Trong một cuộc họp công bố kế hoạch dành gần 500 triệu Euro cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) bao gồm: đầu tư vào các cơ sở hạ tầng siêu máy tính, phát triển kỹ năng, các nhóm nghiên cứu, Bộ trưởng Bộ Khoa học Đức Bettina Stark-Watzinger cho biết kế hoạch đầu tư này không chỉ để đạt được “chủ quyền công nghệ” và tránh phụ thuộc vào các quyền lực AI ở bên ngoài đất nước, mà còn là để hợp tác với các quốc gia trong EU về AI với “Mục tiêu của chúng tôi là Đức và châu Âu có thể đảm trách lấy vị trí dẫn dắt toàn cầu”, bà nói.
Việc thúc đẩy đầu tư vào AI được coi là sự hỗ trợ quan trọng để Đức nỗ lực đưa nền kinh tế khỏi nguy cơ suy thoái khi những lĩnh vực quan trọng của đất nước đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt như ngành công nghiệp ô tô, tự động hóa và công nghiệp hóa chất, trong khi chi phí năng lượng lại cao hơn nhiều quốc gia khác.
Điều này trái ngược với lo ngại của Hiệp hội AI Đức khi cho rằng Đạo luật AI của châu Âu hiện đang được giám sát chặt chẽ có thể làm ảnh hưởng đến sự đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này.
Stark-Watzinger cũng muốn cơ sở hạ tầng AI tốt hơn và nhiều người làm được đào tạo về AI hơn, với sự hứa hẹn sau trung tâm kỹ năng mới và 150 vị trí giáo sư mới về AI.
Về cơ sở hạ tầng, chi tiết về những dự án mới sẽ được thông báo vào tháng tới khi kế hoạch này được hoàn thiện đầy đủ hơn nhưng bà cũng nhấn mạnh rằng hợp tác với châu Âu sẽ làm gia tăng bất kỳ khoản đầu tư mới nào.
Hoàn thiện trong thế giới thựcNhưng trong khi gần như cả thế giới chào mừng các khoản đầu tư mới và dự án mới, các công ty vẫn lo ngại khi cho rằng những tiến bộ về AI có thể không đủ thúc đẩy nền kinh tế phát triển như mức Stark-Watzinger hy vọng.
Chỉ 15% các công ty sử dụng AI, theo cảnh báo của Bitcom, một hiệp hội các công ty Đức trong lĩnh vực kinh tế số. “Sự chuyển giao những phát hiện từ lĩnh vực hàn lâm sang ngành công nghệp có lẽ là vô cùng yếu ở Đức”, họ cho biết.
Bằng chứng cho nhận định này, Bitcom lưu ý Đức đã lập ra một chiến lược AI từ năm 2018 nhưng việc thực thi lại vô cùng chậm chạp. Các quy định xung quanh vấn đề chuyển giao dữ liệu vẫn còn quá rắc rối.
Tương tự, Hội AI Đức, nơi quy tụ hơn 400 công ty, cho rằng cần có nhiều khuyến khích hơn “cho chuyển giao nghiên cứu vào các ứng dụng thực hành”.
Hiệp hội AI Đức cũng lo ngại Đạo luật AI của EU sẽ trở nên một rào cản cho nền công nghiệp AI của lục địa già. “Sự nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Khoa học về đạo luật AI như một hình thức của kiểm soát chất lượng thật hấp dẫn nhưng tính khả thi trong thực tế của nó vẫn cần được xem xét kỹ lưỡng”, thông cáo báo chí của Hiệp hội nhận xét như vậy. Các nhà làm luật EU cần phải đảm bảo đạo luật này không làm gia tăng chi phí phát triển các sản phẩm AI hoặc tạo ra những bất định trong quy định.
Tầm nhìn, gắn kết, khối lượng tới hạnSự ủng hộ của Ủy ban châu Âu cho hệ sinh thái AI của châu Âu vẫn còn thiếu “tầm nhìn, sự gắn kết và khối lượng tới hạn”, Holger Hoos, một giáo sư AI tại RWTH Aachen và là một trong những người sáng lập CLAIRE, một liên đoàn EU về các phòng thí nghiệm AI.
“Nó đang hứa hẹn cho thấy một cam kết rõ ràng về Chính phủ Đức đóng vai trò chủ đạo trong nỗ lực này nhưng tôi vẫn còn một chút lo ngại về việc có thể cần bao lâu trước khi tham vọng này dẫn đến những đầu tư cần thiết ở cấp độ châu lục”, ông chỉ ra.
Một mục tiêu đầy tham vọng chung như một “CERN cho AI”, có thể giúp thúc đẩy tiến trình của EU, ông cho biết như vậy.
Về lời hứa hẹn với cơ sở hạ tầng mới, Hoos nói đó có thể là một “sai lầm lớn” khi mở rộng các trung tâm tính toán hiệu năng cao. “Quan trọng là phải tạo ra những cơ sở tính toán dành riêng cho AI và có quy mô rất lớn, ở cấp độ châu Âu cũng như cấp độ quốc gia với những khoản đầu tư bền vững”, ông nói.
Thiếu quy môKhi bà Stark-Watzinger nêu kế hoạch, có thể nhận thấy thách thức hiện tại ở EU là thiếu những công ty công nghệ lớn kiểu như ở Trung Quốc và Mỹ, những công ty có năng lực rót những khoản tiền lớn cỡ hàng chục triệu USD vào phát triển AI.
Nhưng theo Stark-Watzinger, do khung quy định mới của châu Âu sẽ quan tâm nhiều hơn đến quyền riêng tư hơn những nơi khác nên có thể Đức sẽ là một nơi thu hút các công ty tư nhân hơn. “Chúng tôi chú trọng đến dạng AI có thể giải thích được, tin cậy và minh bạch. Đây là lợi thế cạnh tranh”, bà nói. Những quy định đơn giản hơn của Đức có thể sẽ khuyến khích các công ty tư nhân mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu, bà cho biết thêm.
Việc châu Âu bị bỏ xa sau Mỹ và Trung Quốc về đầu tư cho AI cũng thể hiện sự thiếu đầu tư tư nhân ở châu Âu, bà nói. Để giải quyết phần nào vấn đề này, Chính phủ Đức hiện đang soạn thảo một luật mới nhằm tạo điều kiện cho đầu tư tài chính và mở công ty mới. Dẫu Đức không thể so sánh được với các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ nhưng có sự thật là số lượng các startup về AI của Đức đã tăng gấp đôi trong năm 2023 và đưa quốc gia này vào vị trí thứ chín toàn cầu. Gần đây Bloomberg đưa tin, công ty AI trong công nghệ quốc phòng Helsing của Đức đã gọi được 209 triệu Euro (tương đương 223 triệu USD) ở vòng gọi vốn Series B, qua General Catalyst, một công ty đầu tư mạo hiểm.
Các công ty lớn của Đức như BMW, Siemens, và Zalando đang nỗ lực khai thác AI cho mục tiêu chế tạo, sản xuất ô tô tự lái, điều phối vận tải và tăng cường trải nghiệm của khách hàng. Tuy nhiên số phận của nền kinh tế Đức hiện giờ còn phụ thuộc vào những khoản đầu tư trong tương lai để có thể duy trì vị trí của mình trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Thêm vào đó, Stark-Watzinger cũng tập trung vào các luật mang lại tự do cho cây trồng biến đổi gene, sau khi Ủy ban châu Âu đề xuất đảo ngược tình thế cấm cây trồng biến đổi gene bằng nhiều công nghệ khác nhau. “Với khoa học, đó là một cuộc cách mạng bởi vì tự nhiên tạo ra các giống cây trồng một cách tự nhiên qua hàng thập kỷ hoặc hàng thế kỷ, hoặc những gì con người tạo ra với nhân giống cổ điển, giờ có thể tạo lập như vậy với tốc độ nhanh hơn trong phòng thí nghiệm – hiệu quả chi phí lớn hơn và chính xác hơn trước đây, đặc biệt với sự hỗ trợ của AI”, bà nói trong một cuôc thảo luận về công nghệ này vào tháng bảy.
Nguồn: sciencebusiness.net, reuters.com