Đã quá muộn để có thể ngăn chặn biến thể Omicron bằng các biện pháp cấm đi lại; thậm chí các biện pháp này làm chậm tiến độ các nghiên cứu về Omicron.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ định Omicron là một biến thể cần quan tâm vì nó có nhiều đột biến trong protein gai, một số trong số đó có thể làm cho Omicron dễ lây nhiễm hơn hoặc tăng khả năng né tránh kháng thể.

Hơn 50 quốc gia đã tăng cường kiểm soát biên giới nhằm hạn chế Omicron lây lan. Hầu hết các lệnh cấm đi lại đang nhắm vào Nam Phi, nơi đầu tiên báo cáo biến thể Omicron vào ngày 24/11 và Botswana, nơi báo cáo một số ca nhiễm đầu tiên. (Tại tỉnh đông dân nhất của Nam Phi là Gauteng, Omicron chiếm phần lớn các mẫu virus được giải trình tự trong vài tuần qua.) Nhiều quốc gia cũng đang cấm người đến từ các nước Lesotho, Eswatini, Zimbabwe và Namibia.

Hành khách chờ chuyến bay trong một sân bay gần như trống ở Cape Town, Nam Phi.

Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết, ở thời điểm này, các hạn chế đi lại - đặc biệt là các hạn chế chỉ nhắm vào một số quốc gia nhất định - không có khả năng ngăn chặn Omicron và còn gây ra phí tổn đáng kể cho các quốc gia liên quan.

Bài học chống COVID-19 trước đây cho thấy các hạn chế đi lại chỉ hiệu quả nhất khi được thực hiện nhanh chóng. Hiện nay, nếu đóng cửa biên giới để ngăn chặn Omicron thì đã quá muộn, Karen Grépin, nhà kinh tế sức khỏe tại Đại học Hồng Kông, người nghiên cứu các biện pháp kiểm soát biên giới, nói, vì biến thể này đã được phát hiện trên mọi lục địa đông dân cư và tại hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Hà Lan, Vương quốc Anh, Úc và Nhật Bản. Một số quốc gia đã có biến thể này ngay cả trước khi Nam Phi báo cáo với WHO.

Grépin lưu ý, các biện pháp kiểm soát biên giới cần đi kèm với các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và tiêm chủng, bởi vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sớm hay muộn cũng sẽ có các ca nhiễm lọt qua các rào cản cấm đi lại.

Các nhà khoa học ở một số quốc gia bị ảnh hưởng cũng nói rằng lệnh cấm đi lại có nguy cơ làm chậm quá trình nghiên cứu về Omicron, vì họ không nhập khẩu được các thiết bị phòng thí nghiệm cần thiết.

Nhiều máy bay chở hàng - bao gồm cả vật tư phòng thí nghiệm cần thiết cho việc giải trình tự virus - đang không đến được Nam Phi. Các vật tư này là cần thiết để các nhà khoa học ở đây tìm hiểu khả năng lây truyền và khả năng né tránh miễn dịch của Omicron, hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh do Omicron gây ra.

“Vào tuần tới, nếu không có gì thay đổi, chúng tôi sẽ hết thuốc thử giải trình tự," Tulio de Oliveira, nhà thông tin sinh học ở Đại học KwaZulu-Natal, Durban, Nam Phi, nói. Trong khi giám sát bộ gen là chương trình quan trọng để theo dõi và nghiên cứu tiến hóa của virus.

Các biện pháp cấm biên có thể làm các quốc gia không muốn cảnh báo thế giới về các biến thể trong tương lai.

Đầu tuần này, đáp lại các biện pháp cấm biên, WHO đã khuyến cáo các nước không nên cấm đi lại, chỉ nên cách ly và xét nghiệm những người đi và đến.

Nguồn: