Nhiều người trong chúng hẳn biết rằng, Mentor quan trọng đối với Mark Zuckerberg chính là Steve Jobs. Chính từ những lời khuyên và truyền cảm hứng của Steve Jobs, Mark đã “hướng đông” (go east) và thay đổi cả định hướng quan trọng của Facebook.
Chúng ta tự hỏi tại sao Mentoring lại quan trọng như thế trong khởi nghiệp? Câu chuyện bắt đầu từ một sự thật dễ thấy nhưng khó vượt qua: Khởi nghiệp là một quá trình cô đơn và dễ mất phương hướng…
Mentor là ai?
Có rất nhiều cách hiểu khác nhau về Mentoring trong đời sống hằng ngày và trong khởi nghiệp, vì vậy, không thể phân biệt được Mentor với Consultant (tư vấn), hay Coach (huấn luyện viên) nếu chỉ dùng định nghĩa đơn thuần. Hiện nay Mentoring không tìm được từ tương đương trong tiếng Việt nên chúng tôi xin phép sử dụng từ nguyên gốc.
Mentor là người đưa ra những định hướng, giới thiệu cơ hội, và hỗ trợ cho người khởi nghiệp thành công. Nhưng nếu chỉ định nghĩa như vậy mà không xem đến quá trình ra được những kết quả đó thì quả là thiếu sót.
Hơn cả một người bạn, một cố vấn, Mentor lắng nghe những băn khoăn của bạn về những vấn đề của doanh nghiệp, cho bạn lời khuyên từ những kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của họ.
Khác với Coach - người giám sát công việc của bạn, chỉ cho bạn kỹ năng, cung cấp những kiến thức cần thiết để giải quyết vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp, gắn bó với bạn một cách kỹ thuật thì Mentoring là cả một quá trình tìm hiểu, vun đắp mối quan hệ và ý thức nghiêm túc về việc xây dựng mối quan hệ đó.
Tại sao khởi nghiệp cần Mentor?
Ở giai đoạn đầu của khởi nghiệp, câu hỏi bạn thường tự đặt ra là có nên bỏ công việc hiện tại để khởi nghiệp hay không? Làm thế nào để chắc chắn rằng con đường mình đang đi là đúng?
Bạn cần một ai đó chia sẻ những suy nghĩ đang rối lên trong đầu. Bạn không cần người tư vấn cho bạn biết mình nên đi hướng nào mà cần ai đó đặt những câu hỏi giúp bạn tự nhận ra hướng đi nào là tốt, đó là khi bạn cần một Mentor.
Ở những bước đường khởi nghiệp tiếp theo, những vấn đề khó khăn của kinh doanh bắt đầu nảy sinh - từ khả năng bán hàng, giải quyết khiếu nại khi bán hàng, vốn, rồi xung đột nhóm… - cản trở sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp của bạn, đó cũng là khi bạn cần một Mentor
Ngay cả khi doanh nghiệp đã phát triển mạnh, câu hỏi thường trực trong bạn sẽ là đi tiếp như thế nào để phát triển mạnh hơn, bền vững hơn hoặc có ích hơn với cuộc sống. Những lúc mất phương hướng như vậy cũng là khi bạn cần một Mentor.
Khởi nghiệp cần Mentor vì bạn thực sự cần một ai đó cùng bạn định hướng, giữ được ngọn lửa nhiệt huyết, một người bạn không bao giờ phán xét khi bạn làm sai, một người chỉ nêu câu hỏi để bạn tự định hướng lại cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Thế nào là một Mentor tốt?
Rõ ràng, giữa Mentor và Mentee (người được Mentor giúp đỡ) là mối quan hệ dựa trên niềm tin và kéo dài. Vì vậy, ở cả hai phía đều cần có sự hiểu biết để có những ứng xử phù hợp.
Với Mentee, đừng mong Mentor sẽ là người giải quyết toàn bộ vấn đề cho bạn và đáp ứng những nhu cầu phi lý của bạn. Mentorship không phải là quan hệ cha con, không hẳn là bạn bè, không phải là đồng nghiệp hay cấp trên cấp dưới. Mentor và Mentee là bình đẳng vì vậy không nên kỳ vọng Mentor sẽ nói cho bạn biết bạn phải làm gì, và làm thế nào.
Cho dù Mentor đúng hay sai, việc trở thành một Mentee cũng giúp bạn học được cách lắng nghe người khác nói. Hãy đặt nhiều câu hỏi sau khi đã suy nghĩ cẩn thận. Bạn càng đầu tư nhiều vào các câu hỏi, càng cho thấy bạn nghiêm túc trong mối quan hệ này.
Ý nghĩa của việc có Mentor còn nằm ở chỗ bạn sẽ có một người nghiêm túc theo dõi những cam kết của bạn. Trao đổi với Ted Nuyen, người sáng lập mạng lưới SME Mentoring Network, chúng tôi được anh chia sẻ, theo quan sát của anh, sự lãng phí lớn nhất khi khởi nghiệp đó là thời gian.
Khi không có ông chủ, không có người giám sát, những doanh nhân khởi nghiệp thường thiếu tính kỷ luật với bản thân mình, đi lệch hướng. Với việc có một Mentor, bạn hãy nghiêm túc thực hiện những gì mình cam kết.
Về phía Mentor, Zuckerberg có ba lời khuyên:
Hãy chia sẻ niềm hứng khởi học được một điều gì mới mẻ, niềm vui sẽ có tính chất lây lan.
Điều này dễ hiểu vì đây cũng là lúc bạn mang lại điều gì mới mẻ cho cuộc sống của người khác, và là một cách mà rất nhiều Mentor lựa chọn để tạo ra những động lực mới cho chính mình và mang giá trị đến cộng đồng.
Hãy tin rằng chỉ cần đầu tư chút ít thời gian của mình chia sẻ kinh nghiệm, nó có thể mở ra cả chân trời mới cho một người khác.
Trở thành Mentor là cách trả lại những gì cuộc sống đã mang lại cho ta. Rất nhiều người đã thay đổi cuộc đời bởi họ gặp được Mentor vào đúng thời điểm.
Cả Mentor và Mentee đều thu nhận được một điều gì đó trong quá trình trao đổi này.
Bạn có thể thấy rõ rằng, đây là quá trình trao đổi tự nguyện, vì vậy, theo nguyên tắc có đi có lại, không chỉ Mentee có lợi từ mối quan hệ này, mà Mentor cũng học được cách hoàn thiện kỹ năng lắng nghe và đặt câu hỏi có ích cho người nghe.
Không nhất thiết phải thành công mới trở thành Mentor
Cho đến nay ở Việt Nam, số lượng các doanh nhân thành công, những nhân vật có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng trở thành Mentor chưa nhiều. Quan niệm rằng phải thực sự thành công hoặc phải có thời gian mới trở thành Mentor là sai lầm. Cộng đồng khởi nghiệp chưa thực sự hiểu vai trò của của Mentorship cũng đang là một rào cản với sự phát triển của Mentoring ở Việt Nam.
Được sự bảo trợ của Đại sứ quán Mỹ, năm 2011, SME Mentoring Network ra đời và là dự án thành công nhất về Mentoring tính đến thời điểm hiện nay với cách tiếp cận theo hình thức tự nguyện và 1:1. Một Mentor có thể có nhiều Mentee và tối thiểu mỗi tháng hai bên gặp nhau một lần để đảm bảo sự trao đổi và cập nhật lẫn nhau.
Gần năm năm trưởng thành và phát triển, SME Mentoring Network đã thực sự phát triển được một mạng lưới những Mentor đang mong muốn đóng góp vào sự thay đổi căn bản tư duy của giới khởi nghiệp.
Mỗi người đến với SME Mentoring Network là một câu chuyện riêng, nhưng tất cả đều đang được xây dựng trên niềm tin, sự trân trọng và những giá trị bền vững. Tháng 11/2015, mạng lưới này đã bắt đầu mở rộng ra Hà Nội với hy vọng sẽ mang lại nhiều hiểu biết thiết thực cho doanh nghiệp khởi nghiệp.