Một báo cáo gần đây của Diễn đàn công nghệ cao, nơi cố vấn cho Chính phủ Đức, cho rằng Đức cần thành lập D.Innova - một cơ quan phụ trách đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm thay đổi hệ thống chính sách và điều hành để cải thiện đổi mới sáng tạo. Nhiều nhà khoa học đã có những ý kiến khác nhau về mô hình hoạt động của tổ chức này.
Đức đã ghi nhận hai điểm sáng về đổi mới sáng tạo đáng giá từ năm ngoái, đó là việc startup công nghệ sinh học Curevac và BioNTech đã phát triển thành công công nghệ mRNA, ban đầu được coi như một phương pháp điều trị ung thư nhưng sau lại thành nền tảng cơ bản cho các vaccine COVID-19. Tuy nhiên bất chấp thành công này, Đức lại mất đi ba nấc quan trọng, từ vị trí thứ nhất rơi xuống vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng các quốc gia đổi mới sáng tạo năm 2021 do Bloomberg xuất bản vào tháng hai. Và cùng một bảng xếp hạng thì vị trí thứ 96 của Đức rơi xuống vị trí 131 ở hạng mục hình thành một công ty khởi nghiệp.
Vì vậy, Đảng Xanh đang đề xuất sự hình thành một cơ quan phụ trách đổi mới sáng tạo quốc gia mang tên D.Innova như một phần của cuộc vận động bầu cử vào tháng chín tới của Đức. Mô hình để D.Innova học hỏi là các cơ quan chuyển giao công nghệ ở châu Âu như Vinnova ở Thụy Điển và Innosuisse ở Thụy Sĩ.
Thủ tướng Angela Merkel đi thăm cơ sở mới của Viện nghiên cứu Sinh học các hệ thống y học Đức ở Berlin vào năm 2019. Nguồn: mdc-berlin.de
Đổi mới sáng tạo ở địa phương
Để đối phó với thất bại về cấu trúc, D.Innova có thể sẽ mở rộng điều kiện cho các đầu tư chuyển giao công nghệ, cho phép các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các thành phố tự trị tham gia. Đề xuất này cũng nêu các nhà quản lý đổi mới sáng tạo vùng đưa vào mạng lưới các viện nghiên cứu vùng và doanh nghiệp để bắt đầu các dự án đổi mới sáng tạo. “Đây là cơ chế có thể chạm tới mọi vùng, không chỉ những người sở hữu các công ty lớn”, Muriel Helbig, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Lübeck và tham gia soạn thảo đề xuất D.Innova, nói.
Cơ quan có chức năng tương tự D.Innova là SPRIN-D, một tổ chức nhằm tạo ra “những đổi mới sáng tạo mang tính nhảy vọt” với các dự án có nguồn tài chính dồi dào để đem đổi mới sáng tạo ra thị trường. Tuy nhiên SPRIN-D mới thành lập năm 2018 và chỉ có lượng ngân sách giới hạn để đầu tư một số ít dự án. Được thành lập để có hành động nhanh nhưng SPRIN-D lại bị bệnh quan liêu cản trở. Trong một cuộc phỏng vấn vào đầu năm nay, giám đốc cơ quan này là Rafael Laguna de la Vera đã phàn nàn về sự hỗ trợ của chính phủ và những quy định hành chính công làm chậm đi hoạt động.
Nhưng trong khi cả giới công nghiệp và nghiên cứu đều đồng ý là Đức cần cải cách lại việc chuyển giao công nghệ thì một số người vẫn tin là D.Innova có thể chỉ làm tăng thêm một vài khung giấy tờ vào một quá trình đã sẵn phức tạp rồi. “Chúng ta biết là các cơ quan như vậy ở Thụy Điển và Áo hoạt động hiệu quả nhưng họ là tốt ở trình độ của họ”, Patrick Dieckhoff, tổng thư ký về chính sách khoa học tại Hội Fraunhofer, tổ chức nghiên cứu ứng dụng lớn nhất châu Âu, cho biết. Tái tạo một cơ quan tương tự ở một hệ thống liên bang lớn nhất Đức có thể còn tạo ra “một con quỷ quan liêu”, ông lưu ý.
Đức hiện cũng có một số chương trình khuyến khích chuyển giao công nghệ quy mô nhỏ như ZIM và IGF, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong SMEs. Họ hỗ trợ khoảng 3.000 dự án mới trị giá 630 triệu euro hằng năm. Chương trình này rất phổ biến trong giới SMEs và đã cải thiện một cáchđều đặn trong suốt nhiều năm trong thập kỷ qua, Dieckhoff lưu ý. Một cơ quan liên bang mới dường như không có khả năng tái tạo được sự tương đồng, hỗ trợ hệ thống và dễ dàng tham gia như họ.
Peter-André Alt, chủ tịch Hội đồng Các hiệu trưởng Đức thì có cái nhìn khác. “Một khung đầu tư mới cần được mở, sao cho đón nhận được nhiều đề xuất từ các nhà nghiên cứu mọi chuyên ngành, và phải có tầm nhìn dài hạn”, ông nói. “Cách tiếp cận từ dưới lên sẽ giúp thúc đẩy các đổi mới sáng tạo dựa trên kết quả nghiên cứu trên diện rộng”.
Giờ thì chưa rõ việc D.Innova sẽ tài trợ như thế nào. Dieckhoff chỉ ra là cơ quan này sẽ vẫn cần đầu tư cho startup. “Chúng ta đã thấy nhiều nỗ lực để giảm thiểu sự quan liêu từ Bộ Khoa học. Có lẽ chúng ta phải bắt đầu từ đó thay vì tập trung vào các công ty lớn có mức vốn cả tỉ euro để triển khai dự án”.
Chặng đường dài
Tuy nhiên, việc thành lập một cơ quan đổi mới sáng tạo quốc gia dường như đang chạm tới bước ngoặt trong chu trình nghiên cứu. “Một tổ chức mới có thể có chức năng như ‘hành chính một cửa”, Alt nói. “Nó có thể giúp các nhà nghiên cứu tại các trường đại học và các đối tác tiềm năng trong ngành công nghiệp dễ dàng tìm thấy các khoản tài trợ phù hợp, các chương trình có thể hài hòa và giảm thiểu thói quan liêu”.
Những người đề xuất D.Innova cho rằng tổ chức này có cơ hội thành công hơn những tổ chức tiền nhiệm của nó. Ông Helbig lưu ý là rất nhiều nỗ lực đã được đưa ra để đón nhận thông điệp là D.Innova có thể mở cho mọi trường đại học tham gia – điều này có vẻ khác so với đề xuất thất bại năm 2018. Phần lớn các trường đại học, từ ứng dụng đến cơ bản đều nhìn thấy cơ hội ở ý tưởng mới này. “Nó không chỉ tập trung vào trường khoa học ứng dụng mà mở cho mọi nhà nghiên cứu hàn lâm và cộng sự của họ ở lĩnh vực công nghiệp, cộng đồng và cả tổ chức xã hội dân sự nữa. Nó khiến D.Innova khác biệt”, Christmann nói.
Dù kết quả chính thức về cơ quan này còn phụ thuộc vào kết quả bầu cử tới nhưng dẫu ai giành chiến thắng thì, Helbig vẫn tin tưởng là tổ chức này cần thiết cho đổi mới sáng tạo của Đức chạm được đến tiềm năng của nó. “Chúng ta thường cảm thấy như thể đang điều khiển chiếc xe của mình mà luôn phải bấm phanh. Và giờ thì tôi cảm thấy hạnh phúc khi tháo được phanh ra”, bà ví von về cơ hội đang tới với nước Đức.
Nguồn: sciencebusiness.net