Theo cô Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lâm Thao (thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), thực tế phải ưu tiên những thành tích thiên về điểm số và thi cử khiến việc đầu tư thời gian và công sức vào các hoạt động giáo dục STEM trở nên “mạo hiểm”.

Năm học 2020-2021, Trường THCS Lâm Thao chúng tôi được phân công thực hiện thí điểm dạy học STEM. Để tìm hướng đi, chúng tôi đã tham khảo nhiều kênh thông tin: trên mạng Internet; trên các trang hội nhóm giáo dục STEM; qua các cuốn sách viết về giáo dục STEM.

Cũng trong năm học này, trường được Công ty Kidscode tặng 2 con robot giáo dục KC- Bot 3T và Trung tâm Công nghệ thông tin – Truyền thông Vietnet (Vietnet – ICT) tặng 25 bộ Microbit thông qua dự án “Kỹ năng số cho thế kỷ 21”, tạo thuận lợi cho chúng tôi khi lần đầu tiên tiếp cận một mô hình giáo dục mới.

Trường THCS Lâm Thao hiện có 654 học sinh. Phương thức giáo dục STEM được trường triển khai từ năm học 2020-2021, bắt đầu bằng việc đưa kiến thức liên môn vào các bài học. Trong ảnh: Học sinh lớp 6A1 với cân lò xo đơn giản được chế tạo trong giờ học kết hợp kiến thức vật lý và toán. Nguồn: Trường THCS Lâm Thao

Mặc dù chưa được tập huấn nhiều về dạy học STEM nhưng Trường THCS Lâm Thao đã thực hiện được một loạt chủ đề STEM bài học đối với môn Vật Lý , Sinh học và Công nghệ như: Cân lò xo; Giá đỗ - thực phẩm sạch cho sức khỏe; Cách nấu chín thức ăn cho vật nuôi bằng nhiệt; Cách làm tương truyền thống của làng nghề tương Dục Mỹ, Cao Xá, Lâm Thao, Phú Thọ. Cách làm ủ ấm của làng nghề Sơn Vi, Lâm Thao, Phú Thọ; Cách làm nón lá của làng nghề truyền thống nón lá Sai Nga, Cẩm Khê, Phú Thọ; Cách làm mì truyền thống của làng nghề Hùng Lô, Việt Trì, Lâm Thao, Phú Thọ.

Mỗi hoạt động học được thiết kế rõ ràng về mục đích, nội dung, dự kiến sản phẩm học tập mà học sinh phải hoàn thành và cách thức tổ chức hoạt động học tập. Các hoạt động học tập đó có thể được tổ chức cả ở trong và ngoài lớp học (ở trường, ở nhà và cộng đồng) và học sinh được khuyến khích đề xuất ý tưởng cho nội dung. Chúng tôi đã thiết kế bài học điện tử trên mạng để hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động học của học sinh bên ngoài lớp học.

Thông qua các giờ học STEM, học sinh đã bộc lộ và phát huy được những năng lực và phẩm chất của riêng mình - có những em không quá giỏi các môn Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh nhưng lại có những kỹ năng thực hành khéo léo. Cấn nhấn mạnh rằng, một mục tiêu quan trọng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, bắt đầu áp dụng với học sinh lớp 6 từ năm học tới, là làm sao để học sinh phát huy được năng lực sở trường. Đa số học sinh của chúng tôi rất hứng thú, háo hức thực hiện các nhiệm vụ ở nhà, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập và thảo luận về kết quả ở mỗi nhóm, từ đó rút kinh nghiệm để sản phẩm do nhóm mình làm lần sau tốt hơn.

Trường cũng thành lập câu lạc bộ STEM với các hoạt động thử nghiệm lắp ráp robot, lập trình điều khiển robot, lập trình cảm biến trên thiết bị Microbit vào buổi chiều, ngoài các khung giờ học chính khóa. Trong ảnh: Các thành viên CLB STEM học lập trình với phần mềm Microbit. Nguồn: Trường THCS Lâm Thao

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thành lập câu lạc bộ STEM gồm 2 nhóm, mỗi nhóm 5 học sinh đến từ đội tuyển Toán và đội tuyển Tin học của trường. Đây là các em có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ, đóng vai trò là nòng cốt trong việc hướng dẫn lại cho các bạn khác. Trên thực tế, nhà trường đã tổ chức tập huấn lan tỏa về lập trình Microbit trực tiếp tới 50 học sinh và trực tuyến qua phần mềm Zoom tới 50 học sinh. Những tiết học thử nghiệm lắp ráp robot, lập trình điều khiển robot, lập trình cảm biến trên thiết bị Microbit của câu lạc bộ diễn ra vào buổi chiều, ngoài các khung giờ học chính khóa, được nhiều học sinh yêu thích và mong đợi.

Cứ như vậy, các hoạt động giáo dục STEM của chúng tôi dần dần hình thành, tuy nhiên mới mang tính thử nghiệm chứ chưa có kiểm tra, đánh giá của các chuyên gia.

Trong giờ học về cách làm giá đỗ tự nhiên, kết hợp kiến thức sinh học và công nghệ. Nguồn: Trường THCS Lâm Thao

Học sinh lớp 8 thi lập trình robot đưa bóng vào gôn hôm 26/3/2021.
Nguồn: Trường THCS Lâm Thao

Trong quá trình thực hiện, chúng tôi nhận thấy, triển khai giáo dục STEM một cách hiệu quả, đi vào thực chất và lan tỏa đến giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh là một vấn đề không đơn giản.

Thứ nhất, chúng tôi không thể tổ chức tất cả các bài học STEM trong các tiết học chính khóa, bởi vì chủ đề dạy học mà chúng tôi xây dựng đầu năm học vẫn đơn thuần là những chủ đề đơn môn, được giới hạn trong khung chương trình. Trong khi đó, dạy học STEM bài học đòi hỏi huy động nhiều kiến thức liên môn, buộc các thầy cô phải xây dựng lại kế hoạch dạy học, và tốn nhiều thời gian, nên chúng tôi chỉ có thể thực hiện những giờ dạy STEM bài học vào các buổi chiều trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, hoặc sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Mặt khác, học theo phương pháp tích hợp liên môn, học sinh cũng phải mất nhiều thời gian thực hiện nhiệm vụ học tập ở nhà. Trong khi đó các em còn phải đi học thêm, học nhóm, học đội tuyển để chuẩn bị cho kỳ thi khảo sát, kỳ thi chọn đội tuyển, kỳ thi học sinh giỏi các cấp, kỳ thi vào THPT…

Một ràng buộc khác là việc đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường hiện nay hoàn toàn dựa vào các thành tích như số học sinh giỏi các các cấp; tỉ lệ đỗ vào THPT; tỉ lệ thi đỗ vào các trường THPT chuyên… mà chưa bao gồm các tiêu chí như sau khi học xong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh hoàn thiện được những kỹ năng gì hay phát triển được năng lực, phẩm chất nào. Một số thầy cô ngại thay đổi, không muốn đổi mới cách dạy của mình và cách học của học sinh, trung thành với giáo án cũ và kế hoạch dạy học cũ để lựa chọn giải pháp “an toàn”. Chính vì vậy, giáo dục STEM bài học không thể lan tỏa rộng đến các môn học và không được nhân lên thành nhiều chủ đề khác nhau trong kế hoạch dạy học của giáo viên.

Ngoài ra, để câu lạc bộ STEM hoạt động có hiệu quả, cần có phòng học STEM được trang bị đầy đủ thiết bị; có đội ngũ giáo viên cốt cán được tập huấn bài bản; có cơ chế hỗ trợ của nhà nước, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh để nhà trường có thể thu hút được nguồn lực đầu tư, liên kết với nhà khoa học. Được biết, một phòng học STEM có đầy đủ các thiết bị hiện đại như robot giáo dục; màn hình tương tác; máy chiếu/máy thu vật thể; máy tính, ipad cho giáo viên và học sinh; máy in 3D; máy CNC laser… có giá khoảng 300 triệu đồng. Nhiều học sinh mong muốn được tham gia câu lạc bộ STEM của trường, đặc biệt là mấy em bấy lâu nay có vẻ như bị “bỏ quên” bởi thành tích học Toán, Lý, Hóa, Ngữ Văn, Tiếng Anh không có gì nổi trội nhưng lại bộc lộ trí thông minh và những năng lực đáng ngạc nhiên khi học lập trình robot. Đáng tiếc là cơ sở hiện tại của chúng tôi chưa cho phép tiếp nhận nhiều học sinh tham gia câu lạc bộ như mong muốn.

Tựu trung, là trường trọng điểm cung cấp đầu vào cho các trường chuyên, chúng tôi phải ưu tiên nâng cao chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn - đó là các nhiệm vụ sống còn của nhà trường. Việc tập trung vào giáo dục STEM có thể sẽ ảnh hưởng đến các kết quả thi học sinh giỏi và thi vào THPT – những thành tích mà bấy lâu nay tạo nên thương hiệu và thế mạnh của nhà trường. Vì vậy, mặc dù học sinh rất yêu thích tham gia câu lạc bộ STEM, say mê học lập trình robot, bản thân chúng tôi cũng như phụ huynh thì luôn mong muốn các em được tỏa sáng theo cách của riêng mình, nhưng với những sứ mệnh, những yêu cầu và đánh giá của xã hội đối với nhà trường, chúng tôi, học sinh và phụ huynh không dám mạo hiểm đầu tư nhiều thời gian vào hoạt động này.

Rõ ràng, giáo dục STEM vẫn đang là vấn đề mới, đường đi nước bước vẫn còn gây nhiều bối rối. Thiết nghĩ, để khắc phục tình trạng đó, cần có sự đồng thuận và quyết tâm cao hơn của các bên liên quan để cùng thực hiện các giải pháp. Chẳng hạn, chúng tôi cần có cơ chế để thu hút nhà tài trợ và nhà đầu tư để hình thành được phòng học STEM như đã mô tả ở trên. Ngoài ra, cũng cần giảm bớt các kỳ thi học sinh giỏi các cấp - theo chúng tôi là chỉ cần duy trì kỳ thi dành cho học sinh lớp 9 - đồng thời cần chú trọng hơn các kỳ thi phát triển năng lực và kỹ năng cho học sinh. Bên cạnh đó, việc đánh giá chất lượng giáo dục của nhà trường không chỉ nên dựa vào kết quả các kỳ thi học sinh giỏi các cấp hay thi vào THPT mà còn cần xét đến các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực.