mới sáng tạo không thể hòa vốn trong những năm đầu, các nhà đầu tư tư nhân tiếp tục bơm tiền và tăng dần tỷ lệ nắm giữ cổ phần của họ. Khi chính quyền bang cấp cho SIPBB một mảnh đất và khoản trợ cấp 20 triệu CHF để xây dựng tòa nhà đầu tiên, SIPBB đã huy động được thêm 40 triệu CHF từ các nhà đầu tư khác cho việc xây dựng, mua sắm thiết bị và máy móc. Tại thời điểm tháng 9/2022, tư nhân đã nắm giữ 95% cổ phần của công viên đổi mới sáng tạo này.

Có thể nói, sự tham gia trực tiếp của khu vực công trong những ngày đầu là nhân tố kích thích và tạo lòng tin cho khu vực tư nhân tiếp tục dấn tới. Trong khi các nhà đầu tư tư nhân góp tiền của và các mối quan hệ kinh doanh thì sự hỗ trợ của chính quyền địa phương - bao gồm không gian (đất đai), cơ sở hạ tầng (đặc biệt là giao thông công cộng kết nối với công viên đổi mới sáng tạo) và kế hoạch tổng thể để phân bổ các trường đại học, cơ sở kinh doanh và khu dân cư gần công viên – rất có ý nghĩa.

Hơn thế nữa, chính quyền địa phương có thể thúc đẩy các công viên đổi mới sáng tạo bằng các chính sách hỗ trợ đặc biệt (mà ở Việt Nam hay gọi là các sandbox chính sách). Ví dụ, ở Zug, nơi tọa lạc của Thung lũng Crypto, chính quyền bang cho phép các công ty tiền điện tử và blockchain có thể truy cập các dịch vụ ngân hàng truyền thống để thực hiện các hoạt động; sử dụng tiền điện tử để thanh toán dịch vụ công và trả thuế. Thật là một chính sách đáng khích lệ! Ở nhiều thành phố và quốc gia khác, tiền điện tử vẫn chưa được coi là đồng tiền hợp pháp.

Vậy chính quyền Zug phải đối mặt với những rủi ro gì khi ban hành chính sách này? Thành thật mà nói, đại diện của Zug, người chịu trách nhiệm hỗ trợ các doanh nghiệp blockchain và cộng đồng, tiết lộ rằng cho đến nay không có công ty nào trả thuế bằng tiền điện tử cả mà vẫn trả bằng tiền CHF vì “họ sợ sự gia tăng giá trị của tiền điện tử”, ông cười nói. Như vậy, trên thực tế, rủi ro của chính quyền khi bật đèn xanh cho các thử nghiệm đổi mới sáng tạo có thể thấp hơn so với những lo ngại ban đầu.

Việt Nam hoạt động trong một môi trường tập trung chặt chẽ và ít có sự linh hoạt ở các địa phương hơn. Các nguồn lực và chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn chủ yếu được phân bổ theo dạng từ trên xuống. Chính quyền địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm để đầu tư sâu cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, có tín hiệu cho thấy tình trạng này đã bắt đầu thay đổi ở một số tỉnh thành.

Buôn Ma Thuột - thủ phủ của khu vực Tây Nguyên – đã đưa ra một quyết định quan trọng khi chấp nhận miễn thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia và nhà đổi mới sáng tạo đến làm việc tại thành phố trong 5 năm đầu tiên. Đây là một trong những nỗ lực nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở khu vực. Chính sách tương tự cũng đã được áp dụng tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 1/8 năm nay.

Trong năm năm qua, TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên (và duy nhất) đang áp dụng cơ chế tài trợ đối ứng để chính quyền có thể đầu tư trực tiếp cho các startup nhằm thúc đẩy việc tạo ra các công ty khởi nghiệp mới.

Công viên đổi mới sáng tạo - “Trái tim” của hệ sinh thái


Thụy Sĩ có sáu công viên đổi mới sáng tạo nằm rải rác trên khắp đất nước. Mỗi công viên đều độc lập, tập trung vào những ngành công nghiệp cụ thể dựa trên lợi thế cạnh tranh của địa điểm đặt công viên và nhu cầu thị trường. Nhu cầu thị trường được xác định bởi nhu cầu của các tập đoàn và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương. Ví dụ, công viên đổi mới sáng tạo ở Biel tập trung vào nhà máy thông minh trong khi công viên đổi mới sáng tạo tại Zurich chú trọng vào hàng không vũ trụ.

Thụy Sĩ trở thành một trong những quốc gia sáng tạo nhất châu Âu.
Thụy Sĩ trở thành một trong những quốc gia sáng tạo nhất châu Âu.

Trong số sáu công viên, SIPBB ở Biel là vượt trội hơn cả khi đã đạt điểm hòa vốn vào năm 2022, sau hơn một thập kỷ hoạt động. SIPBB liên tục trả lời câu hỏi “Các công ty công nghiệp cần gì?”. Ban đầu, người sáng lập Thomas Gfeller dành sáu tháng để phỏng vấn các giám đốc điều hành trong nhiều ngành công nghiệp, từ đó xác định được các nhu cầu của ngành là: (1) cần những con người biết cách làm việc, mở rộng phạm vi và hợp tác với người khác để đổi mới sáng tạo, (2) cần những nền tảng công nghệ để thử nghiệm và chế tạo sản phẩm mẫu, và (3) cần một nơi để các tài năng công nghệ gặp gỡ, tụ hợp và thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Dựa trên ba nhu cầu đó, SIPBB đã đưa ra đề xuất cho các doanh nghiệp, bao gồm các gói dịch vụ cho phép truy cập nhanh và tiết kiệm tới các chuyên gia, thiết bị, máy móc và các dịch vụ cho ngành công nghiệp như thử nghiệm, tạo mẫu, nghiên cứu ứng dụng.

Không gian vật lý và vị trí đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự thành công của một công viên đổi mới sáng tạo. Mặc dù doanh thu từ hoạt động cho thuê văn phòng và tổ chức sự kiện có thể đạt đến giới hạn trong thời gian ngắn và hầu như không giúp công viên hòa vốn nhưng nguồn doanh thu này tạo ra dòng tiền lành mạnh trong giai đoạn khó khăn ban đầu. Giao thông đến các công viên đổi mới sáng tạo luôn phải thuận tiện. Ở Biel và Zurich, chỉ mất 3 phút đi bộ từ các bến tàu, nhà ga và xe buýt đến tòa nhà công viên. Ở Lausanne, công viên đổi mới sáng tạo nằm ngay trong khuôn viên của Viện Kỹ thuật Liên bang Lausanne (EPFL)

Cần chú ý là việc kinh doanh các công viên đổi mới sáng tạo không thể tính theo diện tích mặt sàn. Thomas Gfeller nhấn mạnh rằng đầu ra và sản phẩm của một công viên đổi mới sáng tạo là các đơn vị (unit) đổi mới sáng tạo. Nói cách khác, một công viên đổi mới sáng tạo là một nơi sản xuất những “sản phẩm” đó. Trong trường hợp của SIPBB, mô hình kinh doanh của họ rất rõ ràng: cung cấp dịch vụ thử nghiệm, nghiên cứu và tạo mẫu. SIPBB chỉ nhận phí dịch vụ. Bất kỳ tài sản trí tuệ nào cũng thuộc về khách hàng là các hãng công nghiệp và trường đại học.

Tại Việt Nam, những nỗ lực đầu tiên trong việc phát triển các công viên khoa học công nghệ đang dần được triển khai trong vài năm gần đây. Kinh nghiệm của Thụy Sĩ chỉ ra rằng, các công viên đổi mới sáng tạo nên tự coi mình là doanh nghiệp độc lập, có hoạt động kinh doanh khả thi và theo đuổi sự bền vững tài chính. Để đạt được điều này, các nhà quản lý nên được trao quyền tự chủ cao trong hoạt động của mình.

Điều này rất rõ ràng ở Biel, nơi công viên đổi mới sáng tạo được cấu trúc như một công ty có ban giám đốc và tất cả các giám đốc điều hành đều là cổ đông. Ở Zurich và Lausanne, nơi các cổ đông đại chúng vẫn chiếm đa số, cả hai giám đốc đều thể hiện quyền sở hữu của họ trong việc xác định những gì cần làm và huy động nguồn lực ở đâu để làm được điều đó.

Tại tất cả các công viên đổi mới sáng tạo, sự gắn kết với doanh nghiệp là điều sống còn. Việc thành lập SIPBB ở Biel là kết quả của một loạt buổi phỏng vấn với các giám đốc điều hành công ty và chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ về những gì họ cần. Không có gì ngạc nhiên khi những doanh nghiệp này trở thành khách hàng của SIPBB. Tại Zurich, giám đốc công viên đổi mới sáng tạo Zurich (IPZ) đang sắp xếp thỏa thuận với một công ty bất động sản lớn để chuyển đổi các nhà chứa máy bay và sân bay thành không gian làm việc chung, không gian sản xuất và văn phòng. Tại Lausanne, Công viên đổi mới sáng tạo EPFL đang bắt tay với các đối tác để phát triển một “quận” đổi mới sáng tạo - bao gồm cả các khu nhà ở, thương mại và dịch vụ.

Như hầu hết các công viên khoa học công nghệ ở Việt Nam, các công viên đổi mới sáng tạo của Thụy Sĩ cũng nhắm đến các tập đoàn như một nguồn doanh thu bền vững và thịnh vượng. Nhưng làm thế nào mà hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có thể thu hút được các tập đoàn tham gia? Không có bí quyết riêng gì ngoài việc nỗ lực và chăm chỉ. Việc thu hút các tập đoàn là thách thức ở khắp mọi nơi, không chỉ riêng Thụy Sĩ hay Việt Nam. Vì vậy, nếu làm việc chăm chỉ vẫn không được thì người ta cần phải làm việc chăm chỉ gấp đôi, các chuyên gia Thụy Sĩ cho biết.

Mike Baur, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm Swiss Ventures Group đã cố gắng rất nhiều để tiếp cận các tập đoàn. Ông chia sẻ công thức tại hội thảo Peer Exchange Meetup 2022: “Hãy lập danh sách 10 tập đoàn mới vào thứ Hai. Gọi cho họ vào thứ Ba để sắp xếp các cuộc gặp. Và đừng bao giờ lên lịch các cuộc gặp vào thứ Sáu, về cơ bản đó là cuối tuần tại các tập đoàn!”

Ngoài việc giới thiệu với các giám đốc doanh nghiệp về tiềm năng của startup và những sản phẩm, dịch vụ mà họ tạo ra có thể giúp ích gì cho doanh nghiệp thì các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo có thể thử tiếp cận theo cách ngược lại: Dành thời gian đồng cảm với các doanh nghiệp, từ đó xây dựng một danh sách những vấn đề mà doanh nghiệp đang đối mặt rồi tổ chức những chương trình thúc đẩy các nhà sáng lập và các nhà đổi mới sáng tạo tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề đó.

Đại học như một nguồn cung cấp tài năng và tri thức

Rõ ràng là các công viên đổi mới sáng tạo phải được đặt gần các trường đại học như một nguồn liên tục cung cấp nhân lực tài năng và kiến thức mới. Thực tế, cả ba công viên đổi mới sáng tạo ở Biel, Zurich và Lausanne đều có cổ đông là các trường đại học.

Mặc dù có rất nhiều trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam cũng nằm trong các trường đại học, nhưng điều cần làm nổi bật là chất lượng nguồn nhân lực. Điều này không có nghĩa là nguồn nhân lực ở Việt Nam không tốt. Tuy nhiên, so với Thụy Sĩ, các trường đại học như Đại học Khoa học Ứng dụng Bern, Viện Công nghệ Liên Bang Thụy sĩ ETH Zurich hay Viện Kỹ thuật Liên bang Lausanne EPFL đang đứng trong top đầu thế giới về nhiều ngành kỹ thuật ứng dụng và nghiên cứu cơ bản.

Để tạo động lực cho đổi mới sáng tạo, các trường đại học trọng điểm ở Việt Nam phải đầu tư thêm rất nhiều vào đội ngũ nhân lực (giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh…) của mình theo hướng đổi mới sáng tạo. Đại học đổi mới sáng tạo là một mô hình mới. Nếu mô hình đại học nghiên cứu hiện nay chú trọng vào hai nhiệm vụ chính là đào tạo và nghiên cứu khoa học thì giờ đây các trường theo định hướng đổi mới sáng tạo sẽ có thêm vai trò mới là nơi tạo ra các “giá trị” cho sự phát triển của doanh nghiệp và cộng đồng.
-----
* Quản lý chương trình, Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss EP)
** Tổng giám đốc, BK Holdings