Theo một báo cáo về quản lý chất lượng không khí do nhóm nghiên cứu thuộc Ngân hàng Thế giới thực hiện riêng cho Hà Nội, tổng chi phí y tế, phúc lợi xã hội để cứu chữa các bệnh thường gặp liên quan đến ô nhiễm không khí như ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiễm khuẩn hô hấp, đột quỵ, thiếu máu cục bộ, tiểu đường (tuýp II)… có thể lên tới 7,74% GRDP (tổng sản phẩm nội địa) của thành phố.
“Như vậy, tốc độ phát triển của Hà Nội sẽ bị kéo giật lùi bởi gánh nặng của ô nhiễm không khí, khoản tiền mà người dân kiếm được sẽ chi vào bệnh tật,” bà Nguyễn Thị Lệ Thu, chuyên gia môi trường cao cấp của Ngân hàng Thế giới và là người tham gia nghiên cứu, nhấn mạnh trong buổi thảo luận với Sở TNMT Hà Nội và các chuyên gia độc lập vào cuối tháng 6.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy với tình hình ô nhiễm như hiện nay, hằng năm Hà Nội sẽ có khoảng 5.800 người chết do các nguyên nhân bắt nguồn từ bụi mịn PM2.5, chiếm khoảng 32% số ca tử vong của thành phố.
Hiện nay, Hà Nội đã được xếp vào nhóm cao nhất thế giới về mức độ ô nhiễm không khí. Ngân hàng Thế giới ước tính nếu chỉ tiếp tục thực hiện các chính sách đã ban hành, thì đến năm 2030, trên toàn địa bàn Hà Nội, nồng độ PM2.5 sẽ tiếp tục tăng.
Con số này có thể đạt đến mức gấp đôi quy chuẩn quốc gia (25µg/m³) và gấp hơn 5 lần so với tiêu chuẩn của WHO (10µg/m³), khiến mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sẽ càng nghiêm trọng.
Dựa trên đặc thù ô nhiễm không khí ở Hà Nội, đánh giá về mức độ đóng góp khác nhau của các nguồn thải và sự tác động của những tỉnh lân cận tại đồng bằng sông Hồng, nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã đưa ra một số gợi ý chính sách để giảm chất ô nhiễm PM2.5
1. Nâng cao tiêu chuẩn kiểm soát phát thải cho nhà máy điện và công nghiệp
Chính sách can thiệp này có thể đóng góp 30% vào việc giảm nồng độ PM2.5 trong không khí ở Hà Nội.
Một số giải pháp cụ thể bao gồm: Đo độ khử lưu huỳnh của khí thải, lắp đặt các bộ lọc bụi hiệu quả cao tại các nhà máy, giảm sử dụng đốt than và sinh khối trong các lò hơi và các lò đốt ở các làng nghề.
2. Tăng cường quản lý đốt chất thải nông nghiệp và hạn chế bụi đường
Trái với miền Nam, đốt rơm rạ là một trong những nguồn đóng góp lớn vào ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.Giảm hoạt động đốt hở ngoài trời - bao gồm đốt sinh khối, rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp khác - sẽ góp phần giảm 25% bụi mịn PM2.5
Những chất thải từ quá trình nông nghiệp được khuyến khích tái sử dụng cho các mục đích khác như làm phân bón, thức ăn chăn nuôi, phụ gia xây dựng, ...
3. Tăng tiêu chuẩn khí thải với giao thông đường bộ
Theo tính toán, quản lý khí thải đối với giao thông đường bộ nếu được thực thi hiệu quả sẽ giúp giảm 5 µg/m3 tổng lượng bụi mịn PM2.5 trung bình năm của Thủ đô.
Việc tăng cường giao thông công cộng và sử dụng các phương tiện bằng điện, đồng thời kiểm soát khí thải đối với xe máy, sẽ giúp cải thiện rõ rệt chất lượng không khí, đặc biệt ở khu vực đông dân cư.
4. Xây dựng chiến lược quản lý chất thải bền vững
Một kế hoạch quản lý chất thải bền vững - trong đó nghiêm cấm đốt rác ngoài trời, hạn chế phát sinh rác thải và tăng cường công tác thu gom, phân loại và tái chế - sẽ không chỉ góp phần giảm lượng bụi mịn PM2.5 và các chất gây ô nhiễm độc hại khác phát sinh vào không khí, mà còn cải thiện môi trường sống và cảnh quan đô thị.
5. Giảm các nguồn sinh ra amoniac từ nông nghiệp
Phát thải ô nhiễm không khí từ khu vực sản xuất nông nghiệp đang ngày càng trở thành nguồn ô nhiễm quan trọng do các chất amoniac phát sinh ra sẽ hình thành nên bụi mịn PM2.5
Khuyến khích nông nghiệp hữu cơ, sử dụng phân bón hợp lý, xây dựng các chuồng trại phát thải thấp có kho chứa khép kín cho trang trại mới... sẽ là những chiến lược quan trọng giúp nâng cao chất lượng không khí.
*
Đồng thời, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh rằng có tới 2/3 lượng bụi mịn của Hà Nội đến từ các tỉnh lân cận, khu vực đồng bằng sông Hồng, vận chuyển quốc tế và các nguồn tự nhiên khác. Do vậy, Hà Nội không thể độc hành trong các chính sách chống ô nhiễm không khí của mình mà cần tạo được sự phối hợp lớn hơn ở cấp độ vùng miền để cải thiện tình hình không khí nói chung.
Nghiên cứu này nằm trong khuôn khổ dự án "Quản lý chất lượng không khí thông qua áp dụng mô hình GAINS" được thực hiện từ năm 2020 do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ kỹ thuật cho Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.