Bộ phim Squid Game (Trò chơi con mực) đầy kịch tính vừa qua đã trở thành một hiện tượng trên Netflix. Giống như bom tấn Parasite (Ký sinh trùng) đạt giải Oscar 2020, Squid Game phản ánh thực trạng cách biệt giàu nghèo ngày càng trầm trọng ở Hàn Quốc.
Tốc độ tăng trưởng cao trong suốt một thời gian dài cùng tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập thấp từng là những nhân tố chính tạo nên “phép màu Đông Á”. Theo thuyết đường cong Kuznets1, các nền kinh tế mới công nghiệp hóa thường khó tránh khỏi sự phân hóa giàu nghèo gia tăng trong giai đoạn đầu, nhưng sau đó sẽ dần giảm bớt nhờ của cải được tái phân phối lại. Quy luật này ứng với Đông Á trong giai đoạn 1960 – 1990 nhưng có vẻ đã không còn đúng nữa kể từ thập niên 2000.
Chủ nghĩa tư bản Hàn Quốc ngày nay đang mang một hơi hướng tương đối “độc hại” – đặc trưng bởi tỷ lệ đầu tư thấp, tăng trưởng chậm và bất bình đẳng cao. Báo cáo World Inequality Report 2022 chỉ ra: GDP đầu người (tính theo PPP) của Hàn Quốc năm 2021 đạt 37.250 USD – ngang Anh, Pháp, vượt Ý, Nhật Bản,… nhưng nhóm 10% giàu nhất nước này hiện nắm giữ đến 45% tài sản quốc gia và kiếm tiền gấp 14 lần nhóm 50% nghèo nhất. Bên cạnh đó, tốc độ tăng GDP của Hàn Quốc đã giảm dần đều trong hai thập niên qua, trung bình 1% sau mỗi 5 năm, từ 6 – 7% (giai đoạn 1980 – 1990) xuống chỉ còn 2,8% vào cuối những năm 2010.
Đâu là nguyên nhân khiến các nền kinh tế Đông Á ngày càng đồng quy với mô hình Mỹ? Câu trả lời có lẽ là do xu hướng tài chính hóa (financialization)2 – đặc trưng của chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ (shareholder capitalism). Theo đó, khu vực tài chính chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP và những khoản chi trả cổ tức thường vượt quá lợi nhuận để doanh nghiệp tái đầu tư. Kể từ khi thực hiện cải cách thị trường tài chính – như là một phần thỏa thuận để nhận gói cứu trợ 50 tỷ USD từ IMF trong cuộc khủng hoảng 1997, nền kinh tế Hàn Quốc đang vận hành rất giống với mô thức shareholder: thị trường tài chính được mở cửa triệt để, hoạt động mua bán cổ phần và chi trả cổ tức không bị giới hạn – trái với thông lệ trước đó ở Đông Á (doanh nghiệp thường ưu tiên giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư). Kết quả là tỷ trọng đầu tư trong GDP của Hàn Quốc đã sụt giảm khoảng 5%, kéo theo tốc độ tăng trưởng và số lượng công ăn việc làm mới. Ngược lại, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phiếu Hàn Quốc đã không ngừng gia tăng từ mức dưới 5% (giữa thập niên 1990) lên gần 40% vào những năm 2000.
Trong khi nhiều người xem mức cổ tức thấp là một trong những nguyên nhân khiến các công ty Hàn Quốc bị định giá thấp [trên thị trường chứng khoán) thì những tập đoàn lớn nhất như Samsung đã áp dụng các thông lệ giống như Mỹ – trích gần 40% lợi nhuận ròng để trả cho cổ đông. Kể từ năm 2017, Samsung bắt đầu chia cổ tức hàng quý thay vì năm. Đây thực sự là một bước thay đổi lớn, bởi việc trả cổ tức theo năm từng được đánh giá là một đặc tính tốt của chủ nghĩa tư bản Đông Á so với truyền thống kinh doanh kiểu Anh Mỹ.
Tình trạng này cần sớm được điều chỉnh. Các nhà hoạch định Đông Á có thể học hỏi kinh nghiệm của châu Âu, nơi một số nước đã khởi xướng và áp dụng những cải cách nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của mô hình shareholder capitalism. Chẳng hạn năm 2015, Nghị viện Châu Âu (EP) đã ban hành một số quy định mới, cho phép các doanh nghiệp được cấp nhiều quyền biểu quyết hoặc trả cổ tức cao hơn cho những cổ đông nắm giữ cổ phiếu trên hai năm. Nước Mỹ cũng bắt đầu thay đổi khi chấp thuận để các công ty đại chúng mới niêm yết được phát hành cổ phiếu hai tầng (dual-class shares) – mang lại quyền biểu quyết đặc biệt cho những thành viên sáng lập. Điều này giúp cho nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, bao gồm cả Google và Facebook, có thêm động lực để theo đuổi các dự án sáng tạo dài hạn. Gần đây, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Hàn Quốc Coupang đã chọn niêm yết sàn NYSE (NewYork) thay vì KOSDAQ trong nước. Quốc hội Hàn Quốc thấy vậy cũng sắp phải thông qua một đạo luật bị trì hoãn từ lâu, cho phép những công ty mới thành lập, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), được phát hành cổ phiếu hai tầng.
Đông Á hãy xem cuộc khủng hoảng COVID-19 là cơ hội để thực hiện tái cấu trúc lại nền kinh tế, thông qua những biện pháp kìm hãm bớt xu thế tài chính hóa và phục hồi sức mạnh sản xuất – động lực để duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đảm bảo công bằng. Nhưng không đơn thuần chỉ là quay lại với cách làm cũ, các nền kinh tế cần dung nạp được những yếu tố tích cực của cả hai mô hình shareholder và stakeholder3. Đây là xu hướng cải cách hoàn toàn phù hợp với triết lý phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) được cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc ủng hộ mạnh mẽ.
(*) Tác giả Keun Lee là giáo sư kinh tế tại Đại học Seoul, phó chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế của tổng thống Hàn Quốc.
Chú thích:
1. Lý thuyết được nhà kinh tế Simon Kuznets (1901 – 1985) giới thiệu vào năm 1954, phân tích mối liên hệ giữa sự phát triển kinh tế với bất bình đẳng thu nhập. Đến năm 1991, thuyết đường cong Kuznets bắt đầu được sử dụng để đánh giá tương quan giữa GDP đầu người và chất lượng môi trường qua thời gian.
2. Tài chính hóa (financialization), được Epstein định nghĩa là sự gia tăng liên tục vai trò quan trọng của thị trường tài chính, bao gồm các động lực, định chế và đội ngũ chuyên gia trong việc vận hành nền kinh tế trên quy mô quốc gia và quốc tế. Đây là một thuật ngữ tương đối xa lạ với nhiều người Việt Nam, nhưng thực tế là nó đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trong hơn 20 năm qua ở đất nước này.
3. Cần phân biệt hai khái niệm shareholder và stakeholder. Shareholder là người nắm giữ cổ phần (share) doanh nghiệp. Còn stakeholder thì liên quan tới công việc hơn là hoạt động đầu tư; chẳng hạn khi phát triển một sản phẩm, chúng ta cần có người đưa ra ý tưởng, người thiết kế, sản xuất, vận hành, marketing, và cả khách hàng, … mỗi mắt xích đều góp phần trong chuỗi giá trị.