Dự án 6G-XCEL, hướng đến kết nối trí tuệ nhân tạo vào để tăng cường các năng lực của các mạng lưới 6G, là một trong số 27 dự án nghiên cứu 6G mới được thông báo, và có tổng kinh phí do châu Âu rót là 130 triệu Euro.
Số tiền này được trao thông qua Cam kết các mạng lưới và dịch vụ thông minh (SNS JU), như một phần của đợt mời nộp hồ sơ lần thứ hai của Horizon Europe. Tuy nhiên tổng số kinh phí cho 6G-XCEL từ những phần khác của cả Mỹ và châu Âu vẫn chưa được tiết lộ.
Dự án 6G-XCEL, sẽ được khởi động vào tháng giêng tới, bao gồm năm trường đại học của Mỹ và bốn trường của châu Âu, cùng hợp tác với các công ty của một bên hoặc cả hai bên, trong đó có IBM. Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ sẽ có trách nhiệm tài trợ cho các nhóm nghiên cứu Mỹ tham gia hợp tác với nhóm ở châu Âu.
Theo lịch trình của SNS JU, các mạng lưới không dây 6G thương mại sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2030. Từ năm 2024 đến năm 2026, thiết kế chi tiết sẽ được soạn thảo để đảm bảo cho 6G có thể hỗ trợ cho một lưu lượng lớn người sử dụng ngày một gia tăng và số các thiết bị kết nối mà vẫn đảm bảo vận hành tin cậy, có sự bảo mật và hiệu quả về năng lượng. Dự án 6G-XCEL sẽ xây dựng các nền tảng để có thể sử dụng AI trong kiểm soảt và quản lý các mạng lưới. Các chuyên gia cho biết, AI sẽ tối ưu các công nghệ 6G và giúp 6G đạt được tác động lớn hơn 5 G bởi hai nguyên nhân: thứ nhất, bởi vì nó cho phép hội tụ các truyền thông điện toán và di động, thứ hai nó tích hợp các thực thể vật lý và số, đưa các trải nghiệm giác quan mới cho người sử dụng. Việc tích hợp AI vào mạng 6G sẽ cho phép mạng lưới này tự học và tự quản lý chính mình, khiến cho tự động hóa nhiều hơn và vận hành với chi phí thấp hơn.
Sự kết nối ngày một gia tăng của 6G sẽ đến cùng với những nguy cơ rủi ro ngày một gia tăng, theo nhận định của Dan Kilper, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu CONNECT của Quỹ Khoa học Ireland, nơi sẽ tham gia điều phối dự án này. “Chúng tôi cần đảm bảo nó đạt được các khía cạnh tin cậy và bảo mật, có thể giải thích được và có thể chịu trách nhiệm trước các sự cố”, ông nói.
Tuy nhiên có những lo ngại ngày một gia tăng về nguy cơ rủi ro bảo mật, bao gồm việc sử dụng thiết bị từ nhà cung cấp, công ty viễn thông Huawei, một trong những nhân vật quan trọng hàng đầu của công nghệ 5G, và giờ là công nghệ 6G. Cho đến nay cả 10 quốc gia EU đều có những biện pháp hạn chế đối với các nhà cung cấp thiết bị viễn thông mà họ coi là có thể đem lại nguy cơ rủi ro bảo mật, trong đó có Huawei. Vào tháng tám, ủy viên cạnh tranh Margrethe Vestager xác nhận Ủy ban châu Âu sẽ thay đổi các quy tắc Horizon Europe để phù hợp với đánh giá là Huawei và ZTE thể hiện “những nguy cơ rủi ro hơn các nhà cung cấp 5G khác”.
Các tiêu chuẩn toàn cầuMột khía cạnh chính của 6G-XCEL là hợp tác hướng đến việc tiêu chuẩn hóa và sáng tạo ra một khung chung cho sự chấp thuận toàn cầu về AI trong các mạng lưới 6G. “Các tiêu chuẩn truyền thông vào ngày đó sẽ mang tính toàn cầu”, Kilper nói. “Nếu chúng tôi có thể làm việc cùng nhau để mang đến những giải pháp có thể giải quyết được những vấn đề chúng tôi cần cho các thực thể địa chính trị ở hai bên thì nó sẽ giúp chúng tôi tạo ra một tiêu chuẩn thuyết phục và đảm bảo những gì chúng tôi coi trọng và những nguyên tắc chúng tôi muốn thuyết phục đều có trong đó”.
Mối hợp tác này sẽ bao gồm tổ chức các hội thảo và các hội nghị kết nối các cộng đồng ở cả hai bờ Đại Tây Dương. “Chúng tôi sẽ công khai và cởi mở về những gì mà dự án đang tiến hành và mời mọi người từ bên ngoài tới hợp tác trong khuôn khổ dự án”, Kilper nói.
Các nguyên tắc chungHợp tác về 6G là một phần trong một chiến lược lớn hơn về hợp tác công nghệ sâu giữa Mỹ và EU trong nhiều lĩnh vực, bao gồm AI, các nền tảng online và lượng tử. Mỹ và EU đã đồng thuận về một tầm nhìn chung và lộ trình công nghiệp cho R&D về 6G sau nhiều phiên họp cấp bộ trưởng của Hội đồng thương mại và công nghệ vào tháng năm.
Các nền tảng, được phác thảo cho triển vọng 6G, nêu tầm nhìn phải phục vụ “các nguyên tắc chung và các giá trị như sự bền vững, quyền riêng tư, khả năng tiếp cận, độ mở và tính toàn diện”. Điều này sẽ đem lại nền tảng để nâng quy mô lên hợp tác R&D giữa SNS JU và NSF, để tạo ra “khối lượng cần thiết giữa những đối tác cùng quan điểm về các cơ quan điều hành toàn cầu và tiêu chuẩn hóa”; và các hợp tác thử nghiệm về công nghệ.
Vào tháng 8/2022, Hiệp hội ngành công nghiệp các mạng lưới 6G thông minh và dịch vụ, vốn đại diện cho ngành công nghiệp trong hội đồng của SNS JU, đã ký biên bản ghi nhớ về Liên minh 6G thế hệ mới, một sáng kiến công nghiệp thúc đẩy sự dẫn đầu của công nghệ không dây Bắc Mỹ. Họ đồng ý chia sẻ thông tin về các chương trình làm việc và hợp tác tổ chức hội thảo, seminar và thử nghiệm.
Các lo ngại bảo mậtTheo một phân tích của Emily de la Bruyère và Nathan Picarsic từ Công ty Tư vấn Horizon Advisory, dường như hiện nay Trung Quốc đang dẫn đầu châu Âu về mạng 6G. Họ chỉ ra là quốc gia này có một lượng lớn các bằng sáng chế 6G và vô số những lợi thế, bao gồm quy mô thị trường và năng lực công nghệ của các công ty.
Tuy nhiên, họ kết luận là những căng thẳng địa chính trị hiện hữu có nghĩa là sẽ không giúp chuyển hóa những lợi thế này thành sự vượt trội trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. “Dường như với trường hợp này thì các mạng lưới viễn thông tương lai, các mẫu hình thương mại và đầu tư sẽ chuyển thành lưỡng cực, với một hệ theo các tiêu chuẩn Trung Quốc và một hệ do những giải pháp mang tính toàn cầu”, họ cho biết.
Những bên được phê duyệt tài trợ trong cuộc kêu gọi nộp hồ sơ của SNS JU cũng bao gồm các dự án hướng đến thúc đẩy ngành vi điện tử châu Âu; chuyển đổi các công nghệ 6G vào ứng dụng trong thế giới thực của ngành thương mại và công nghiệp; đảm bảo công nghệ phù hợp với lợi ích và nhu cầu của xã hội.
Nguồn: sciencebusiness.net, technologyreview.com