Đây là một nhiệm vụ hết sức hệ trọng, một công việc lớn lao về nội dung, cần có sự tham gia của các bộ ngành và rất nhiều chuyên gia.
Để thực hiện nhiệm vụ này, theo tôi trước hết cần: xin tham gia 6 hướng tiếp cận ban đầu.
1. Phân tích khách quan và đầy đủ cán cân Được - Mất trên cả ba mặt kinh tế, môi trường và xã hội, đặc biệt sinh kế và sức khỏe của người dân đối với từng dạng năng lượng.
Thực tế đang diễn ra là hầu như chỉ có mặt kinh tế được xem xét, và cũng chưa phải đầy đủ, toàn diện, như sẽ thấy sau đây. Sinh kế và sức khỏe của người dân ít được quan tâm. Cần khẳng định và tìm được giải pháp ”Không thể đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế”, và cũng “không thể vì nghèo mà hy sinh môi trường và sức khỏe người dân”!
2. Theo dõi sát sao tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nói chung, năng lượng tái tạo nói riêng, đặc biệt năng lượng mặt trời (NLMT) và năng lượng gió (NLG), rút ra những dự báo và điều chỉnh kịp thời.
Các quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về khí thải của các nhà máy nhiệt điện than là khá lạc hậu so với quy chuẩn của các nước về bụi, về các khí SO2 , NOx. Chậm nâng cao QCVN ngày nào chỉ thiệt cho đất nước ngày ấy. Việt Nam chỉ nhận được công nghệ lạc hậu trong các dự án EPC mà thôi với tất cả các hệ lụy tai hại về kinh tế, môi trường và sức khỏe của người dân.
Tiếp tục đánh giá NLG và NLMT là những dạng năng lượng phân tán, gián đoạn, chưa thể tích trữ và do vậy còn lâu mới có thể phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, e rằng không bao lâu nữa sẽ, nếu không phải là đã, không còn phù hợp với những tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ, cũng như đối chiếu với những thay đổi về mô hình tăng trưởng kinh tế.
Tại Bình Thuận có 20 trụ điện gió đang sản xuất ra điện hòa vào lưới điện quốc gia. Con số này vẫn quá ít. Ảnh: T.T.D (quynhoncomputer.com.vn)
3. Tăng trưởng năng lượng phải đi trước, và là tiền đề cho tăng trưởng kinh tế. Điều này đã sẵn. Tuy nhiên nhu cầu và tốc độ tăng trưởng của năng lượng quốc gia còn tùy thuộc vào mô hình tăng trưởng kinh tế mà mô hình này của các nước ngày nay đã khác trước.
Tỷ trọng của kinh tế tri thức ngày càng tăng, công nghệ thông tin, tự động hóa can dự ngày càng nhiều vào quá trình sản xuất. Kinh tế công nghiệp 4.0, kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, một số ngành kinh tế dịch vụ sử dụng năng lượng không nhiều nhưng đóng góp ngày càng nhiều vào GDP. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng công nghệ cao cũng vậy.
Do vậy, mô hình tính toán nhu cầu và tốc độ tăng trưởng của năng lượng quốc gia, và bài toán phân bổ các dạng năng lượng cần được cập nhật.
4. Mô hình tăng trưởng kinh tế phải được lồng vào bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu toàn cầu và phải tính đến những tham vọng của các siêu cường về lãnh thổ, lãnh hải và tài nguyên thiên nhiên.
Thật khó để xuất khẩu, thậm chí phải tính đến nguy cơ bị cấm nhập khẩu các mặt hàng nông thủy hải sản nếu các trại nuôi tôm giống, các vuông tôm sinh thái xuất khẩu ở sát ngay cạnh các nhà máy gây ô nhiễm môi trường. Khai thác dầu khí ở nước ta không thể không tính đến sự biến động của giá dầu trên thế giới và tình hình trên Biển Đông.
5. Tổng sơ đồ phải tính đến tiềm năng năng lượng của các vùng kinh tế - sinh thái của đất nước, khai thác tối đa các tiềm năng này đóng góp vào tổng sơ đồ, đồng thời phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Sự đổi mới này trong xây dựng tổng sơ đồ năng lượng quốc gia phù hợp với đường lối phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước, và sẽ phục vụ đắc lực cho sự phát triển này.
Một ví dụ cụ thể đó là tiềm năng NLG ở duyên hải Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên, và tiềm năng NLMT suốt dọc duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ thuộc loại cao nhất nước.
Nguyên liệu cho NLG và NLMT hầu như vô tận, không mất tiền mua, không phụ thuộc vào giá cả thị trường, cũng như không chịu áp lực từ tham vọng bên ngoài về lãnh hải. Hai dạng năng lượng này hầu như chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà công nghệ thì hiệu năng ngày càng cao nên giá thành sẽ ngày càng thấp.
Khai thác tối đa các tiềm năng này đóng góp vào tổng sơ đồ, đồng thời phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương là một hướng đi căn cơ giúp các địa phương thoát nghèo một cách vững chắc và hưởng thụ được ánh sáng văn hóa mà dòng điện mang tới.
Tổng sơ đồ cần được đổi mới với tầm nhìn rộng và quan điểm hệ thống và động, đáp ứng được các yêu cầu trên.
***
Với đường lối phát triển kinh tế bền vững, trung ương và địa phương, dựa trên ba trụ cột tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng, tiến bộ xã hội; với một chính sách phát triển năng lượng sạch, tái tạo huy động sức dân vì sự phát triển của chính họ và của đất nước, và với cách xây dựng tổng sơ đồ năng lượng quốc gia được đổi mới, tôi tin rằng vào những năm 2030, Việt Nam sẽ có được một tiềm lực năng lượng cao, vừa tập trung vừa phân bố theo kinh tế - sinh thái, với cơ cấu tiên tiến, phục vụ hiệu quả sự nghiệp phát triển đất nước bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.