Theo Giáo sư (GS) Võ Tòng Xuân - Đại học Nam Cần Thơ, mục tiêu sau cùng là phải chọn ra một số cây, con chiến lược có giá trị cao, không cần nhiều nước ngọt, có thể sử dụng nước mặn; không chọn loại cây cần quá nhiều nước ngọt nhưng giá trị thương mại.

Rừng ngập mặn có nguy cơ biến mất

Tổng hợp ý kiến của các nhà khoa học, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, tác động từ BĐKH là một trong những thách thức lớn nhất mà loài người đang phải đối mặt. ĐBSCL nói riêng, Việt Nam nói chung được coi là một trong 5 quốc gia hứng chịu nặng nề nhất.

Cùng với đó, tác động phía thượng nguồn sông Mêkông do các hoạt động kinh tế sử dụng nguồn nước (như thủy điện, chuyển nước khỏi lưu vực hệ thống, sự suy giảm nhanh diện tích rừng, thảm thực bì - nơi giữ nước, điều tiết nước) đã, đang và sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng, nhanh chóng làm thay đổi căn bản quy luật dòng chảy khi vào đến địa phận vùng ĐBSCL.

“Những điểm bất hợp lý trong sự phát triển kinh tế nội tại vùng ĐBSCL như khai thác tài nguyên cát sỏi, khai thác nguồn nước ngầm và các hoạt động kinh tế khác cũng gây tổn thương lớn đến vùng châu thổ cũng như sự phát triển bền vững của vùng” - ông Cường nói và nhấn mạnh đây là 3 nhóm nguyên nhân chính cùng lúc tác động, cộng hưởng, tạo ra những tác động tiêu cực lớn nhất trong lịch sử kiến tạo vùng ĐBSCL mà chúng ta phải chấp nhận đối mặt.

Sạt lở làm vỡ, hỏng cống ở Tân Thuận, Đầm Dơi, Cà Mau. Ảnh: Xuân Hưng
Sạt lở làm vỡ, hỏng cống ở Tân Thuận, Đầm Dơi, Cà Mau. Ảnh: Xuân Hưng

Từ tác động đó, ông Cường cho rằng, hệ canh tác cũ đã không còn phù hợp: “Hạn, mặn đã dẫn đến tình trạng lúa không đủ nước ngọt, thời vụ cũ sẽ khó khăn do những thay đổi bất thường của thời tiết, khí hậu. Thể hiện rõ nhất là việc 17.000ha lúa đông xuân 2016-2017 bị bệnh sâu năn cọng hành ở Kiên Giang, Cần Thơ do ảnh hưởng của nền nhiệt thấp và mưa sớm; hay thiệt hại về lúa đông xuân và xuân hè vừa qua do mưa lớn, mưa quá nhiều cuối vụ”.

Cùng với đó, tốc độ sạt lở bờ biển như hiện nay đang diễn ra quá nhanh. Qua theo dõi của cơ quan chức năng, khu vực ĐBSCL hiện có 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 775km.

“Tốc độ sạt lở đã làm cho diện tích rừng ngập mặn suy giảm khá nhanh, hiện chỉ còn khoảng 63.000ha. Nếu không quyết liệt giữ, rừng sẽ dần dần biến mất. Đây là chiếc áo giáp phòng hộ, là hạt nhân hình thành hệ sinh thái bền vững, cái làm nên hồn cốt hệ sinh thái rừng mặn, là môi trường sống của con tôm sú - một đặc sản có giá trị hàng hóa rất lớn, rất quý của ĐBSCL” - ông Cường lo ngại.

Theo ông, tất cả các dạng tác động xấu đó xảy ra ngày càng phức tạp hơn, có thể gây ra thiệt hại lớn hơn, khiến nông nghiệp ĐBSCL sẽ không còn trù phú, câu chuyện cải thiện sinh kế và tạo việc làm cho người nông dân trở nên khó khăn hơn. Do vậy, có thể nói tác động đến khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn là lớn nhất, sớm nhất.

Chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thích ứng

Theo GS Võ Tòng Xuân, rõ ràng ở ĐBSCL đang diễn ra hai thực tế: Nước ngọt đang giảm mạnh mà không có nguồn thay thế trong khi nước mặn có thể dâng cao hơn; đất đai xói mòn, diện tích canh tác mất dần cho xây dựng đô thị và công nghiệp. Nếu còn để nông dân làm ăn cá thể, đất đai manh mún, nuôi trồng một cách tự phát, không có tổ chức nghĩa là vẫn còn sống trong thời tự cung tự cấp, hậu quả là nông dân vẫn nghèo muôn thuở.

“Sử dụng nước ngọt một cách không hiệu quả là làm nghèo xã hội và làm cạn nhanh ngân sách. Doanh nghiệp chế biến sản phẩm bằng nguyên liệu không truy xuất được nguồn gốc là còn dung túng cho sản xuất không trách nhiệm, lường gạt người tiêu dùng, xâm hại uy tín của công ty và của quốc gia” - GS Xuân nhấn mạnh và cho rằng, mục tiêu sau cùng là phải chọn ra một số cây, con chiến lược có giá trị cao, không cần nhiều nước ngọt, có thể dùng nước mặn; không chọn cây trồng sử dụng quá nhiều nước ngọt đắt tiền nhưng giá trị thương mại lại rất thấp như cây lúa.

Trong quá trình chọn lựa cây, con, phải có sự tham gia từ đầu của các doanh nghiệp vì họ là người sẽ đầu tư sản xuất nguyên liệu và chế biến thành các mặt hàng cung cấp cho thị trường. Đề xuất này của giáo sư đã nhận được sự đồng tình của Thủ tướng. Khi kết luận hội nghị, Thủ tướng cũng chỉ đạo “dứt khoát giảm diện tích lúa ba vụ”.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, với chương trình Nghiên cứu KH&CN và định hướng phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó với BĐKH, nhiều giống cây, con, mô hình canh tác nông nghiệp (cho lúa, mía, lạc) và kế hoạch sử dụng đất thích ứng với BĐKH đã được nghiên cứu thành công, đưa vào ứng dụng. Nhiều giống lúa chịu mặn cũng đã được nghiên cứu.

Tuy nhiên theo Thứ trưởng, các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn, hạn hán nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của ĐBSCL.

“Cần nghiên cứu các mô hình sinh kế bền vững cho người dân ĐBSCL theo hướng thích ứng với BĐKH và thân thiện với môi trường; tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ thích ứng và giảm nhẹ trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương như Thỏa thuận Paris về BĐKH” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh kiến nghị.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị Thủ tướng giao các bộ NN&PTNT, KH&CN và các địa phương trong vùng ĐBSCL trong 5 năm tới phải giải quyết bộ giống của 3 nhóm sản phẩm gồm thủy sản, trái cây, lúa gạo, đưa ra được những giống đáp ứng nhu cầu sản xuất, có tính cạnh tranh cao.