Future U là chương trình sáng tạo xã hội nhằm rèn luyện năng lực đổi mới sáng tạo của học sinh trong thực tế, thông qua trực tiếp giải quyết các bài toán xã hội đang tồn tại. Mới đây, chương trình đã công bố 6 dự án xuất sắc để đi tiếp vào vòng gọi vốn và triển khai.

Chị Nguyễn Phi Vân, chủ tịch của Vietnam Angel Network, đơn vị tổ chức Future U.
Chị Nguyễn Phi Vân, chủ tịch của Vietnam Angel Network, đơn vị tổ chức Future U.

Phóng viên KH&PT đã có cuộc trao đổi với chị Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch của Vietnam Angel Network, đơn vị tổ chức Future U về chặng đường đào tạo và nuôi dưỡng như những công dân tương lai bắt kịp với thế giới.

Xin chị cho biết cơ duyên nào đã đưa chị đến với chương trình Future U?

Là người hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và giáo dục, tôi thường xuyên trăn trở về thế hệ tiếp nối. Đứng ở góc độ kinh tế sáng tạo, việc xúc tiến các hoạt động startup, đầu tư là quan trọng. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở cái ngọn của kinh tế sáng tạo bằng các hoạt động hiện tại, thiếu đầu tư dài hạn vào nền tảng và thế hệ tương lai, kinh tế quốc gia sẽ không bao giờ phát triển vững bền. Vì vậy, trong khi mọi người đang làm rất tốt các hoạt động cần thiết trên bề mặt, tôi quan tâm hơn đến các hoạt động giáo dục sáng tạo cho thế hệ tiếp nối. Future U là chương trình được khai sinh tất yếu từ mong muốn này.

Có 2 nền tảng quan trọng tôi đặt vào Future U. Thứ nhất, là luyện tập kỹ năng sáng tạo, doanh chủ cho thế hệ trẻ qua cách tiếp cận startup dự án thật, học các kỹ năng quan trọng của thế kỷ 21 như sáng tạo, tư duy phản biện, khả năng làm việc nhóm, khả năng cộng tác qua một dự án thực tế, thử nghiệm, nhận ra, hiệu chỉnh và thay đổi. Đây mới là cách học của tương lai. Việc lên lớp ngồi im nghe giảng bài thụ động đã quá lạc hậu so với thời thế mới. Nếu chúng ta cứ tiếp tục hình thức giáo dục này là chúng ta đang hại các em, tạo ra những con người không có khả năng hội nhập.

Hai là, trong tương lai của 4.0, khi công nghệ, tự động hoá, AI – trí tuệ nhân tạo lên ngôi, điều duy nhất có thể giữ cho nhân loại còn giá trị là trái tim, là tình yêu, là khả năng thấu cảm và tử tế giữa người với người. Nếu không, ta sẽ chỉ là một phiên bản lỗi của robot. Vì vậy, Future U tập trung vào giải quyết các vấn đề xã hội, cộng đồng, trong khuôn khổ của 17 mục tiêu phát triển của Liên Hiệp Quốc. Khi các bạn trẻ qua dự án học được cách quan tâm, thấu cảm, tìm giải pháp giúp đỡ người xung quanh mình một cách thiết thực nhất, đó là khi các em học làm người.

Trong thời gian tham gia chương trình, chị có kỉ niệm gì có thể chia sẻ với báo KH&PT?

Trong chương trình có hai bạn trẻ rất đặc biệt đến trực tiếp chia sẻ với tôi về lý do tại sao các em tham gia. Bạn thứ nhất là học sinh giỏi cấp 2 trường chuyên, sau khi thấy bạn mình khóc nức nở vì chỉ được 8 điểm trong một môn học, và sau khi đọc quyển sách Tôi, Tương Lai, Thế giới, đã hoàn toàn thay đổi hoàn toàn cách em tiếp cận với thế giới. Em xem nhẹ hơn điểm số, mở rộng thế giới quan, học bằng cách tham gia các chương trình xã hội, cộng đồng thực tế. Em cũng bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về các môn nghệ thuật, sáng tạo, kỹ năng xã hội một cách tích cực. Khi em đến cảm ơn tôi vì đã cho em một cuộc đời rất khác với Future U, đó thật sự là giây phút đầy xúc động.

Bạn trẻ thứ hai lại còn đặc biệt hơn, là học sinh giỏi chuyên toán và được đặc cách chỉ học để thi làm quán quân các cuộc thi toán, không cần học môn gì khác. Em trở nên chán nản, buồn bã, không tìm thấy niềm vui gì trong cuộc sống. Cũng sau khi đọc cuốn Tôi, Tương lai, và Thế giới, em quyết định thay đổi hoàn toàn cuộc sống hiện tại của mình, xin gia đình và nhà trường được trở về cuộc sống bình thường, học tất cả các môn, chơi thể thao lại, chơi đàn guitar lại, tham gia tích cực các hoạt động xã hội và cộng đồng, trở nên vui vẻ và hạnh phúc. Khi em kể cho tôi nghe câu chuyện này ngày đầu tiên em tham gia Future U, tôi sững sờ muốn khóc khi em nói “Em cám ơn cô đã cho em cuộc sống”.

Tôi nghĩ, dù là ai, làm gì, mong ước cuối cùng của tất cả phụ huynh là con em mình hạnh phúc, bình an, và thành công trong tương lai. Điều đó không có gì là sai. Nhưng cách bức ép, gây áp lực, bắt buộc các em phải thực hiện giấc mơ chưa chạm tới của chính phụ huynh, vì bất kỳ lý do gì, là cực kỳ sai trái. Mỗi người chúng ta đều là một cá thể có khả năng và mơ ước khác nhau. Tôi mong phụ huynh sẽ là những người hướng dẫn đầy yêu thương, tin vào các em, ủng hộ và cho phép các em được sống với chính mình, được thử nghiệm, thất bại, thành công theo cái cách của chính mình. Chỉ như thế, các em mới có thể lớn lên, có thể hội nhập vào tương lai bất định mà chính phụ huynh chúng ta cũng chưa hiểu sẽ ra sao.

Chị cảm nhận các đội tham dự đã thay đổi như thế nào từ lúc bắt đầu tham gia chương trình?

Dự án, cuối cùng cũng chỉ là dự án. Tôi thật ra không quan tâm đến đội thắng thua, đội hay đội dở. Điều làm tôi ấn tượng nhất là nhìn thấy vô vàn sắc màu của từng cá nhân, từng đội ngũ tham gia. Sự thể hiện của các em, dù là cãi nhau bất đồng ý kiến, dù là thái độ không hợp tác, dù là kiểu cách kiêu ngạo, lo sợ, thiếu tự tin, hay niềm vui, sự hân hoan, sự đoàn kết, vv, đều là hiện tượng. Qua đó, chúng tôi đưa ra lời khuyên, tạo môi trường, hướng dẫn cách em cách cùng chung sống, cùng làm việc, cùng phấn đấu vì một mục tiêu chung, các đồng cảm, thấu cảm với bạn bè, người xung quanh, học cách làm người tốt bằng cách thay đổi chính bản thân mình trước. Và có thể nói tôi tự hào nhất là nhìn thấy từng em, từng đội lớn lên mỗi ngày qua dự án. Kết quả cuối cùng của từng dự án là gì, cuối cùng không còn quá quan trọng. Giáo dục, chẳng phải là để tạo ra những con người có ích cho xã hội sao? Và điều đó, phải bắt đầu từ sự thay đổi thái độ, cách tiếp cận và hành động của mỗi cá nhân, đội nhóm.

Chị ấn tượng với dự án nào nhất?

Tôi, cũng như tất cả các giám khảo, mentor của chương trình đều là những người có trải nghiệm phong phú. Do đó, chúng tôi không ấn tượng với giải pháp quá xuất sắc, vì các em đều còn là học sinh cấp 2. Điều chúng tôi ấn tượng là mức độ quan tâm các vấn đề xã hội cực kỳ thực tế của các em. Nếu ai tham gia các buổi trình bày của các em, sẽ thấy rất nhiều vấn đề thực tế của xã hội bày ra trước mắt, từ rác thải, ô nhiễm, cách đối xử bất công của phụ huynh, thầy cô, đến các vấn đề về sức khoẻ tâm lý, hướng nghiệp, vv.

Khi các em đưa ra vấn đề, thật sự tham gia nghiên cứu, thấu hiểu vấn đề, thấu cảm đối tượng để đưa ra giải pháp, tôi thật sự ấn tượng và ấm áp khi hiểu rằng, thế hệ tiếp nối của chúng ta thật ra không thờ ơ, rất quan tâm đến cộng đồng, xã hội, và thật lòng muốn tham gia giải quyết các vấn đề đó. Nếu chúng ta có những trái tim nóng của một thế hệ tiếp nối, chỉ cần cho các em thêm cách công cụ giải quyết vấn đề, các em rồi sẽ là những nhà sáng tạo giải quyết các vấn đề của tương lai. Vì thế, những dự án Future U mùa một chỉ là sự khởi đầu của một hành trình xây dựng những người trẻ hội nhập, sáng tạo và tử tế.

Chị có bài học gì rút ra cho bản thân sau khi tham gia chương trình này?

Đây là lần đầu tiên chúng tôi thử nghiệm chương trình sáng tạo xã hội một cách có hệ thống và bài bản, phát triển bền vững cho học sinh cấp 2, 3. Tôi tự hào vì mình kết nối được với các em, cảm thấy được truyền cảm hứng từ chính các em để có niềm tin hơn vào tương lai nhân ái.

Tôi thật sự rất bất ngờ với sự chuyên nghiệp, tinh thần làm việc, và sự sáng tạo của các em. Bài học tôi rút ra cho bản thân là, người lớn chúng ta cần tin vào các em hơn, nên cho các em không gian để làm những điều tưởng chừng như không thể.

Chị muốn nhìn thấy Future U nói chung và các thành viên Future U trong 5 năm nữa như thế nào?

Tôi tin rằng qua một chương trình dài hạn, ý nghĩa, và có sự đầu tư đúng mức vào kiến thức, kỹ năng, phương pháp, và sự hỗ trợ của các đối tác đồng tổ chức, các lãnh sự, các mentor, chúng tôi đã trang bị cho các em nền tảng cơ bản và quan trọng nhất để có thể tiếp tục xác định vấn đề, đưa ra giải pháp cho vấn đề, dù là vấn đề cá nhân, gia đình, cộng đồng hay xã hội trong tương lai. Từ đó, chúng ta sẽ có những nhà phát minh, nhà sáng tạo, nhà hoạt động xã hội, doanh nhân, chuyên gia có tâm và có tầm hơn trong tương lai.

Nếu dừng lại ở cái mốc 5 năm, tôi mong sẽ nhìn thấy các em tự mình tìm ra hành trình hạnh phúc của chính mình, tự mình tìm ra các vấn đề muốn giải quyết và tự tin triển khai các dự án mà các em mong muốn.

Với tình hình Covid-19 như hiện tại, Future U dự kiến sẽ tổ chức như thế nào trong thời gian tới?

Hiện nay các em đang trong quá trình gọi vốn cộng đồng cho dự án của mình qua các nền tảng gọi vốn online. Do đó, các đội sẽ chỉ cần làm việc online trong mùa dịch. Bài học về marketing để gọi vốn cộng đồng thành công sẽ dạy cho các em cách trình bày dự án, cách thuyết phục nhà đầu tư, cách xúc tiến marketing và cách đội ngũ cộng tác sát cánh bên nhau để hiện thực hóa dự án của mình. Tôi nghĩ, đến rất nhiều startup hiện tại còn chưa làm được như các em. Ngoài ra, đây cũng là cách để hướng dẫn các em cách làm việc từ xa rất quan trọng cho thế hệ công dân toàn cầu sau này sẽ làm việc xuyên quốc gia, trực tuyến, dù ở nơi nào trên thế giới.

Cuối cùng, một thế hệ mới mà chị mong muốn được nhìn thấy sẽ có chân dung ra sao?

Chúng tôi mong muốn nhìn thấy một thế hệ Việt Nam mới, là những công dân toàn cầu đầy sáng tạo và lòng nhân ái, đại diện cho một Việt Nam đáng tự hào của tương lai.

Cảm ơn chị rất nhiều.

Ban giám khảo đã lựa chọn ra Top 10 dự án xuất sắc nhất. và để chọn ra Top 5 dự án được gọi vốn. Ảnh: BTC cung cấp
Ban giám khảo đã lựa chọn ra Top 10 dự án xuất sắc nhất. và để chọn ra Top 5 dự án được gọi vốn. Ảnh: BTC cung cấp

1. Nhóm Make.it.clear: Giáo dục giới tính và kỹ năng phòng chống quấy rối tình dục cho trẻ em thông qua game điện thoại và trang chia sẻ bí mật (confession).

2. Nhóm CEP: Tăng cường tương tác và giao tiếp giữa Ba Mẹ và con cái thông qua nhật ký điện tử, hoạt động gia đình và kết nối với chuyên gia.

3. Nhóm POP: giáo dục trẻ nhỏ về bảo vệ môi trường thông qua sách hình và hoạt động tương tác.

4. Nhóm kokoro: Hỗ trợ học sinh có các vấn đề về sức khỏe tâm lý thông qua các xưởng sáng tạo nghệ thuật và trang chia sẻ bí mật.

5. Nhóm Ogranic Chalk: Thay thế phấn viết bảng truyền thống với phấn thân thiện môi trường được làm bằng chất liệu tự nhiên

6. Nhóm Noise Sticker: Nâng cao nhận thức về bấm còi xe và ô nhiễm tiếng ồn thông qua bộ đề can dán, "ngày không còi" và chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức.

7. Nhóm Boox: Xây dựng thói quen đọc sách và cung cấp sách điện tử thông qua ứng dụng đọc sách.

8. Nhóm BookLuver: Xây dựng thói quen đọc sách thông qua ứng dụng trao đổi sách.

9. Nhóm Run on Foot: Thúc đẩy việc đi bộ và đạp xe thông qua ứng dụng cho phép tích điểm để đổi lấy các ưu đãi.

10. Nhóm Ever English House: Dạy tiếng Anh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thông qua các lớp học sáng tạo và trò chơi