Khi các nhà khoa học Anh và châu Âu ngây ngất trước tin mới, phần lớn đều cho rằng đây là một chiến thắng quan trọng trong hợp tác khoa học. “Đây là một thỏa thuận vô cùng hợp lý để cho phép khoa học Anh giành được những phần tài trợ thậm chí có thể lớn hơn phần nước Anh đóng góp vào”, Greg Clark, chủ tịch Ủy ban Khoa học, đổi mới sáng tạo và công nghệ của Quốc hội Anh, nhận xét.
Theo những điều khoản thỏa thuận, Anh sẽ đóng 2,6 tỉ Euro mỗi năm để trở thành một thành viên liên kết của Horizon Europe, từ nay đến khi kết thúc chương trình vào năm 2027. Thỏa thuận này cũng nêu ra các mức kinh phí mà Chính phủ Anh sẽ cần phải đóng góp thêm hoặc nhận lại, tùy thuộc vào mức độ tham gia của các nhà khoa học Anh.
Theo Martin Smith, người phụ trách Phòng thí nghiệm Chính sách tại quỹ từ thiện Wellcome Trust của Anh, thì nội dung chi tiết của bản thỏa thuận sẽ đến trong những ngày tới, nhưng “đó chỉ là điều nhỏ so với những cú thúc đẩy lớn lao cho hợp tác khoa học Anh và châu Âu – và hơn thế nữa – mà một thỏa thuận đã mang lại”, ông nói.
Sự tái hợp tác này được các nhà khoa học hai bên chờ đợi đã lâu. “Tin mới này sẽ nhận được sự chúc mừng cả khắp cộng đồng khoa học ở đây cũng như châu Âu. Trước đó tất cả đều thất vọng vì sự chậm trễ vô luân kéo dài trước khi đạt được thỏa thuận”, Martin Rees, một nhà vật lý thiên văn tại ĐH Cambridge, nêu trong một thông cáo báo chí của Trung tâm truyền thông khoa học Anh (SMC). Tuy nhiên cũng có ý kiến thận trọng hơn. “Trở lại là tốt nhưng những tác động xấu thì không thể đảo ngược được”, John Hardy, một nhà khoa học thần kinh ở University College London, nhận xét về những ảnh hưởng của hai năm khoa học Anh rời khỏi chương trình nghiên cứu của châu Âu.
Khoa học đã bị bắt làm con tin trong quá trình Brexit kéo dài, gây đau đớn. Hy vọng việc tái hòa nhập với Horizon Europe, sẽ đến rất nhanh với nỗ lực của cả hai phía. Helga Nowotny
|
“Việc tạm xa chương trình này dẫn đến một số ảnh hưởng xấu với khoa học Anh. Chúng tôi mất mát tài trợ, chúng tôi mất hợp tác và chúng tôi mất hợp đồng chính với các trường đại học và nhóm nghiên cứu lớn của châu Âu”, Azeem Majeed, một nhà nghiên cứu sức khỏe công cộng tại Imperial College London, nói. Cần nhiều thời gian để tái xây dựng những quan hệ hợp tác với các đối tác EU, ông cho biết thêm.
Robert-Jan Smits, Giám đốc nghiên cứu của Ủy ban châu Âu từ năm 2010 đến 2018 và giờ là hiệu trưởng ĐH Công nghệ Eindhoven Hà Lan, lại cho rằng thực ra thỏa thuận này phải được thông qua từ lâu. “Chúng ta không nên để chính trị dắt mũi như vậy”.
Thỏa thuận này cũng cho phép Anh tái hòa nhập chương trình quan sát Trái đất của EU là Copernicus, nhưng vẫn chưa cho họ tham gia vào dự án nghiên cứu nhiệt hạch Euratom, thay vào đó, Anh sẽ đi theo con đường của riêng mình.
Kể từ khi người Anh bỏ phiếu rời châu Âu vào năm 2016, các nhà khoa học Anh đã phải đối mặt với sự bất định về các khoản tài trợ từ ngân sách của Horizon. Khi thỏa thuận Brexit đi đến chính thức vào năm 2020 thì các khoản tài trợ này vẫn có thể dành lối cho các nhà khoa học Anh tiếp cận, tuy nhiên sự bất đồng về thương mại ở Bắc Ireland đã chặn đứng lối đi này. Dẫu vấn đề này cuối cùng đã được giải quyết vào tháng hai năm nay.
Sự trì hoãn này đã ảnh hưởng lên các nhà khoa học Anh và họ đã phải lên tiếng về những lo ngại về những tác động dài hạn nên khoa học và hợp tác khoa học của Anh.
Helga Nowotny, một nhà sáng lập và cựu chủ tịch Hội đồng nghiên cứu châu Âu (ERC), hiện làm việc ở Zurich, Thụy Sĩ, nói. “Khoa học đã bị bắt là con tin trong quá trình Brexit kéo dài, gây đau đớn”. Bà hy vọng là sự hợp tác sẽ đến rất nhanh với nỗ lực của cả hai phía.
Việc trở lại với châu Âu sẽ giúp Anh mời gọi được các nhà khoa học trên khắp thế giới tới làm việc. “Đó không chỉ là chuyện tiền bạc mà quan trọng hơn là vị thế. Nó khiến cho Anh trở nên hấp dẫn hơn với các nhà khoa học”, Sarion Bowers, người phụ trách mảng chính sách của Viện Nghiên cứu Wellcome Sanger, một trung tâm nghiên cứu hệ gene của Hinxton, Anh, nhận xét.
Phần lớn các nhà quan sát thỏa thuận này đều lưu ý là việc trì hoãn sự trở lại trong hợp tác khoa học của Anh với EU là do cả hai bên đều muốn chơi trò chính trị hơn là do có bất kỳ rào cản nào tồn tại trong hợp tác khoa học.Nếu Christian Ehler, người từng tham gia quản lý Horizon thì cho rằng thời gian thỏa thuận kéo dài là do EU muốn lựa chọn điều đúng đắn nhất thì phần lớn các nhà khoa học đều không thể kiên nhẫn khi khoa học bị chính trị lấn át.
“Cuộc thảo luận xung quanh những nhượng bộ trong thỏa thuận đều là cơ hội để giới chính trị có thêm ảnh hưởng”, Mattias Björnmalm, tổng thư ký hiệp hội các trường đại học (CESAER) nói. Kurt Deketelaere, tổng thư ký Liên hiệp các trường đại học nghiên cứu EU, đồng ý với nhận định này. “Chúng tôi luôn luôn kêu gọi hai bên cần nhận ra vấn đề. Chúng tôi không muốn xảy ra cuộc tranh cãi về tiền bạc. Điều quan trọng nhất là để con người hợp tác với nhau. Tôi luôn muốn nhà nghiên cứu ở cả châu Âu lẫn Anh đều thoải mái hợp tác với nhau. Đây là màn so găng mang tính biểu tượng là chính”.
Nhưng chính trị vẫn không bỏ qua những khía cạnh được coi là nhạy cảm trong khoa học. Nước Anh quyết định không tái trở lại với chương trình nghiên cứu hạt nhân châu Âu Euratom và thay vì đó, lựa chọn việc theo đuổi chiến lược của riêng mình với cam kết sẽ đầu tư 650 triệu bảng.
Quyết định về Euratom tuy nhiên cũng gây thất vọng cho một số người coi việc tham gia đầy đủ vào chương trình khung của EU quan trọng với Anh. Robert-Jan Smits, hiệu trưởng ĐH Công nghệ Eindhoven nhận xét “Đúng là thất vọng khi Anh không tham gia Euratom để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm tích lũy đã lâu của họ cả về nghiên cứu hạt nhân phân hạch và nhiệt hạch. Bởi vì sẽ tốt hơn cho EU khi có Anh tham gia chương trình này hơn là để họ quay đi”.
Nếu đặt chính trị sang một bên thì liệu có cách nào để hợp tác khoa học giữa hai bên trở lại như trước thời Brexit? Một số người thì nghi ngờ về khả năng này hơn những người khác, có người không cho rằng tất cả sẽ trở lại bình thường ngay ngày mai. “Có lẽ gần cuối Horizon Europe kỳ này thì các mối hợp tác thông thường mới có thể trở lại đầy đủ”, theo van der Hoek, cố vấn chính sách giáo dục và khoa học tại thượng nghị viện Hà Lan.