Kinh phí dành cho hoạt động đổi mới sáng tạo dựa trên R&D ở Việt Nam đang lớn hơn nhiều so với các chương trình triển khai hoạt động tiếp nhận và phổ biến công nghệ - theo báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới.
Cụ thể,
báo cáocho rằng, khung chính sách khoa học kỹ thuật và ĐMST của Việt Nam hiện đang quá tập trung vào ĐMST dựa trên R&D với mục tiêu tạo ra công nghệ mới hướng đến phát triển năng lực bắt kịp trình độ công nghệ cao nhất (hay còn gọi là đường biên công nghệ - technological frontier), mà không chú trọng triển khai các hoạt động tiếp nhận và phổ biến công nghệ hiện có. Hệ quả là hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam chưa sẵn sàng thực hiện các hoạt động R&D, còn yếu kém trong công tác quản lý và tay nghề công nhân cũng chưa thực sự cao.
Mặc dù một số chương trình như Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đã có hoạt động thúc đẩy ứng dụng và phổ biến công nghệ, nhưng đây không phải là trọng tâm của các chương trình này. Hơn nữa, kinh phí dành cho hoạt động đổi mới sáng tạo dựa trên R&D lớn hơn nhiều so với các chương trình triển khai hoạt động tiếp nhận và phổ biến công nghệ. Chính vì vậy, các tác giả báo cáo khuyến nghị “trong bối cảnh hệ thống ĐMST quốc gia của Việt Nam còn yếu và đang hoàn thiện, nên cần ưu tiên phát triển năng lực bắt kịp 'đường biên công nghệ' - thông qua việc tiếp nhận và phổ biến công nghệ tiên tiến từ nước ngoài hoặc các công ty đa quốc gia, thay vì cố gắng thúc ép ra công nghệ mới thông qua hoạt động phát minh sáng chế.”
Thêm vào đó, Việt Nam cần nâng cấp các phương thức quản lý, tăng cường đổi mới sản phẩm và quy trình, nâng cao năng lực lĩnh hội công nghệ của doanh nghiệp thông qua tiếp nhận, ứng dụng công nghệ sau đó tiến tới tạo ra công nghệ, cải thiện số lượng, chất lượng và sự phù hợp của lực lượng lao động. “Hiện tại khung chính sách của Việt Nam hầu như không hỗ trợ cho các mục tiêu này”, nhóm tác giả lưu ý. “Số tiền tài trợ từ danh mục đầu tư dành cho việc thúc đẩy áp dụng công nghệ và nâng cao kỹ năng quản lý vẫn ở mức thấp, lần lượt là 16,6% và 7,6%.”
Và sau rốt, để đạt được mô hình tăng trưởng dựa trên ĐMST và năng suất, doanh nghiệp phải được đặt ở trung tâm của các chính sách ĐMST với tư cách là chủ thể chính sử dụng tri thức, thay vì chỉ chú trọng khu vực hàn lâm (như các trường đại học và tổ chức nghiên cứu) thực hiện hoạt động R&D như hiện nay. Mặc dù chính phủ đã nhận thức được điều đó và gần đây đã quyết định đưa các doanh nghiệp trở thành trọng tâm của ĐMST, nhưng nhóm nghiên cứu nhận thấy quá trình chuyển đổi từ hỗ trợ nghiên cứu công sang hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới đến nay vẫn chưa thực sự thành công.
Hoàng Nhi