Những người ủng hộ chính sách miễn phí bậc giáo dục đại học thường cho rằng việc không thu học phí sẽ tăng khả năng tiếp cận giáo dục đại học. Tuy nhiên, nghiên cứu của Richard Murphy và các cộng sự (2017) đã chỉ ra điều hoàn toàn trái ngược ở Anh. Chính sách thu học phí giáo dục đại học đã làm tăng tài trợ cho giáo dục và cho phép các trường tuyển được nhiều sinh viên hơn.
Trước năm 1998, sinh viên đại học công lập ở Anh không phải trả học phí do trường được tài trợ hoàn toàn bởi các cơ quan giáo dục địa phương và chính phủ. Để giúp trang trải chi phí sinh hoạt khi nhập học, sinh viên từ những gia đình có thu nhập thấp có thể nộp đơn xin trợ cấp, và tất cả sinh viên đều được nhận các khoản vay nhỏ của chính phủ để hoàn trả thông qua các gói thanh toán theo kiểu thế chấp sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 1980 đến 1990, nhu cầu về bằng cấp ở Anh tăng lên đáng kể, một phần do số lượng công việc đòi hỏi các ứng viên có trình độ đại học ngày càng nhiều. Điều này gây áp lực lớn lên ngân sách và những khoản tài trợ cho giáo dục. Kết quả, chi phí tài trợ cho mỗi sinh viên giảm mạnh từ 13.000 bảng vào đầu những năm 1970 xuống dưới 7.000 bảng vào năm 1990.
Do hạn chế về kinh phí, các trường đại học không đủ nguồn lực để nhận thêm sinh viên. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục đại học không mang lại lợi ích đều nhau cho sinh viên. Nghiên cứu của Blanden và Machin (2013) chỉ ra, từ năm 1981 đến năm 1999, tỷ lệ sinh viên từ những gia đình giàu có đi học tăng thêm 25%, trong khi con số từ những sinh viên nghèo là dưới 5%.
Trước bối cảnh này, Chính phủ Anh đã thực hiện một cuộc cải cách về giáo dục vào năm 1998. Theo đó, mức học phí tối đa 1.000 bảng/năm được đưa ra đối với các trường công với mục đích giúp các sinh viên con em gia đình có thu nhập thấp vẫn có khả năng chi trả. Đồng thời, Chính phủ triển khai một hệ thống tín dụng giáo dục dựa trên thu nhập sau khi tốt nghiệp, cho phép tất cả các sinh viên tiếp cận các khoản vay cho việc đi học. Trong những năm tiếp theo, học phí được tăng hằng năm; đến năm học 2021-2022, mức học phí tối đa là 9.250 bảng Anh/năm.
Sau hơn 20 năm cải cách, chính sách này đã đem lại những thành công đáng kể về chất lượng và mức độ tiếp cận của giáo dục đại học. Nghiên cứu của Richard Murphy và các cộng sự - sử dụng chi phí cho mỗi sinh viên làm thước đo chất lượng giáo dục - chỉ ra rằng nguồn lực dành cho mỗi sinh viên (bao gồm cả trợ cấp từ chính phủ và nguồn thu từ học phí) đã tăng gần 50% kể từ mức thấp lịch sử vào năm 1999 (ngay sau cuộc cải cách 1998, khi mà hầu hết sinh viên đều đang theo học hệ thống cũ). Cụ thể hơn, hầu hết các nguồn lực đến từ học phí, điều này đã giảm gánh nặng đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Không chỉ chất lượng mà mức độ tiếp cận giáo dục đại học cũng được cải thiện đáng kể sau cuộc cải cách năm 1998. Do có nguồn thu từ học phí, các trường đại học có thể phục vụ nhiều sinh viên hơn. Tỷ lệ nhập học đã tăng hơn gấp đôi trong số học sinh có độ tuổi 19-20 kể từ cuộc cải cách năm 1998, từ khoảng 16% lên khoảng 35% vào năm 2015.
Kinh nghiệm của Anh làm nổi bật một vấn đề cơ bản về vai trò của Chính phủ trong giáo dục đại học: Nếu các trường đại học phụ thuộc vào ngân sách nhiều hơn là vào học phí, thì mức đầu tư sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của người học.
Đại học miễn phí là một ví dụ điển hình nhất. Trong một hệ thống thị trường, nhu cầu của người học lớn sẽ giúp cải thiện nguồn lực của các trường nhờ việc đóng học phí. Chính sách miễn học phí lại không tận dụng được đặc điểm này và không thể theo kịp được nhu cầu của người học vì ngân sách có hạn. Ngoài ra, việc xác định số tiền phù hợp để phân bổ ngân sách cũng là một thách thức không nhỏ.
Cũng giống như Vương quốc Anh, giáo dục đại học Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể cả về chính sách và quy mô trong lịch sử: Việt Nam bắt đầu thu học phí từ năm 1993 để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước; và đến năm 2018, Việt Nam có gần 2,2 triệu sinh viên, gấp 16 lần so với năm 1981, với chỉ 133 nghìn sinh viên. Do vậy, Việt Nam có thể rút ra những bài học từ mô hình giáo dục của Vương quốc Anh.
Tất nhiên, một hệ thống thị trường thuần túy sẽ có những nhược điểm riêng của nó, vì có những sinh viên giỏi không thể tự trang trải học phí do hoàn cảnh khó khăn. Đổi mới tài chính đại học có thể giải quyết vấn đề này ở một mức độ nào đó, nhưng lúc này vai trò của chính phủ trong việc tài trợ cho giáo dục đại học là cần thiết để duy trì sự công bằng trong tiếp cận. Mặt khác, sự can thiệp của ngân sách trong giáo dục cần được thực hiện ở một mức độ phù hợp, để tận dụng tối đa những nguồn lực từ các bên: nhà nước, tổ chức giáo dục và người học.
Tài liệu tham khảo
Blanden, J., & Machin, S. (2004). Educational inequality and the expansion of UK higher education. Scottish Journal of Political Economy, 51(2), 230-249.
Murphy, R., Scott-Clayton, J., & Wyness, G. (2017). The end of free college in England: Implications for quality, enrolments, and equity (No. w23888). National Bureau of Economic Research.