Khi mà 5 đơn vị khởi nghiệp của Singapore và Malaysia sang TP.HCM để hoàn tất buổi trình bày sau thời gian “thực địa” mở rộng thị trường Việt Nam cùng với nhóm nhà đầu tư và các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp tư nhân lẫn chính phủ, thì sự chênh lệch về trình độ khởi nghiệp thực sự được lộ rõ…
Con đường thị trường
Hôm 05/12/2018 vừa rồi, Saigon Innovation Hub (SIHUB) – Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức chương trình Demo day giới thiệu sản phẩm dành cho 5 startup đến từ Malaysia và Singapore nhằm giúp các startup này mở rộng thị trường và tìm kiếm đối tác tại Việt Nam.
Lần quay trở lại này, Teleme, TagLa, Build Easy, Telepod, PostCo đã chuẩn bị thật kỹ để “lấn sân” sang thị trường Việt Nam. Họ đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp hơn dưới sự hỗ trợ của các mentor - cố vấn đồng hành người Việt. Họ tìm ra được những điểm trống của thị trường gần 100 triệu người của Việt Nam hoặc đơn giản chỉ là tiếp cận cộng đồng hơn một triệu người nước ngoài đang sống tại TP.HCM. Mỗi người, đều tự tin vào khả năng làm chủ sân chơi mới, vốn tưởng là của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước.
Ngồi nghe các startup này trình bày, không chỉ là cộng đồng khởi nghiệp quen thuộc, mà sức thu hút của họ dẫn đến rất đông các quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước. Nhóm nhà đầu tư Nhật Bản đi bốn người, nhóm Singapore đi hai người, các quỹ đầu tư mới của Việt Nam đến một cách lặng lẽ. Anh chàng phụ trách MAGIC của Malaysia chạy tới chạy lui, ra sức tiếp khách giùm các doanh nghiệp khởi nghiệp của mình…
Họ cũng trẻ trung, năng động và nhiều nhiệt huyết như các startup trong nước, nhưng phía sau họ, là cả một hệ thống hỗ trợ chuyên nghiệp của chính phủ cũng như các tổ chức đồng hành khởi nghiệp. Không có môi trường lý tưởng, họ không thể đủ lớn để tung cánh bay qua… Việt Nam như vậy. Chẳng hạn, Telepod: Giải pháp chia sẻ xe e-scooter đem đến giải pháp di chuyển trong đô thị bền vững và đến được điểm đích cuối cùng - vốn rất gần để đi taxi hay xe ôm, nhưng lại quá xa để đi bộ. Họ bắt đầu câu chuyện như vầy: "Thế giới chi ra nhiều tỷ đô để xây tàu điện ngầm, nhưng đoạn đường cuối cùng thì chẳng ai quan tâm. À không, có chúng tôi quan tâm. Và Phú Mỹ Hưng là một môi trường tuyệt hảo để trải nghiệm những chiếc xe e-scooter điện của chúng tôi, để tự do trong di chuyển, và góp phần làm môi trường sống sạch hơn, xanh hơn...".
Đâu có thể ngon lành đứng nói chuyện chinh phục thế giới như vầy, nếu sau lưng họ không là những hỗ trợ hết mình của Đại học Kỹ thuật Nanyang, của các chương trình ươm tạo và các nhà đầu tư thiên thần có tên lẫn giấu tên sẵn lòng đưa tiền, đưa công nghệ, đưa phòng nghiên cứu của mình cho họ “làm lớn đi”...
Sức mạnh của bệ phóng
Từ Malaysia, PostCo, một mạng lưới thu gom và trả lại hàng hóa ở Đông Nam Á, phục vụ “đầu ra phía sau của thương mại điện tử”. PostCo đưa đến cách thuận tiện nhất để thu thập, gửi đi và trả lại những hàng hóa được mua trực tuyến tại các cửa hàng bán lẻ gần đó thay vì gửi qua bưu điện. “Chúng tôi hiện đang vận hành mạng lưới bưu kiện lớn nhất ở Đông Nam Á với hơn 1000 cửa hàng bán lẻ trên khắp Malaysia, Singapore và Việt Nam, và chỉ mới là điểm khởi đầu thôi…”.
Hỏi thêm, mới biết vì sao một công ty non trẻ như vậy đã có thể tấn công thị trường với tốc độ chóng mặt: họ tận dụng các chương trình hỗ trợ của Chính phủ Malaysia trong khuyến khích thương mại điện tử. Mới đây, Chính phủ Malaysia đã ký Thỏa thuận ASEAN mới về Thương mại điện tử, một nỗ lực phối hợp giữa 10 quốc gia, đẩy mạnh giao thương nội khối. Chính phủ Malaysia hứa hẹn là tận dụng Hiệp định ASEAN về Thương mại điện tử để phát triển các giao dịch thương mại xuyên biên giới bằng cách giảm các rào cản và giảm chi phí nhập cảnh.
Và rất tập trung, Malaysia đang thực hiện đầy đủ 13 chương trình chính trong sáu khu vực của Chiến lược thương mại điện tử quốc gia (NeSR), với 54 tổ chức công và tư. Thương mại điện tử của Malaysia đang là cú hích cho nền kinh tế. Họ cũng đã thành lập Hội đồng thương mại điện tử quốc gia (NeCC), bao gồm nhiều bộ và cơ quan khác nhau, thì chính phủ đang và sẽ tập trung vào các chương trình đẩy mạnh việc ra đời của các công ty thương mại điện tử và quảng bá thương hiệu quốc gia để thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới…
Nhớ hôm nọ, Jeff Hoffman, tỷ phú khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch, nói rằng, “trí tuệ và tài năng thì được chia đều trên thế giới này, cơ hội thì không”. Vậy nên, sự chênh lệch trình độ của khởi nghiệp Singapore và Malaysia, hai quốc gia gần sát với Việt Nam và đang nhăm nhe thị trường nội địa Việt, rõ ràng là do họ có nhiều cơ hội hơn. Và cơ hội được tạo ra từ những thúc đẩy đủ mạnh của trường đại học, của các quỹ hỗ trợ tư vấn của nhà nước cũng như những người dẫn đường cho họ sang thị trường mới…