Năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 thấp hơn 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Trung Quốc, 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.

Ngày 28/4, VCCI đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức tại Hội thảo “Năng suất lao động ở Việt Nam – Nguồn gốc và thách thức cho sự tăng trưởng”.

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu. Ảnh: giaoducthoidai

Tại đây, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, với nhiều nỗ lực mạnh mẽ trong những năm gần đây, năng suất lao động của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, cả về giá trị và tốc độ. Cụ thể, theo tính toán của nhóm nghiên cứu và tham khảo từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động năm 2020 của Việt Nam tăng 5,4% so với năm 2010, đạt mức 117,94 triệu đồng/lao động theo giá hiện hành (tương đương 5.081 USD/lao động). Mức tăng này ở mức thấp nhất trong 5 năm gần đây nhưng có cao hơn khi so sánh với các quốc gia trong khu vực.

Bên cạnh đó, bình quân giai đoạn 2016 – 2020, năng suất lao động Việt Nam tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%).

Mặc dù có mức tăng trưởng năng suất lao động cao, năng suất lao động của Việt Nam năm 2020, theo ước tính của ILO, vẫn thấp hơn 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Trung Quốc; 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng cho thấy, năng suất lao động Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm. “Điều này cho thấy Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong việc cải thiện năng suất quốc gia”, ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, không giống như các nước đã đạt được sự phát triển cao về kinh tế, Việt Nam chưa trải qua giai đoạn tăng lên rất nhanh về năng suất, cho phép một nền kinh tế cất cánh đến thu nhập cao.

Thiếu hụt nghiêm trọng và lâu dài nguồn nhân lực trình độ cao

Có mặt tại Hội thảo, theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), một vấn đề lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt, đó là năng suất tuyệt đối của khu vực chế biến chế tạo - cốt lõi của khu vực công nghiệp lại không tăng theo thời gian mà kẹt lại trong suốt 20 năm từ năm 2000 đến nay.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu của ông dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động khu vực chế biến chế tạo của nước ta vào năm 2000 xấp xỉ đạt 70 triệu đồng/lao động - con số này sụt giảm liên tục kể từ đó, và chỉ mới phục hồi về lại mức cũ trong thời gian gần đây. Đây là điều khó hiểu trong một nền kinh tế đang công nghiệp hóa nhanh như Việt Nam. Cùng với đó, tăng trưởng năng suất của khu vực FDI cũng chững lại. “Năng suất lao động trong khu vực FDI tăng lên mạnh mẽ đến năm 2001, sau đó giảm mạnh và đình trệ. Điều này là bất thường bởi chúng ta thường kỳ vọng FDI có hiệu quả cao và cạnh tranh, thâm dụng vốn và công nghệ”, ông cho biết.


Năng suất lao động trong khu vực FDI tăng lên mạnh mẽ đến năm 2001, sau đó giảm mạnh và đình trệ. Ảnh: VESS

Theo ông, ngành công nghiệp chế biến – chế tạo và khu vực FDI có liên quan đến nhau. Lý do chính cho sự đình trệ của năng suất lao động trong các khu vực này là do sự thay đổi nội dung hoạt động. Trước năm 2000, FDI thâm dụng vốn và công nghệ chiếm đa số (khai thác mỏ, năng lượng, xe máy, ô tô, khuôn đúc, v.v.). Sau đó, FDI quy mô lớn, thâm dụng lao động, định hướng xuất khẩu chiếm ưu thế (may mặc, giày dép, lắp ráp điện tử, v.v.). Các hoạt động này có giá trị gia tăng trong nước thấp và năng suất lao động thấp.

“Điều này có nghĩa chiến lược các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam là họ lựa chọn việc sử dụng lao động giá rẻ với các quy trình giản đơn, cho thấy Việt Nam vẫn nằm ở phần trũng, giá trị thấp”, ông lưu ý.

Ngoài ra, theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, thị trường lao động Việt Nam đang thiếu hụt nghiêm trọng và lâu dài nguồn nhân lực trình độ cao (các nhà khoa học, nhà quản lý, kỹ sư). Người lao động có xu hướng không muốn học hỏi, thể hiện ở tỷ lệ người lao động chưa qua đào tạo nghề đang tăng lên trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2013. Tỷ lệ này tăng từ 55,5% lên 65,5% trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng; tăng từ 30,5% lên 56,4% trong lĩnh vực dịch vụ. Đây có thể là lý do các doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam “như là một điểm đến vì lao động giá rẻ chứ không phải vì môi trường kinh doanh tốt, có tính sáng tạo…”, ông nói.