Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, KH&CN (FIRST) được coi là một mô hình thí điểm chính sách mới để tăng cường hiệu quả hoạt động R&D, ứng dụng công nghệ và thúc đẩy sáng tạo trong doanh nghiệp thông qua mối liên kết trường - viện - doanh nghiệp.

Đoàn cán bộ Dự án FIRST đi kiểm tra việc thực hiện tiểu dự án của Viện Di truyền nông nghiệp. Nguồn: Viện Di truyền nông nghiệp
Đoàn cán bộ Dự án FIRST đi kiểm tra việc thực hiện tiểu dự án của Viện Di truyền nông nghiệp. Nguồn: Viện Di truyền nông nghiệp

Đối tượng thụ hưởng của dự án này trải rộng từ các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN công lập đến các doanh nghiệp tư nhân và các startup.

Dù đang trong giai đoạn về đích và cần sáu tháng nữa để kết thúc nhiều nhóm tiểu dự án nhưng trong phiên họp tổng kết hoạt động khối Ban Quỹ năm 2019, diễn ra vào ngày 23/12/2019, ông Lương Văn Thắng, giám đốc Dự án FIRST, đã cho biết, theo đánh giả của Worldbank – đơn vị đối tác của Việt Nam trong thực hiện dự án, thì “trong số hơn 76 dự án mà Worldbank thực hiện tại Việt Nam, Dự án FIRST được xếp đồng hạng với 11 dự án thuộc nhóm đạt kết quả tốt” với “một số tiêu chí vượt mức kế hoạch ban đầu” như cơ chế quản lý giám sát dòng tiền, năng lực giám sát, quản lý tài chính, tiết kiệm ngân sách… Ở thời điểm một, hai năm trước, tưởng chừng đây là mục tiêu không tưởng bởi nhiều hoạt động của Dự án FIRST đã rơi vào thế bế tắc do tiến trình giải ngân chậm chạp khi “chưa có sự hài hòa trong các quy định quản lý tài chính, ở đây là quy định của World Bank với những quy định của Việt Nam về quản lý dòng vốn từ World Bank và những quy định về việc đầu tư cho các hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam”, lời phân trần của ông Lương Văn Thắng bên lề cuộc họp tổng kết hoạt động năm 2018.

Do đó, trong phiên họp tổng kết hoạt động năm 2019, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đã nhắc lại những khó khăn mà Dự án FIRST đã phải vượt qua, không chỉ vì rất nhiều dự án giữa Việt Nam và Worldbank về xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông, năng lượng..., FIRST là dự án đầu tiên về thúc đẩy đổi mới sáng tạo qua KH&CN mà còn là nơi thí điểm rất nhiều cơ chế hợp tác mới giữa các cá nhân, tổ chức KH&CN trong và ngoài nước, đồng thời hình thành nhiều nhóm liên kết trường - viện – doanh nghiệp.

Tiếp sức cho các tổ chức KH&CN công lập

Câu chuyện những tổ chức KH&CN công lập chuyển mình từ cơ chế cũ sang tự chủ không phải bao giờ cũng đơn giản, bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào sự chủ động của từng đơn vị, vốn dựa vào năng lực nghiên cứu và quản lý để có thể đưa kết quả nghiên cứu được phát triển qua nhiều giai đoạn đến với doanh nghiệp. Giữa những ngổn ngang chuyển tiếp, khi “cái áo” cơ chế cũ đã quá chật nhưng lại lúng túng chưa biết xoay xở như thế nào trong cơ chế mới, khi thiếu trang thiết bị và chưa kịp thích ứng môi trường mới, Dự án FIRST đã trở thành chỗ dựa cho họ. Trong một cuộc trao đổi vào tháng 10/2019, TS. Vũ Bích Ngọc, người phụ trách Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ, Viện nghiên cứu Tế bào gốc (ĐHQG TPHCM), cho biết đơn vị đã nhận được tài trợ 2,2 triệu USD từ Dự án FIRST thông qua dự án “Nâng cao năng lực tự chủ thông qua nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất thuốc tế bào gốc phục vụ điều trị một số bệnh trên người” vào tháng 5/2018. Hiệu quả từ sự hỗ trợ này đã được chứng thực ngay trong năm 2019: Viện Tế bào gốc Phòng thí nghiệm thử nghiệm các đặc tính sinh học theo chuẩn ISO 17025 và Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Sản xuất thực nghiệm – những yếu tố quan trọng để Viện tự chủ.

Đó cũng là câu chuyện của Trung tâm Động lực học Thủy khí môi trường của trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), nơi được thụ hưởng Dự án FIRST qua đề tài “Hiện đại hóa hệ thống quan trắc và mô phỏng/dự báo các điều kiện khí tượng hải văn - môi trường biển và đới ven bờ độ phân giải cao phục vụ khai thác bền vững tài nguyên biển và giảm thiểu rủi ro thiên tai”. Chỉ trong vòng hai năm thực hiện dự án, họ đã có được một hệ thống quan trắc khí tượng hải văn có độ phân giải cao hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á và đưa “Trung tâm trở thành một trong những đơn vị có hệ thống thiết bị quan trắc hiện trường các yếu tố thủy động lực và môi trường biển, khu vực ven bờ hiện đại nhất Việt Nam và là một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước phát triển thành công bộ mô hình tích hợp” như đánh giá của PGS.TS. Trần Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm.

Không chỉ các đơn vị KH&CN mà các nhà khoa học cũng được hưởng lợi từ dự án. TS. Bùi Hùng Thắng (Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), chuyên nghiên cứu về vật liệu CNTs trong chất lỏng tản nhiệt và truyền nhiệt, đã có cơ hội kết nối với giáo sư Nguyễn Sơn Bình (trường ĐH Northwestern, Mỹ), người nhiều năm liền lọt vào top các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới thông qua các nghiên cứu về các vật liệu mềm (soft materials) dành cho các ứng dụng trong hóa học xúc tác, y học và khoa học vật liệu. Việc hợp tác với giáo sư Nguyễn Sơn Bình đã giúp anh hoàn thiện đề tài “Nghiên cứu và phát triển công nghệ chế tạo vật liệu có độ dẫn nhiệt cao chứa thành phần carbon cấu trúc nano và ứng dụng trong tản nhiệt cho linh kiện điện tử công suất lớn” và đem lại ba bằng sáng chế (hai hồ sơ vẫn đang ở giai đoạn phê duyệt).

Mỗi nơi thụ hưởng đều có những câu chuyện riêng của mình nhưng tựu chung lại, họ tìm thấy ở Dự án FIRST khả năng thực hiện ý tưởng thông qua hai gói tài trợ cho chuyên gia giỏi nước ngoài về Việt Nam và gói tài trợ cho các tổ chức KH&CN công lập thực hiện kế hoạch chuyển đổi. Rất nhiều cơ sở KH&CN công lập trực thuộc nhiều tổ chức lớn như Viện KH&CN Việt Nam, ĐHQGHN, ĐHQG TPHCM, Học viện Nông nghiệp Việt Nam…, hoạt động trên phạm vi từ Bắc vào Nam, thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, khí tượng thủy văn đến công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, lọc hóa dầu, khoa học vật liệu… đã có mặt trong danh sách của FIRST theo cách như vậy. “Số lượng các tiểu dự án được FIRST tài trợ lên đến 67 tiểu dự án, trong đó 37 tiểu dự án thuộc hợp phần thu hút chuyên gia giỏi ở Việt Nam và nước ngoài, 16 tiểu dự án thuộc hợp phần về tổ chức KH&CN công lập”, ông Lương Văn Thắng đề cập đến số lượng các đơn vị thụ hưởng trong hai hợp phần này.

Những thí điểm về cơ chế hợp tác trường – viện – doanh nghiệp

Nếu chỉ đơn thuần là hỗ trợ nâng cao năng lực tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập thì Dự án FIRST vẫn chưa thể vượt qua “cái bóng” quá lớn của nhiều chương trình KH&CN quốc gia tồn tại trước đó. Điều quan trọng ở FIRST chính là “lần đầu tiên nguồn vốn chính phủ hỗ trợ các đề xuất đổi mới sáng tạo mà lĩnh vực tư nhân tham gia thông qua hình thức hỗ trợ có đối ứng”, bà Đào Thị Thùy Dung, chuyên gia của Worldbank, đồng chủ nhiệm Dự án FIRST, đã từng trả lời Trung tâm truyền thông của Bộ KH&CN như vậy.


Một trong những hợp phần hỗ trợ đáng chú ý nhất của FIRST chính là tạo cơ chế để hình thành các nhóm liên kết/nhóm hợp tác hội tụ đủ “ba nhà” trường – viện – doanh nghiệp thành một chuỗi giá trị với sản phẩm mới và mang hàm lượng KH&CN cao,


Trong cuộc họp tổng kết, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng cho rằng, trước đây, chúng ta thường nhắc đến vấn đề liên kết ba nhà nhưng thực chất, việc đưa họ lại với nhau trong việc giải quyết một vấn đề chung không phải chuyện đơn giản, đặc biệt là khi các doanh nghiệp phải thực sự bỏ tiền để tham gia quá trình thương mại hóa công nghệ.

Thông qua ba lần kêu gọi nộp hồ sơ, 18 nhóm liên kết đã được hình thành với tổng số kinh phí 40 trệu USD, bao gồm kinh phí của FIRST và vốn đối ứng của doanh nghiệp), trong đó có nhiều nhóm hội tụ được các bên tham gia rất giàu tiềm lực KH&CN lẫn kinh tế và “giàu” cả tinh thần mạo hiểm như nhóm FIRST Rạng Đông: Viện KH&CN tiên tiến (Đại học Bách khoa HN), Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), ĐH Cần Thơ, công ty Rạng Đông, công ty Thành Long, công ty Hòa An; nhóm FIRST Marphevet với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, công ty thuốc thú y Đức Hạnh Marphavet và gần 10 công ty khác tham gia; Nhóm FIRST HCM Biotech gồm Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, Trung tâm KHCN Dược Sài Gòn (Đại học Y Dược TPHCM), công ty BV Pharma, công ty Hoàng Linh Biotech, công ty vật tư khoa học kỹ thuật Đông Dương….

Công ty thú y Đức Hạnh Marphevet đứng đầu nhóm liên kết Marphevet thực hiện tiểu dự án “Nghiên cứu công nghệ chế tạo vaccine phòng bệnh tiêu chảy thành dịch (PED) cho lợn nuôi trang trại”. Nguồn: Marphevet
Công ty thú y Đức Hạnh Marphevet đứng đầu nhóm liên kết Marphevet thực hiện tiểu dự án “Nghiên cứu công nghệ chế tạo vaccine phòng bệnh tiêu chảy thành dịch (PED) cho lợn nuôi trang trại”. Nguồn: Marphevet

Khi đánh giá về hiệu quả của hợp phần này, ông Lương Văn Thắng nêu, thông qua các dự án đã thu hút đc hơn 540 tỷ tiền đối ứng trực tiếp từ các doanh nghiệp thực hiện dự án. Sau khi kết thúc đầu tư, 11 nhóm liên kết đã có 50 sản phẩm được đăng ký sản xuất, được công nhận bảo hộ thương hiệu và bắt đầu có mặt trên thị trường. “Theo thống kê của chúng tôi, có 4 sản phẩm có mặt ở Mỹ, 2 sản phẩm ở Nhật và 1 sản phẩm ở Đức. Con số thống kê cơ ban đầu như vậy cho thấy sản phẩm có giá trị và bắt đầu đc thị trường được tiếp nhận”, ông Lương Văn Thắng nói. Hiệu quả thu được về phía doanh nghiệp còn hơn thế: Có 4/11 nhóm doanh nghiệp tiếp tục nâng cấp nhà máy, mở rộng dây chuyền, trong đó công ty đầu tư 700 tỷ, và một số công ty khác cũng đã lên kế hoạch tương tự.

Tuy nhiên, câu chuyện liên kết giữa các khối trường – viện – doanh nghiệp không bao giờ là dễ dàng. Đó cũng là lý do khiến 7 nhóm liên kết đã phải tạm dừng hoạt động, theo báo cáo của ban quản lý Dự án FIRST chỉ đề cập đến một cách ngắn gọn là “vì nhiều nguyên nhân khác nhau”. Bà Nguyễn Thị Thu Oanh, một thành viên Ban quản lý Dự án FIRST cho rằng, “rất nhiều bài học được đúc rút ra từ các hoạt động của dự án, đặc biệt trong vấn đề hợp tác với các công ty, doanh nghiệp tư nhân”. Dù chưa nói rõ là những bài học cơ chế nào nhưng bà Thu Oanh cho biết thêm “nó rất bổ ích trong giai đoạn tới khi Bộ KH&CN mong muốn thực hiện các chương trình KH&CN quốc gia với mục tiêu lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia”.

Theo dự kiến, các bài học kinh nghiệm từ quá trình hoạt động của Dự án FIRST sẽ được các nhà quản lý đề cập và phân tích trong khuôn khổ phiên họp tổng kết Dự án, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3/2020.

Dự án FIRST đã tài trợ cho 67 tiểu dự án, thu hút sự tham gia của 158 đơn vị, trong đó có 52 trường đại học, 26 đơn vị nghiên cứu công lập, 3 bệnh viện công lập, 77 doanh nghiệp tư nhân, tỉ lệ đơn vị tư nhân tham gia chiếm 46%.

Sau khi thực hiện các tiểu dự án, 27 phòng thí nghiệm được hiện đại hóa, trong đó có có 10 phòng thí nghiệm đạt quy chuẩn ISO 17025 và được cấp chứng chỉ VILAS đủ năng lực công nhận các kết quả được chấp nhận ở 25 quốc gia trên thế giới.

Theo thống kê, sau khi đã hoàn thành sản phẩm và chuyển giao sản phẩm cho các công ty, doanh thu của các đơn vị KH&CN thụ hưởng hỗ trợ của Dự án FIRST đã tăng lên, có đơn vị tăng 30 đến 40 tỷ đồng. Các đơn vị này đã dành 40 đến 45% để tái đầu tư các thiết bị R&D, bổ sung nguồn nhân lực, khoảng hơn 35% bổ sung vào quỹ lương, phần còn lại họ tiếp tục để phát triển thương hiệu và kinh doanh.

Thông qua thực hiện dự án FIRST, đã đào tạo chuyên môn sâu và theo ekip 158 nhà khoa học Việt Nam, tạo điều kiện cho họ làm việc, nghiên cứu, sử dụng các trang thiết bị ở các phòng thí nghiệm hiện đại ở Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, UK, Úc, Canada, 658 người được đào tạo trong các khóa ngắn hạn tại Việt Nam do chuyên gia nước ngoài giảng dạy; có được 105 công bố quốc tế, trong đó 26 công bố trên các tạp chí Scopus; mời 102 chuyên gia giỏi, trong đó có 30 chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài.

Từ các tiểu dự án còn có 108 sản phẩm bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó có 51 sáng chế, giải pháp hữu ích, trong đó có 2 sáng chế được cấp ở Hoa Kỳ, 5 kiểu dáng công nghiệp, 2 bản quyền tác giả về phần mềm, 17 bản quyền về giống cây trồng mới; 50 sản phẩm mới có giá trị gia tăng từ công nghệ từ 11 nhóm liên kết do các doanh nghiệp tư nhân làm trưởng nhóm, 50 sản phẩm này đã được đăng ký bảo hộ kiểu dáng thương hiệu, chất lượng đạt chuẩn, hiện nay đang được sản xuất quy mô lớn.