Sau hai tuần các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện ở TPHCM do Covid-19, chỉ số mức độ bình thường hóa của Việt Nam bị giảm so với giữa tháng Sáu, đứng thứ 46/50 nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo xếp hạng của tạp chí Economist.

Covid-19 đã kéo dài hơn một năm rưỡi, bắt đầu từ đầu năm 2020 và ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Khi thế giới nghĩ đại dịch sắp kết thúc, thì một chủng mới virus lại xuất hiện, với độ nguy hiểm cao hơn. Lúc này, không ai dám chắc chắn điều gì về đại dịch, ngoài một điều: cuộc sống sau đại dịch sẽ thay đổi rất nhiều.

Mới đây, tạp chí Economist đã đưa ra chỉ số “Bình thường hóa” nhằm đo lường mức độ trở lại trạng thái bình thường sau đại dịch của các quốc gia trên thế giới. Trong số liệu mới nhất của bảng xếp hạng này, Việt Nam xếp thứ 46/50.

Tạp chí Economist tiến hành xếp hạng 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới (chiếm 90% GDP toàn cầu và 76% dân số thế giới). Chỉ số “Bình thường hóa” gồm tám yếu tố chính, được chia thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất là Giao thông và Đi lại với các chỉ số: giao thông công cộng ở các thành phố lớn; mức độ ách tắc giao thông ở các thành phố đó và số lượng các chuyến bay quốc tế và nội địa. Nhóm thứ hai là Giải trí: thời gian ra khỏi nhà; doanh thu phòng vé rạp chiếu phim (một thước đo đại diện cho lượng khán giả đến rạp); và số lượng tham dự các sự kiện thể thao chuyên nghiệp. Nhóm thứ ba là Bán lẻ và Công việc: số lượng người trong các cửa hàng; tỷ lệ lấp đầy các văn phòng (được đo lường các thành phố lớn).

Việt Nam đạt 51,3/100 điểm - kém Argentina xếp ngay trước 1,6 điểm và nhỉnh hơn Đài Loan xếp ngay sau 0,2 điểm.

Ba quốc gia/vùng lãnh thổ đứng đầu là Hong Kong, New Zealand và Pakistan với số điểm lần lượt là 96,3 - 87,8 - 84,4. Ấn Độ, Đài Loan và Malaysia là các quốc gia/vùng lạnh thổ có mức độ “bình thường hóa” thấp nhất, với chỉ số đều dưới 50.

Trong các quốc gia khu vực Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia có mức độ bình thường hóa tốt nhất với 58,3 điểm, xếp thứ 40. Thái Lan xếp ngay sau với 57,8 điểm. Singapore và Philippines đều đạt 55,5 điểm.

Số liệu cập nhật vào giữa tháng Sáu cho thấy Việt Nam đạt 52,8 điểm, tuy nhiên đã tụt 1,5 điểm sau hai tuần các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện ở TPHCM. Ấn Độ dù tăng nhiều điểm nhất trong 2 tuần (tăng tới 7,4 điểm) nhưng vẫn nằm trong nhóm cuối.

Chỉ số bình thường hóa của thế giới tụt xuống 35 điểm trong tháng 4/2020 trước khi tăng dần trở lại qua các tháng. Hiện tại, chỉ số trung bình của cả thế giới là 66, có nghĩa là khoảng 2/3 các hoạt động xã hội đã quay lại trạng thái như trước khi có đại dịch diễn ra.

Tác động của vaccine tới chỉ số bình thường hóa

Hiện nay, cả thế giới đã triển khai được hơn 3 tỷ liều vaccine, dự báo một cuộc sống sau đại dịch đang dần hình thành. Về lý thuyết, vaccine sẽ giúp giảm sự lây lan và tỉ lệ tử vong của Covid-19. Điều đó dẫn đến một giả thuyết là tỉ lệ tiêm chủng tỉ lệ thuận với mức độ bình thường hóa. Tuy nhiên, hiện tại chưa giải thích được vì sao có những quốc gia/vùng lãnh thổ có mức điểm bình thường hóa cao trong khi có tỉ lệ tiêm chủng thấp như Pakistan hay New Zealand. Ngược lại, với trường hợp của Chile, mặc dù đã tiến hành tiêm vaccine cho 60% dân số [1], quốc gia này còn xếp sau Việt Nam với 51,1 điểm.


Tương quan giữa chỉ số bình thường hóa và tỷ lệ tiêm chủng
. (Nguồn: Economist)

Quyền lực nhà nước được thúc đẩy

Giáo sư Nicholas Christakis ở Đại học Yale dự đoán hai trong các thay đổi chính do đại dịch đem tới, đó là mối đe dọa tập thể thúc đẩy sự phát triển quyền lực nhà nước và sự đảo lộn nếp sinh hoạt thường nhật thúc đẩy việc tìm ý nghĩa của cuộc sống.

Quyền lực và vai trò của Nhà nước được thể hiện khá rõ rệt trong đại dịch. Chính phủ là kênh chính để cung cấp thông tin, thiết lập các quy tắc, nguồn tiền mặt để cung ứng vaccine. Economist cũng cho rằng một chính phủ lớn hơn, năng động hơn là giải pháp ưu tiên. [2]

Quan điểm về cuộc sống của mỗi người cũng có những thay đổi rõ rệt, không chỉ giới hạn ở bản sắc chính trị cánh tả hay cánh hữu mà còn sâu hơn thế. Cứ 1 trong 5 người được khảo sát ở Ý và Hà Lan nói đại dịch khiến họ có niềm tin vào tôn giáo hơn. Cứ 2 trong 5 người ở Tây Ban Nha và Canada nói đại dịch khiến mối quan hệ với gia đình của họ tốt đẹp hơn.

Các thói quen hằng ngày cũng đang thay đổi. Ở Anh, phụ nữ trẻ cho biết họ đã dành thời gian đọc sách nhiều hơn gấp rưỡi so với trước đây. Đặc biệt, dường như những người lao động đã quen với làm việc tại nhà và không muốn quay trở lại văn phòng. Prudential thực hiện khảo sát với 2.000 người Mỹ trưởng thành và chỉ ra rằng 87% những người đang làm việc từ xa muốn tiếp tục làm việc từ xa sau khi các lệnh cấm được dỡ bỏ. Cũng trong khảo sát này, 42% nhân viên làm việc từ xa nói họ sẽ tìm công việc khác nếu như quay trở lại làm việc tại văn phòng toàn thời gian. Chỉ 20% số người tham gia khảo sát cho rằng họ hiếm khi hoặc không bao giờ muốn làm việc ở nhà. [3]


Khảo sát về mong muốn được làm việc tại nhà sau dịch Covid. Nguồn: Economist


Dư âm sau đại dịch

Cách đây một thế kỷ, thế giới đã chứng kiến và trải qua sự kinh hoàng của đại dịch cúm Tây Ban Nha. Trận dịch năm 1918 đã phủ bóng lâu dài lên thế kỷ 20 với những tác động lớn lên cuộc sống. Đó là cuộc bùng nổ dân số vào những năm 1920 hay những thay đổi về chiến lược y tế cộng đồng trên toàn thế giới. Lần này, các đột phá mới có thể bao gồm từ du hành không gian đến kỹ thuật di truyền và trí tuệ nhân tạo.

Ngay cả trước khi Covid xuất hiện, cuộc cách mạng kỹ thuật số, biến đổi khí hậu và sự trỗi dậy của Trung Quốc dường như đang đưa trật tự do phương Tây lãnh đạo sau Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Đại dịch được cho là sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đó. [2]