Hầu hết người dân ở các nước nghèo nhất sẽ phải đợi thêm hai năm nữa mới được tiêm vắc-xin COVID-19.

Cần khoảng 11 tỷ liều vắc-xin để tiêm chủng cho 70% dân số thế giới chống lại COVID-19. Tính đến ngày 4/7, 3,2 tỷ liều đã được tiêm. Với tỷ lệ tiêm chủng hiện tại, con số này sẽ tăng lên khoảng 6 tỷ liều vào cuối năm, các nhà nghiên cứu ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán.

Nhưng cho đến nay, hơn 80% số liều vắc-xin đã được sử dụng cho người dân ở các quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao. Theo trang web Our World in Data, chỉ 1% người dân ở các nước có thu nhập thấp được tiêm ít nhất một liều.

Tháng trước, các nhà lãnh đạo của nhóm các quốc gia giàu có G7 đã cam kết bổ sung vắc-xin cho các nước thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2022, tại một hội nghị thượng đỉnh ở Cornwall, Vương quốc Anh. Trọng tâm là lời hứa của Tổng thống Mỹ Joe Biden: sẽ hỗ trợ 500 triệu liều vắc-xin Pfizer/BioNTech cho các nước nghèo. 500 triệu liều này sẽ bổ sung cho 87,5 triệu liều mà Mỹ đã cam kết trước đó. Vương quốc Anh cam kết hỗ trợ 100 triệu liều và Pháp, Đức và Nhật Bản cam kết hỗ trợ khoảng 30 triệu liều mỗi nước.

Trở ngại xuất khẩu vắc-xin

Andrea Taylor, nhà nghiên cứu chính sách y tế và trợ lý giám đốc của Trung tâm Đổi mới sức khỏe toàn cầu thuộc Đại học Duke, cho biết những cam kết này sẽ không giúp cung cấp nhiều vắc-xin hơn cho những người nghèo nhất trên thế giới một cách nhanh chóng. Hồi tháng 3/2021, nhóm của cô đã dự đoán thế giới sẽ tiêm chủng đầy đủ vào năm 2023; và Taylor nói rằng dự đoán đó vẫn đúng, cho dù có các cam kết mới.

Vì trên thực tế, các cam kết hỗ trợ vắc-xin sẽ chỉ giúp bù trừ các hạn chế đối với xuất khẩu vắc-xin. Liên minh châu Âu và Mỹ đều hạn chế xuất khẩu một số vắc-xin và thành phần vắc-xin. (Mỹ không có lệnh cấm xuất khẩu chính thức đối với vắc-xin hoặc các thành phần vắc-xin. Tuy nhiên, nước này đã sử dụng một đạo luật thời chiến được gọi là Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để buộc các công ty tư nhân hoàn thành hợp đồng trong nước trước các đơn đặt hàng khác. Điều này đã khiến các nhà sản xuất ở những nơi khác trên thế giới, như Viện Huyết thanh ở Ấn Độ, phàn nàn về việc không thể mua các mặt hàng mà họ thường nhập khẩu từ Mỹ. EU cũng yêu cầu các công ty thực hiện cam kết cung cấp vắc-xin cho EU trước khi xuất khẩu đi nơi khác.) Còn Ấn Độ, nơi sản xuất khoảng 6/10 số liều vắc-xin trên thế giới, đã ra lệnh cho các nhà sản xuất của nước này ngừng xuất khẩu vắc-xin COVID-19 vào tháng 2 - bao gồm việc ngừng cung cấp vắc-xin cho sáng kiến ​​COVAX. Taylor nói rằng các chính sách hạn chế xuất khẩu vắc-xin như vậy là một trở ngại lớn đối với quá trình tiêm chủng toàn cầu.

Xét nghiệm COVID ở Johannesburg, Nam Phi.

COVAX đã cam kết tiêm chủng cho 1/5 dân số của mỗi nước thu nhập thấp và trung bình thông qua việc cung cấp tổng cộng 2 tỷ liều vắc-xin vào cuối năm nay. Nhưng tính đến ngày 2/7, COVAX mới chỉ giao được 95 triệu liều.

Trong khi đó, số ca nhiễm COVID-19 đang tăng khắp châu Phi. Văn phòng Châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới, có trụ sở tại Brazzaville, Cộng hòa Congo, cho biết số ca nhiễm COVID-19 đã tăng 39% từ ngày 13 đến ngày 20/6 và tăng 25% trong tuần từ ngày 21 đến 27/6. Ít nhất 20 quốc gia, bao gồm Zambia, Uganda, Nam Phi và Cộng hòa Dân chủ Congo đang bị quá tải hệ thống y tế - theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (Africa CDC), có trụ sở tại Addis Ababa, Ethiopia.

Chậm tiến độ

Công ty dược phẩm AstraZeneca, có trụ sở tại Cambridge, Vương quốc Anh, là một trong những nhà cung cấp vắc-xin chính của COVAX. Tháng 6/2020, công ty đã ký một thỏa thuận với Viện Huyết thanh của Ấn Độ (SII) ở Pune, một trong những nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, để sản xuất 1 tỷ liều và gửi chúng đến các nước thu nhập thấp và trung bình. Dự kiến trong tổng số 1 tỷ liều này, 400 triệu liều sẽ được giao trong năm 2020.

Tuy nhiên, khi COVID bắt đầu bùng phát trở lại, chính phủ Ấn Độ đã chỉ đạo SII chuyển hướng tất cả nguồn cung vắc-xin để đáp ứng nhu cầu trong nước. Điều này đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến COVAX. Đến cuối tháng 3 năm nay, COVAX mới nhận được 28 triệu liều vắc-xin AstraZeneca-Oxford, và nhẽ ra phải nhận được 90 triệu liều nữa vào cuối tháng 4 nhưng đợt hàng này vẫn đang bị trì hoãn.

Nhìn chung, từ tháng 2 đến tháng 5, các nước châu Phi chỉ nhận được 18,2 triệu trong số 66 triệu liều mà họ dự kiến ​​nhận được thông qua COVAX. Chỉ 2% trong số gần 1,3 tỷ người ở châu Phi đã được tiêm một liều vắc-xin COVID-19. Và hơn 1% - tương đương 26 triệu người - được tiêm chủng đầy đủ hai liều, theo văn phòng Châu Phi của WHO.

Trong khi đó, Liên minh châu Phi đang tìm kiếm các lựa chọn khác. Với sự giúp đỡ tài chính từ Ngân hàng Thế giới, họ đã đặt được 400 triệu liều vắc-xin tiêm một mũi do công ty dược phẩm Johnson & Johnson có trụ sở tại New Brunswick, New Jersey phát triển. “Thẳng thắn mà nói, chúng ta đang không thể chống lại virus này, nên dù vắc-xin đó là của COVAX hay bất cứ nơi nào cũng không thực sự quan trọng. Tất cả những gì chúng ta cần là tiếp cận nhanh chóng với vắc-xin”, Giám đốc CDC Châu Phi John Nkengasong cho biết tại một cuộc họp giao ban vào cuối tháng trước.

Các quốc gia châu Phi riêng lẻ cũng đang tự tìm cách đàm phán các thỏa thuận với các công ty vắc-xin để lấp đầy lỗ hổng do chính sách "đóng cửa" của SII để lại. Nhưng Taylor cho biết, nhưng những quốc gia này thường không được ưu tiên vì họ không có sức mua như những quốc gia giàu có hơn.

Các nước nghèo cần vắc-xin ngay bây giờ

Taylor giải thích, khi các nhà sản xuất của Ấn Độ trì hoãn xuất khẩu, Mỹ đang nổi lên như là nhà cung cấp vắc-xin hàng đầu thế giới cho các nước nghèo, và đã bắt đầu phân phối một số nguồn vắc-xin dư thừa của mình. Tuy nhiên, theo nhà khoa học của WHO, Soumya Swaminathan, nỗ lực này có thể là quá muộn. “Việc phân phối vắc-xin không công bằng đã cho phép virus tiếp tục lây lan. Các quần thể chưa được chủng ngừa đã có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là từ các biến thể mới, chẳng hạn như Delta (còn được gọi là B.1.617.2)", Swaminathan nói.

WHO đang kêu gọi các quốc gia thành viên hỗ trợ để tiêm chủng cho ít nhất 10% người dân ở mọi quốc gia vào tháng 9, xa hơn là tiêm chủng cho ít nhất 30% người dân ở mọi quốc gia vào cuối năm. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu các quốc gia ngay lập tức chia sẻ nguồn cung vắc-xin với COVAX và nếu các nhà sản xuất ưu tiên đơn đặt hàng của COVAX, Swaminathan nói. Taylor cho biết thêm, tình hình vô cùng gấp gáp: “Những liều vắc-xin được chia sẻ ngay bây giờ sẽ có tác động mạnh hơn rất nhiều so với sáu tháng nữa. Chúng tôi cần các quốc gia giàu có gửi vắc-xin ngay lập tức".

Nguồn: