Sự hiện diện của nhãn khí thải carbon trên hàng hóa sẽ khuyến khích người mua cân nhắc lựa chọn tiêu dùng của mình.

Oatly bắt đầu sử dụng nhãn ghi chỉ số khí thải carbon vào năm 2019. Ảnh: alamy

Không lâu sau khi Tesco triển khai việc dán nhãn chỉ số khí thải carbon trên các mặt hàng của mình vào năm 2011, chuỗi siêu thị lớn nhất nước Anh này đã phải cân nhắc lại, để rồi đi đến quyết định chấm dứt kế hoạch được cho là tốn nhiều công sức và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Nhưng chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ sau, các sản phẩm được dán nhãn khí thải carbon đang thâm nhập thị trường bằng một con đường khác.

Quorn - thương hiệu sản xuất thịt nhân tạo - bắt đầu đính kèm chỉ số khí thải carbon trên dòng sản phẩm phổ biến nhất của mình vào năm 2020; Oatly - thương hiệu sữa yến mạch nổi tiếng - thì áp dụng nhãn dán này kể từ năm 2019. Unilever thì cho biết, năm nay họ đặt mục tiêu dán nhãn khí thải carbon trên toàn bộ sản phẩm, trong khi Nestlé đang cân nhắc triển khai.

Myles McCarthy, giám đốc công ty tư vấn khí thải Carbon Trust, nói: “Số lượng các doanh nghiệp mong muốn dán nhãn sản phẩm theo mức độ ảnh hưởng đến môi trường, cụ thể là chỉ số khí thải carbon, đang tăng lên rất nhanh.” Carbon Trust từng tham gia tư vấn cho chiến dịch trước đó của Tesco và hiện đang làm việc với Quorn, một nhà sản xuất thịt nhân tạo 35 năm tuổi thuộc sở hữu của tập đoàn Monde Nissin của Philippines.

Theo McCarthy, “Yếu tố thúc đẩy tăng trưởng là nhu cầu ngày càng tăng cao của người tiêu dùng… cũng như áp lực loại bỏ carbon và đạt được các mục tiêu tham vọng hơn nhiều về khí hậu đang đè nặng lên vai các tổ chức và các quốc gia. [...] Doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực tham gia vào cuộc chiến khí hậu từ nhiều phía, trong đó có nhà đầu tư, người tiêu dùng và đối thủ cạnh tranh.”

Quorn đã dán nhãn chỉ số khí thải carbon trên các sản phẩm phổ biến nhất của mình và có kế hoạch áp dụng rộng ra toàn bộ sản phẩm khác. Ảnh: bloomberg.

Khách hàng của Quorn được cho biết trung bình mỗi kg sản phẩm thịt thay thế thải ra 1,3kg khí thải carbon dioxide.

Hiện tại, họ khó có thể so sánh chỉ số trên với các loại thực phẩm khác, do trên thị trường có rất ít sản phẩm được dán nhãn carbon. Tuy nhiên, Marco Bertacca, giám đốc điều hành của Quorn, cho biết: “Chúng tôi muốn truyền cảm hứng đến các công ty thực phẩm còn lại.”

Liệu có đáng tin?

Tính toán lượng khí thải carbon của một sản phẩm không phải là vấn đề đơn giản. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp cam kết bảo vệ môi trường thực hiện đo lường mức phát thải khí nhà kính xuyên suốt chuỗi cung ứng - từ sản xuất và vận chuyển hàng hóa đến tiêu dùng và thải bỏ ra môi trường.

Năm ngoái, các nhà phân tích tại CDP (Carbon Disclosure Project - Dự án Công khai Tác động của Khí thải Carbon), tổ chức chuyên cung cấp số liệu môi trường cho các nhà đầu tư, phát hiện tuy có gần 9 trên 10 nhà sản xuất hàng tiêu dùng đồng ý cung cấp số liệu khí thải trong toàn bộ chuỗi giá trị, nhưng “phương pháp tính toán họ sử dụng có độ tin cậy khác nhau” - số điểm cao nhất thuộc về tập đoàn Danone của Pháp và thấp nhất thuộc về Coca-Cola.

Việc gắn số liệu trên với từng sản phẩm riêng lẻ đòi hỏi dữ liệu chi tiết hơn nữa. Theo ông McCarthy, “Các doanh nghiệp được khuyến khích hợp tác chặt chẽ với các nhà cung ứng chính của mình để thu được dữ liệu chính xác hơn về tác động môi trường trong quá trình sản xuất.” Kế hoạch của Quorn là triển khai nhãn carbon trên nhóm sản phẩm phổ biến nhất và sau đó mở rộng ra toàn dòng.

Carbon Trust đã gắn nhãn cho hàng trăm nghìn sản phẩm, từ xi măng đến tài khoản ngân hàng. Mới đây, công ty vừa cấp nhãn “Giảm carbon dioxide,” tức là cắt giảm khí thải tăng dần theo từng năm, cho bộ loa Echo Dot và điều khiển Fire TV Stick của Amazon.

Nhãn dán mang biểu tượng dấu chân của Carbon Trust chỉ là một trong số hàng trăm lựa chọn nhãn sinh thái trên thị trường. Oatly hợp tác với một công ty tư vấn khí thải khác là CarbonCloud. Theo thống kê của trang web Ecolabel Index (Canada), có đến hơn 450 nhãn sinh thái trên toàn cầu, trong đó có 31 nhãn liên quan đến lượng khí thải carbon.

Dấu chân Carbon Trust trên hộp bột giặt Tesco. Có nhiều chương trình chứng nhận nhãn sinh thái đang hoạt động trên toàn thế giới. Ảnh: alamy

Nhiều sản phẩm lựa chọn các nhãn dán chỉ số bền vững tương đối đơn giản, ví dụ như chứng nhận bảo vệ rừng của Rainforest Alliance hay Forest Stewardship Council. Tuy vậy, ông Bertacca lập luận rằng nhãn carbon sẽ đi theo con đường tương tự nhãn dinh dưỡng trong bối cảnh người tiêu dùng mong đợi nhà sản xuất cung cấp dữ liệu dạng số như hiện nay.

Ông kể lại, “Tôi đã sống đủ lâu để nhớ được cái thời mà chỉ số dinh dưỡng lần đầu được in trên bao bì thực phẩm, khi ấy tôi đã tự hỏi: ‘Con số này là gì? Nó có ý nghĩa gì với mình?’ [...] Chúng tôi đang bắt tay vào giải thích ý nghĩa của chỉ số [khí thải carbon] và chúng tôi tin rằng khi những doanh nghiệp khác cũng làm điều tương tự, con số này sẽ trở thành một khái niệm thực sự tác động đến quyết định của người tiêu dùng.”

Hiện tại, Quorn hy vọng sự hiện diện của nhãn carbon sẽ khuyến khích người tiêu dùng cân nhắc lựa chọn tiêu dùng của mình, ngay cả khi họ không thể so sánh trực diện với các sản phẩm thuộc thương hiệu khác.

Marc Engel, giám đốc chuỗi cung ứng tại Unilever, cho biết việc dán nhãn khí thải carbon sẽ giúp doanh nghiệp chuẩn bị cho kỷ nguyên thuế carbon và một thế giới nơi người tiêu dùng sẽ mong muốn tính toán tác động môi trường của mình ở cấp độ cá nhân.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa các doanh nghiệp. “Chúng ta cần phải thống nhất… về phương pháp tính toán, nếu không người tiêu dùng sẽ bơi trong biển nhãn dán” - ông nói.

Ủy ban Châu Âu đã khởi động một chương trình tư vấn về cấp nhãn sinh thái. Trong tương lai, chương trình này có thể sẽ tạo khuôn khổ pháp lý để yêu cầu doanh nghiệp chứng minh các tuyên bố của mình.

Nguồn: