Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi kết luận hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.
Thủ tướng đồng tình với ý kiến của các chuyên gia về tác động của các hoạt động kinh tế cường độ cao đối với hiện tượng sụt lún lớn đang diễn ra nhanh và ngày càng nghiêm trọng, sự suy thoái môi trường do ô nhiễm nước, không khí cũng như việc rừng ngập mặn bị tàn phá nặng nề ở ĐBSCL và đưa ra dẫn chứng: “Như vùng bán đảo Cà Mau có trên 10.000 giếng khoan nước ngầm phục vụ nuôi trồng thủy sản thì làm sao không gây sụt lún được? Mỗi năm, chúng ta đang mất khoảng 300ha đất lãnh thổ với xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn”.
Nhấn mạnh rằng tất cả những thách thức này không phải viễn cảnh được dự báo mà đã hiện hữu, Thủ tướng yêu cầu tìm cách giữ được đất và nước, thay đổi cơ cấu vật nuôi và cây trồng phù hợp với điều kiện mới, lấy phát triển bền vững và hiệu quả làm tiêu chí quan trọng; dứt khoát giảm diện tích lúa ba vụ.
Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu thành lập quỹ phát triển ĐBSCL với nhiều nguồn lực, đặc biệt là ngân sách. Theo đó, từ nay đến năm 2020, cần giải ngân hiệu quả ít nhất 1 tỷ USD để làm hệ thống cống điều tiết, cống sông Cái Lớn, sông Cái Bé của tỉnh Kiên Giang (nhằm ngăn mặn), cống Trà Sư, Tha La của tỉnh An Giang (nhằm điều tiết lũ) và khắc phục một số đoạn sạt lở nghiêm trọng. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “cái gì tư nhân làm được thì tạo điều kiện, cơ chế cho họ làm”.
Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ĐBSCL phục vụ thích ứng với BĐKH và sinh kế bền vững; nghiên cứu xây dựng chương trình đồng bằng thích ứng dưới dạng một dự án tổng thể có mục tiêu dài hạn là giữ cho ĐBSCL an toàn về lâu dài, là một nơi hấp dẫn để sinh sống và làm việc, kể cả chính sách hạn điền ở khu vực này.