Chính phủ Việt Nam đã cân nhắc vấn đề an toàn và quyết định khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam dời đến năm 2020 - chậm hơn dự kiến 6 năm.


Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã nhắc lại thông tin này tại buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác công ty TNHH Phát triển Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Nhật Bản (JINED) sáng 23/2 tại Hà Nội.

Tại buổi tiếp hai bên đã trao đổi về tình hình nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản thời gian vừa qua, những thay đổi sau sự cố thảm họa phóng xạ Fukushima và đặc biệt nhấn mạnh đến tính an toàn trong việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản cũng như xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (Việt Nam) trong thời gian sắp tới.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cùng Đoàn công tác Công ty Phát triển Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Nhật Bản (JINED)
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cùng Đoàn công tác Công ty Phát triển Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Nhật Bản (JINED) chụp ảnh lưu niệm.

Ông Satoshi Onado - Chủ tịch công ty JINED kiêm Giám đốc điều hành Liên đoàn các công ty điện lực Nhật Bản cho biết, từ sau sự cố phóng xạ Fukushima diễn ra vào tháng 3/2011, Chính phủ Nhật bản đã có nhiều thay đổi trong việc quản lý các nhà máy điện hạt nhân, trong đó có bộ tiêu chuẩn an toàn mới dành cho những doanh nghiệp nào muốn tái khởi động.

Theo đó, các doanh nghiệp muốn được cấp phép tái khởi động phải đảm bảo tuân thủ và chấp hành mọi tiêu chuẩn an toàn và nghiêm ngặt của bộ tiêu chuẩn đề ra. Tính đến thời điểm này, Nhật Bản đã có 5 doanh nghiệp đăng ký tái khởi động, nhưng chỉ có 3 doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Bàn về nhà máy điện hạt nhân Việt Nam, ông Satoshi Onado bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với những lo lắng của Chính phủ Việt Nam và người dân Việt Nam trong việc đảm bảo tính an toàn xây dựng nhà máy điện hạt nhân sau sự cố phóng xạ Nhật Bản.

Ông Satoshi Onado cho rằng, việc xây dựng nhà máy cần rất nhiều thời gian để đưa ra quyết định cấp phép, quyết định xây dựng, lựa chọn nguồn nhân lực, chính sách pháp lý… đặc biệt lựa chọn công nghệ là một bước khá quan trọng.

Theo ông Satoshi Onado, kinh nghiệm lớn nhất trong 50 năm phát triển điện hạt nhân Nhật Bản thì an toàn là yếu tố hàng đầu và mọi quốc gia phát triển điện hạt nhân cần chú trọng văn hóa an toàn. Bên cạnh đó, Chủ tịch Satoshi Onado cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác cùng Việt Nam trong việc lựa chọn công nghệ cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 cũng như các lĩnh vực có liên quan đến điện hạt nhân.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá cao những nỗ lực của JINED trong việc hợp tác với các bộ/ngành chức năng của Việt Nam và cho biết, mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản luôn là quan hệ chiến lược sâu rộng trong các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, trong đó có lĩnh vực điện hạt nhân. Về nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, sự cố phóng xạ Jukushima năm 2011 ảnh hưởng khá lớn đến Việt Nam. Nhiều dư luận trái chiều không đồng tình do những lo ngại về tính an toàn và sự cố phóng xạ có thể diễn ra. Do vậy, Chính phủ Việt Nam đã cân nhắc vấn đề an toàn và quyết định khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam dời đến năm 2020, chậm hơn dự kiến 6 năm.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết, hiện tại Việt Nam đang gặp hai vấn đề khó khăn: một là lựa chọn công nghệ an toàn, công nghệ phải được kiểm chứng; hai là chuẩn bị tư tưởng cho người dân cũng như thành viên cán bộ Chính phủ Việt Nam.

"Để làm được điều này, Chính phủ Việt Nam rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhật Bản nói chung và JINED nói riêng trong việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như hạ tầng kỹ thuật để nâng cao tiềm lực ngành năng lượng nguyên tử của Việt Nam. Hiện Việt Nam cũng đã áp dụng bộ tiêu chuẩn an toàn đối với nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản" - Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.