Cộng đồng khoa học Brazil chưa hết choáng váng sau khi bị giáng một đòn đau đớn về tài trợ nghiên cứu. Vào ngày 15/10, Tổng thống Jair Bolsonaro đã ký một dự luật gửi 600 triệu reais (106,3 triệu USD) dành cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới của đất nước tới một số cơ quan chính phủ khác.

Nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu ở Brazil thường xuyên phải chịu đựng việc bị cắt giảm kinh phí. Các cơ quan và quỹ khoa học quan trọng của đất nước chỉ nhận được 4,4 tỷ reais vào năm ngoái - bằng khoảng một phần ba so với số tiền họ nhận được vào năm 2015, khi nguồn tài trợ đạt đỉnh 14 tỷ reais. Kể từ năm 2004, số tiền 4,4 tỷ reais là khoản đầu tư nhỏ nhất mà Brazil từng dành cho nghiên cứu.

Các nhà nghiên cứu hoàn toàn mất tinh thần trước quyết định của chính phủ nhằm ‘tước đoạt’ số tiền mà đáng lý nền khoa học nước này phải được nhận. “Mọi thứ đang trở nên tồi tệ”, Patricia Endo, một nhà khoa học máy tính tại Đại học Pernambuco ở Caruaru, cho biết. “Nếu không vì gia đình mình, tôi đã xách vali rời khỏi đất nước này rồi”.

Một nhà nghiên cứu khoa học tách RNA từ tế bào gốc phôi trong một phòng thí nghiệm ở São Paulo. Ảnh: Mauricio Lima

Một thước đo cho sự hỗ trợ

Khoản tiền được hứa hẹn dành cho nghiên cứu đến từ một quỹ đặc biệt dành cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo công nghiệp, còn gọi là Quỹ Quốc gia về Phát triển Khoa học và Công nghệ (FNDCT). Thuế thu được từ các lĩnh vực công nghiệp như công nghệ sinh học và năng lượng chủ yếu dành để hỗ trợ quỹ. Paulo Almeida, giám đốc điều hành tại một viện khoa học phi lợi nhuận ở São Paulo, cho biết mỗi năm, một phần quỹ từ FNDCT được trích vào ngân sách khoa học. “Nhưng các vấn đề chính trị khiến nó hầu như bị đóng băng, nó chỉ được phân bổ khi Quốc hội thông qua các dự luật cụ thể nhằm ‘giải phóng’ số tiền của quỹ,” ông nói.

Năm nay, khoảng 690 triệu reais sẽ được bổ sung vào tài trợ khoa học, 655 triệu trong số đó sẽ đến từ FNDCT nhằm hỗ trợ Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia và các chương trình, bao gồm cả các dự án thuộc “Universal Call”.

Tuy nhiên, vào đầu tháng mười, Bộ Kinh tế đã yêu cầu tái phân phối số tiền đã hứa. Thay vì chuyển sang lĩnh vực khoa học và công nghệ, Bộ đề xuất phân bổ nó cho các bộ phận như cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, y tế và giáo dục. Bộ khoa học sẽ chỉ nhận được hơn 7 triệu reais một chút, và Ủy ban quốc gia về năng lượng hạt nhân sẽ nhận được hơn 82 triệu reais, để trả cho việc sản xuất dược phẩm phóng xạ. Những loại thuốc này được sử dụng để điều trị cho những người mắc bệnh ung thư và việc sản xuất chúng ở Brazil đã tạm dừng vào tháng trước vì thiếu kinh phí.

Đối với cựu Bộ trưởng khoa học Sergio Rezende, số tiền mà chính phủ ‘giải phóng’ từ FNDCT mỗi năm là một chiếc nhiệt kế đánh giá mức độ quan tâm của chính phủ đối với khoa học. “Khoa học không có giá trị gì đối với chính phủ hiện nay”, ông cay đắng rút ra kết luận.

Mất niềm tin

Nỗi sợ lớn nhất mà các nhà nghiên cứu đang phải đối diện đó là số phận xung quanh “Universal Call” - vốn là dự án tài trợ chính cho các nghiên cứu trong những lĩnh vực từ khoa học tự nhiên đế khoa học xã hội và nhân văn. Ban đầu, Hội đồng Quốc gia về Phát triển Khoa học và Công nghệ (CNPq), cơ quan tài trợ khoa học hàng đầu của Brazil, đã lên kế hoạch sử dụng 200 triệu reais số tiền đã hứa để tài trợ cho các nhà nghiên cứu tham gia dự án này. Tuy nhiên, kể từ năm 2018, nó đã không hiện thực hóa được dự định đó vì thiếu tiền.

Hơn 30.000 nhà khoa học đã phấn khởi nộp đơn đề xuất tài trợ nghiên cứu khi dự án “Universal Call” năm nay được triển khai. Giờ đây, các nhà khoa học đang chờ đợi kết quả - sẽ được công bố vào tháng 11 - mà không biết liệu họ có khả năng được tài trợ hay không.

“Tôi đã dành rất nhiều thời gian và tâm sức vào việc nộp đơn”, Luisa Viegas, một nhà sinh vật học tại Đại học Liên bang Alagoas ở Maceió, người xin tài trợ cho một dự án kéo dài ba năm để tìm hiểu cách thức mà biến đổi khí hậu sẽ đe dọa đến sự tồn tại của các loài lưỡng cư và bò sát tại Brazil, cho biết. Dự án này sẽ có sự tham gia của 30 nhà nghiên cứu từ Brazil và Hoa Kỳ. “Giờ đây, chúng tôi đang nghĩ đến việc nộp đơn đến các nhà tài trợ quốc tế, nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng, vì đề tài này chỉ khu trú ở Brazil”.

Khi được Nature hỏi về lý do chính phủ ưu tiên tài trợ cho các lĩnh vực khác hơn là khoa học, Bộ Kinh tế Brazil đã trả lời qua e-mail rằng Bộ Kinh tế không phải là đơn vị duy nhất chịu trách nhiệm về sự thay đổi này. “Chính phủ, với sự hỗ trợ của Ban Chấp hành Ngân sách, mới là người đưa ra quyết định cuối cùng”.

Trong yêu cầu chuyển ngân quỹ, Bộ Kinh tế chỉ ra rằng Bộ Khoa học vẫn chưa dùng hết số tiền trong ngân sách cho năm 2021 của mình.

Sự kiện rút bớt tiền tài trợ khoa học chỉ là ‘giọt nước tràn ly’ đối với giới khoa học Brazil hiện nay. Họ vốn đã cạn kiệt lòng tin với chính phủ Bolsonaro, đặc biệt là từ sự kiện năm 2019 - khi chính quyền của Bolsonaro thông báo rằng họ sẽ đóng băng 42% ngân sách của Bộ Khoa học và Truyền thông (MCTIC). Điều này bao gồm việc đóng băng ngân sách của CNPq, một cơ quan trong MCTIC. Vào khoảng thời gian đó, chính phủ cũng thông báo rằng họ sẽ cắt giảm 30% ngân quỹ mà họ cấp cho các trường đại học liên bang. Điều này dẫn đến việc CNPq sẽ phải tạm dừng cấp học bổng cho hơn 80.000 nhà nghiên cứu hậu tiến sĩ, sinh viên sau đại học và sinh viên đại học.

Trong hoàn cảnh ấy, nhiều nhà nghiên cứu đã rời Brazil để đến các Viện, trường nước ngoài, trong khi những người ở lại đã phải vật lộn để giữ cho các phòng thí nghiệm của họ hoạt động. Lúc bấy giờ, Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Brazil, có trụ sở tại São Paulo, cùng với 97 tổ chức nghiên cứu và học thuật khác trong nước, đã đưa ra một bản kiến ​​nghị trực tuyến yêu cầu chính phủ hỗ trợ CNPq đáp ứng các cam kết tài trợ của mình. Đã có hơn 270.000 người ký vào bản kiến nghị này.

Giờ đây, đối với việc chính phủ chuyển 600 triệu reais dành cho khoa học tới một số cơ quan chính phủ khác, nhà vật lý Ildeu Moreira tại Đại học Liên bang Rio de Janeiro, cựu chủ tịch của Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Brazil, cho rằng đó là “động thái phản khoa học mới nhất của chính quyền Bolsonaro” và là hành vi “cố ý hạ bệ khoa học”.

Theo Nature