“Công nghệ sản xuất tiên tiến và kỹ thuật sử dụng gạch không nung chưa được phổ biến rộng rãi. Vì vậy, cần tăng cường hoàn thiện và thực thi các chính sách, đẩy mạnh việc hoàn thiện công nghệ và nâng cao nhận thức về lợi ích kinh tế khi sử dụng gạch không nung”.

gạch không nung sẽ không lép vế trước gạch nung trong thời gian tới. Ảnh: INT
Gạch không nung sẽ không lép vế trước gạch nung trong thời gian tới. Ảnh: INT

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh về việc thực hiện dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam.

Gạch không nung tốt vẫn bị ghẻ lạnh

Thói quen sử dụng gạch đất sét nung hiện vẫn khá phổ biến ở khắp các địa phương. Việc xóa bỏ lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định 1469/QĐ-TTg của Thủ tướng về quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng cần nhiều thời gian để hoàn tất.

Dự tính đến năm 2020, Việt Nam cần 42 tỷ viên gạch mỗi năm. Tương ứng với nhu cầu lớn này, theo phê duyệt của Chính phủ, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng sẽ phải tiến tới sản xuất sạch, tức hướng từ vật liệu nung sang vật liệu không nung.

PGS-TS Nguyễn Văn Tuấn - Phó Trưởng khoa Vật liệu xây dựng, Đại học Xây dựng - khẳng định: “Phát triển sản xuất và sử dụng gạch không nung là xu hướng tất yếu của công nghiệp xây dựng hiện đại. Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung. Theo đó đến năm 2020, vật liệu không nung chiếm 40% sản lượng vật liệu xây dựng. Với sự hỗ trợ từ chính sách, nhiều người kỳ vọng gạch không nung sẽ dần có chỗ đứng ở thị trường trong nước, được sử dụng rộng rãi hơn tại các công trình”.

Ở các nước phát triển, vật liệu xây dựng được sử dụng chủ yếu là loại không nung, gạch đất sét nung chỉ chiếm 10-15%. Tại châu Á, thị phần của sản phẩm bêtông khí chưng áp chiếm khoảng 40-45%, còn lại là các vật liệu không nung khác. Việc dùng gạch bêtông nhẹ thay gạch đất sét nung cho nhà cao tầng giúp tiết kiệm 4,6% chi phí đầu tư.

Tuy nhiên ở Việt Nam, gạch không nung dù có nhiều ưu điểm vẫn đang yếu thế hơn rất nhiều so với gạch đất sét nung thủ công. Theo tốc độ phát triển của thị trường gạch nung hiện nay, tổng lượng gạch sản xuất trong 10 năm tới là 330 tỷ viên, tiêu tốn khoảng 500 triệu mét khối đất sét (tương ứng mất 25.000ha ruộng), 40 triệu tấn than và thải ra bầu khí quyển khoảng 148 triệu tấn khí độc hại.

Nhiều chính sách ưu tiên

Nói về nguyên nhân khiến gạch không nung lép vế trước gạch đất sét nung, TS Lương Đức Long - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng - cho rằng, nhiều cơ sở sản xuất gạch không nung đang gây mất niềm tin về vật liệu này: “Vật liệu không nung nhẹ, khả năng cách nhiệt, chống cháy, chống thấm nước và chịu nén cao; nhưng khi tôi đi kiểm tra một số cơ sở sản xuất nhỏ, họ thừa nhận gạch làm ra chỉ để xây tường chứ không đủ tiêu chuẩn xây nhà vì thấm nước rất mạnh”.

Để đảm bảo chất lượng gạch không nung, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu rõ sự cần thiết của việc thống nhất công nghệ sản xuất. Phải ưu tiên những công nghệ tốt nhất, hiện đại nhất và phù hợp với nguyên liệu từng địa phương khi triển khai các dự án trình diễn.

Hiện cả nước có 23 nhà máy sản xuất bêtông khí chưng áp, bêtông bọt, gạch block ximăng cốt liệu đã đi vào sản xuất. Theo quy định, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước bắt buộc sử dụng vật liệu không nung theo lộ trình: Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu không nung từ đầu năm 2013, các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu không nung cùng thời điểm và sau năm 2015 phải sử dụng 100%.

Với các quy định siết chặt việc sử dụng gạch đất sét nung, thời gian qua hàng loạt cơ sở sản xuất gạch nung phải đóng cửa hoặc chỉ chạy nửa công suất. “Sản xuất gạch nung đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu không cao nên các cơ sở thấy có lời thì sản xuất, mất giá thì phá bỏ. Năm 2015, lượng gạch không nung được sử dụng chỉ dừng ở con số khiêm tốn 18-20% tổng số vật liệu xây dựng” - TS Thái Duy Sâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nói.

Dù vậy theo ông Sâm, gạch không nung vẫn không dễ tăng thị phần so với gạch nung. Lý do là nhà máy sản xuất gạch không nung cần đầu tư vốn rất lớn trong khi lợi nhuận thấp, thị trường không ổn định, nhiều rủi ro. Do đó, vấn đề tăng cường sử dụng gạch không nung vẫn là bài toán khó và để giải bài toán này, cần có lộ trình chi tiết phát triển gạch không nung, tiến tới xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung và hạn chế xây dựng mới các nhà máy gạch tuynel như chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh.