Trong kỷ nguyên chiến tranh mạng (cyber warfare), những bức tường chắn giữa doanh nghiệp, xã hội dân sự và quân đội chính là nguyên nhân gây mất an toàn.

Tháng 1/1961, trong bài diễn văn từ nhiệm rời Nhà trắng, tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower đã cảnh báo về nguy cơ chi phối của các tổ hợp công nghiệp – quân sự (military – industrial complex hay MIK). Đó là thuật ngữ dùng để chỉ mối quan hệ liên minh giữa quân đội với các nhà cung cấp dựa trên “lợi ích”, điều thường mang nghĩa tiêu cực nhiều hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh an ninh đang ngày càng phức tạp, các quốc gia dần nhận thấy tầm quan trọng của những MIK, trong vai trò mang tính tích cực chứ không đơn thuần chỉ là “lái buôn vũ khí”.

Bản chất của chiến tranh hiện đại đã thay đổi rất nhiều so với các cuộc chiến quy ước trong quá khứ; trong đó sự vượt trội về khoa học công nghệ sẽ đóng vai trò quyết định. Ảnh: WSJ.

Bản chất của chiến tranh hiện đại đã thay đổi rất nhiều so với các cuộc chiến quy ước trong quá khứ; trong đó sự vượt trội về khoa học công nghệ sẽ đóng vai trò quyết định. Ảnh: WSJ.

Bản chất của chiến tranh cũng đã thay đổi nhiều. Bên cạnh những nguy cơ truyền thống, quân đội các nước giờ đây còn phải tìm cách đương đầu với những chiến dịch kết hợp vũ trang với gây nhiễu thông tin (warfare-disinformation campaign), tấn công mạng và thậm chí can thiệp cả vào nội bộ chính trị (như hoạt động bầu cử). Qua đó, bất cứ kẻ thù nào cũng có khả năng gây thiệt hại to lớn mà chẳng cần động binh. Đại tướng Richard Barrons, cựu Tư lệnh Bộ chỉ huy các lực lượng Liên quân Anh nhận định: “Chúng ta đang sa lầy trong cuộc đối đầu với các nguy cơ xung đột mở mỗi ngày, chúng bùng nổ cùng với tốc độ của những cú nhấp chuột thay vì nút phóng tên lửa.”

Theo một báo cáo do công ty bảo hiểm danh tiếng Lloyd’s tại London thực hiện năm 2015, một vụ tấn công mạng thành công nhắm vào 15 tiểu bang ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ có thể khiến 93 triệu người lâm vào cảnh mất điện trong nhiều ngày, đồng thời gây gián đoạn hoạt động cấp nước và làm tê liệt các cảng biển. Tổng thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ khi ấy có thể đạt tới 1.000 tỷ USD. Mặc dù những kịch bản như vậy sẽ rất khó xảy ra trên thực tế, nhưng về mặt kỹ thuật là hoàn toàn có thể và các công ty bảo hiểm cần phải lường trước.

Nguy cơ can thiệp bầu cử cũng đang trở thành vấn đề gây nhiều quan ngại. Cơ quan tình báo Thụy Điển từng xác nhận các tài khoản mạng xã hội giả mạo đã cố tình tìm cách gây tổn hại đến hình ảnh và uy tín của đất nước họ trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 9/2018, bằng những thông tin sai lệch như cáo buộc gian lận. Chiến thuật đánh vào niềm tin của cử tri về những cột trụ của nền dân chủ thậm chí còn gây thiệt hại khủng khiếp hơn cả một cuộc tấn công vũ trang.

Để đương đầu với các mối đe dọa kiểu như vậy, chúng ta cần thiết phải được trang bị những hiểu biết sâu rộng hơn về an ninh quốc gia. Ở đây, vai trò của các nhà lãnh đạo kinh doanh, tổ chức phi lợi nhuận và nhà thầu quân sự lại càng trở nên đặc biệt quan trọng. Lực lượng vũ trang, chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội dân sự, tất cả phải làm việc với nhau để đạt được sự đồng thuận cùng phương án tiếp cận chung đối với các vấn đề an ninh, bao gồm cả sức mạnh cứng (hard power) lẫn sức mạnh mềm (soft power).

Mô hình mà Phần Lan đang áp dụng có thể được xem là một ví dụ tốt. Trong gần 6 thập kỷ qua, chính phủ nước này đã tổ chức nhiều khóa học và chương trình huấn luyện quốc phòng (thường niên và thậm chí hàng quý) cho các lãnh đạo đến từ lực lượng vũ trang, chính phủ, công nghiệp và dân sự. “Điều ý nghĩa nhất ở đây là sự tham dự của đại diện trong mọi lĩnh vực,” Trung tướng Arto Räty, cựu Giám đốc Chương trình giáo dục quốc phòng toàn dân tại Học viện quốc phòng Phần Lan nhận định. “Mặc dù được tổ chức bởi lực lượng vũ trang, nhưng chúng không đơn thuần chỉ là những khóa học quân sự, mà rộng hơn thế: an ninh quốc gia,” ông nhấn mạnh.

Một khóa học thường kéo dài trong 3 tuần, có khoảng 50 người tham dự với nội dung tập trung vào chiến lược an ninh quốc gia của Phần Lan và liên hệ nhiều case khủng hoảng trên khắp thế giới cho bài tập ra quyết định (decision making). Đội giảng viên bao gồm cả sĩ quan quân đội, lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức dân sự. Danh sách đợi (waiting list) cho khóa học thường được lên trước cả 2 năm. Sau 5 năm, các học viên đã tốt nghiệp lại được tập hợp để tham gia thêm 2 khóa bồi dưỡng nữa. Ngoài ra, các cựu học viên còn tự thành lập một mạng lưới của riêng họ và sinh hoạt thường xuyên với nhau.

Một khóa đào tạo về an ninh quốc gia cho các lãnh đạo quân sự, doanh nghiệp và xã hội dân sự tại Phần Lan. Ảnh: GSCP.

Một khóa đào tạo về an ninh quốc gia cho các lãnh đạo quân sự, doanh nghiệp và xã hội dân sự tại Phần Lan. Ảnh: GSCP.

Nếu không có khóa học, nhiều nhân vật quan trọng có lẽ đã không bao giờ gặp gỡ nhau. Chiến lược này thực sự đã giúp Phần Lan thu hẹp khoảng cách trong nhận thức về an ninh quốc gia giữa khu vực xã hội dân sự và các lực lượng vũ trang – vấn đề hiện đang tồn tại ở hầu hết các quốc gia phát triển. “Chúng tôi tin rằng, hợp tác chính là chìa khóa để sống còn,” Đại tướng Räty nói. Năm 2017, một cuộc thăm dò do Eurobarometer thực hiện đã chỉ ra, khoảng 95% người Phần Lan cho biết họ tin tưởng vào quân đội – tỷ lệ cao nhất ở châu Âu so với 66% của Đức và 65% của Ba Lan.

Trước sự nổi lên của loại hình chiến tranh hỗn hợp (hybrid warfare) nhắm vào tất cả các bộ phận trong xã hội, chiến lược quốc phòng cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp. Giống như Phần Lan, các quốc gia nên nhận thấy tầm quan trọng [không thể thay thế] của mối quan hệ hợp tác giữa lĩnh vực thương mại, phi lợi nhuận với quân sự. Trước những đổi thay chóng mặt của diễn biến an ninh toàn cầu, các lãnh đạo doanh nghiệp không thể không lo lắng. Trong kỷ nguyên số hóa (digital era), sự ngăn cách về mặt địa lý không còn có thể đảm bảo, bởi tin tặc có thể vượt đại dương tốt hơn cả hải quân.

Trong nhận thức của nhiều người dân, nhất là tại các quốc gia dân chủ phương Tây, ý tưởng quy tụ giới tướng lĩnh, lãnh đạo doanh nghiệp cùng những đại diện của tầng lớp tinh hoa thường đồng nghĩa với “cơn ác mộng”. Do đó, việc dựng lên những tường chắn nghiêm ngặt hay tách biệt hoạt động của các khu vực này được xem là giải pháp nhằm ngăn ngừa nguy cơ lũng đoạn. Nhưng đứng trước mối đe dọa từ hình thái chiến tranh hỗn hợp, vì sự an toàn của chính mình, chúng ta hãy đập bỏ những bức tường đó.