Khi nhìn vào bức tranh khởi nghiệp Việt Nam, có thể thấy rất ít công ty khởi nghiệp dạng spin-off bước ra từ trường đại học. Tại sao vậy?

Những công nghệ mang lại lợi ích cho cộng đồng đôi khi được lan tỏa tốt nhất thông qua một công ty spin-off từ trường đại học. Ảnh: Istock
Những công nghệ mang lại lợi ích cho cộng đồng đôi khi được lan tỏa tốt nhất thông qua một công ty spin-off từ trường đại học. Ảnh: SDSF

Nếu đi qua các buổi triển lãm, các Techfest cấp địa phương, cấp vùng, cấp quốc gia trong những năm gần đây, chúng ta có thể thấy một bức tranh khởi nghiệp khá sôi động với nhiều công ty startup ở một số lĩnh vực quen thuộc, dựa trên các công nghệ liên quan đến ứng dụng máy tính, sản vật địa phương.

Trong khi đó, số các công ty dạng spin-offs, tức các công ty được hình thành dựa trên nghiên cứu học thuật trong lòng và thuộc sở hữu của các trường đại học hoặc trung tâm nghiên cứu, lại rất hiếm hoi. Điều này xảy ra ở ngay các thành phố, các vùng đô thị quy tụ nhiều trường đại học và viện nghiên cứu như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ.v.v

Điều này dường như trái ngược với những gì xảy ra ở nước ngoài, nơi các trường, viện thường là nơi ươm mầm các ý tưởng mới, các công nghệ mới và chứng kiến sự ra đời của các công ty spin-offs.

Hiếm hoi các công ty spin-off

Trong thời gian gần đây, tại BK Holdings ở ĐH Bách khoa Hà Nội, ban quản lý dường như cảm thấy phấn chấn hơn khi nói về công việc của mình. Họ đang có trong tay một “ngôi sao đang lên” đầy hứa hẹn, một nhà khởi nghiệp tương lai với sản phẩm sơn nano làm mát thụ động RARE.

So với những dạng sản phẩm tương tự trên thị trường thì RARE tỏ ra vượt trội ở những đặc tính làm mát không khí và độ bền trước tác động bất lợi như độ ẩm cao, nhiều mưa gió... của môi trường nhiệt đới. Điều làm nên những ưu điểm này của RARE là những know-how được tích lũy theo thời gian và qua quá trình “thử-sai” của các nhà khoa học ở Trung tâm Nano và năng lượng, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN.

Việc thành lập công ty dựa trên sản phẩm ra đời từ nghiên cứu cơ bản và tinh chỉnh thành công nghệ của RARE là một minh chứng sống động cho công ty spin-off. Điểm khác của spinoff so với các các công ty startup là dù cũng được tạo ra từ những ý tưởng kinh doanh mới nhưng nó dựa trên nền tảng công nghệ được tích lũy trong quá trình nghiên cứu, đối mới sáng tạo và sự cần thiết xây dựng kỹ năng để thương mại hóa sản phẩm trên thị trường.

Công nghệ của doanh nghiệp startup không nhất thiết phải là công nghệ cao, thậm chí có thể được lấy từ nơi khác. Trong khi đó, các công ty spin-off có sự ràng buộc mạnh mẽ với năng lực nghiên cứu của chính trường đại học và các công nghệ của họ thường là những công nghệ tiên tiến nhất, chưa từng có.

Chẳng hạn, các startup trong lĩnh vực công nghệ y tế có thể tập trung vào những nền tảng kết nối bác sĩ với người bệnh để giảm thời gian chờ đợi và cho phép khám chữa bệnh từ xa hoặc phát triển các công cụ trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh cho các bác sĩ, trong khi các công ty spin-off có thể đi xa hơn vào hành trình phát triển những liệu pháp điều trị mới hoặc các dạng thuốc chữa trị một căn bệnh hiếm gặp. Điểm mạnh của spin-off là nắm bắt được những bí quyết công nghệ quan trọng và cực kỳ khó bắt chước, đủ để họ tạo ra vị thế độc đáo trên thị trường.

Sơn làm mát RARE được hình thành từ các nghiên cứu về vật liệu nano tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN). Ảnh: Ngô Hà
Sơn làm mát RARE được hình thành từ các nghiên cứu về vật liệu nano tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN).Trong ảnh, các dung dịch sơn đựng trong bình trong suốt, và mô hình so sánh nhiệt độ của công trình ngoài trời khi phủ sơn làm mát lên mái nhà (trái) và dùng mái tôn thông thường. Ảnh: Ngô Hà

Nhìn vào bức tranh khởi nghiệp Việt Nam, có thể thấy những công ty spin-off như RARE vô cùng hiếm hoi. Không chỉ ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên mà ở các trường đại học thiên về công nghệ khác như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học Xây dựng, Đại học Thủy lợi… cũng đều vắng bóng các công ty dạng này, dù ít trường đại học nào vượt trội so với các trường này về đào tạo và nghiên cứu về những công nghệ mới và cần thiết cho xã hội.

Theo thống kê, cả nước có hơn 3.800 doanh nghiệp startup. Chỉ vài chục trong số đó là công ty spin-off từ trường đại học.

Lab2Market, một trong những chương trình đầu tiên ở Việt Nam với mục tiêu tuyển chọn và ươm tạo các spin-off và những công ty phát triển công nghệ sâu từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng như tất cả các trường đại học, viện nghiên cứu thuộc khối công nghệ - kỹ thuật trên khắp cả nước, tiết lộ một sự thật: Từ khi thành lập tới nay, họ đã xem xét khoảng 200 cơ hội ươm tạo như vậy nhưng mới chỉ chọn được 12 nhóm để tiếp tục thúc đẩy và thực sự xuống vốn cho 3-5 ứng cử viên mạnh nhất.

Trong rất nhiều hội thảo, hội nghị, các nhà quản lý thường nhắc nhiều đến tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân ở các nhà khoa học. Trên thực tế thì dường như điều này vẫn chưa thực sự “thấm” vào đội ngũ các nhà nghiên cứu. Có phải vì họ không làm ra được công nghệ mà xã hội cần hay vì một nguyên nhân nào khác.

Tại sao không khuyến khích được spin-off?

Trong nhiều cuộc trao đổi với các nhà ươm tạo hoặc đại diện các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam, chúng tôi đã đặt câu hỏi để họ có thể đưa ra lý giải về một tiềm năng quan trọng lại không thể phát huy. Có rất nhiều câu trả lời khác nhau nhưng phần nhiều đều cho rằng, mặc dù sở hữu công nghệ hứa hẹn đột phá nhưng chỉ có số ít là thực sự mong muốn đưa kết quả nghiên cứu của mình thành sản phẩm hoàn thiện trên thị trường. Và những gì mà họ đưa ra không phải lúc nào cũng khớp được với nhu cầu thị trường.

Chẳng hạn, có những nhóm nghiên cứu phát triển hệ thống thu hoạch nông sản tự động rất thú vị, tiết kiệm nhân công và thời gian thu hái nhưng hệ thống này quá đắt đỏ đối với nhiều nông dân, khiến nó không thể được phổ biến rộng rãi. Hoặc một công ty phát triển loại vật liệu mới có khả năng chịu nhiệt cao, tuy nhiên loại vật liệu này quá khó sản xuất nên không thể được sử dụng trong nhiều ứng dụng.

Rốt cuộc, có rất kết quả nghiên cứu bị các nhà đầu tư quay lưng không phải bởi vì chúng không tốt, mà bởi vì chúng không phù hợp, khó tiếp thị, khó cạnh tranh, hoặc không tìm được phân khúc thị trường thích hợp và người chấp nhận trả tiền cho chúng.

Nhưng đây có phải lỗi của các nhà nghiên cứu thường chỉ thích “ngồi trong tháp ngà” như người ta vẫn thường nói? Những thông tin mang tính bề mặt khiến người ta dễ hiểu lầm. Nếu nhìn sâu vào hệ thống cơ sở vật chất trong các trường, viện thì may ra mới có thể tìm được câu trả lời.

Thứ nhất, các phòng thí nghiệm tại các trường đại học và viện nghiên cứu, dù ở tình trạng tốt hay đã xuống cấp, đều được thiết kế để tiến hành các nghiên cứu cơ bản hoặc cơ bản định hướng ứng dụng chứ không phải thiết kế cho các pha tiếp theo như hoàn thiện quy trình, hoàn thiện sản phẩm, tối ưu công nghệ.

Những người bên ngoài thường không hiểu được một sản phẩm thành công ở quy mô phòng thí nghiệm không lập tức áp dụng được ngay cho thương mại hóa hoặc kinh doanh. Sản phẩm hình thành trong phòng thí nghiệm thường ở các điều kiện hết sức nghiêm ngặt và khó nhân lên ở diện rộng. Một sản phẩm thương mại cần phải có sự tinh chỉnh đáng kể về quy trình, hiệu suất, tiêu chuẩn, chi phí và chất lượng trước khi ra khỏi cánh cửa trường đại học.

Các nhà nghiên cứu từ trường đại học đang nắm trong tay nhiều công nghệ vượt trội, có khả năng thay đổi cuộc sống. Ảnh: Ngô Hà
Các nhà nghiên cứu từ trường đại học đang nắm trong tay nhiều công nghệ vượt trội, có tiềm năng thay đổi cuộc sống. Trong ảnh, hệ thống hỗ trợ thực hành tiền lâm sàng nhi khoa dựa trên công nghệ thực tế ảo (VR) của Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, gồm nguyên mẫu (robot) và cơ thể nhi ảo (3D) mô phỏng các trường hợp cấp cứu. Ảnh: Ngô Hà

Thứ hai, việc thực hiện những bước như vậy cần rất nhiều kinh phí và kinh phí đầu tư cho các nghiên cứu phát triển (R&D) công nghệ thường ở mức lớn gấp nhiều lần so với nghiên cứu cơ bản. Các nhà nghiên cứu trong trường viện gần như rất khó tiếp cận với các chương trình tài trợ nâng cao theo cách như vậy, và hơn nữa, nếu có thì cũng không có điều kiện để thử nghiệm trong một hệ thống cơ sở vật chất được thiết kế hoàn toàn mới như vậy.

Giai đoạn ‘nâng cấp’ từ phòng lab ra thị trường cực kỳ rủi ro và mất nhiều tiền bạc, thời gian. Các nghiên cứu về thuốc, vật liệu pin… có thể mất đến rất nhiều năm. Nhiều nhà nghiên cứu tiết lộ rằng họ rất vất vả để tìm đủ nguồn tài trợ cho các nghiên cứu khoa học cơ bản ban đầu, chứ chưa nói đến viễn cảnh xa xôi hơn là tài trợ cho các kết quả nghiên cứu bước sang pha 2, pha 3.

Thứ ba, môi trường làm việc với những quan điểm bảo thủ cũng có thể làm chùn bước các nhà khoa học có ý định khởi nghiệp, ngay cả khi trong tay đã có một công nghệ được tích lũy theo thời gian. Một nhà nghiên cứu đang phát triển công ty spin-off về xử lý ô nhiễm môi trường chia sẻ, việc chị không tập trung giảng dạy, chỉ chuyên tâm ươm tạo công ty spin-off bị đa phần các giáo sư không coi trọng cho lắm, thậm chí là đánh giá thấp. Tư duy này hết sức phổ biến, bởi các trường đại học vẫn đang đo lường vị thế, uy tín và khả năng thăng tiến sự nghiệp của giảng viên bằng những kết quả học thuật.

Cuối cùng, các công ty spin-off thường gặp thiếu hụt về kỹ năng của nhân sự do đội ngũ thiên về kỹ thuật. Hầu hết các nhà nghiên cứu không hiểu sự khác biệt giữa dòng tiền và lợi nhuận. Họ không có kinh nghiệm về thuế, hợp đồng hay luật doanh nghiệp. Đa số họ đều chưa bao giờ đọc một kế hoạch kinh doanh hay, chứ đừng nói đến việc viết một bản kế hoạch của riêng mình. Kinh nghiệm quản lý nhân viên của họ đôi khi rất hạn chế và họ chưa quen với việc đàm phán với khách hàng. Nhiều nghiên cứu được thực hiện trên toàn cầu cho thấy sự thiếu định hướng kinh doanh của các nhà nghiên cứu sáng lập và quản lý công ty là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỷ lệ thất bại cao.

Ràng buộc từ chính trường đại học

Một trong những vấn đề quan trọng nhất của các công ty khởi nghiệp là vốn. Trên thực tế thì các spin-off phải đầu tư nhiều hơn cho giai đoạn nghiên cứu và phát triển. Họ sẽ tìm nguồn đầu tư ban đầu ở đâu nếu không từ chính trường của mình?

Các trường đại học tuy khuyến khích giảng viên của mình lập công ty nhưng mặt khác lại ngại rủi ro. Nỗi e sợ rủi ro khiến các trường đại học không nghĩ rằng mình có thể từ bỏ một phần thu được từ các phát minh để trở thành cổ đông trong các công ty spin-off và chia sẻ vấn đề tài chính với các nhà đầu tư khác.

Ở đây, một lần nữa xuất hiện những rào cản mới trong mối quan hệ giữa công ty spin-off và tổ chức mẹ. Các nhà quản lý trường có thể lo ngại về việc mất kiểm soát doanh nghiệp spin-off trong tương lai, do vậy họ muốn nắm cổ phần lớn. Hầu hết các cổ phần này đến từ việc quy đổi giá trị thương hiệu (tên trường, sáng chế v.v) hoặc một số hỗ trợ về cơ sở vật chất như không gian, phòng lab, nhà xưởng, máy móc đã qua sử dụng.

Giai đoạn R&D cần nguồn lực lớn, buộc phải có sự tham gia của các doanh nghiệp và nhà đầu tư bên ngoài. Ảnh: Vinbigdata
Giai đoạn R&D cần nguồn lực lớn, buộc phải có sự tham gia của các doanh nghiệp và nhà đầu tư bên ngoài. Ảnh: Vinbigdata

Trong một cuộc phân tích bối cảnh khởi nghiệp đại học ở Việt Nam cách đây vài năm, Linus Wiebe, Giám đốc Hệ thống đổi mới sáng tạo và spin-off của Đại học Lund, Thụy Điển, từng cho rằng mặc dù không có đầu tư tài chính (hoặc đầu tư không đáng kể) thì với việc các trường đại học tại Việt Nam luôn nắm phần lớn cổ phần (từ 51% tới 100%), đồng nghĩa với việc toàn quyền quyết định hoạt động công ty sẽ khiến khả năng huy động vốn từ các nguồn bên ngoài như các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, tập đoàn v.v... không khả thi vì khối tư nhân luôn e ngại rót vốn vào những công ty “nhà nước chi phối”.

Điều này trái ngược với tình hình quốc tế. Tại các nước như Anh, Mỹ, cổ phần của các trường đại học trong spin-off chỉ từ 10-30%, đủ để các nhà đầu tư khác tham gia. Bên cạnh đó, các công ty spin-off có sự đầu tư, hỗ trợ rất lớn từ nhà nước thông qua đầu tư công (hợp đồng, dự án, tài trợ), tạo ra dòng tiền đa dạng cho doanh nghiệp. Chính vì lý do này mà hệ thống doanh nghiệp trong các trường đại học ở Việt Nam luôn rơi vào tình trạng “tự bơi” và “tay không bắt giặc” không huy động được đầy đủ nguồn lực tài chính nào khác ngoài nhà trường.

Những người sáng lập nắm giữ thiểu số ngay từ đầu cũng có thể nảy sinh ra mâu thuẫn. Các nhà khoa học có thể có cảm giác bị kiểm soát khi sáng tạo, trong khi những doanh nhân điều hành công ty dần dần tích luỹ tài sản, có những định hướng hoạt động mới, mang bản sắc riêng và hầu như không muốn chịu sự chi phối của trường đại học. Trong những ví dụ tồi tệ nhất, các công ty khởi nghiệp bị bóp nghẹt một cách hiệu quả trong 3-4 năm đầu khi sinh ra.

Ngược lại, những công ty dựa dẫm quá nhiều vào những cung cấp của trường đại học mẹ trong những năm đầu cũng khó lòng đứng vững khi buộc phải tự đứng trên đôi chân của mình.

Không gian, phòng lab miễn phí và tình nguyện viên sinh viên dồi dào là hỗ trợ tốt trong ngắn hạn nhưng là một kỷ luật tồi trong dài hạn. Nếu công ty phát triển, họ nên làm quen với ý tưởng rằng mình phải trả chi phí chung này và đưa nó vào cấu trúc chi phí-giá thành của mình. Nhân viên công ty cần biết rằng họ khác với giới học thuật. Họ nên có sự khác biệt về mức lương, động lực, giờ làm việc và nhiều lối sống văn hóa khác.

Nếu các công ty spin-off bị ràng buộc vào các chính sách nhân sự, quy trình tài chính, hành chính của trường đại học, sự tồn tại và phát triển của họ sẽ bị ảnh hưởng bởi đơn giản là các quy trình của trường đại học được phát triển cho một tổ chức lớn, bảo thủ và chậm chạp, trong khi các công ty spin-off cần sự linh hoạt, gọn nhẹ, chấp nhận rủi ro và phát triển nhanh chóng trong những năm đầu.

Cách nào để vượt qua?

Thật khó để đưa ra một giải pháp tổng thể cho những vấn đề tồn tại của các công ty spin-off Việt Nam, hầu hết các nhà đầu tư và các cố vấn khởi nghiệp đều cho biết như vậy. Những vấn đề nội tại này có thể phải do chính các trường đại học thiết kế các cơ chế mới một cách phù hợp mới có thể giải quyết được.

Tuy nhiên, một số gợi ý của họ đã mở ra một vài hướng mà nhiều nơi có thể áp dụng từng phần. Trước hết về nguồn lực cơ sở vật chất, cần có một hệ thống mới được thiết kế cho mục tiêu phát triển công nghệ, thử nghiệm công nghệ riêng biệt. Mô hình như vậy đã tồn tại ở nhiều trường đại học trên thế giới và được gọi là Fablab (Xưởng chế tạo quy mô nhỏ). Ở Việt Nam đã bước đầu có dạng Fablab như vậy đặt tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).

Việc liên kết thành viên có chuyên môn khác nhau giúp các dự án khởi nghiệp của sinh  viên được đầu tư kỹ hơn. Ảnh: USTH
Việc liên kết thành viên có chuyên môn khác nhau trong một không gian thử nghiệm mở giúp các dự án khởi nghiệp của sinh viên được đầu tư kỹ hơn. Ảnh: USTH

Khác với phòng thí nghiệm mà các giảng viên đang thực hiện một đề tài nghiên cứu nào đó, ở Fablab này, mọi hoạt động được diễn ra trong không khí tự do hơn. Bất kỳ ai cũng có thể đến sử dụng các máy móc, thiết bị - từ máy in 3D thô sơ tạo ra những nguyên mẫu đơn giản cho đến loại máy in có thể tạo ra những sản phẩm cần độ chính xác cao, cấu trúc phức tạp; bảng vẽ Wacom; các công cụ bảng mạch điện tử; thiết bị điện tử; máy cắt CNC; máy khoan; máy khò…- để tự do mày mò, thử nghiệm các ý tưởng của mình.

Nhìn chung, những cơ sở vật chất mở như Fablab vậy tạo ra sự hào hứng bước đầu, đủ sức kéo các sinh viên và các nhà khoa học ra khỏi ‘lối mòn’ của việc giảng dạy trong môi trường đào tạo an toàn để dấn thân hơn vào tư duy sáng tạo và bối cảnh thị trường rộng lớn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng các trường đại học cần có những chính sách mới, thiết thực hơn để khuyến khích các spin-off được thành lập và sống sót. Các trường đại học phải dám chấp nhận rủi ro để đầu tư cho các ý tưởng tiềm năng và giảm nhẹ sự kiểm soát của mình vào cơ cấu tài chính cũng như quản lý của doanh nghiệp.

Họ nên cung cấp nhiều hỗ trợ trong những năm đầu tiên nhưng sau đó phải giảm dần sự tham gia của mình. Họ cần giúp các công ty mới có thể tự đứng vững về mặt tài chính và tìm kiếm các quỹ đầu tư bên ngoài.

Cuối cùng, các trường cần định kỳ xem xét và sửa đổi các chính sách spin-off dựa trên những thành công và thất bại trong quá khứ để có thể mang lại lợi ích lớn nhất cho các nhà nghiên cứu, trường đại học và toàn bộ nền kinh tế.