Việt Nam và 11 quốc gia đã đạt được thỏa thuận Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình dương (TPP). Trao đổi với Báo Khoa học và Phát triển, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết: Chế tài của TPP chặt chẽ hơn WTO hay các hiệp định song phương.

>> Làm gì để nâng cao nhận thức và bảo về quyền sở hữu trí tuệ?

Việt Nam và 11 quốc gia đã đạt được thỏa thuận Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình dương (TPP). Trao đổi với Báo Khoa học và Phát triển, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết: Chế tài của TPP chặt chẽ hơn WTO hay các hiệp định song phương. Do đó, nếu chúng ta vi phạm, ngoài việc giữa các doanh nghiệp khiếu kiện lẫn nhau, ở tầm quốc gia, các nước cũng có thể đưa nhau ra tòa án. Đặc biệt, với TPP, khi tòa án phán quyết thì các quốc gia đều phải tuân thủ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân (giữa) trao đổi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (phải) tại Techmart 2015.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân (giữa) trao đổi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (phải) tại Techmart 2015.

TPP được kỳ vọng giải quyết những thách thức của thế kỷ 21, nhưng vẫn có những điều chỉnh tùy thuộc vào trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Thưa Bộ trưởng, trong lĩnh vực KH&CN có những điều chỉnh nào?

Trong Hiệp định TPP, có hai vấn đề liên quan tới KH&CN: Những yêu cầu đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) và những yêu cầu đối với chất lượng sản phẩm hàng hóa và tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa. Trong đó, những vấn đề vướng mắc nhất, khó nhất là SHTT, bao gồm ba nội dung.

Một là, hình sự hóa những vi phạm liên quan tới SHTT. Hiện nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam chỉ xử phạt hành chính các hành vi vi phạm, chưa có những quy định xử lý bằng hình sự.

Hai là, bảo hộ đối với dược phẩm, trong đó vấn đề gay cấn nhất là bảo hộ cơ sở dữ liệu thử nghiệm.

Ba là, vấn đề nông hóa phẩm. Việt Nam là nước nông nghiệp, nếu đáp ứng yêu cầu rất cao về nông hóa phẩm chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, bởi nông hóa phẩm bao gồm cả từ thức ăn chăn nuôi đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vắcxin thú y.

Còn về lĩnh vực chất lượng sản phẩm hàng hóa, chủ yếu liên quan đến thủ tục để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thông quan ở các cửa khẩu.

Đáp ứng những yêu cầu này, Bộ KH&CN phải đảm bảo việc ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và phải có các tổ chức đánh giá sự phù hợp đủ năng lực. Bộ cũng phải đàm phán để có sự công nhận, thừa nhận lẫn nhau giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp của các quốc gia để đảm bảo quá trình đơn giản hóa thủ tục hải quan, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường cũng như xuất khẩu.


Kính mời quý độc giả nghe toàn văn câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Quân về những điều chỉnh trong lĩnh vực KH&CN trong thời gian tới

Như Bộ trưởng nói, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh một số chính sách, vậy những chính sách liên quan đến lĩnh vực KH&CN sẽ được điều chỉnh như thế nào ?

Riêng về lĩnh vực KH&CN, chắc chắn chúng ta phải sửa Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Chuyển giao công nghệ. Còn về lâu dài, Bộ KH&CN sẽ cùng các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung Luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong các luật ấy, có những điều khoản liên quan đến SHTT và tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng. Đây chính là thách thức rất lớn, bởi nước ta có trình độ phát triển thấp nhất trong 12 quốc gia tham gia TPP. Hệ thống luật pháp của nước ta cũng chưa phù hợp với hệ thống luật pháp của các nước phát triển.

Đại diện 12 nền kinh tế tham gia Hiệp ước TPP. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN/VietnamPlus
Đại diện 12 nền kinh tế tham gia Hiệp ước TPP. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN/VietnamPlus

Vấn đề đặt ra, các đối tác trong TPP yêu cầu nước ta phải chuyển đổi ngay hoặc phải chuyển đổi trong thời gian rất ngắn. Như vậy sẽ rất khó khăn, nên chúng ta đang đấu tranh để có được khoảng thời gian chuyển đổi ít nhất bằng một nhiệm kỳ Quốc hội.

Riêng về việc bảo hộ đối với dược phẩm, chúng ta đấu tranh để có thời gian chuyển đổi khoảng 25 năm, bởi Việt Nam là nước có thu nhập trung bình thấp, sau khoảng 25 năm nữa mới có thể đạt được mức thu nhập trung bình cao, tương đương một số nước trong TPP, khi đó Việt Nam sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của TPP. Tuy nhiên, các đối tác của chúng ta - đặc biệt là Mỹ - vẫn không đồng ý và cho rằng khoảng thời gian đó là quá dài.


Bộ trưởng Nguyễn Quân nói về những điều chỉnh trong chính sách liên quan đến lĩnh vực KH&CN sắp tới

Thưa Bộ trưởng, Bộ KH&CN sẽ cần phải làm gì để đón nhận những cơ hội cũng như hóa giải những thách thức từ TPP?

Đón nhận cơ hội, chúng ta phải sửa đổi hệ thống luật pháp. Việc đầu tiên, sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ ngay trong năm 2016, Luật Sở hữu trí tuệ phải được sửa trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Thứ hai, chúng ta phải sớm hỗ trợ các doanh nghiệp để họ có đủ năng lực cạnh tranh với quốc gia khác trong quá trình thực hiện TPP. Thứ ba, chúng ta cũng phải đổi mới rất nhiều cơ chế, chính sách của chúng ta cho phù hợp với kinh tế thị trường, nhất là thị trường 12 quốc gia TPP.

Thách thức lớn nhất của chúng ta khi tham gia TPP chính là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, trong bối cảnh hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật bị dỡ bỏ. Hầu hết các dòng thuế đều sẽ giảm ngay lập tức, dù một số dòng thuế có thời gian chuyển tiếp, nhưng về lâu dài sẽ về mức sàn 0%. Nếu chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt không tốt, mẫu mã và giá thành không hợp lý, chắc chắn khó cạnh tranh được với hàng hóa các nước trong TPP.


Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ việc tận dụng cơ hội và hóa giải những thách thức từ TPP

Mức độ tuân thủ quyền SHTT hiện nay chưa cao, vấn đề này sẽ được xử lý như thế nào trong quá trình sửa đổi các luật liên quan, thưa Bộ trưởng?

Một may mắn là chúng ta có khoảng thời gian 2 năm từ khi ký đến khi hiệp định có hiệu lực để chuẩn bị. Chúng ta cũng đã đàm phán được một số điều khoản có thời gian chuyển tiếp 3 năm, 5 năm, thậm chí có lĩnh vực tới 10 năm. Tôi nghĩ, nếu các doanh nghiệp khẩn trương, tích cực vẫn có thể ứng phó được với thách thức, nhưng nếu không làm quyết liệt sẽ không thể đáp ứng được các yêu cầu rất cao của TPP. Vì vậy, đã đến lúc không thể che giấu những yếu kém về những vấn đề liên quan đến SHTT.

Hiện nay, tại Việt Nam, tình trạng vi phạm bản quyền vẫn còn rất phổ biến. Chế tài của TPP chặt chẽ hơn WTO hay các hiệp định song phương. Do đó, nếu chúng ta vi phạm, ngoài việc giữa các doanh nghiệp khiếu kiện lẫn nhau, ở tầm quốc gia, các nước cũng có thể đưa nhau ra tòa án. Đặc biệt, với TPP, khi tòa án phán quyết thì các quốc gia đều phải tuân thủ. Như vậy, các doanh nghiệp của Việt Nam không thể lẩn tránh việc tuân thủ các quy định về SHTT như trước đây.


Bộ trưởng Nguyễn Quân nói về SHTT

Việt Nam tham gia TPP, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về sự chuẩn bị của ngành KH&CN?
Bộ KH&CN có thuận lợi là tham gia đoàn đàm phán ngay từ đầu nên đã có kế hoạch chuẩn bị trong việc nâng cao năng lực của Cục SHTT; hài hòa tiêu chuẩn Việt Nam với quốc tế - hiện đã đạt trên 40%; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực về SHTT, đưa chương trình SHTT vào các trường đại học…

Tuy nhiên, tất cả những chuẩn bị đó mới chỉ là bước đầu bởi nguồn lực còn hạn chế. Chẳng hạn, các trường đại học chưa có môn học chuyên ngành về SHTT trong chương trình chính thức. Các trường đại học luật chưa có chuyên khoa về SHTT; đó là khiếm khuyết lớn, sẽ ảnh hưởng đến khả năng thực thi của chúng ta.


Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá về sự chuẩn bị của ngành KH&CN khi Việt Nam tham gia TPP
3 ĐIỀU BỘ TRƯỞNG NGUYỄN QUÂN KHUYẾN CÁO CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM CẦN LÀM TRONG THỜI GIAN TỪ 2-5 NĂM:
Thứ nhất, đăng ký ngay SHTT nếu có tài sản trí tuệ như sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, tên doanh nghiệp, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp. Đối với các tập đoàn, doanh nghiệp địa phương cần có thêm chỉ dẫn địa lý, như vải thiều Lục Ngạn, bưởi Năm roi… để được bảo bộ trong toàn khối TPP.
Thứ hai, nhanh chóng đổi mới công nghệ. Hiện nay, công nghệ của ta đang rất lạc hậu, hàng hóa của Việt Nam không thể cạnh tranh được ngay cả khi thuế suất về 0%. Để thay đổi, doanh nghiệp phải “thắt lưng buộc bụng” để đầu tư cho những nghiên cứu ứng dụng cũng như tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thứ ba, các doanh nghiệp phải chuẩn bị nguồn nhân lực và thị trường. Không thể có công nghệ tốt nếu không có nhân lực tốt, nên phải nâng cao trình độ của nguồn nhân lực lên một bước. Về mặt thị trường, doanh nghiệp phải có chiến lược cạnh tranh dựa trên việc xác định được năng lực, phương thức kinh doanh, thị phần của “đối thủ” trong nước và nước ngoài trên thị trường.


3 điều Bộ trưởng Nguyễn Quân khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam cần làm trong thời gian từ 2-5 năm