Khoảng cách giữa diện tích rừng và chất lượng rừng cho chúng ta thấy, con đường hồi sinh những cánh rừng và trả lại cho nó sự đa dạng sinh học vốn có sẽ còn rất dài.
“Độ che phủ rừng bao nhiêu là phù hợp?”
Đó là câu hỏi mà anh Đỗ Trọng Hoàn, Tổ chức Nông lâm Thế giới (ICRAF), đặt ra tại buổi hội thảo “Bảo tồn và phục hồi hệ thống rừng tự nhiên Việt Nam” diễn ra vào ngày 23/9/2020.
Nếu nhìn theo tiêu chí về diện tích và độ che phủ, dường như Việt Nam đã gần hồi phục được rừng về thời điểm năm 1943 – khi chúng ta có những số liệu đầu tiên về rừng. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến hết năm 2019, Việt Nam có gần 10,3 triệu hecta rừng tự nhiên trong tổng số 14,6 triệu hecta rừng. Diện tích rừng tự nhiên theo số liệu này hiện đang nằm trong cả ba loại hình rừng: đặc dụng (hơn 2 triệu hecta), phòng hộ (hơn 3,9 triệu hecta), và sản xuất (gần 4,3 triệu hecta).
Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa thời điểm 1943 và 2019 nằm ở chất lượng rừng. Vào nửa đầu thế kỷ 20, rừng Việt Nam là rừng tự nhiên, trong đó diện tích rừng nguyên sinh còn rất lớn. Diện tích rừng theo báo cáo hiện nay còn lại rất ít rừng nguyên sinh, chất lượng đã giảm sút rất nhiều, đa dạng sinh học cạn kiệt, chức năng sinh thái không còn được bảo toàn nguyên vẹn. Cụ thể, độ che phủ rừng Việt Nam hiện nay phụ thuộc vào các diện tích trồng mới, mà trong số đó chủ yếu là các loài cây ngoại lai, tăng trưởng nhanh như keo, bạch đàn. Trong một bài nghiên cứu của mình, ThS Nguyễn Thị Hải Vân, Phó Giám đốc phụ trách mảng nghiên cứu, chính sách của PanNature, cho biết “Những diện tích này khó có thể gọi là rừng, thậm chí còn làm giảm cơ hội cho quá trình tái sinh rừng tự nhiên, làm giảm đa dạng sinh học, chưa kể còn rất kém về khả năng giữ và thấm sâu của nước vốn góp phần làm ổn định đất hay điều hòa các dòng chảy giữa các mùa trong năm”. Đáng chú ý, cũng theo chị, để đảm bảo hiệu quả kinh tế, các vườn cây công nghiệp này không thể trồng hay phát triển hệ thống nhiều tầng tán trong thời gian dài mà phải thường xuyên làm sạch thực bì hay cây tạp dưới tán để tập trung chất dinh dưỡng cho cây phát triển. “Điều này trở nên đặc biệt nguy hiểm khi các diện tích rừng trồng đã và đang phát triển rất mạnh tại khu vực ven biển miền Trung với địa hình dốc, chia cắt và lượng mưa trung bình hằng năm lớn”.
Chính vì vậy, dù độ che phủ của nước ta đã tăng cao, nhưng trên thực tế chất lượng rừng và tính bền vững của rừng Việt Nam vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ. Đó cũng chính là điều mà anh Đỗ Trọng Hoàn muốn truyền tải thông qua câu hỏi “Độ che phủ rừng bao nhiêu là phù hợp?” của mình. “Tôi không đưa ra một con số cụ thể nào cả”, anh thừa nhận, bởi độ che phủ rừng không phải là yếu tố quyết định đến chất lượng rừng.
Để đánh giá tác động thực tế của độ che phủ đối với cân bằng nước, ICRAF đã thực hiện một nghiên cứu trên lưu vực Đăk Mi, Quảng Nam. Ở đây, cả người dân và chính quyền địa phương phục hồi rừng bằng cách thông thường là trồng keo và thu hoạch trong khoảng 3, 4 năm. “Chúng tôi đưa ra hai kịch bản chính: phục hồi rừng bằng cách thông thường là trồng keo chu kỳ ngắn hoặc phục hồi rừng bằng keo chu kỳ dài (khoảng 10 năm)”, anh kể lại. Độ che phủ ở cả hai trường hợp tương đương nhau, nhưng khả năng điều tiết nguồn nước của lưu vực thì hoàn toàn thay đổi. Ở trường hợp hai, dòng chảy tràn bề mặt giảm đi, dòng chảy nền và dòng chảy thường xuyên tăng lên. Điều đó cho thấy, “khả năng điều tiết nước của lưu vực không nằm ở độ che phủ, mà ở sự thay đổi trong biện pháp quản lý – cụ thể là từ keo chu kỳ ngắn sang keo chu kỳ dài”, anh Đỗ Trọng Hoàn kết luận.
Trong bối cảnh Việt Nam sắp triển khai chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, chúng ta cần xác định sẽ trồng loại cây gì và ở đâu để có thể hiện thực hóa mục tiêu góp phần chống biến đổi khí hậu và tăng mức độ đa dạng sinh học. Bởi “nếu vẫn tiếp tục theo hướng các loại hình độc canh, tăng trưởng nhanh để đảm bảo cam kết thì hiện trạng khó có thể cải thiện mà còn làm nảy sinh thêm nhiều vấn đề liên quan đến quản lý, quản trị”, ThS Nguyễn Thị Hải Vân viết trong nghiên cứu.
Rà soát lại chính sách
Độ che phủ không phải là vấn đề duy nhất gây đau đầu cho các nhà môi trường, theo họ, bản thân các chính sách về rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cũng còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, giữa vô vàn các vấn đề cần giải quyết, Việt Nam cần ưu tiên khắc phục điều gì? Theo ông Trần Lê Trà (Tổ chức GIZ Việt Nam), chính phủ nên chú trọng đến bài toán định giá rừng – yếu tố trung tâm không chỉ ảnh hưởng đến vị trí của ngành lâm nghiệp, mà còn tác động đến các bên liên quan như người dân, chính quyền, doanh nghiệp và kiểm lâm.
Giá trị rừng được đề cập đến lần đầu tiên trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004. Theo đó, giá trị của rừng được hiểu là giá trị các lợi ích về lâm sản và môi trường.
Từ năm 2019, các hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp thực hiện theo Luật Lâm nghiệp 2017 cùng các nghị định, thông tư bổ sung, trong đó có Thông tư số 32/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 quy định phương pháp định giá rừng; khung giá rừng. Giá rừng đã được xác định cả giá trị cây đứng (giá trị kinh tế trực tiếp) và giá trị sử dụng rừng bao gồm giá trị lâm sản gỗ và lâm sản ngoài gỗ; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; dịch vụ môi trường rừng; nghiên cứu khoa học, giảng dạy và các nguồn thu hợp pháp khác. Trong khi định giá rừng tự nhiên cũng đã tính thêm hệ số điều chỉnh thiệt hại về chức năng môi trường và sinh thái của rừng (đối với rừng đặc dụng là hệ số 5, rừng phòng hộ hệ số 4, rừng sản xuất là rừng tự nhiên hệ số 3).
Tuy nhiên, theo ông Trà, khoản 1 & 2, Điều 90 Luật Lâm nghiệp chỉ tính đến giá trị lâm sản và giá trị dịch vụ môi trường đang được giao dịch trên thị trường tại thời điểm định giá. “Tức là chỉ những gì ra tiền, bán được thì mới có thể định giá, còn dịch vụ hệ sinh thái là những thứ không định giá được thì chúng ta không đưa vào” – ông Trần Lê Trà (Tổ chức GIZ Việt Nam) phân tích.
Cũng theo ông, giá trị rừng đáng lý phải được tính bằng giá trị sử dụng và giá trị phi sử dụng. Giá trị sử dụng bao gồm giá trị trực tiếp (giá trị nguyên liệu thô và những sản phẩm vật chất được sử dụng trực tiếp trong các hoạt động sản xuất, tiêu dùng và mua bán của con người như gỗ, lâm sản,…), giá trị gián tiếp (giá trị kinh tế của các dịch vụ môi trường và chức năng hệ sinh thái như giữ đất, điều tiết nguồn nước, chống xói mòn, chống lũ), giá trị lựa chọn (các giá trị chưa được biết đến khi các sản phẩm, dịch vụ hệ sinh thái rừng được đưa vào sử dụng trong tương lai). Tuy nhiên, “chúng ta chỉ mới định giá được một phần giá trị sử dụng, và vẫn chưa định giá những giá trị phi sử dụng – giá trị tiềm ẩn mà chúng ta có thể giữ gìn và truyền lại cho thế hệ tương lai, trong thời điểm hiện tại chưa thể nhìn thấy trực tiếp”, ông nhận định.
Điều này mâu thuẫn với Khoản 19, Điều 2, Luật Lâm nghiệp, quản lý rừng bền vững là phương thức quản trị rừng bảo đảm “không làm suy giảm các giá trị và nâng cao giá trị rừng”. Việc định giá không đầy đủ đã hạ thấp đi vị thế, tầm quan trọng và những dịch vụ mà rừng có thể mang lại.
Trầm trọng hơn, thiếu sót trong định giá rừng sẽ dẫn đến giá bồi thường cho việc chuyển đổi rừng rất thấp. Trong một nghiên cứu do Trung Tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) thực hiện, nhiều doanh nghiệp cho biết chi phí bồi thường cho việc chuyển đổi quá thấp khiến họ không ngần ngại chuyển đổi đất rừng. Đó cũng là điều mà ông Trần Lê Trà lo ngại, bởi “khi người ta nhận thấy làm dự án lời quá thì họ rất dễ dàng chuyển mục đích sử dụng rừng sang những mục đích khác mang lại giá trị hữu hình hơn”.
Cũng liên quan đến định giá rừng, theo TS Nguyễn Huy Dũng (Hội Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), Thông tư 32/2018/TT-BNNPTNT chưa đề cập cụ thể trường hợp định giá rừng cho việc trồng rừng thay thế, do đó cần xem xét sự tương thích với Thông tư 24/2013/TT-BNNPTNT quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. “Tính đến năm 2020, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của các tỉnh, thành phố đề xuất là 136.769 ha, do đó rừng sẽ vẫn tiếp tục bị mất nếu không kiểm soát chặt”, ông cho biết.
Có nhiều bên đang tham gia, hưởng lợi và ảnh hưởng từ chính sách liên quan đến định giá rừng, vì vậy cần phải hoàn thiện chính sách, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách và thúc đẩy sự tham gia của các bên, bao gồm người dân địa phương, các tổ chức xã hội, các tổ chức chính phủ.
Bên cạnh định giá rừng, ông Trần Lê Trà cho biết, một trong những yếu tố quan trọng để bảo vệ và phát triển rừng đó là sự tham gia của cộng đồng. Nhưng làm sao để mời người dân cùng đóng góp bảo vệ rừng? Theo ông, người dân sẽ tham gia vào bảo vệ rừng khi họ được chia sẻ lợi ích một cách thích đáng. Tuy nhiên, vẫn cần phải có chế tài kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả. “Câu chuyện quản lý, quản trị rừng nên đan xen với câu chuyện chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với cộng đồng, nhưng vẫn cần phải có chế tài kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả”, ông kết luận.