Nguồn vaccine xuất khẩu từ Ấn Độ giảm là nguyên nhân chính, bên cạnh đó là việc các nước giàu tiêm liều vaccine thứ ba.

Sáng kiến Tiếp cận Toàn cầu Vaccine COVID-19 (COVAX), cung cấp vaccine chính cho các quốc gia có thu nhập thấp, mới đây đã điều chỉnh dự báo về số lượng vaccine sẵn có trong năm nay: giảm khoảng 25%, từ 1,8 tỷ xuống 1,4 tỷ liều.

Seth Berkley, người đứng đầu Liên minh vaccine GAVI,tổ chức điều phối COVAX, cho biết: “Tôi thất vọng, nhưng chúng tôi hướng tới sự minh bạch. Một loạt các yếu tố phức tạp - bao gồm sự chậm trễ về chính sách, các vấn đề trong sản xuất và việc Ấn Độ không cho phép xuất khẩu - đã làm chậm tốc độ tăng cung cấp vaccine như đã hứa."

COVAX, được thành lập bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác nhằm hỗ trợ 92 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp được "tiếp cận công bằng" với vaccine, mới phân phối được 255 triệu liều vaccine tính đến ngày 13/9. Sáng kiến này ký kết mua 230 triệu liều nữa trong năm nay từ Viện Huyết thanh của Ấn Độ, nơi sản xuất vaccine AstraZeneca - Oxford và vaccine NOVAVAX, nhưng do số ca nhiễm tăng đột biến, chính phủ Ấn Độ đã buộc nhà sản xuất này ngừng xuất khẩu vaccine. Đến nay, vẫn không rõ khi nào chính phủ Ấn Độ sẽ dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu.

Novavax cũng đã hứa hẹn sẽ cung cấp cho COVAX 100 triệu liều vaccine từ các nhà máy sản xuất bên ngoài Ấn Độ. Nhưng vaccine NOVAVAX vẫn chưa được WHO hay bất kỳ quốc gia nào cấp phép. Ngoài ra, COVAX bị thiếu hụt vaccine do thiếu các liều từ Johnson & Johnson, do nhà máy sản xuất chính của hãng này ở Mỹ gặp sự cố. Công ty Trung Quốc Clover Biopharmaceuticals, một đối tác khác của COVAX, đến nay chưa có dữ liệu về hiệu quả của vaccine của họ.

Sudan nhận vaccine COVID-19 từ sáng kiến COVAX dưới dạng tài trợ, nhưng mới chỉ tiêm được cho chưa đến 2% dân số.

Điều chỉnh dự báo lần này về lượng vaccine sẵn có của COVAX càng làm dấy lên nghi ngờ đối với các mục tiêu tiêm chủng của WHO. Tổ chức này kêu gọi tất cả các quốc gia tiêm chủng đầy đủ cho 10% dân số của họ vào cuối tháng 9 và 40% dân số vào cuối năm. Mặc dù 90% các quốc gia có thu nhập cao đã đạt được mục tiêu đầu tiên và 70% đã đạt được mục tiêu thứ hai, nhưng mới chỉ có 1,9% dân số ở các quốc gia có thu nhập thấp đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. COVAX đã ký kết 4,5 tỷ liều vaccine, đủ để đáp ứng các mục tiêu toàn cầu do WHO đặt ra, nhưng các nhà sản xuất vaccine đã ký kết hợp đồng cung cấp trước cho các quốc gia giàu có. “Vấn đề là không có quốc gia nào sẵn lòng nói 'Tôi sẽ nhận lô vaccine của mình sau,'" Nicole Lurie, Giám đốc Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng Dịch bệnh (CEPI), một đối tác của COVAX, cho biết.

Ấn Độ cũng có lập trường tương tự. Số ca nhiễm ở đây đã giảm bớt và họ đã sử dụng hơn 700 triệu liều vaccine, tiêm chủng đầy đủ cho 12% dân số. “Thật khó để phán xét, mỗi quốc gia đều muốn chăm sóc công dân của mình," Soumya Swaminathan, nhà khoa học tại WHO và là cựu quan chức y tế của chính phủ Ấn Độ, cho biết.

Các khoản quyên góp bổ sung cho COVAX có thể giúp tăng tiến độ cung cấp vaccine. Mỹ đã tài trợ 140 triệu liều, đổng thời hứa cung cấp thêm 200 triệu liều vào cuối năm nay và 300 triệu liều nữa vào giữa năm 2022. Các quan chức Mỹ khẳng định sẽ thực hiện những cam kết đó ngay cả khi Mỹ phê duyệt và cung cấp liều thứ ba bổ sung trong nước. Nhưng các quan chức y tế toàn cầu lo ngại rằng phần lớn các nước giàu sẽ chọn giữ vaccine để tiêm liều thứ ba, thay vì quyên góp vaccine cho COVAX.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các nhà sản xuất và các quốc gia giàu có ít nhất hãy giúp tất cả các quốc gia tiêm chủng cho các nhóm dễ bị tổn thương nhất và nhân viên chăm sóc sức khỏe. Tại một cuộc họp báo ngày 8/9, Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi “một lệnh cấm toàn cầu” đối với liều thứ ba cho đến cuối năm nay.

Trong khi đó, Mỹ thông báo có thể bắt đầu tiêm liều thứ ba cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ vào ngày 20/9, nhưng cũng cho biết sẽ đợi ý kiến ​​đóng góp từ các cơ quan khoa học hàng đầu của chính phủ. Ủy ban cố vấn vaccine của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) sẽ họp vào ngày 17/9 để thảo luận về vấn đề này. Dữ liệu từ Israel cho thấy tiêm liều vaccine Pfizer thứ ba ở những người trên 60 tuổi làm giảm khả năng nhiễm và bệnh nặng hơn 10 lần.

Nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng liều thứ ba chỉ có ý nghĩa ở những người bị tổn thương hệ thống miễn dịch, trên 80 tuổi và đặc biệt dễ mắc bệnh nặng, hoặc nhân viên y tế tuyến đầu. “Vẫn chưa có các kết luận khoa học về liều thứ ba trong việc giảm thiểu bệnh tật và tử vong," theo Seth Berkley, người đứng đầu GAVI.

Một bài báo mới đây trên The Lancet nhấn mạnh quan điểm này. Được viết bởi một nhóm các nhà khoa học quốc tế từ WHO, FDA và một số trường đại học, bài báo cho rằng các nghiên cứu quan sát việc tiêm liều thứ ba đến nay là "khó giải thích" và có thể "sai nghiêm trọng" về một số chi tiết, lưu ý thêm rằng việc tiêm liều thứ ba mà thiếu bằng chứng chắc chắn có thể làm giảm niềm tin của công chúng vào vaccine COVID-19.

Nguồn: