Các nhà khoa học ở Argentina đang hồi hộp theo dõi cuộc bầu cử tổng thống của đất nước. Hiện tại ứng cử viên sáng giá Javier Milei đã hứa hẹn đóng cửa cơ quan khoa học chính của đất nước, Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật quốc gia (CONICET), nơi cung cấp tài trợ 80 tỉ peso hàng năm cho khoảng 12.000 nhà nghiên cứu tại 300 viện nghiên cứu khắp Argentina nhằm góp phần có thể giúp vãn hồi cơn khủng hoảng tài chính của Argentina.
Tại một buổi truyền hình, ông Javier Milei đã nói các nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu khoa học phải đến từ khối tư nhân hơn là công. “Khoa học phải được thực hiện bằng nguồn đầu tư từ lĩnh vực tư. Các nhà khoa học phải kiếm sống bằng việc phục vụ những người khác”, Milei từng nói như vậy trong một chương trình truyền hình. Sau đó ông trình bày một sơ đồ tổ chức chính phủ, bắt đầu loại các bộ mà ông hướng đến - Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, Bộ Phát triển xã hội và Bộ Khoa học. Milei còn chĩa mũi giáo tấn công “CONICET có 35.000 người trong khi NASA chỉ có 17.000 người. Với tôi, những gì cơ quan này làm được không thể so được với những gì NASA đã làm... Và việc phải làm là chúng ta phải đóng cửa cơ quan này lại.”
Để phản hồi với nhận định này, cộng đồng khoa học bảo vệ CONICET, một cơ quan độc lập nằm trong Bộ Khoa học, với 11.800 nhà nghiên cứu, 11.800 người hưởng học bổng, 2.900 nhân viên kỹ thuật, và 1.500 nhân viên hành chính. Họ chỉ trích quan điểm của Milei và gọi đó là “một sự khiêu khích” khi dẫn lời của Bernardo Houssay, người Argentina đầu tiên giành giải Nobel và chủ tịch đầu tiên của CONICET vào năm 1958: “Khoa học không hề đắt đỏ - sự dốt nát mới đắt đỏ”.
Nhà sinh học phân tử Alberto Kornblihtt, một nhà nghiên cứu của CONICET và là thành viên của các viện hàn lâm khoa học Argentina, Mỹ, Pháp và châu Mỹ Latin, phản hồi quan điểm của Milei trên báo Página/12 số ra ngày 17/8. Kornblihtt chỉ ra thành tựu của các nhà nghiên cứu Argentine khi nhận được ngân sách tài trợ chiếm khoảng 0,35% ngân sách quốc gia là các vệ tinh, các loại thuốc mới… “Về bản chất, những kết quả này không thể đem lại giải pháp tức thời cho các vấn đề của khủng hoảng mà phần lớn người dân phải đối mặt, những người đang phải vật lộn để sống với những nhu cầu cơ bản... Tuy nhiên đóng cửa CONICET hay ủng hộ các tư tưởng cực hữu cũng không hề đem lại những giải pháp hữu hình nào”, ông viết.
Trong suốt vòng loại bầu cử vào tháng tám, đảng củax Milei đã giành 30% số phiếu trong khi đảng của Patricia Bullrich, một ứng viên bảo thủ và cựu Bộ trưởng Bộ An ninh nhận được 28% số phiếu bầu. Đảng của Bộ trưởng Bộ Kinh tế hiện hành Sergio Massa, người có cái nhìn trung dung, nhận được 27% số phiếu.
Sự thăng tiến của chính trị giaNhiều khả năng Milei, một người mới trong môi trường chính trị Argentina, và trở thành một luật sư trong Hạ viện của Quốc hội nước này vào năm 2021 sẽ là người trúng cử tổng thống. Trước đây, ông ta là một cố vấn kinh tế cho các công ty, bao gồm Aeropuertos Argentina 2000, công ty quản lý các cảng hàng không của đất nước. Ông ta là khách mời của các chương trình thảo luận về kinh tế. Sự thăng tiến của ông được thúc đẩy trong tám năm khủng hoảng kinh tế ở Argentina: đất nước này có những khoản nợ từ Quỹ tiền tệ quốc tế, lạm phát hằng năm đạt tới hơn 120%, và 40% dân số sống dưới mức nghèo đói.
Để thoát khỏi khủng hoảng, Milei đề xuất không chỉ không ưu tiên khoa học mà còn đóng cửa các Bộ Môi trường và Y tế, bãi bỏ các hệ thống sức khỏe công và giáo dục công. Nhà chính trị này thậm chí còn để thả nổi ý tưởng cho phép dân chúng bán các cơ quan trong cơ thể để lấy tiền. Với các vấn đề về môi trường, ông ta còn bông đùa khi gọi biến đổi khí hậu là “một ngón chơi xỏ xã hội”, và cho rằng một công ty phải được phép làm ô nhiễm sông nếu thấy điều đó là phù hợp. “Từ tầm nhìn của ông ta, bất cứ can thiệp về mặt pháp lý nào của chính phủ đều như một sự tấn công chống lại thị trường tự do và do đó, chống lại sự tự do cá nhân”, theo Maristella Svampa, một nhà xã hội học tại Trung tâm Tài liệu và nghiên cứu của văn hóa cánh tả do CONICET tài trợ, có trụ sở ở Buenos Aires.
Milei hiện đang dẫn đầu bảng, dẫu cho các chuyên gia bầu cử không tin vào các hình mẫu kết quả, và các ứng viên cạnh tranh vẫn còn hy vọng giành thắng lợi. Bullrich đã đề xuất cắt giảm chi tiêu của chính phủ nhưng bà ủng hộ giữ CONICET lại. Trong khi đó, Massa cam kết gia tăng ngân sách cho khoa học như luật được thông qua vào năm 2021, yêu cầu đất nước tài trợ ít nhất 1% GDP cho KH&CN vào năm 2032. Trong năm 2021, Argentina đầu tư khoảng 0,52% GDP cho R&D, theo tổ chức OECD. Tương phản với điều đó, các quốc gia như Israel hay Hàn Quốc, đều có những khoản đầu tư lớn cho khoa học.
Chảy máu chất xámNếu Milei trở thành Tổng thống, thì các nhà khoa học sẽ rời khỏi đất nước để tìm việc làm. Họ sẽ có thể có được một cuộc sống ở bất cứ đâu bởi họ có năng lực, Aliaga nói. Nhưng “mất đi các nhà khoa học là một vấn đề nghiêm trọng với đất nước này”.
“Không chính phủ nào có thể tiêu diệt được khoa học”, theo nhận xét của Carlos Frasch, một nhà sinh học phân tử và tế bào mới nghỉ hưu từ một viện nghiên cứu được CONICET tài trợ và thuộc ĐHQG San Martín. Frasch chỉ ra một lằn ranh dài các thành tựu khoa học ở Argentina, bao gồm cả các giải Nobel, một loại vaccine COVID-19 được phát triển và trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng và một lĩnh vực điện hạt nhân rất mạnh. Đất nước này có thể có tương lai tươi sáng, nếu nhìn vào số lượng những nhà khoa học trẻ tài năng, “họ không nên di cư”, ông nói.
Bởi vì khủng hoảng kinh tế trong thời gian dài ở Argentina khiến chảy máu chất xám là mối đe dọa thường xuyên. Lạm phát trong cuối những năm 1980 và khủng hoảng ngân hàng năm 2001 dã khiến hàng ngàn nhà khoa học tìm kiếm việc làm ở châu Âu và Mỹ. Ngay cả như vậy thì Argentina vẫn có một tỉ lệ các nhà khoa học so với dân số cao nhất ở khu vực châu Mỹ Latin, Aliaga nói. Vào năm 2014, có khoảng 1.200 nhà khoa học trên một triệu người. Tương phản với điều đó, Brazil chỉ có 890 nhà khoa học trên một triệu dân. “Theo nghĩa đó, Argentina còn có tỷ lệ cao hơn nhiều so với Brazil và Mexico,” Aliaga cho biết thêm.
Để giành thắng lợi cho cuộc bầu cử, một ứng viên phải giành được hơn 45% số phiếu bầu, hoặc ít nhất 40% và hơn 10% so với ứng viên phía sau. Bất cứ kết quả nào cũng đưa cuộc bầu cử vào vòng hai, diễn ra vào ngày 19/11 năm nay với hai ứng viên đầu bảng để bước vào chung kết loại trực tiếp.
Nguồn: nature.com, english.elpais.com