EU cam kết đầu tư 1,8 tỉ euro để có thể bước vào một kỷ nguyên mới trong thương mại hóa không gian, tạo cơ hội cho hàng loạt công ty tư nhân và cơ quan chính phủ có thể cùng nhau đem lại các dịch vụ internet từ không gian.

Chạm tới các ngôi sao

Theo Hugo André Costa, một thành viên của Cơ quan Hàng không Bồ Đào Nha, ý tưởng này của EU trùng hợp với sự bùng nổ đầu tư vào không gian của lĩnh vực tư nhân, được thúc đẩy bởi những tên tuổi cực lớn như Elon Musk, Jeff Bezos và Richard Branson.

Sentinel-2A, vệ tinh thứ hai của châu Âu sau Copernicus có sự tham gia của các kỹ sư Airbus Defence &Space, công ty lớn thứ hai thế giới về công nghệ không gian. Nguồn: ESA

Hệ internet do EU đề xuất tương tự như Starlink, một siêu cụm vệ tinh gồm 10.000 được SpaceX của Elon Musk phóng vào quỹ đạo. Nó cũng có nhiều nét tương đồng với một hệ như vậy của tỉ phú bán lẻ Amazon Jeff Bezos. Còn Chính phủ Anh cũng đã trả 500 triệu bảng để có thể sở hữu 45% một hệ vệ tinh nhân tạo như vậy của nhà điều hành OneWeb với mục tiêu cung cấp phạm vi phủ sóng internet toàn diện. “Làm chủ luồng xu hướng số hóa là điều cốt yếu của tương lai”, Hervé Derrey, CEO của Thales Alenia Space, một nhà sản xuất thiết bị không gian Ý – Pháp, lý giải về xu hướng này.

Để chiến thắng trong cuộc chạy đua vào lĩnh vực không gian, ngân sách mà EU cấp cho các dự án không gian: 13,2 tỷ euro trong bảy năm tới chỉ để chi cho một loạt các vụ phóng vệ tinh. Trong những thập kỷ qua, EU đã ủng hộ các dự án không gian lớn như dự án Galileo và lập bản đồ khí hậu Copernicus. Tuy nhiên họ nhận ra rằng, vẫn cần phải có những khoản đầu tư lớn hơn để bắt kịp các đối thủ lớn như Mỹ, với sự hỗ trợ của các công ty tư nhân toàn cầu và Trung Quốc - quốc gia ngày một có nhiều tiến bộ to lớn như lần hạ cánh đầu tiên lên phía xa của Mặt trăng vào năm 2019.

Nhận thấy sự cần thiết phải tạo ra nhiều cơ sở hạ tầng không gian hơn và tránh phụ thuộc vào các đối thủ, Breton đã kêu gọi EU tạo dựng “một chiến lược tiên tiến và tích cực hơn” nhằm đảm bảo cho châu Âu vẫn ở trong cuộc chơi về công nghệ phóng và giữ sự tự chủ trong những công nghệ về không gian.

“Tiêu chuẩn cho phóng vệ tinh hiện nay đang được các quốc gia ngoài châu Âu tái định nghĩa. Chúng ta phải tự hỏi chính mình: nếu xem xét lại những đứt đoạn về đầu tư mà ai cũng thấy, liệu chúng ta sẽ có cách tiếp cận thành công vào năm 2050 ? Tôi hết sức nghi ngờ về điều đó,” Breton nói.

Ông kêu gọi một “liên minh công nghệ phóng châu Âu” thiết lập một cuộc chơi cho các công nghệ thế hệ mới nhằm “đảm bảo cho việc gia nhập không gian trong tương lai”.

Một bước nhảy vọt cho EU?

Trong cái bóng của các công ty công nghệ không gian khổng lồ, cũng có một lượng nhỏ các công ty đang “nuôi cấy” vài công nghệ liên quan, cạnh tranh để gửi một số vệ tinh và những phần cứng khác vào quỹ đạo với tiêu chí là nhanh hơn và rẻ hơn trước đây.

Một loạt các công ty mới gia nhập thị trường đang cố làm nên đột phá trong lĩnh vực này, như Pangea hướng đến việc tái sử dụng các tên lửa; Exotrail tạo các hệ phóng cho những vệ tinh nhỏ; Anywaves xây dựng các ăng ten gắn trên vệ tinh; AerospaceLab xây dựng các nền tảng vệ tinh.

Sự tiên tiến trong công nghệ và các chip máy tính có thể tạo ra các vệ tinh nhỏ hơn để thực hiện các nhiệm vụ tương tự như những vệ tinh thế hệ trước, tạo cơ hội cho nhiều công ty chạm đến công nghệ không gian hơn.

Để hỗ trợ cho các startup chạm đến tầm vóc này, EU đang cam kết đầu tư 300 triệu euro thông qua những gói tài trợ cho lĩnh vực này qua chương trình InnovFin, vốn được thành lập từ năm ngoái. Theo Breton, cuối cùng phần ngân sách này sẽ tăng lên tới một tỉ euro.

Khoản kinh phí này sẽ hướng đến các hoạt động tạo ra “một không gian mới”, một cú thúc đẩy thương mại hóa lớn hơn trong ngành công nghiệp không gian, vốn trước đây chủ yếu là sự tham gia của chính phủ và quân đội. Do đó, trong khi lĩnh vực này đang được đầu tư mạnh ở châu Âu nhưng “những giá trị lớn của công nghệ không gian vẫn thuộc về Mỹ”, Bogdan Gogulan, CEO của doanh nghiệp tư nhân Newspace Capital tại Luxembourg, nhận xét. Trong số này, chỉ có startup ICEYE của Phần Lan là một ngoại lệ, với số vốn đầu tư nhận được là 100 triệu euro, Gogulan nói.

Hơn hai phần ba tổng số đầu tư vào công nghệ không gian trong vòng 15 năm qua là ở Mỹ, ngay cả khi nó chỉ chiếm 40% thị phần toàn cầu. “Châu Âu thực sự chưa đầu tư đáng kể vào công nghệ không gian”, Gogulan nói. Với các startup, việc nhận được tài trợ nghiên cứu ở mức kỷ lục vẫn chưa đủ, họ cần nguồn tài trợ “ổn định”, nghĩa là một dòng tiền đáng tin cậy.

Sợ hãi các cuộc va chạm không gian

Cuộc chạy đua không gian đang ngày một được đẩy nhanh tốc độ cũng có mặt trái của nó, đó là khiến thế giới ngày một tiến đến nguy cơ của những ẩn số và rủi ro, các nhà quản lý châu Âu lo ngại. “Đó là một thảm họa đang chờ được diễn ra”, Ekaterini Kavvada, Giám đốc Phát triển và Đổi mới sáng tạo của Ban giám đốc Công nghiệp quốc phòng và Không gian EU, nói. Bà cảnh báo về “một hòn đảo những mảnh vỡ trôi dạt” sẵn sàng chờ đón không gian vũ trụ châu Âu. “Tôi lo ngại đến ngày nó thành sự thật, nó trưng ra sự đe dọa với an toàn trong giao thông trong quỹ đạo Trái đất”, bà dự đoán.

Ước tính có khoảng 5.000 vệ tinh trong không gian trong khi chỉ có 2.000 vệ tinh trong số đó thực sự có chức năng. Kavvada tính toán, có hơn 500 cuộc va chạm và phát nổ diễn ra hằng năm.

Bất cứ cuộc va chạm nào cũng có thể khiến vệ tinh Galileo hay Copernicus “bị tổn hại”, bà nói. “Hãy nghĩ về tác động của nó với an ninh, an toàn và kinh tế của chúng ta”. Sự gia tăng của các cụm vệ tinh không gian có thể làm phá hủy nghiên cứu khoa học thông qua việc ngăn chúng ta quan sát các ngôi sao, các nhà khoa học cảnh báo.

Cơ quan Hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) đang lập kế hoạch “làm sạch” quỹ đạo, chuẩn bị một tàu vũ trụ cỡ nhỏ với những cánh tay robot để bắt đầu loại bỏ các mảnh vỡ vào năm 2025, Rolf Densing, giám đốc điều hành ESA, nói. Ông đang kêu gọi ngành công nghiệp quan tâm đến kế hoạch này và đưa ra những ý tưởng có thể thực hiện. “Chúng tôi đang ‘ra tay’ hết sức có thể. Đó là cách chúng tôi có thể làm: trao nhiều cơ hội hơn cho lĩnh vực tư nhân”, ông nói.
Do có nhiều cơ hội trong lĩnh vực không gian cho các công ty nên Densing ước tính vào cuối thập kỷ này sẽ có khoảng 10.000 vệ tinh trong quỹ đạo Trái đất. “Chúng ta đang sẵn sàng ‘đón nhận’ hàng trăm cảnh báo va chạm mỗi ngày. Chúng ta sẽ phải bẻ lái để tránh một cuộc va chạm khoảng hai tuần một lần hoặc nhiều hơn”, ông nói.

Nguồn: sciencebusiness.net